Những trưa mùa hè, đạp xe xách lồng cơm xuống cho nội, nắng rọi thẳng lên đỉnh đầu, cảm tưởng như chỉ cần ai sờ nhẹ vào thì mái tóc... nghệ sĩ sẽ bể ra từng khúc nhỏ, rớt ngập đường như thước phim đầy cô đặc về miền Trung.
Ngày ngày, tạt trên những con đường, tôi đã nảy mầm về một giấc mơ... ôn đới. Đêm ra hàng ba nằm ngóng những phiên gió ít ỏi, ngó mảnh vườn thanh long cằn cỗi dưới ánh trăng, thấy kết cục cái nghèo đã len vào dòng tư duy hồn nhiên...
Miền đất khô khốc chỉ trở nên dìu dịu vào mỗi buổi sáng khi thanh long vô mùa. Đạp xe cộc cạch chở nước, xuyên giữa đồng hoa trắng muốt và huýt sáo véo von đợi ngày quả chín. Ngày quả chín, ngôi làng bỗng đậm nét phố chợ, thương lái từ khắp nơi đổ về, thường là một người đàn ông lái xe và một người đàn bà ngồi đằng sau, hai chân thò vô hai giỏ cần xé, hình ảnh chính thống về những người đàn bà buôn đường dài.
Những cần xé thanh long đỏ au tròng trành ngược xuôi trên con đường còn lởm chởm đất tạo ra sự sầm uất tạm bợ và hiếm hoi vốn chìm trong những cơn khô kéo dài. Ký ức của tôi vào mùa thu hoạch hồi những năm 1990 còn thêm chuyện ba ngồi gom những trái thanh long hàng chôm (bé như trái chôm chôm) cho bò và má ngồi thấm nước miếng để đếm xấp tiền mỏng dính khi chiếc xe cuối cùng của thương lái rồ máy vút đi.
Cánh đồng thanh long đẹp như tranh nhưng nhìn buồn hiu với những anh chị còn thanh tân, đã rát mặt, rát da vì những vết cấu của chùm gai thanh long hình vương miện. Có lẽ mọi người đang muốn một kết cục có hậu hơn của những vất vả triền miên thời thanh xuân.
Nỗi buồn nông sản dứt cơn sau cả thập kỷ dài khi những đóa thanh long nghịch mùa nở trắng đồng vào nông vụ đông xuân. Vòm thanh long nứt gai, quang hợp dưới ngọn nắng đêm sau một ngày ngủ dưỡng trái. Những ngọn đèn đêm thắp lên khắp các mảnh vườn và dàn rộng ra như một thị trấn ánh sáng để thay nắng tắm táp lên những sợi cây gai guốc và im lìm.
Những lúc chong đèn thanh long, tôi đem nia ra ngồi ở đầu mảnh vườn, đọc bài ro ro vì chữ chạy rõ quá, óng ánh trên tập. Ánh sáng như chảy dồn vào tim, hừng hực một giấc mơ về ánh sáng chữ nghĩa, ánh sáng trong những dự báo vô thức.
Khi dàn ánh sáng vừa tắt đi là bình minh ló dạng từ phía cánh đồng, ngôi làng những ngày cuối năm, chưa bao giờ chìm trong bóng tối. Thèm những bữa sáng nhìn hoa đáp bóng cánh xuống giếng nước và hoan vui chờ trái ngọt nghịch mùa. Ngoài chợ, ngoài phố chẳng có bè phái trái cây ngon ngọt rẻ rề như hồi mùa chính nên thanh long ngẫu nhiên trở nên có quyền bính, giá tăng gấp chục lần, nghe phấn chấn cả đầu óc và hừng hực ý chí ra vườn đầy gai guốc.
Trái nghịch mùa được ủ ấp, chăm bón kỹ, trái nào da cũng căng đỏ, bóng lưởng, tai cứng khừ nên tung ra toàn hàng xuất, hàng cồ, không bị thương lái chê ỏng chê eo, không bị liệng vào thúng hàng dạt, hàng chôm... Những hôm thanh long chín đỏ rực làng, thương lái cũng vô ra ồ ạt, ra giá, tự sát phạt nhau giành mua từng vườn - một hiện tượng xã hội kỳ lạ mà người trong xã duyên hải khô cát này lần đầu mới thấy, lần đầu bật cười... ra nước mắt. Vựa thu chuyển từ đẩu đâu về sát xã, xe tải đông lạnh ra vô tấp nập tựa hồ như thành phố lớn, dòm lồng lộng mắt.
Ước mơ về một thủ phủ thanh long thành hình trong những tâm hồn nhỏ tuổi lớn lên trong giao thời. Những trụ thanh long non mọc lên, nối dài bất tận mấy mảnh vườn thanh long già cỗi như nối tiếp những khát khao. Ruộng rộc ao vườn trong làng được san bằng phẳng cho một kế hoạch phủ xanh thanh long trên diện rộng.
Người ta bắt đầu mê làm thanh long. Người ta mê những lúc thương lái vừa ra đi, để cọc tiền có những lúc lên tới chín con số. Những con số có thể xây nhà lầu, sắm tủ lạnh, xe ga và nói chuyện kiểu nhà giàu... Chẳng hạnh phúc nào bất tận bằng ăn bát cơm ngon do mồ hôi đổ hột trên mảnh quê mình...
Tiếng xe máy ồn ã khắp con đường làng, nuốt đi sự yên ắng và nghèo nàn. Trên những chiếc xe ga êm như ru, những giấc trưa sâu giấc trên những ngôi nhà gạch men mát rượi..., chẳng biết có ai còn nhớ lão nông chăn vịt, mùa lạnh đã treo đèn bên gốc thanh long già sưởi ấm cho lũ vịt để rồi tình cờ “phát minh” ra trái thanh long nghịch mùa. Chẳng biết có ai còn nhớ?!
Tác giả: Trần Minh Hợp
Ý kiến bạn đọc