Nơi sóng biển chập chùng

Thứ hai - 16/12/2013 13:31 6.319 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Quần đảo Thổ Chu với nét đẹp hoang sơ và thơ mộng cùng những câu chuyện kể từ buổi đầu ông cha ta đã phát hiện, khai phá quần đảo, đặc biệt là cuộc sống và làm việc của những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên quần đảo tiền tiêu này, tất cả có một sức hút diệu kỳ làm rung động lòng người, nhất là đối với những người đã một lần được đặt chân lên đảo.

Tôi - sau một lần đến đảo trong chuyến đi thực tế cùng anh em văn nghệ sĩ Vĩnh Long do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức từ tháng 3 năm 2012, đảo luôn hiện diện trong tim tôi…

Quần đảo Thổ Chu nằm trên vùng biển cực Tây Nam, là một đảo tiền tiêu của Tổ quốc, gồm 8 hòn đảo, trong đó đảo Thổ Chu lớn nhất có diện tích gần 14 km2; các đảo còn lại có diện tích rất ít là Hòn Từ, hòn Đá Bạc, Hòn Đá Bàn, Hòn Cao Cát, Hòn Nhạn, Hòn Khô, Hòn Xanh; đặc biệt, Hòn Nhạn là nơi trú ngụ của loài chim Nhạn được chọn làm điểm chuẩn A 1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam.

Trung tâm hành chính của xã đảo Thổ Châu đặt tại đảo Thổ Chu; cách Tây Nam đảo Phú Quốc 55 hải lý, nằm gần đường hải biên quốc tế Bangkok (Thái Lan), Komponsom (Campuchia) có vị trí chiến lược rất quan trọng về an ninh, quốc phòng. Đảo có độ cao trung bình 100m cách mặt nước biển, nơi cao nhất 184 m là ngọn Hải Đăng và Đài Ra Đa.

Môi trường thiên nhiên đảo Thổ Chu rất thơ mộng, đảo có 4 bãi biển là Bãi Ngự, Bãi Dong, Bãi Mun và Bãi Nhất; Bãi Mun nước trong veo ta có thể ngắm san hô và nhìn đàn cá lội tung tăng; bãi Nhất đẹp nguyên sơ với bờ cát trắng mịn chưa in dấu chân người.

Trên đảo có loài cây phong ba bám rễ rất chắc, đứng vững vàng trước mọi bão giông, hoa từng cánh trắng muốt, nhụy vàng và trái phong ba giống như trái chanh dây, màu xanh nhưng khi già sẽ chuyển sang màu rượu vang đỏ rất đẹp; những ngày thực tế ở đảo đám nữ chúng tôi đã hái hoa ép vào trang sách để mang về. Ngoài cây phong ba, đảo còn có loại cây bàng vuông lá to, những đóa hoa bàng rơi rụng đầy trên mặt đất, hoa có màu hồng từ nhụy, cánh như tia pháo bông tủa ra bên ngoài màu trắng rất đẹp. Nhưng muốn ngắm hoa bàng vuông nở thì phải đợi đến chập tối hoa mới nở và hoa rơi rụng ngay trong đêm, vì vậy ban ngày thì chẳng bao giờ ngắm được hoa bàng nở trên cây! Quả bàng vuông to và giống hình chiếc bánh ú, anh em bộ đội thường nhặt quả khô tặng người đất liền làm quà mang về.

Sự sống hồi sinh, cuộc sống mới bắt đầu

Trong lịch sử đảo Thổ Chu, người dân xã đảo Thổ Châu không sao quên được một sự kiện lịch sử bi thương: Sau chiến thắng 30/ 4/ 1975, vào lúc bộ đội địa phương huyện Phú Quốc đang tiếp quản các cơ sở của địch để lại, thì ngày 3/ 5/ 1975 quân Khơmer đỏ (Pôn- Pốt) sang chiếm giữ đảo và đã đưa hơn 500 người dân Thổ Chu ra biển thảm sát.

Ngày 27/ 5/ 1975, tại Bãi Chiến Thắng - cụm chiến đấu 2 hiện nay- quân đội ta sử dụng đặc công luồn sâu vào lòng địch đánh ra và bộ đội chủ lực từ ngoài đánh vào, đã tiêu diệt sạch quân Pôn- Pốt và dành lại đảo. Nhưng đảo hoang tàn vắng vẻ, vì chỉ còn vài người sống sót. Thời gian này, trên đảo chỉ có bộ đội ta làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.

Vào năm 1992, theo chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Ban chỉ đạo lâm thời xã Thổ Châu được thành lập. Tháng 4 năm 1992, anh Huỳnh Bình Khởi, Trưởng Hội Nông dân tập thể xã Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đưa 6 hộ gia đình với khoảng 30 người dân đầu tiên ra đảo Thổ Chu. Những ngày mới ra người dân còn nhiều bỡ ngỡ, bộ đội đón dân vào ở tạm tại Hội trường của đơn vị và đi câu cá, hái rau, nấu cơm cho dân ăn. Sau đó, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đi vào rừng chặt cây, dựng nhà cho dân ở Bãi Ngự. Hồi ấy, doanh trại bộ đội và nhà dân chỉ bằng cây rừng, vách lá, mái tôn đơn sơ và thức ăn chủ yếu tự cung, tự cấp - câu cá, đánh bắt cá, trồng rau để ăn. Sau đó, mỗi hộ được cấp nền nhà 5 m x 40 m, được hỗ trợ phương tiện đánh bắt để sinh sống.

Thượng tá Dương Đức Mười - người con của quê hương Hải Phòng là Chỉ huy trưởng Hải quân đảo Thổ Chu. Người sĩ quan đã có gần 22 năm ở đảo Thổ Chu kể về những gian khó buổi đầu: “Thuở ấy, phương tiện nghe nhìn còn hạn chế, đời sống văn hóa của người dân cũng như bộ đội nơi đảo xa rất thiếu thốn. Tháng 6/ 1992, Tổng cục Chính trị đầu tư cho đảo một chảo Parabol, toàn đảo chỉ có 1 cái truyền hình, đây cũng là một sự kiện vui của đảo. Vậy là, cứ mỗi tối dân nô nức cùng vào doanh trại bộ đội xem truyền hình và từ lúc nào những người đầu tiên ở đảo đã gần gũi với bộ đội như người thân một nhà. Lúc đó, 3 tháng mới có một chuyến tàu ra - vào. Bộ đội dõi mắt trông tàu ra để được nhận thư nhà. Ai không có thư thì cùng đọc thư đồng đội cho đỡ nhớ nhà, một sự san sẻ chí tình, trong tinh thần “vui thì cùng vui, khó khăn thì cùng gánh vác”. Những lúc này dù còn nhiều gian khổ nhưng tình đồng đội, tình quân dân gắn bó thật đậm đà và đó chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp quân dân đảo Thổ Chu tăng thêm sức mạnh, vượt qua mọi thử thách ban đầu để chung tay xây dựng và phát triển đảo”.

Cuối 1992 đến đầu năm 1993 có thêm nhiều hộ dân ra sinh sống. Ngày 24/ 4/ 1993 Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 19/CP chính thức thành lập xã Thổ Châu trên toàn bộ diện tích của quần đảo Thổ Chu với diện tích tự nhiên là 2.634 ha, có 17 hộ dân với 94 nhân khẩu, đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển và hình thành của đảo Thổ Chu.

Ngoài dân cư của đảo, thì còn có một số ngư dân từ nơi khác đến tạm trú để đánh bắt cá xa bờ. Dân tập trung sống ở Bãi Ngự nhưng đến tháng 4 hàng năm chuyển sang Bãi Dong vừa tránh gió bão, vừa buôn bán cho tàu ghe.

Hầu hết dân ra đảo đều rất nghèo nên không mấy ai có học vấn cao. Từ cuối năm 1992, Ban chỉ huy đảo cử bộ đội mở lớp dạy học cho dân. Bác sĩ Quân y Nguyễn Duy Thế làm thầy giáo đứng lớp, dạy 11 cháu học lớp 3 và 4; đồng chí Khoa - Trung đội trưởng Trung đội Thông tin dạy 16 cháu học lớp 1 và 2, cho đến năm 1994, khi có 2 phòng học tại xã Thổ Châu thì mới chuyển các cháu về đây học. Năm 2001, xã đảo thành lập trường THCS xã Thổ Châu, đến nay thì các cháu học xong lớp 9 vẫn phải vào Phú Quốc hoặc Rạch Giá để tiếp tục học lớp 10.

 

Trước năm 2006, đảo chỉ có một máy phát điện của bộ đội. Đến năm 2006 mới có trạm phát điện của xã đảo, đây là một bước phát triển mà người dân rất mừng, có điện mọi sinh hoạt thuận lợi hơn. Song song đó, có sóng điện thoại của Viba, người dân cũng thuận lợi hơn khi quan hệ với đất liền và bộ đội cũng đỡ nhớ nhà, vì được nói chuyện với người thân ở quê.

Những năm này, bộ đội và người dân đi lại trên đảo với đường mòn chứ chưa có đường ô tô chạy. Cho đến năm 1996 - 1997 đường bê tông trên đảo được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng, xe ô tô chạy qua tất cả những tuyến đường đến với các đơn vị trên đảo; là con đường bộ đội hải quân tuần tra, cũng là con đường tham quan duy nhất, chỉ rộng khoảng 3, 5 m, đường quanh co, lên xuống trập trùng như khi đi trên cao nguyên, dọc hai bên đường là rừng nguyên sinh ngút ngàn.

Bao quanh các doanh trại bộ đội, hàng rào bằng bê tông được thay cho hàng rào bằng cây rừng trước đây; những mái nhà rông, ghế ngồi bằng gốc cây rừng và xi măng được chạm khắc rất khéo léo để bộ đội quây quần bên nhau đánh cờ, vui chơi khi nghỉ ngơi; nhiều sân bóng chuyền cũng đã hoàn thành; các bảng panô, áp phích tuyên truyền cũng được bê tông hóa đúng qui cách và có tính thẩm mỹ cao…tất cả đều do công sức bộ đội làm nên.

Các đơn vị bộ đội trên đảo cùng thực hiện chủ trương Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng vũ trang chính qui, tinh nhuệ và hiện đại trên các lĩnh vực; từng đơn vị luôn chú trọng công tác xây dựng đơn vị vững mạnh cả về chính trị và nghiệp vụ, bộ đội được huấn luyện tinh thông, xác định nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Ngoài việc xây dựng doanh trại kiên cố, các đơn vị Hải quân và Đồn Biên phòng 710 chú ý tạo cảnh quang trên sân, những cây xanh tỏa bóng mát, nhiều ghế đá được đặt trong khuôn viên doanh trại để bộ đội ngồi thư giản, góp phần xây dựng đơn vị xanh, sạch đẹp, môi trường văn hóa, văn minh. Phía trước Đồn Biên phòng, ven biển là công trình Thanh niên của đơn vị, các chiến sĩ đã trồng những khóm hoa khoe sắc rực rỡ và hàng dừa xôn xao vẫy lá. Bên cạnh, là cây bàng vuông tỏa bóng xanh tươi, ngoài kia là biển xanh, những cánh chim hải âu lượn trên sóng dưới ánh nắng chiều…tất cả như một bức tranh in đậm vào lòng người. Những người lính áo xanh tất bật với nhiệm vụ kiểm tra, tuần tra, giám sát các phương tiện trên vùng biển quản lý; nhiều vụ vi phạm, buôn lậu trên sông đã được bộ đội Biên phòng phát hiện, đưa về cơ quan chức năng xử lý.

Cuộc sống của những người lính xa nhà

Trên đảo Thổ Chu, Trạm Ra đa 600 và Ngọn Hải Đăng là nơi cao nhất. Vào mùa khô thiếu nước trầm trọng, cán bộ chiến sĩ phải tiết kiệm từng ngụm nước. Mỗi ngày đi tắm phải lội bộ xuống dưới chân núi khoảng 2 km, từng người phải mang theo can nhựa 5 lít, để đem lên trạm sử dụng, cuộc sống rất vất vả nhưng các chiến sĩ vẫn tươi rói nụ cười đón khách. Đơn vị tận dụng nước sinh hoạt dành để tưới rau xanh, cải thiện bữa ăn cho bộ đội.

Buổi sáng, ngày thứ tư của chuyến thực tế, tôi cùng một nhiếp ảnh gia trong đoàn vượt qua một cánh rừng nguyên sinh, chỉ có tiếng lá xào xạc và tiếng chim hót ríu ran tạo một cảm giác thật thanh bình, yên ả. Theo một lối mòn, đường dốc đổ xuống, gập ghềnh rất khó đi, gần 2km chúng tôi mới đến trạm quan sát Bãi Nhất, trực thuộc cụm chiến đấu 1 Hải quân vùng 5. Căn nhà hai gian được sơn màu vàng nghệ, chỉ khoảng 100m2, nằm cheo leo lưng chừng núi, sát biển, là nơi các chiến sĩ trạm quan sát sống và làm việc; ở đây cách rất xa Ban chỉ huy đảo, không kéo được đường dây nên không có điện sử dụng, bộ đội chỉ thắp đèn dầu trong đêm, sóng điện thoại thì cũng không có, Ban chỉ huy chỉ liên lạc với anh em qua bộ điện đàm. Tiếp xúc với những người lính ở trạm, tôi mới hiểu hơn những gian khổ của cán bộ chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu.

Một cảm xúc dâng trào khiến tôi bật ra câu hỏi khi gặp Trung tá Đỗ Cần Chính quê hương Thái Bình - đã nhiều năm là Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1 Hải Quân Thổ Chu: “Sức mạnh nào khiến bộ đội ta chịu đựng được gian khổ vậy anh?”. Vị Trung tá bày tỏ: “Phía sau những người lính chúng tôi là mẹ cha, là vợ con, là quê nhà…muốn giữ bình yên cho những người thân yêu của mình, làng quê mình thì phải một lòng bảo vệ Tổ quốc, mà đã vào quân đội thì chúng tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Chúng tôi luôn nhắc nhở các chiến sĩ ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “Người đi trước đã có công dựng nước, Bác cháu ta hôm nay phải có công nước” thế nên dù gian khó nào chúng tôi vẫn không chùn bước”.

Thiếu tá Trần Quốc Hoàn- quê hương Thái Bình - là Chính trị viên Đồn Biên phòng 770 tâm sự: “Hầu hết cán bộ chiến sĩ đều phải sống xa nhà, nhưng anh em đều xác định “Đồn là nhà, biển đảo là quê hương” Thế nên, tất cả anh em chúng tôi đều yên tâm công tác và cảm nhận được niềm vinh dự khi được đến vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc để làm nhiệm vụ, chúng tôi luôn đặt “Tổ quốc là trên hết. Nhiệm vụ của người lính là hàng đầu”, chúng tôi sẵn sàng đối phó mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù để bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển Tây Nam của Tổ quốc”

Trung úy trẻ Nguyễn Đình Thành - Đồn Biên phòng 710 - bày tỏ: “Quê hương em ở Nghệ An, hồi mới ra đảo em cũng nhớ nhà, nhớ người thân lắm nhưng dần dần thì quen đi. Ở đơn vị có đồng đội như anh em một nhà. Chúng em cùng làm việc, cùng học tập, sinh hoạt và khi đau bệnh thì chăm sóc nhau như người thân ở nhà”.

Thỉnh thoảng người thân của cán bộ, chiến sĩ cũng ngàn dặm lặn lội ra đảo thăm chồng, con của mình, các chiến sĩ đón người thân của đồng đội như người thân của mình.

Ở đảo xa, điều kiện sống còn nhiều gian nan, thiếu thốn nên rất cần có sự cảm thông, chia sẻ trong giải quyết mọi công việc. Ngoài việc, lãnh đạo xây dựng lực lượng vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu. Lãnh đạo các đơn vị bộ đội trên đảo luôn quan tâm thực hiện chế độ, chính sách tạo điều kiện cho bộ đội yên tâm làm nhiệm vụ. Khi gia đình bộ đội ở quê nhà chẳng may có sự cố hoặc “hiếu, hỉ”, thì Ban chỉ huy ưu tiên sắp xếp cho anh em về phép tranh thủ. Cả đơn vị, mỗi người một ít cùng đóng góp, sẻ chia trong tinh thần đồng đội.

Để tạo sự tác động tích cực cho bộ đội phấn đấu rèn luyện phẩm chất, nhiều năm qua các đơn vị đã đưa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” vào mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của mỗi quân nhân, góp phần xây dựng hoàn thiện những phẩm chất của“Bộ đội Cụ Hồ”. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội luôn nêu cao ý thức tự giác chấp hành tốt kỷ luật, Pháp luật, không để xảy ra trường hợp vi phạm nào.

Các đơn vị bộ đội trên đảo tham gia tích cực phong trào thi đua xây dựng Đơn vị Quyết Thắng, với những tiêu chí cơ bản “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”. Kết quả, liên tục trong nhiều năm Đảo Thổ Chu Vùng V Hải quân và nhiều đơn vị trực thuộc; Đồn Biên phòng 710 đều đạt cờ Đơn vị Quyết Thắng.

Cuộc sống vật chất, tinh thần bộ đội luôn được chú trọng. Để đảm bảo bữa ăn của bộ đội đủ dinh dưỡng, đủ rau sạch, vườn rau của các đơn vị rất phong phú: mồng tơi, cải xanh, rau dền, rau muống, bí, bầu sả, ớt…có cả khoai lang và đu đủ, chuối, mít. Có đơn vị còn nuôi vịt xiêm cải thiện bữa ăn và nuôi heo tạo nguồn quỹ phúc lợi chăm sóc đời sống cán bộ, chiến sĩ.

Mỗi chiều, sau giờ làm việc bộ đội cùng nhau đánh bóng bàn, bóng chuyền, đá banh. Buổi tối thì sinh hoạt, học tập hoặc đàn hát cho nhau nghe. Các đơn vị qui định chế độ xem chương trình thời sự Đài Truyền hình Việt Nam vào mỗi tối giúp bộ đội cập nhật thông tin, am hiểu tình hình trong nước và nắm bắt kịp thời các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ngày nghỉ cuối tuần, bộ đội thường xuống nhà dân hoặc thăm đồng hương, để tìm không khí gia đình cũng nhằm tạo mối quan hệ gắn bó quân dân hoặc tập hợp ở các bàn đá ngồi uống trà, đánh cờ, kể chuyện tiếu lâm để tiếng cười rộn rã bay xa.

Hàng năm Tết đến, bộ đội được nghỉ 4 ngày tại đơn vị. Các đơn vị cùng nhau vào rừng cắt mai về chưng Tết, tìm lá chuối rừng gói bánh tét và bánh chưng. Đêm giao thừa hàng năm, các đơn vị tổ chức hoạt động đón giao thừa, có mời đại diện Chính quyền và nhân dân địa phương cùng tham gia. Đồn Biên phòng 710 thì tổ chức đốt lửa trại, ca hát, nhảy múa; các đơn vị Hải quân thì tổ chức “hái hoa dân chủ”, giao lưu văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian…

Đến giờ giao thừa thì từng đơn vị tập trung bộ đội nghe Thư chúc Tết của Chủ tịch nước. Sau đó thì cùng liên hoan mừng xuân. Đến khoảng 1 giờ sáng thì bộ đội đều được nghỉ để đảm bảo sức khỏe. Mồng 1 Tết các đơn vị chúc Tết nhau, bộ đội được Thủ trưởng từng đơn vị tặng bao lì xì may mắn đầu năm; các ngày nghỉ Tết còn lại thì tham gia các hoạt động giao lưu thể thao: bóng chuyền, bóng đá và các trò chơi dân gian giữa các đơn vị bộ đội và xã đảo.

Trung úy Hải quân Hồ Trung Tuấn - quê hương Bến Tre phấn chấn nói:“Tết trên đảo, bộ đội cùng nhân dân tưng bừng vui chơi mừng xuân, nhưng đặc biệt, các đơn vị không quên nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ vững chắc vùng biển đảo quê hương. Những ngày Tết, các đơn vị càng đề cao cảnh giác, không để sơ hở gì, các lực lượng trên đảo phối hợp tuần tra, các vọng gác, trực ban của từng đơn vị vẫn đảm bảo, trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu”.

Tình quân dân gắn bó

Một sự kiện ấn tượng kinh hoàng mà quân và dân đảo Thổ Chu còn nhớ mãi, khi cơn bão số 5 bất ngờ đổ bộ vào Thổ Chu vào đầu tháng 10/ 1997. Cuồng phong ào ạt, bão thổi tan nát nhà dân, biển gầm sóng thét, nhiều tàu thuyền của ngư dân bị đánh chìm…Hàng trăm người dân hoảng loạn, không ai bảo ai, cùng dắt díu nhau chạy vào doanh trại Hải quân và bộ đội Biên phòng lánh nạn, cho đến khi bão lặng.

Suốt ba ngày bão hoằnh hành, quân dân gian khổ có nhau. Bộ đội huy động hết rau màu, thức ăn, lương thực nấu cơm cho dân ăn.

Dì tư Nhàn ra đảo hơn 20 năm, giọng đầy cảm xúc nói:Trời ơi! trận bão đó lớn quá! Mọi người “hồn phi phách tán”. Cũng nhờ mấy chú bộ đội lo cho chúng tôi có nơi trú ẩn an toàn và có cơm ăn…nếu không, hổng biết sống làm sao!”

Chị Nguyễn Thị Thúy ra đảo cùng gia đình từ năm 1994 hiện là cán bộ Ban Dân vận xã Thổ Châu kể: “Những lúc biển động kéo dài 1- 2 tháng, tàu trong đất liền không ra, dân không đi đánh bắt hải sản được, bị thiếu lương thực, thực phẩm. Ban chỉ huy các đơn vị cho bộ đội mang lương thực, thực phẩm chi viện cho dân;

Ở đảo, những lúc chính quyền địa phương cần hỗ trợ gì các đơn vị bộ đội đều đáp ứng. Thực hiện chương trình 167 mấy năm nay, Đồn biên phòng và Hải quân cũng đã bố trí lực lượng hỗ trợ nhiều ngày công cất nhà cho hàng chục hộ nghèo của xã đảo;

Mỗi năm ít lắm 1 lần, những khi biển động mạnh, lực lượng Hải quân và Biên phòng cùng địa phương tập trung giúp dân kéo tàu lên chằng chắn để chống bão”.

Ông Tư Hiền ra đảo cùng gia đình đã hơn 20 năm tâm sự: “Tui có mặt ở đảo từ lâu lắm rồi, đảo đã là quê tôi, lâu lâu trở về đất liền thăm bà con chỉ vài ngày, tôi đã nhớ đảo sốt ruột, lại nhớ cả mấy cháu bộ đội nữa…”

Đối với địa phương, lãnh đạo các đơn vị Hải quân, Biên phòng luôn chú trọng xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó vì “quân với dân như cá với nước”. Các đơn vị bộ đội thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra với lực lượng Công an, dân quân địa phương để giữ gìn an ninh trật tự khu vực biển cho người dân an tâm làm ăn sinh sống. Và mỗi khi địa phương tổ chức lễ hội hay cần lực lượng tiếp sức dân, các đơn vị bộ đội đều nhiệt tình ủng hộ hoặc cử bộ đội hỗ trợ thực hiện: việc cất nhà, sửa nhà giúp hộ nghèo, tu sửa đường, hoặc giúp dân kéo ghe lên bờ bảo vệ an toàn tài sản cho dân và sau bão thì giúp địa phương khắc phục khó khăn.

Hàng năm, trên đảo Lễ hội Nghinh Ông được ngư dân tổ chức tại “Lăng Ông- Miếu Bà rất vui, có cả trên 1.000 người tham gia. Lễ hội được tổ chức với tâm nguyện: cầu cho sóng lặng gió yên, ngư dân được mùa; cầu cho bình an đến mọi nhà. Ngoài việc tổ chức cúng lễ, làm thuyền và các mô hình thả ra biển cầu an. Ban tổ chức Lễ hội còn thuê đoàn hát, đoàn xiếc từ đất liền ra đảo biểu diễn, ngoài ra còn có chương trình đờn ca tài tử, biễu diễn văn nghệ quần chúng của địa phương. Lễ hội được diễn ra suốt 2 ngày đêm. Đồn Biên phòng và các đơn vị Hải quân trên đảo phối hợp cùng lực lượng địa phương tập trung bảo vệ an toàn cho lễ hội, để người dân được trọn vẹn niềm vui.

Qua những năm tháng gian nan, cùng vượt qua khó khăn nơi đảo xa, tình quân dân ngày càng thêm gắn bó. Người dân sống lâu năm trên đảo bản chất chân chất, thật thà, tình cảm đối với đảo và bộ đội rất tốt. Giữa biển trời bao la, hiểm nguy rình rập, họ cùng nhau kiên cường đạp lên mọi chông gai, thử thách, khi cuồng phong, biển động hay bất cứ thách thức gì, những người lính mãi mãi là điểm tựa của dân và ngược lại dân cũng đã trở thành người thân ở bên cạnh những chiến sĩ xa quê, sự gắn bó giữa quân dân trên đảo ngày càng thêm khắn khít.

Các đơn vị thuộc đảo Thổ Chu Vùng 5 Hải quân, Đồn Biên Phòng 710 và xã đảo Thổ Châu thường nhận được sự động viên từ đất liền, đặc biệt là vào những ngày lễ lớn của đất nước, vào dịp Tết nguyên đán. Những món quà đậm nghĩa tình được mang ra từ đất liền đã đem đến cho bộ đội và cư dân trên đảo niềm phấn chấn, lạc quan, là một sự chia sẻ đầy ý nghĩa, làm cho quân dân trên đảo càng thấy rõ trách nhiệm lớn lao trong nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương.

Thành quả sau 20 năm

Từ 17 hộ với 94 nhân khẩu khi chính thức được thành lập, hiện nay xã Thổ Châu có một ấp Bãi Ngự, 7 tổ nhân dân tự quản với hơn 500 hộ dân và hơn 1.700 nhân khẩu. Có 2 dân tộc: Kinh và Khmer.

Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề khai thác hải sản: đàn ông đi biển khai thác những sản vật từ biển, phụ nữ làm nghề sơ chế những sản phẩm do đàn ông mang về. Ngoài ra, người dân còn biết đào hầm nuôi các loại cá đồng, làm bè trên biển nuôi cá bốp; đồng thời trồng những loại rau cải, củ quả ở đất liền; phát triển chăn nuôi heo và mua bán nhỏ.

Đảo Thổ Chu hôm nay có nhiều thay đổi và phát triển, các công trình phúc lợi xã hội đã được đưa vào sử dụng từ mấy năm qua. Đảo có Trạm Y tế được đầu tư xây dựng hơn 6 tỷ đồng, rất khang trang; còn có Bệnh xá Quân Dân Y, có bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng và những trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh những bệnh thông thường và phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bộ đội.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trường Vũ cho biết: “Đảo đã xây dựng trường mẫu giáo, trường Tiểu học, trường Phổ thông cơ sở phục vụ trên 300 học sinh; các mạng điện thoại di động đã được phủ sóng; có điện 14 giờ/ ngày; 100% hộ dân có phương tiện nghe, nhìn. Tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 3,7%; nhà kiên cố, bán kiên cố chiếm 60%;

Về kinh tế thì Ngư nghiệp đã trở thành mũi nhọn, có gần 50 chiếc tàu công suất 45 CV, 6 cơ sở thu mua, chế biến mực quy mô lớn, giải quyết việc làm cho 300 lao động tại xã. Năm 2012, xã doanh thu hơn 16, 8 tỉ đồng từ nguồn hải sản”.

Năm 2013, vào ngày 24/ 4/ 2013 nhân kỷ niệm 20 thành lập đảo Thổ Chu, Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc đã được khánh thành đường cơ động quanh đảo theo chuẩn thiết kế đường miền núi cấp 5 (nền đường 6, 5 m, mặt đường rộng 3,5 m) chiều dài toàn tuyến trên 5, 2km, giá trị đầu tư trên 102 tỷ đồng, phục vụ tốt cho khách tham quan, du lịch và nhu cầu đi lại của người dân.

Cũng trong dịp Lễ kỷ niệm này, Đền tưởng niệm với kinh phí xây dựng 1, 6 tỷ đồng đã được khánh thành. Đây cũng là nơi lưu giữ chứng tích tội ác của Khơ - me Đỏ đã thảm sát 500 dân thường của đảo; là nơi tưởng niệm, hương khói cho những người đã khuất, cùng với các chiến sĩ đã hi sinh trong bảo vệ đảo. Đồng thời, còn có ý nghĩa quan trọng là nhắc lại một thời nhân dân ta đã bám đảo, bám biển để giữ gìn đất nước, để giáo dục truyền thống cách mạng của quân dân ta, lòng yêu nước, yêu quê hương, sẵn sàng đối phó với kẻ thù để bảo vệ vùng biển Tây Nam của Tổ Quốc.

Thượng tá Dương Đức Mười cười tươi bảo: “Mơ ước có đường, có cảng, có trường học, có Trạm Y tế, có phương tiện nghe nhìn để đời sống mọi người trên đảo đỡ vất vả, nay đảo đã có thể đáp ứng được những nhu cầu bức xúc này của nhân dân. Tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn trong đời sống của nhân dân và bộ đội; chỉ có khi những Dự án quan trọng được thực hiện hoàn chỉnh thì đảo mới có cơ sở phát huy mọi tiềm năng và người trên đảo sẽ có cuộc sống tiện nghi hơn”. Nhìn ra biển xa hút tận chân trời, Đại tá Mười chia sẻ: “Theo kế hoạch, thì năm 2015 sẽ có có tàu cao tốc đi - về để nối đảo và đất liền gần hơn, điều này bộ đội cũng như người dân mong lắm; về xây dựng Âu tàu cho ngư dân đưa thuyền vào tránh bão an toàn thì cũng đã có Dự án; việc xây dựng Hồ dự trữ nước sạch tại Bãi Ngự để khắc phục tình trạng thiếu nước trong mùa khô thì các ngành chức năng đã khảo sát xong. Bên cạnh đó, đầu năm 2014 sẽ khởi công xây dựng tiếp đường cơ động từ Bãi Ngự qua mỏm Đồi Tây đến Bãi Chiến thắng với chiều dài 4, 7 km. Tôi mong tất cả mọi Dự án đều sớm được thực hiện để cuộc sống của nhân dân tốt hơn, đối với những người lính chúng tôi không có gì vui hơn điều đó”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã đảo Thổ Châu thì: “Mục tiêu lớn nhất của quân dân trên đảo là dồn sức xây dựng xã đảo Thổ Châu trở thành một đô thị biển sôi động về kinh tế biển và đảm bảo an ninh- quốc phòng vững mạnh”.

Một tin vui vừa đến với xã đảo Thổ Chu, là trong năm 2013 này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng Đảo Thanh niên Thổ Châu (Phú Quốc). Khi Dự án được triển khai, hàng trăm tỷ đồng sẽ được đầu tư đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng trên đảo và xây dựng các mô hình kinh tế cho thanh niên và nhân dân trên đảo. Điều này sẽ tạo cho xã đảo Thổ Châu vững bước phát triển, góp phần xây dựng biển đảo quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Nơi biển đảo nghìn trùng xa, ngày đêm sóng vỗ chập chùng, quân và dân trên đảo Thổ Chu tựa như dãy Trường Sơn vững chắc trước mọi phong ba bão táp, bảo vệ yên bình cho vùng biển cực Tây Nam của Tổ quốc…chúng ta tin một ngày không xa: đảo sẽ có Hồ chứa nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bộ đội và nhân dân trong cả mùa khô; đảo sẽ có Âu tàu cho dân tránh bão; đảo sẽ có tàu cao tốc để đi - về. Tất cả ước mơ chính đáng của những người lính và nhân dân trên đảo, cũng như những người yêu đảo rồi sẽ sớm trở thành hiện thực. Và một ngày không xa, đảo Thổ Chu - một vùng non nước hữu tình sẽ trở thành đảo Thanh niên giàu đẹp, là một địa chỉ thu hút khách du lịch bốn phương về thăm.

Chia tay đảo Thổ Chu, hình như trái tim tôi đã một phần ở lại nơi xa xôi đó! Trở về đất liền, mỗi hoàng hôn, tôi vẫn thường nhìn lên bầu trời xanh vời vợi mà nghĩ về đảo…trong ký ức tôi là sóng biển, là những nụ cười hồn nhiên của lính đảo, là ánh mắt thân thiện của người dân trên đảo tiền tiêu…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây