Người giữ hồn quê

Thứ hai - 16/12/2013 14:00 11.636 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Tôi tình cờ ghé vô quán cà phê nhỏ ở khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, huyện Ô Môn vào một buổi chiều, nhấp vài hớp cà phê tôi bỗng nghe văng vẳng tiếng đờn phát ra từ ngôi nhà bên kia mé mương. Dầu khoảng cách không gần lắm nhưng tai tôi nghe rõ mồn một từ âm điệu luyến láy não nùng của bài Dạ cổ hoài lang.

Tiếng đờn kìm rất dể dàng nhận ra, không thể lẫn với tiếng đờn khác được và cũng không thể lẫn vào những âm thanh bộn bề của buổi chiều quê. Tiếng đờn kìm đơn độc giữa buổi chiều nhưng không lẻ loi mà ngược lại còn đầm ấm vô cùng, và có sức quyến rũ lạ khó có thể cưỡng lại được. Nửa như gần như xa, nửa hiện hữu nửa như hư ảo bện chặt lấy nhau, hòa quyện vào cây lá xanh tươi của miệt vườn. Tiếng đờn thưa thớt nhưng không rời rạc làm cho lòng tôi cuộn tròn thê thiết!

Thấy tôi chú ý đến tiếng đờn. Người đàn bà chủ quán cà phê nói:

- Nay sao ông Chín trổi nhịp sớm, thường khi vào độ chập tối hay giữa khuya ông mới so dây.

Động tính hiếu kỳ tôi hỏi:

- Ông Chín là ai vậy?

Người đàn bà thấy tôi là khách lạ. Nói:

- Ông ấy thứ chín tên Ngô Văn Quang, là thầy đờn rất giỏi ở xứ này đó, sử dụng được nhiều loại đờn rất lão luyện, nhưng ông chỉ thích cây đờn kìm, nên ở đây người ta thường gọi ông Chín-đờn-kìm. Ông ấy thường ngồi đờn một mình! Ông đờn như nhả ra tâm sự một thời xa xưa.

Tiếng đờn từ phía ấy vẫn cứ quấn quít bên tai làm tôi mê hoặc, tôi dợm đứng dậy trả tiền cà phê đi về phía tiếng đờn.

Vừa bước vô căn nhà mái lợp tôn, nền lót gạch khá vén khéo, tôi nhận ra ông Chín ngồi ở một góc ngựa say mê nắn nót tiếng đờn, đôi mắt nhìn về cửa sổ thông ra bờ vườn. Bóng chiều xuyên qua khuôn mặt của ông hiện lên một hình tượng vô cùng độc đáo. Tôi chưa vội bước vô nhà vì sợ làm vỡ vụn âm thanh não nùng của tiếng đờn và hình ảnh tuyệt vời của ông Chín bên cửa sổ. Chừng lâu lắm, dứt bài “Dạ cổ hoài lang” tôi mới dám rón rén bước vô nhà.

Thấy có khách vô nhà, ông Chín để cây đờn nhẹ nhàng xuống chiếc bàn dài ở giữa nhà, miệng chào tôi. Tôi chào ông và tự giới thiệu tên họ mình và mục đích đến để hâm mộ một bậc tài hoa và sau đó được nghe tiếng đờn kìm của ông.

Ông Chín tiếp tôi trong sự niềm nở vui ra mặt. Tôi như bị thôi miên theo từng câu chuyện đời của ông kể: “Buổi thiếu thời tôi theo học đờn ông Cò Quốc chùa Vạn Đức Tự ở Ô Môn, rồi tham gia cách mạng, vô gánh hát nên giờ cái nghiệp cầm ca cứ đeo theo mãi “. Ông Chín Tâm sự: “Tiếng đờn và việc làm cách mạng hai chuyện không dính dáng gì nhau, nhưng hệ lụy với nhau qua tháng ngày. Tiếng đờn vào cách mạng tập hợp được số đông người và cũng tác động mạnh mẽ lòng say mê, nhiệt tình của quần chúng đóng góp cách mạng. Và ngược lại cách mạng cũng lồng vào tiếng đờn thêm réo rắt, tỏ rõ ý chí kiên cường, vừa giải buồn vừa nâng cao nghị lực”.

Tôi rất khâm phục khi nghe ông Chín bày tỏ tâm tình, bên cạnh đó còn có một triết lý sống rất hài hòa. Chừng như dấu ấn sâu đậm của đời ông là việc đào con kênh Giải Phóng tại nơi quê ông.

“Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm có câu: “giết lầm thơn thả lầm”, nhiều cơ sở của ta bị đánh phá tan rã. Qua năm 1960 ta lần lượt gầy dựng lại, nhằm phục vụ chiến đấu và đi lại trong điều kiện mới, nên lãnh đạo Chi bộ Đảng Trường Lạc đề ra kế hoạch đào con kinh từ Trà Luộc tắt qua kinh Đình để đi qua Trái Bầu, Cả Túc, Mương Khai xã Trường Thành. Tôi lúc đó là Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Ô Môn, tỉnh Cần Thơ chịu trách nhiệm ở địa bàn này.

Sau một thời gian vận động ý nghĩa, mục đích yêu cầu của con kinh đã đến lúc thực hiện. Vừa tờ mờ sáng ngày 25 tháng 4 âm lịch năm 1961 nông dân đã có mặt tại công trình hơn bảy mươi người, kẻ len người cuốc bắt tay vào việc ngay. Cuộc vận động đào kinh âm thầm và bí mật nhưng không biết làm sao giặc nắm được kế hoạch của ta. Khi kinh đào được một phần thì giặc chia làm nhiều mũi tấn công vào. Trà Luộc đi vô, Rạch Tra đi xuống, Trái Bầu, Trà An đổ lên. Phía ta, lực lượng du kích ít ỏi nên không thể ngăn chặn được giặc. Để bảo vệ nhân dân, chỉ kịp chỉ hướng cho bà con trốn chạy. Giặc nhanh chóng chận đường rút lui của ta về hướng Trường Thành giữa bờ kinh Sư Được, ở đây chúng leo lên đọt cây nhìn xuống thấy rõ ta “chém vè” ở từng bụi lác, chúng đến bắt không sót ai. Bắt được hơn chục người, chúng trói thúc ké quặp tay sau lưng gom lại bờ đìa gần đó.

Chú Chín đang kể bỗng dừng lại, ánh mắt phẫn nộ như chuyện vừa mới hôm qua, chú nói:

Sau khi chúng bắt gom lại rồi lần lượt dùng dao mổ bụng từng người. Cảnh dã man và ác độc nhứt của giặc lúc ấy là mổ người sống! Chúng tuyên bố mổ bụng cho những người sau thấy cảnh giãy giụa oằn oại trong đau đớn của người chết trước. Cái chết rồi sẽ đến lượt mình. Anh Năm Diệp - người trong số bị giặc bắt, thấy cảnh đó bứt dây chửi vào mặt chúng: “Đồ khát máu! Đã đảo Mỹ - Diệm!”. Bị chửi bọn giặc điên cuồng dùng lưỡi lê rọc miệng anh Diệp tới mép tai, máu ra lênh láng, sau cảnh hành hạ xong chúng mới moi gan, mật. Những người chết sau cùng là những người đau đớn nhất. Số người bị giặc giết là mười một người, anh Trần Văn Chương lúc ấy tuổi đã già nên chúng không giết, nhưng chúng bắt anh ở tù cho đến tâm trí bấn loạn. Hôm ấy tôi may mắn thoát được vì hướng dẫn một số bà con chạy ngược về phía Trà Luộc.

Trong số mười một anh em hy sinh, chín người là dân ở địa phương, còn hai người kia ở xa mới về. Có anh mới cưới vợ hai hôm, có anh con vừa mới sanh ba ngày. Tôi vô cùng thương tiếc sự hy sinh của anh em nên đặt bài vè để tưởng niệm và cũng để lưu truyền cho người sau biết: Nghe vẻ nghe ve, Bà con lắng nghe, Tôi nói bài vè, Của Rạch Trà Luộc, Rạch cong đuôi chuột, Trổ tuốt Rạch Tra, Có nhiều ngã ba, Miễu Trắng ngó ra, Ngã ba Giải Phóng, Thông giáp Kinh Đình, Nghị quyết đồng tình, Đào kinh chống Mỹ, Bấm tay tính kỹ, Năm sáu mươi mốt, Hai năm tháng tư, Nông dân vui cười, Cùng nhau xuống dá, Quân giặc đánh phá, Vừa lúc canh ba, Đặt lọp chận ta, Sáng ra mặt nổi, Súng cối nổ đùng, Hướng lộ Vòng Cung, Tràn lùng bắn giết, Du kích quyết liệt, Chạm súng chống càn, Bảo vệ địa bàn, Dân công tránh né, Rút thoát lọt kẽ, Kẹt số chém vè, Giặc đè mổ bụng, Con số tính chung, Là mười một bạn, Kinh đào còn cạn, Quyết tử hoàn thành, Ngày nay thành danh,Con kinh Giải Phóng.

Giặc tưởng ngăn chặn được ý chí cách mạng bằng cách mổ bụng moi gan, nhưng không ngờ nhân dân Trường Lạc không sợ chết vẫn tiếp tục đào con kinh cho xong mới thôi. Vào đỉnh cao của cuộc chiến là thời điểm “Việt Nam hóa chiến tranh” giặc đã ra sức kềm kẹp ngăn chận bằng hệ thống đồn bót dày đặc. Con kinh Giải Phóng có vị thế chiến lược vô cùng quan trọng, nó làm đường dây đỏ nối liền qua lộ Vòng Cung để đến sân bay Trà Nóc và thủ phủ Tư lệnh Quân khu IV của giặc. Con kinh nhỏ nhưng mang sứ mạng lớn đưa rước hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ qua lại vùng này mà giặc không hề hay biết!

Con kinh Giải Phóng lúc mới đào bề ngang khoảng bốn mét nhưng qua năm tháng nước chảy xoáy mòn làm cho kinh rộng ra, giờ trên mười lăm mét. Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước 1975, con kinh lại mang một sứ mệnh mới, vô cùng quan trọng là dẫn và thoát nước cho hàng trăm héc ta đất ở khu vực Trà Luộc qua Trái Bầu, Mương Khai của xã Trường Thành. Trước đây vùng này chỉ canh tác lúa mùa - thường gọi lúa một vụ trong năm, năng suất bình quân chỉ ba tấn trên một ha, khoảng mười lăm giạ trên một công đất. Lúa mùa ở trên đồng nhiều tháng bị bịnh, có năm bị chết nước, bị chết đứng không trổ bông làm cho nông dân thường điêu đứng theo cây lúa. Nhờ có con kinh Giải Phóng dẫn nước bà con bắt đầu làm lúa ngắn ngày. Cây lúa ngắn ngày được bà con chăm sóc đúng cách lần lượt năng suất tăng lên.

Nông dân Trà Luộc say mê với cây lúa ngắn ngày, vì cây lúa ngắn ngày cho năng suất hơn lúa mùa gấp năm ba lần, chỉ trong thời gian ngắn. Trong khi đó lúa mùa chờ đợi cả năm mà thu hoạch chừng mực ấy thôi, lại thêm lắm điều rủi ro trên đồng ruộng. Ngày nông dân Rạch Trà Luộc thu hoạch lúa mọi người ùn ra ruộng xem vui như hội. Chưa hài lòng với thành quả đạt được, nông dân Trà Luộc luôn học hỏi để nâng cao kiến thức trong sản xuất, trong gieo trồng. Năng suất bình quân từ bốn tấn trên héc ta nay vượt lên đến 10, 11 tấn trên héc ta, hai vụ chuyển đến ba vụ, vườn cây ăn trái ở đây cũng bắt đầu phát triển, trồng những cây có giá trị kinh tế như: Nhãn da bò, chôm chôm, sầu riêng hạt lép. Đời nông dân ở khu vực Trà Luộc, Trái Bầu, Mương Khai đổi đời, con kinh Giải Phóng vẫn im lìm chở nặng phù sa theo thời vụ.

Ông Chín thấy tôi chăm chú nghe chuyện đời của ông kể và có ý bày tỏ sự say mê về tiếng đờn kìm, ông thận trọng mở cái rương có móc cẩn thận từ từ lấy ra cái bọc bằng vải đã bạc màu. Ông nói: “Đây là món quý nhứt của đời ông”. Tôi tưởng là món cổ vật hay quà lưu niệm gì nào ngờ khi mở ra là cây đờn kìm. Cây đờn không biết bằng loại cây gì mà lên nước bóng lộng, bên hông thùng đờn có cẩn ốc sa cừ hình mai, trước sáng đẹp còn cần đờn và trục đờn màu cây đã sậm vàng nhưng rất bóng loáng.

Đôi tay ông Chín chạm nhẹ nhàng vào thân cây đờn, vừa so dây vừa nói:

- Cây đờn này đã theo tôi từ tuổi thanh xuân cho đến nay, đã từng với tôi chia sẻ biết bao gian khó, không có vui buồn nào mà nó, tôi chưa từng nếm trải. Đây cũng là một báu vật, một kỷ niệm trong đời tôi. Ông thân tôi xưa có nhiều ruộng đất và thích đờn ca nên khi tôi mười sáu tuổi ông cho đi học đờn, nói: “Học đờn về, đờn cho ba má nghe”. Tôi học được nửa năm thì trốn đi theo gánh hát luôn. Ngày ông già mất tôi theo đoàn hát ở Sóc Trăng nào có hay, ông luôn nhắc tên tôi, nói: “Thằng Quang đâu không thấy về đờn cho tao nghe vài bản giải buồn?”. Ông chờ, ông đợi mỏi mòn cho đến chết. Thời gian sau tôi về thì mọi việc đã rồi. Tôi hối hận, buồn trút hết tâm sự vào tiếng đờn, từ đó nó bỗng trở nên u ẩn. Chuyện tình về cây đờn này như tiểu thuyết. Dạo đó có cô Phấn con của điền chủ ở Cù lao Tân Lộc mê tiếng đàn của tôi, bôn ba lên tận Sài Gòn Chợ Lớn đặt mua cây đờn kìm này đem về tặng cho tôi. Nhưng trớ trêu duyên nợ không thành, để cho tình nghĩa vẫn đau đáu bên nhau. Trong thời gian tôi làm cách mạng cây đờn này nó cũng lưu diễn theo tôi khắp nơi, nay thì tôi gởi ở nhà này, mốt gởi ở nơi nọ. Nhiều lần bị đạn bom bể nhưng tôi tìm đủ mọi cách để gia cố nó lại. Rất quý là tiếng đàn vẫn còn nguyên vẹn, âm thanh vẫn réo rắc như buổi đầu. Nó không hề lạc dây, không hề đổi điệu chút nào. Cây đờn bên tôi, tôi còn hạnh phúc với đời. Còn cây đờn như còn mối tình của Phấn người con gái đẹp mãi bên tôi. Cây đờn rất lạ, nó không những vẫn giữ được nguyên âm thanh, mà còn hơn hẳn những cây đờn khác. Dân chơi tài tử cứ gạ mua một lượng vàng mà tôi dứt khoát không bán. Thường khi có đám tiệc đờn ca lớn tôi mới lôi cây đờn này ra, còn không thì tôi cho nó vào bao tải, nay thấy chú em có duyên nên tôi đem ra so dây vài bản cho vui.

Những ngón tay của ông Chín già cong queo nhưng không cứng nhắc, ngược lại nó mềm mại lướt qua, nhảy múa trên từng phím đàn tạo ra âm thanh lúc trong lúc đục, khi cao khi thấp, trầm bổng làm cho lòng tôi chơi vơi theo từng cung bậc. Ông Chín vừa đờn vừa giới thiệu từng bài bản vắn, nào Tây Thi, Nam ai, Xuân tình … đến bản gốc Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ngoài ra ông Chín còn giới thiệu một số bài bản vắn mà ông tự sáng tác trong thời gian làm cách mạng. Tôi như lạc vào thế giới của đờn ca tài tử, bồng bềnh như đang ở trên sông nước cùng với âm thanh dặt dìu của tiếng đàn kìm.

Tiếng đờn kìm của ông Chín vào những buổi chiều bên vàm kinh Giải Phóng như ru lòng ông, lòng người một nỗi niềm khôn nguôi. Ông Chín chia sẻ:

- Tôi tham gia cách mạng năm 1952, không đi tập kết ở lại đấu tranh chính trị trong lòng giặc, thành lập đoàn văn nghệ phục vụ cho quần chúng. Trong thời gian này tôi đã biên soạn nhiều vở tuồng như: “Huyết lệ trên sông, Tình trường khóc hận, Máu đổ Phụng Hoàng cung, Đêm xuân khóc tang, Nấm mộ không người” được dựng tuồng hát phục vụ công chúng nhiều nơi. Và sau đó tôi gia nhập vào đoàn hát Hữu Tâm, vợ là nghệ sĩ Ái Hữu. Có lần tôi đóng vai thay cho Hùng Minh trong vở tuồng Gió hú đồi ma được đông đảo công chúng ái mộ.

Nay tuổi đã về già đem chút ít hiểu biết trong cổ nhạc truyền dạy đờn cho lớp trẻ. Lớp trẻ giờ tiến bộ lắm, có số đã lớn tham gia vào đoàn hát hoặc nổi danh bằng giọng ca cổ. Đặc biệt, mỗi đứa học trò đều thuộc lòng bài vè Kinh Giải Phóng và biết nói thơ. Trong giấc mơ, ông Chín thấy cùng các anh em bị giặc giết ngày xưa về đùa giỡn trên cánh đồng lúa oằn bông trĩu hạt vào mùa thu hoạch. Các anh em vui lắm, nắm tay nói: “Chúng tôi rất hài lòng khi thấy con kinh Giải Phóng đem lại lợi ích cho bà con mình, cơm no áo ấm. Chúng tôi đã mãn nguyện rồi!”.

Bài nói thơ gần đây của ông Chín về đời vui ở nông thôn: Xa thị náo quê. Vạn bề dân dã. Lúa đồng vui quá. Con cá lá rau. Chiều gió rì rào. Lúa đùa nhỏng nhẻo. Cho chủ mến cưng. Êm đềm thích thú. Lòng đây mời rủ. Ai thích đến tui. Cua ốc làm mồi. Giải khuây xị nhỏ. Bài vè đã nói thay lời tâm tình của ông Chín muốn chan hòa với hương đồng cỏ nội, với mọi người, kể cả những người đã quá cố.

Ông Chín nay gần bước qua tuổi tám mươi, với nhiều miểng đạn pháo trong mình, là thương binh 4/4, Hội Cựu chiến binh khu vực Trường Hòa, Ô Môn với đồng lương cũng tạm đủ cho cuộc sống. Mặc dù ốm yếu nhưng ánh mắt vẫn còn rất sáng, thao thức bên tiếng đàn cùng năm tháng ở con Rạch Trà Luộc. Những buổi chiều hoặc khi giữa đêm ông ra ngồi tựa cửa sổ gởi hồn theo từng nhịp nhặt khoan của tiếng đờn. Người dân Trà Luộc khi trúng mùa cây trái nghe thì vui tai như ai khuyến khích thêm sức sống trong lao động. Còn người gặp cảnh buồn nghe tiếng đờn như tiêu tan hết nỗi phiền muộn lòng thanh thản như được thoát tục. Tiếng đờn của ông Chín từng lúc, từng nơi ẩn hiện vào khung thời gian và không gian, có quá khứ, hiện tại và cả tương lai của vùng đất Trà Luộc đang chuyển mình hòa nhập vào thành phố Cần Thơ - thành-phố-đồng-bằng.

Đàng kia, con kinh Giải Phóng ngày đêm âm thầm chở phù sa về bồi lắng trên những thửa ruộng và vườn cây cho thêm màu mỡ, nào hay trong đó có tiếng đờn kìm của ông Chín thức canh giữ hồn cho một vùng quê hương thanh bình đang độ phát triển giàu đẹp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây