Nghệ sĩ Trọng Nguyễn: Với anh đá hay hoa đều có linh hồn

Thứ hai - 16/12/2013 14:04 9.308 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Hơn 10 năm kể từ ngày nghe tin soạn giả Trọng Nguyễn ngã bệnh tôi mới được gặp lại anh vào tháng 5 năm 2013 tại nhà riêng ở đường Hòa Bình TP.Bạc Liêu, anh đang sống với người con trai út, hiện là chủ cửa hàng áo cưới và ảnh cưới. Cái nhìn đầu tiên tôi bỗng thấy nhoi nhói trong lòng, một Trọng Nguyễn rắn rỏi, vui tính ngày nào giờ trở thành ông lão hom hem bởi hơn 10 năm qua anh phải chống chọi với di chứng tai biến mạch máu não. Bệnh tật làm anh khó khăn trong việc đi lại nhưng tinh thần vẫn lạc quan, trí nhớ gần như nguyên vẹn đặc biệt là những dòng tư duy vẫn còn nhạy bén khi được khơi nguồn...

Tôi ngồi đối diện với anh ở bàn tròn nhỏ giữa nhà, ly nước sâm con anh pha sẵn, có lẽ bấy giờ mọi sinh hoạt của anh đều phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Vài lời vấn an sức khỏe, tôi bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi: Anh còn tiếp tục sáng tác không? Anh trả lời: Từ năm 2002 đến giờ anh không sáng tác nữa! tôi hỏi anh những người bạn cũ, kỷ niệm thời chiến tranh... Như khơi được mạch trong ký ức của anh, anh kể tôi nghe chuyện ngày xưa từ khi anh còn là cậu bé trong Đội Văn nghệ Đàn chim Việt, theo các anh, các chú phục vụ đồng bào tỉnh Bạc Liêu trước năm 1960, đến khi anh trở thành diễn viên của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau giai đoạn kháng chiến chống Mỹ hoạt động vùng căn cứ rừng đước, rừng tràm ở Cà Mau và giai đoạn công tác ở Đoàn Văn công khu Tây Nam bộ, anh kể về hoàn cảnh ra đời từng tác phẩm của mình. Từ ngày bắt đầu sáng tác cho đến khi gát bút, anh đã viết 20 vở cải lương và 200 bài ca cổ cùng một số chập, vở ngắn.

Tôi ghi chép đầy đủ những gì anh chia sẻ, bài báo viết về anh đã được đăng nhưng tôi có cảm giác còn thiếu điều gì đó nên trong lòng chưa yên. Về phía anh cũng bồn chồn mong đợi nên cứ vài ngày là gọi điện thoại động viên tôi sáng tác ca cổ, bởi lần gặp trước tôi có mang cho anh xem một số bài của tôi kèm theo lời thú nhận: Em ngẫu hứng mà viết thôi chứ dốt mãn nầy dữ lắm!

Có lẽ sự giao cảm giữa tôi và anh có sự thôi thúc, kéo dài nên 2 tháng sau tôi trở lại Bạc Liêu, câu chuyện của anh và tôi lại tiếp nối nhưng lại chuyển sang khía cạnh khác. Nếu lần đầu anh liệt kê quá trình sáng tác, về đất và người nơi anh đã đi qua, về nhiệm vụ của người nghệ sĩ anh phải hoàn thành, về số lượng tác phẩm và đề tài anh chọn lựa thì lần này anh chia sẻ những rung động của mình trước đối tượng sáng tác, nhân sinh quan của người nghệ sĩ và chiều sâu cảm xúc để bật lên tiếng lòng của mình qua từng tác phẩm.

... Ngày xưa anh đâu nghĩ mình trở thành người sáng tác, anh chỉ là diễn viên nhưng toàn đóng vai người già bởi ngoại hình không đẹp, biết mình không thể vào vai kép chánh nhưng mỗi lần đạo diễn (thường là lãnh đạo đoàn) phân vai anh thấy tủi thân, do yêu nghề đành chấp nhận. Nhưng cũng từ các vai diễn đó anh tích lũy kinh nghiệm cách viết lời thoại, cách xây dựng cốt truyện hay giải quyết tình huống... dần dần rồi quen, anh thử viết những bài vắn, thấy được, mấy anh lãnh đạo đánh giá tốt và đưa vào tiết mục biểu diễn, động lực nầy thôi thúc anh trở thành người sáng tác chuyên nghiệp. Những khi đi thực tế anh lắng nghe từng câu chuyện, từng hoàn cảnh rồi để đó tích lũy, những chi tiết nầy rất cần bởi nó thật, dễ thuyết phục người nghe

- Anh viết vở cải lương trước khi viết ca cổ?

- Đúng! Như anh kể, nó có thuận lợi từ công việc chuyên môn của mình.

- Vọng cổ chắc là dễ viết hơn cải lương?

- Không thể so sánh như vậy được. Có những bài ấp ủ đến 20 năm mới viết được, còn tuồng cải lương, nếu đủ yếu tố để cấu thành câu chuyện và động lực của cảm xúc thì thì có thể một tháng là hoàn chỉnh. Vọng cổ không nhiều từ ngữ như cải lương nhưng có những bài mang dấu ấn rất đậm, nó sống trong lòng công chúng hơn nửa thế kỷ, như các bài của soạn giả đàn anh: Quy Sắc, Trần Hữu Trang, Viễn Châu đó!

Vọng cổ không phải là thơ, không phải văn xuôi, nó là văn chương biền ngẫu nhưng vọng cổ phải có thơ, có văn, có nhạc người viết phải chú ý từ ngữ vừa tượng thanh vừa tượng hình, tựa như mình kể một câu chuyện bằng loại ngôn ngữ biền ngẫu chỉ 4 hay 6 câu nhưng nó chứa đựng chủ đề không thua gì một vở cải lương.

Nghe anh nói đến đây tôi chợt nhớ những bài vọng cổ vượt thời gian của anh như Quê anh quê em, Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn, Bà mẹ và sân chim, Giận hờn, Chợ mới... những ca từ đã ăn sâu vào tình cảm của công chúng bởi cái tài thổi hồn vào chữ nghĩa của anh.

Có người phê bình: Ông Tám Nguyễn (Trọng Nguyễn) nói trời chớ lúa nở làm gì có tiếng mà ổng viết “Nông trường U Minh đêm nằm nghe lúa nở”. Hay bài Hạt gạo Chợ Đào anh tạo ra câu chuyện để ca ngợi loại gạo thơm ngon nổi tiếng này. Anh giải thích, cái nghe, cái thấy của người nghệ sĩ vượt cả không gian, thời gian, dù ngồi ở thành phố trong căn phòng tiện nghi mà nghe gió rít ngoài biên cương, thấy hoa nở trên đồi xa thẫm. Nhiều bài ca cổ của anh là những câu chuyện truyền thuyết. Theo anh: Truyền thuyết là do người ta đặt, mình cũng có quyền đặt vậy, miễn sao nó có thông điệp, gây cảm xúc, hợp lý hợp tình là được.

Hớp ngụm nước anh nhìn tôi chậm chạp kể tiếp:

- Lúc anh viết vở “Rừng Thần” ban đầu vất vả lắm vì sử liệu không có nhiều, chỉ vài câu vắn tắt nhưng anh rất cảm kích vị tướng tài giỏi Trần Nguyên Hản. Lúc đó anh đang ở Sài Gòn, chiều, anh thả bộ ra công viên Quách Thị Trang, anh đến gần tượng ông Trần Nguyên Hản và khấn: Ông có linh thiêng phù hộ cho tôi, tôi rất quý khí tiết anh hùng của ông nhưng sách vở viết về ông có mấy dòng nên tôi gặp khó, mong ông phò hộ tôi! Không biết có phải giờ thiêng không, tối đó anh tìm ra cái “tứ” rồi phát triển thêm thành cốt truyện, anh viết một mạch hoàn thành vở Rừng Thần. Mấy ông ngoài Bắc bảo anh viết sai, ông Hản đâu có vợ! anh bảo: tôi chỉ nói đến tình yêu thôi mà!

Anh cười nhẹ, ánh mắt chan chứa niềm vui, rồi nhớ ra điều gì anh nói một mạch:

- Em nên nhớ. Trong bài vọng cổ em phải tìm được một chi tiết, một sự vật tiêu biểu để nhân cách hóa nó, nếu không thì nó giống như bài báo, chỉ nói rõ về nó hay liệt kê những thứ khác rồi chấp nó vào câu nhạc không hồn vía gì cả. Tại sao nhiều người viết vọng cổ ca nghe rất hay mà người ta không nhớ được lâu bởi nó không gây ấn tượng cho họ. Cây cỏ hay đá núi vô tri nhưng người nghệ sĩ phải biết thổi vào nó linh hồn, em hãy cho chúng nghe và cho chúng nói bằng ngòi bút của mình!

Bài “Bà mẹ Đông Hưng” anh viết cho huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp kể về câu chuyện người chiến sĩ lén về thăm vợ, bị bọn biệt kích bắn chết, vợ bơi xuồng đi tìm xác chồng trong mưa gió, đứa con lớn lên không biết mặt cha, những lời trong bài ca là lời của đứa con “Nước mắt mẹ rơi cho rời rã mái dầm, ba ở đâu sao đất trời không lên tiếng” Viết xong thông qua huyện ủy Lấp Vò, trong hội trường đã nghe tiếng thúc thít của nhiều người. Anh được bồi dưỡng 3 triệu đồng, tiền lúc đó còn giá trị lắm em, chưa hết, 10 ngày sao huyện ủy cử người đưa tận tay anh 5 triệu đồng nữa và nói: bao nhiêu vẫn chưa xứng với giá trị của bài hát...

Anh sửa lại cập kính, lấy khăn chậm vài giọt nước mắt ứa ra rồi nói tiếp:

- Anh viết nhiều nhưng không phải bài nào cũng ưng, có những bài nó ngấm vào anh dữ lắm. Kinh nghiệm của anh là khi có nhân vật, có chủ đề rồi nhưng chưa viết vội hãy chờ cho cảm xúc chín mùi mới viết, hãy để cho “mạch” nó chảy tràn, lúc đó văn chương, chữ nghĩa trào ra viết không kịp mà nó lại hay nữa! Em biết không, chọn được cái tứ hay đủ mà chọn được từ hay thì mừng như bắt được vàng!

Hãy dành cho ca cổ những từ ngữ đời thường để nó chuyển tải được cái thật của đời sống, nó đời thường là gần gũi chứ không có nghĩa là cẩu thả, hời hợt... để nó dễ đi vào lòng người ta, nó làm sống dậy những tình cảm, ký ức trong tâm tư của họ. Hoa, lá, cỏ, cây, ánh trăng, ngọn gió, dòng sông, con đò... đều có ngôn ngữ, người nghệ sĩ phải biết lắng nghe rồi làm cho con người và cảnh vật có sự đồng cảm, giao hòa để nhìn vật nhớ người, nhìn người nhớ cảnh...

Anh kể lại câu chuyện có thật về người anh của mình là bộ đội, anh ấy gặp cô thanh niên xung phong trên đường về nhà cưới vợ, khổ thay cô gái ấy lại mang thai nhưng bị bỏ rơi, gia đình có việc nhắn cô về, cô năn nỉ nhờ anh bộ đội làm người yêu tạm, làm chủ nhân của cái thai, thấy tình cảnh cô gái anh bộ đội tội nghiệp, nếu không nhận lời, cô ăn nói sao với gia đình và đơn vị. Đóng thế vai chú rể với cô gái tội nghiệp. Khi anh về nhà chuẩn bị đám cưới cho mình, rủi thay có người phát hiện anh là chồng của cô gái hôm trước nên bị nhà vợ sỉ vã, còn bị cha vợ bạt tay. Anh ôm nỗi oan không biện bạch nửa lời để bảo vệ cô gái hôm nọ, anh âm thầm trở ra đơn vị, vào chiến trường và hy sinh luôn.

Trọng Nguyễn đưa câu chuyện có thật vào tác phẩm của mình, chủ đề tư tưởng phản ảnh những nỗi đau do chiến tranh gây ra, người chiến sĩ không chỉ đánh giặc mà còn biết hy sinh hạnh phúc của mình cho người khác.

- Anh có nói một bài vọng cổ ấp ủ tới 20 năm, sau khi sáng tác bài đó chắc là nổi tiếng?

- Đâu phải có đề tài tốt là viết được ngay, có khi ách lại vô chừng như bài “Ơn Đảng” anh ấp ủ từ lúc đưa tay tuyên thệ trước Đảng kỳ trong ngày được kết nạp mà 20 năm sau mới hoàn thành. Còn bài “Đôi mắt” viết được một ít thì bí, ngưng một năm tình cờ anh đến nơi nghệ sĩ Mỹ Châu trang điểm, nhìn thấy hình mình trong kiếng anh bật lên câu “Buổi sáng vô tình nhìn em chải tóc, gương cũng vô tình nên hai đứa soi chung” câu ấy là cái hồn của bài “Đôi mắt” đó em!

Thật ra soạn giả Trọng Nguyễn không hề chủ quan khi đưa ra nhận xét bởi những tác phẩm đã và đang lưu hành đều được công chúng thẩm định.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Khanh thì bảo: Cánh đồng năng có gì mà viết? vậy mà khi nghe hát, anh ấy khen hay và thích lắm! cho nên muốn viết về nó phải hiểu nó, chỉ nghe nói hoặc hiểu mơ hồ thì thua. Anh phải về nơi cánh đồng năng, gặp những con người nơi đó, nghe họ chia sẻ, nhắc nhau kỷ niệm xa xưa, những gian khó thời đạn bom nơi đây. Hình ảnh thời quá khứ tràn về, ca từ tuôn ra từ đó.

Khách hàng vào ra tiệm áo cưới thường xuyên nhưng hình như không chi phối dòng ký ức của anh. Mắt nhìn xa, im lặng hồi lâu anh hỏi:

- Em có nghe bài Giọt sữa cuối cùng của anh không?

- Dạ có!

- Bài đó anh đi công tác dưới huyện Hồng Dân thời kỳ bao cấp, nghe người bạn ở xứ đó kể chuyện về nữ du kích Nguyễn Thị Tư hy sinh oanh liệt, anh tìm đến tận nhà, chỗ đó bây giờ con gái chị Tư là cháu Mỹ Linh đang ở, chị Hà là người hàng xóm kể lại lời đối đáp của chị Tư với bọn giặc rất khẳng khái, không hề khiếp sợ, chúng uy hiếp, dụ dỗ không được nên điên cuồng nã nhiều loạt đạn vào chị, chị đã trút hơi thở cuối cùng khi đứa con còn ngậm vú... Anh chứng kiến hình ảnh đó, đêm về anh viết, nước mắt anh rơi theo từng chữ, từng câu.

... Em đừng tưởng người viết chuyên nghiệp là không gặp trở ngại đâu, có khi tắt mạch, bức bối không biết làm sao, có cảm giác như trước mặt mình là một bức tường dựng đứng vậy, không có lối ra, bài Chợ Mới là một ví dụ. Trong chuyến sáng tác tại An Giang anh muốn viết về chuyện Chợ Mới nhưng đi qua, đi lại nhiều lần mà không cái gì gây cảm xúc. Bất chợt anh nhìn thấy cô gái ngồi giặt áo bên chiếc cầu dưới bực sông, vậy là anh bật lên được cái tứ và vô viết liền một mạch, sáng hôm sau bài Chợ Mới hoàn thành. Anh Tâm, Bí thư huyện ủy Chợ Mới sau nầy gặp lại ảnh nói: tôi không thuộc bài vọng cổ nào hết nhưng bài Chợ Mới tôi nhớ hoài không quên. Người ta làm phim về Chợ Mới tốn bảy tám chục triệu bà con coi phim đâu nhớ tác giả là ai mà cũng không nhớ cái phim luôn, vậy mà họ nhớ bài vọng cổ Chợ Mới của anh, xứ này ai cũng ca được hết.

Còn nghệ sĩ Thanh Tuấn bảo: bài của anh Trọng Nguyễn nếu phát trên đài một lần trả anh 2 ngàn thôi anh cũng thành tỷ phú! Tác giả Thế Châu cho rằng: Ông viết bài Bên sông Vàm Cỏ là ông bịa, biết vậy nhưng mỗi lần tôi nghe người ta ca là tôi khóc đó! Một thính giả ở Trà Vinh xin được số điện thoại của anh nên ảnh điện hỏi thăm, sao ổng biết anh thứ tám mà ổng gọi: Ông Tám ơi! Bài Giọt sữa cuối cùng của ông, mỗi lần ca tôi khóc muốn chết vậy ông ơi!

Tình cảm của thính giả đối với anh tràn đầy và ấm áp quá, anh rất hạnh phúc. Anh chưa làm được việc gì to tát nhưng cũng có vài chuyện anh thấy vui, đó là chị Nguyễn Thị Tư hy sinh hơn 20 năm mà không được xác nhận liệt sĩ, con gái mồ côi rất tội nghiệp, nhà lại quá nghèo mà không được chế độ ưu đãi nào hết, sau bài hát đó anh kêu gọi nhiều cơ quan chức năng giúp đỡ cho con gái chị Tư, 3 tháng sau tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành thủ tục công nhận liệt sĩ cho chị Tư và đưa chị về nghĩa trang liệt sĩ của huyện và cất nhà tình nghĩa cho Mỹ Linh con gái chị Tư. Một trường hợp nữa đó là chị Dương Thị Cẩm Vân sau bài ca cổ “Nữ kiện tướng Đầm Dơi”, địa phương cũng xúc tiến làm thủ tục phong Anh hùng cho chị.

Thời gian ngồi bên anh, nghe anh kể chuyện của đời mình, chuyện sáng tác, chuyện nhân tình thế thái tôi như thấy một con người trong anh.

Người ta nói vinh quang của nghệ sĩ ngoài tài năng còn có sự may mắn. Đối với Trọng Nguyễn thì quan niệm ấy dường như chưa chính xác, bởi yếu tố may mắn quá hiếm hoi mà cái chủ đạo để làm nên một Trọng Nguyễn sáng ngời tên tuổi là sự miệt mài lao động, say sưa viết, rung động mãnh liệt trước vạn vật.

Ngồi nghe anh kể, tôi có cảm giác mình chạm được vào niềm cảm xúc sâu xa, nơi đó dào dạt ân tình với đồng đội, quê hương, với từng kỷ niệm một thời của người nghệ sĩ, anh trải lòng mình với thiên nhiên, với mỗi gương mặt vừa lạ vừa quen để tìm ra những lát cắt cuộc sống đầy màu sắc, hương vị, chứa trong đó những cung bậc âm thanh và hình ảnh, qua ngòi bút của mình tất cả đều có hồn và sức sống bền bỉ.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây