Khách miệt vườn

Thứ bảy - 26/05/2012 03:05 3.486 0
Giữa ánh sáng lờ mờ của buổi hừng đông, Tư Kiên đẩy chiếc ghe tam bản ba chục giạ ra khỏi con mương cặp hông nhà, chống lại bến. Anh vừa buộc dây vào cây sào vừa kêu vọng lên:

- Má mày dọn đồ đạc rồi chưa, đem xuống ghe đi.

- Còn sớm mà ông hối như chạy giặc – Vợ Tư Kiên làu bàu.

- Đi bây giờ cho kịp nước xuôi. Đợi mặt trời mọc chèo ngược nước thấy mẹ à!

Chị Tư không trả lời, tất tả đi xuống bếp bưng cái thúng xoong chảo, chén đũa lên để trên tấm vạt tre, cạnh hai giỏ đệm chứa đầy mùng mền và quần áo.

- Ông đem cái lò xuống ghe dùm tui đi. Con Nhân đâu, lấy mấy cái lưỡi hái giắt trên vách cho má. Thằng Ái rửa mặt rồi vô thay đồ đặng đi nè!… Nhân à, ở nhà coi chừng bầy gà mái đẻ, cắt dây chuối dìa ủ cho heo. Tối kêu con Bé Hai con dì Út qua ngủ. Gái lớn rồi, đêm hôm khuya khoắt một mình không tiện. Bọc khô cá sặc với hủ mắm cá linh má để trên giàn bếp. Má đi chừng nửa tháng má dìa.

- Má mày chuyển vận cái gì mà lâu dữ vậy? Mặt trời lên cả sào mà chưa rồi nữa hà!

Giọng Tư Kiên có vẻ bực. Con Nhân khệ nệ bưng cái thúng xuống bến, chị Tư xách giỏ đi theo. Thằng Ái chạy trước, nhảy vội lên ghe, chui tọt vào cái mui hình bán nguyệt được chằm bằng lá dừa nước. Chị Tư đứng trước mũi ghe, nhổ sào lui ra khỏi bến. Dưới những giọt nắng xuyên ngang buổi sáng, chị Tư nhìn ngôi nhà nhỏ bé trống huơ trống hoác đã quá mùa thay lá lợp mới, chị ngó con Nhân một mình đứng trên sàn nước tới khi anh Tư chèo khuất sau hàng mù u mới thôi.

*

Như đã thành thông lệ, khi gió chướng thổi về, mùi thơm nồng đượm của hương lúa chín không còn bị bó hẹp trên những cánh đồng vàng ươm hạt mà ùa vào các làng quê, thôn xóm, thốc vào các ngõ ngách miệt vườn, ngấp ngé lan tỏa ở các thị trấn ven đô, ven thành thì những đoàn ghe bầu, ghe cui, ghe lườn, tam bản từ Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp… theo nước xuôi về Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu. Những con người nghèo nàn, gắn cuộc sống với đồng ruộng lam lũ quanh năm đi tha phương cầu thực, rày đây mai đó gặt lúc mướn như những kẻ hải hồ lang bạt lênh đênh trên sông nước ở trăm nẻo xa xôi. Người địa phương ít học, quê mùa gọi thẳng đuột họ là dân mần mướn. Còn kẻ hiểu biết tí chút về ngôn ngữ văn chương, thích dùng chữ nghĩa thì tặng cho họ một cái tên mỹ miều là khách miệt vườn. (Có lẽ vì họ đến từ miệt vương sông Tiền!). Nhưng cho dù mang một cái tên nào đi chăng nữa, bản chất và tập tính của họ không hề thay đổi. Có gia đình, có dòng họ đời này kiếp kia làm khách miệt vườn. Tuy nhiên, khách miệt vườn không phải vì đói khổ mà đi, vì cơ cực mà giong ruổi khắp miền khắp chốn. Bởi có khi, đủ ăn đủ mặc họ vẫn đi. Hình như cái dòng máu lang bạt kỳ hồ đã nhập vào hồn người trong những lần tắm sông từ thuở lên năm lên bảy, để sau này, mượn cớ khách miệt vườn xuôi ngược trên mạng sông ngòi chằng chịt của miền châu thổ Cửu Long để đi chơi, hay thăm bà con, người xưa, chốn cũ. Khách miệt vườn đi từng đoàn, có khi năm – ba chiếc ghe, có khi hơn chục chiếc, cứ chèo tình tang xuôi về phía hữu ngạn Hậu Giang rồi thẳng tiến. Mỗi chiếc ghe là một gia đình với hai vợ chồng và mấy đứa con, hoặc vài thanh niên trai tráng ở cùng xóm rủ nhau đi. Thường thì họ chèo ban đêm, trời dịu mát, không khí trong lành, nước lững lờ trôi nhẹ nên có ngược dòng cũng chẳng chậm mấy. Còn ban ngày, họ ghé chợ ven sông mua thịt cá, rau cải, rồi chèo đến khi mặt trời lên cao, họ tấp vào bờ, đậu lại dưới tán dừa nước hay những bụi bần cặp mé sông để nấu cơm, ngủ trưa, chờ tới lúc mặt trời nghiêng về phía tây, họ tiếp tục hành trình.

Ở cái đất Hòa Hưng này, có thể khẳng định chỉ mỗi nhà Năm Cương là đông khách miệt vườn nhất. Không phải vì Năm Cường giàu có, cũng không phải vì đất ruộng mênh mông, mà vì tính tình vui vẻ của vợ chồng Năm Cường, cái nết lễ phép của hai đứa con gái. Vã lại, Năm Cường có cái sân rộng lắm, lớn hơn mười chiếc đệm phơi lúa. Cái sàn nước lát gạch dài tới ba mét, trụ đổ xi-măng cốt thép. Khách miệt vườn cứ đậu ghe dưới bến, khiêng cái mui lên sân để che nắng che mưa, như một mái nhà di động. Họ lãnh gặt lúa của ai cũng được, không riêng gì của Năm Cường. Sáng sớm họ vội vã gói cơm đem đi và tối mịt thì mệt mỏi quay về chuẩn bị cơm chiều. Gia đình Năm Cường rất hiếu khách nên ai cũng mến. Năm nay cũng không khác mấy, độ khoảng tháng chín âm lịch, khách miệt vườn lần lượt đổ về đây, rải rác neo đậu dọc theo các ngã sông, kênh rạch. Trong đoàn ghe đó, có ghe của Tư Kiên.

Tư Kiên tấp ghe vào bến nhà Năm Cường, cạnh sáu chiếc ghe khác của “đồng nghiệp” đến trước. Vừa gặp nhau, Năm Cường vui vẻ:

- Tui thấy anh là lạ. Bộ anh mới tới đây lần đầu hả?

- Dạ! Mùa rồi tui với anh Tám Khỏe ở miệt Hòn Đất. Năm nay định đổi hướng thử coi sao.

- Vậy anh Tám Khỏe gì đó không đi nữa à?

- Đâu có, ảnh cũng xuống đây. Đang kẹp lãnh bốn công lúa chưa cắt xong nên một hai ngày nữa ảnh mới tới.

- Đi mấy ngày đường chắc mệt, thôi anh lên nhà uống trà chơi!

Hai người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi bắt tay chân tình, cười nói vui vẻ, ngỡ rằng đã quen biết từ lâu, chứ đâu hay họ mới gặp. Họ cùng đi vào nhà, ngồi đối diện ở cái tràng kỷ như thể thói quen thường khi đã trở thành nếp.

- Anh… - Năm Cường ngập ngừng.

- Tui tên Kiên, thứ tư.

- À, anh Tư. Anh tới đây mấy người?

- Dạ, vợ chồng tui với thằng con trai sáu tuổi. Chắc bả đang nấu cơm dưới bến, để tui kêu lên chào anh chị.

- Thôi, từ từ đã – Năm Cường xua tay, đoạn quay vào trong – Bà nó ơi, coi làm món gì tui với anh Tư nhậu lai rai chơi.

- Lúa mùa này đỡ không anh Năm?

- Thất hơn mùa trước, độ khoảng ba mươi lăm giạ một công. Tốt là cái giống này kháng rầy nâu và chịu phèn cao. Mấy bữa nay tính làm cho xong nhưng gần tới đám cưới con Lụa, lu bu quá.

- Chừng nào cưới vậy anh?

- Ngày kia.

- Anh gả cháu Lụa về đâu vậy?

- Thằng này tuốt trên Mộc Hóa, xuống đây cắt lúa mướn. Thấy nó hiền lành, chất phác, lại giỏi giắn, tui kêu ở ở rể.

- Cháu Lụa có chịu không? – Tư Kiên thoáng đâm chiêu.

- Sao lại không! Nó giống như má nó hồi đó.

- Vậy anh…?

Đêm đó, trên sạp ghe bồng bềnh, dưới ánh trăng non huyền hoặc, Tư Kiên, Năm Cường cùng mấy người khách miệt vườn khác uống rượu đế với cá lóc nướng trui. Sau mấy ly “chào sân”, Năm Cường thổ lộ:

- Tại mấy ông không biết, hai mươi năm trước tui cũng như mấy ông thôi. Quê tui ở Gò Công. Năm bảy tám, bảy chín, hạn hán dữ lắm, mùa màng thất bát triền miên, cái đói khổ chồng chất lên nhau. Do đó mà cả nhà tui bồng bế nhau chạy về đây kiếm sống. Đứa em gái tui được người ta thương nhận làm dâu… đổi lấy năm táo gạo để tui nuôi ông bà già – Giọng Năm Cường nghèn nghẹn – Sau đó, hễ tới vụ là xuống ghe xuôi về dưới này cắt lúa mướn. Lúc đó tui cắt giỏi lắm, từ sáng tới trưa là tui làm đứt một công. Ông già vợ tui bấy giờ thấy tui siêng năng có nhã ý gả vợ tui cho tui. Chuyện đời nghĩ cũng lạ. Nhiều khi tự mình không thể tính được mà ông trời ổng tính dùm. Mấy ông nghĩ coi, tui đang nghèo chết mẹ chết cha, một cục đất chọi chim cũng không có, lang thang lứ thứ làm thuê làm mướn lấy tiền đâu cưới vợ. Đùng một cái, có vợ con, nhà cửa đàng hoàng, có đất đai để mần ruộng. Bởi vậy mới nói, con người ta sống cốt ở cái tình, cái nghĩa, cái đạo đức mới thơm lâu, cho dù có vàng lu vàng hủ cũng không đổi được.

- Chị chịu lấy anh à? – Người đàn ông ực xong ly rượu, khà một tiếng rõ to, hỏi.

- Nghĩ lại hoàn cảnh của mình tui ngại lắm! Sau này cưới nhau rồi, tui hỏi cổ không chê tui nghèo hả. Cổ nói: Nghèo gì, nghèo thì em đâu có lấy anh!

Giọng hài hước của Nam Cường làm mọi người bật cười lớn như đánh thức cả một khúc sông xa. Và, câu chuyện về anh cũng kéo họ xích lại gần nhau hơn. Họ nâng ly chúc mừng. Chẳng biết mừng cái gì, nhưng chắc chắn rằng trong đó có sự đồng cảm, có một lối đi chung. Tư Kiên ngập ngừng:

- Có điều này… tui hỏi nhưng anh đừng giận!

- Giận cái gì? – Năm Cường nhíu mày.

- Thì anh hứa đi!

- Hứa.

- Có phải vì… anh như vậy nên… đối xử tử tế với bọn tui?

Im lặng. Tiếng gió chướng vi vu bên tai. Tiếng sóng vỗ vào mạn xuồng ọc ạch. Cả tiếng hò, tiếng hát ngêu ngao của khách miệt vườn từ xa vọng tới. Một khắc chờ đợi câu trả lời trôi qua, Năm Cường trầm ngâm:

-Tui không biết nói sao nữa. Vì tui không thể nói đúng, cũng không thể nói sai. Nhưng chắc anh Tư với mấy ông đây thấy những người cố cụ ở đây từ đời này sang đời khác, đâu có ai khinh rẻ tụi mình. Họ không nghĩ đồng tiền là trên hết. họ biết sống lắm!

-Hay! Phải đó, anh nói chí lí, rất chí lí. Nè, ly rượu này cạn nghen. Một trăm phần trăm.

Tiếng vỗ tay lốp bốp, vỗ đùi đen đét và tiếng cụng ly lóc cóc vang lên nối tiếp nhau tạo thành một âm thanh kỳ lạ đến mê hoặc, níu kéo những người khách lạ. Họ vừa uống vừa rỉ rê tâm sự cho tới khi ngà ngà say, họ bắt đầu hò. Ban đầu thì một người hò, sau đó thì năm bảy người cùng hò. Giọng hò không hay lắm, không nhuần nhuyễn lắm, nhưng chứa đựng tất cả nỗi lòng của những người khách miệt vườn cứ trôi dài trên dòng sông lạnh vắng:

“Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn

Xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông”

“Ngồi buồn vọc nước giỡn trăng

Nước xao, trăng dợn biết rằng về đâu?!”

*

Chẳng hiểu sao khách miệt vườn khi đã đến nơi thường hay ngã bệnh, không biết có phải do lạ chỗ, lạ nơi, không quen với thời tiết khí hậu; hay vì mấy ngày đi đường dầm mưa dãi nắng cho chuyến hành trình; hoặc sau thời gian nhàn rỗi công việc đồng áng, nay ra ngoài đồng “nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mù sương”… nên ngã bệnh?! Nhưng dù cho thế nào đi nữa, những cơn bệnh xoàng như: cảm, ho, sổ mũi, sốt… cũng làm cho khách miệt vườn khốn khổ lắm rồi. Khi ấy, không thể đi làm mướn được, nghĩa là không làm ra tiền, thiếu cái ăn, hụt cái khoảng để dành đi về xứ. Trên mặt họ lại hằn lên những vết chân chim và tóc trắng trên đầu cũng tăng lên gấp bội. Nếu người xưa gặt lúa dưới trăng có phần tao nhã và đưa duyên trai gái thì với khách miệt vườn, đặc biệt là những gia đình có người bệnh, thì đó là thời gian quý báo để tăng thu nhập, một kiểu “tăng ca” bất đắc dĩ để kiếm tiền. Nhớ hồi tết năm ngoái, chú Chín Bún không có tiền về quê do thiếm Chín bị sốt, bao nhiêu tiền bỏ ra trị bệnh, trong khi đó phải nuôi thêm ba đứa con nhỏ. Vợ chồng Năm Cường năn nỉ riết chú thiếm Chín mới chịu lên nhà ăn tết với gia đình. Cũng bánh trái no nê, cũng nhậu nhẹt li bì, cũng ca múa rình rang trong mấy ngày xuân. Anh chị Năm Cường xem chú Chín Bún như người một nhà, như anh em xa cách lâu ngày mới trở về, những mong xoa dịu phần nào nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bàn thờ gia tiên lạnh lẽo trong lòng chú Chín!

Nhưng, với gia đình Tư Kiên thì hoàn toàn không. Ngót hai mươi năm xuôi ngược, dù nắng - mưa - sương - gió cũng chẳng hề hấn gì. Đã có lần Tám Khỏe khen: “Gia đình anh có phước thiệt, mần vậy mà mạnh cùi cụi, khỏe như trâu!”.

Sáng nay, vợ chồng Tư Kiên cắt lúa cho bác Bảy Thòn. Bác Bảy được mười công tầm đứng, trồng lúa hết, chín vàng ươm một lượt. Bác chia cho ba “mối”, riêng Tư Kiên ưu tiên bốn công, vì kỹ thuật gặt lúa bằng lưỡi hái trên ruộng lúa ngắn ngày của anh gần như tuyệt đối, gấp đôi người ở đây. Mấy đứa nhỏ đi mót lúa gặp đám lúa của anh gặt thì ngày đó về tay không, chả lượm được bông nào cả. Còn vợ Tư Kiên “chân yếu tay mềm” cũng ngang ngửa với chồng, cũng một chín một mười. Từ năm giờ sáng tới giờ, mặt trời lên được chừng hai sào, vợ chồng Tư Kiên đã cắt đứt một công, gom lại từng bó đàng hoàng. Tư Kiên ngồi nghỉ mệt vấn thuốc trên bờ mẫu, chị Tư lấy chén rót nước trong ấm đưa cho chồng.

- Đằng này có hố bom, cá ục nhiều lắm. Để tui lấy tay lưới thả xuống kiếm vài con cá dìa ăn.

Nói là làm. Chị Tư xắn quần lên tới đầu gối, lội vòng theo mé hố bơm. Được vài bước, bỗng chị giật nay người rồi nhảy lên bờ, ngồi bẹp xuống ruộng.

- Gì vậy? – Tư Kiên vừa nói vừa đi về phía vợ.

- Miểng.

- Miểng gì?

- Không biết.

Tư Kiên bồng vợ đưa lên bờ mẫu. Máu dưới bàn chân dính đầy sình của chị chảy ra, rớt dài theo lối đi. Tư Kiên vội lấy ấm nước rửa chân cho chị. Những mảng sình đất trôi đi, dần dần lộ ra vết cắt rấn bén, sâu huấy, thịt lòi ra trắng huế giữa màu đỏ ối của máu. Da bị đứt giạc ra hai bên tạo thành “cái miệng” dài khoảng ba phân, nằm giữa lòng bàn chân. Năm ngón chân co rút từng đợt làm cho những đường nét nhăn nhó đau đớn trên gương mặt rám nắng của chị càng thêm khắc khổ. Mấy người cắt lúa gần đó chạy xúm lại rối rít:

- Trời ơi! Máu ra nhiều quá, kiếm vải băng đi.

- Vải ở đâu đây! Nè, tháo cái quay nón lá kia.

- Khoan khoan, để tui nhổ cỏ cứt heo cầm máu mới được.

- Lá lúa thì có. Thôi băng đỡ đi, vô nhà kiếm thuốc bó sau.

- Anh Tư cõng chị về trước, đồ đạc lát nữa tui xách vô cho…

Mọi người lo lắng vậy nhưng rồi cũng đâu vào đấy, hình như với họ mấy chuyện tương tự như vầy đã quá quen, đã gặp nhiều nên xem ra rất bình thường.

Tư Kiên kề vai cõng vợ đứng dậy bước đi chậm chạp. hai cái bóng chồng lên nhau ngã nghiêng trên đám ruộng vừa gặt trơ gốc rạ.

*

- Thịt chị Tư độc quá, mới qua một ngày mà sưng húp hết trơn. Anh có đưa chị Tư đi chích ngừa chưa? Coi chừng bị phong đòn gánh đó.

- Bác Bảy nói để bác lo cho.

Tư Kiên thở dài. Tiếng thở rõ hơn tiếng thì thầm của sóng, tiếng reo của gió và tiếng kêu của côn trùng. Tiếng thở làm cho đêm cựa mình trở giấc.

- Hay là anh đưa chị lại nhà tui! Nhà rộng, vợ tui chăm sóc tiện hơn. Bác Bảy lớn tuổi rồi.

- Bữa qua chị Năm có gợi ý, nhưng bác Bảy không chịu. Vã lại, ngày mốt đám cưới cháu Lụa, khách khứa đông, phiền phức lắm!

- Có gì đâu. Mọi việc tụi nhỏ lo hết, mình rảnh tay rảnh chân mà!

- Bữa hổm anh nói mướn… cái gì… dàn đờn dàn điếc gì đó, được chưa?

- Ờ. Ở đây là vậy đó. Phải có trống đờn, ca hát suốt đêm mới là cưới. Tụi thanh niên khoái lắm, vừa nhậu vừa ca mấy đêm liền cũng không thấy mệt. Bữa thằng Tân con anh Tám Lượm cưới vợ, nó mướn dàn đờn ngoài xã gần triệu bạc mà không hay. Mấy tay đờn dở ẹt, tui ca bài xàng xê mà mấy chả cứ rao hòai vô không được! Kỳ này tui dành dụm mót tái kiếm hai triệu chơi dàn đờn trên huyện, có mấy tay đờn chuyên nghiệp giỏi lắm. Tới bữa đó anh coi, mê chết luôn!

   - Hai… triệu?

Tư Kiên đang vấn thuốc bỗng trố mắt nhìn Năm Cường. Rồi Tư Kiên cúi đầu như để che giấu sự hổ thẹn với chính mình vì suy nghĩ đó. Năm Cường vỗ vai Tư Kiên, cười giả lả:

- Mới lần đầu ngồi sui ngồi gia cũng phải cố gắng chứ anh!

Trăng giữa tháng lên đến đỉnh đầu. Màu sáng huyền dịu vỡ òa trên mặt sông. Ghe của khách miệt vườn chèo vội, rẽ sóng lấp lánh. Bất chợt, một chiếc ghe tam bản có mui dừng lại cặp sát ghe Tư Kiên.

- Anh Tư Kiên phải không?… Dìa trển liền đi, con Nhân mổ ruột thừa trong bệnh viên ớ.

- Cái gì? Anh nói… nói… cái gì, anh Tám? – Tư Kiên nhổm dậy như ngồi phải lửa.

- Nửa đêm hôm kia, con Bé Hai chạy qua kêu tui nói con Nhân đau bụng dữ. Tui qua thấy nó ôm bụng oằn oại, tui liền đưa nó lên xã. Xã nói nó bị đau ruột thừa nên phải chuyển nó lên huyện cho người ta mổ. Hiện giờ dì Út đang ở trỏng với nó.

- Dì Út! – Tư Kiên lẩm bẩm như kẻ vô thức ngồi bệt xuống sạp ghe.

Khốn khổ thay, chuyện này chưa qua chuyện khác đã tới. Cái nghèo nàn đã bám víu còn vướng cái khó khăn. Vợ nằm một nơi, con nằm một chỗ như cái đòn gánh đè nặng trên vai. Lục túi lấy tiền, mấy chục ngàn đem theo làm lộ phí đã hết. Lúa mới cắt hai công được ba giạ nhưng chủ chưa tuốt hạt làm sao đong? Chẳng lẽ phải dắt díu nhau về quê để rồi ba ngày tết lấy đâu thịt cá, bánh mứt cúng ông cúng bà, lấy gì mua quần áo mới cho con? Mà chèo ghe cũng mất hai ngày đêm, con Nhân ra sao? Dì Út thì nghèo, lại thêm sáu đứa con nheo nhóc, què quặt! Tư Kiên ôm đầu, vò đi vò lại mớ tóc khét nắng.

- Tui còn gần trăm ngàn nè, anh lấy sáng mai đi xe dìa trển coi tình hình sao.

Tư Kiên ngước nhìn Tám Khỏe. Anh không cầm lấy tiền cũng không trả lời, lại cúi đầu như thể kìm nén cái yếu đuối của thằng đàn ông sắp tràn ra khóe mắt. Hồi lâu, bờ vai Tư Kiên run lên nhè nhẹ. Khi có một bàn tay đặt lên vai, anh như bừng tỉnh.

- Anh cầm hai triệu dìa lo cho cháu Nhân, để chị với thằng Ái ở lại đây. Khi nào xong anh trở xuống.

- Năm… Cường!

- Anh đừng ngại. coi như tui mướn xong dàn đờn cho con Lụa… Cầm đi! Anh là ba, tui cũng là ba mà!

Tư Kiên ôm chầm Năm Cường, mắt ngân ngấn nước. Chiếc ghe chao nghiêng tạo nên những con sóng lăn tăn chạy vào bờ như dòng sông đang lặng yên bỗng giật mình thổn thức, nghẹn ngào!

Tác giả: Hồ Kiên Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây