(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)
I. Cách đây hơn 5 năm, trong lần ghé thăm chú Sáu Hơn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, tôi nhớ mãi câu nói của chú: “Không “đánh thức” được đồng phèn của vùng tứ giác Long Xuyên, thì không thể có vựa lúa ĐBSCL như ngày nay. Cũng không thể có một An Giang đứng đầu cả nước về sản lượng lúa”. Đương nhiên, Việt Nam cũng không thể trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Nhắc đến những chuyện này, người đồng bằng dù là quan chức, dù là nhà khoa học, hay là một bác nông dân… đều nhắc đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng những tên gọi thân thương, gần gũi: “Bác Sáu Dân”, “Ông Kiệt”. Đó là những câu chuyện cảm động, tri ân đối với vị Thủ tướng của nhân dân, mà tôi đã góp nhặt, dọc đường lang thang ngược dòng kinh T5, trong những ngày nước nổi trắng đồng.
***
“Đi khắpNamKỳ lục tỉnh, chỉ cần có một chiếc xuồng”. Câu nói đó đã khái quát được đặc thù, nét sinh hoạt của vùng đất “lắm sông, nhiều rạch này”. Những con kinh có nhiệm vụ dẫn nước vào ruộng, vừa là con đường giao thông, vận chuyển. Có những con kinh mang tầm vóc chiến lược quan trọng về quân sự. Nên có thể nói: Lịch sử phát triển Nam Bộ gắn liền với lịch sử đào kinh của người dân xứ này.
Kinh Bảo Định đào năm Ất Dậu (1705) nối liền vùng rạch Vũng Gù và rạch Mỹ Tho. Đây được xem là con kinh được đào đầu tiên ở vùng đất Nam Bộ. Trước khi có con kinh này, tại đây đã có rạch Vũng Gù ở về phía Đông Bắc, chảy từ sông Vàm Cỏ Tây đến quán Thị Cai và rạch Mỹ Tho ở về phía Nam, chảy từ chợ Lương Phú.
Trong hệ thống chằng chịt các kinh đào Nam Bộ, ta có thể kể các con kinh có tầm vóc, có giá trị kinh tế - xã hội cho đến những đời sau. Năm 1816 thành Châu Đốc được xây xong. Hai năm sau, năm 1818, vua Gia Long sai Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) đào kinh Thoại Hà, nối liền Đông Xuyên với Kiên Giang dài hơn 30.000m, sử dụng khoảng 1.500 nhân công.
Sau khi đào xong kinh Thoại Hà, Thoại Ngọc Hầu lại cho đào tiếp con kinh chạy dọc theo đường biên giới Việt Nam- Campuchia, nối Châu Đốc với Hà Tiên. Kinh được khởi công đào vào năm 1819, dài gần 100km. Trong 5 năm (1819-1824) với sự đóng góp công sức của hơn 80.000 dân binh. Đó là con kinh Vĩnh Tế ngày nay.
Tuy nhiên, kể từ đó trong suốt hơn 250 năm, đồng ruộng Nam Bộ chỉ dừng lại 1 vụ lúa mỗi năm, năng suất “trời cho” mỗi công trúng lắm cũng không quá 10 giạ. Cả khu vực tứ giác Long Xuyên, bao gồm cả vùng Đồng Tháp Mười mênh mông, vẫn còn chìm lĩm dưới những rốn phèn. Và hàng triệu triệu tấn phù sa, vẫn tiếp tục bị vô hiệu hóa. Trong khi “sức ép” về lương thực thì tăng dần theo sự phát triển của dân số.
Người đồng bằng không thể tiếp tục “giàu có” theo cái cách của người xưa, vừa ca vọng cổ vừa thu hoạch lúa trời, cá mắm thì trông chờ mùa nước nổi hàng năm.
II. Sau ngày miềnNamhoàn toàn giải phóng, một số đơn vị bộ đội đã được giao nhiệm vụ khai hoang, phục hóa đất canh tác, xây dựng các nông - lâm trường. Kinh Tám Ngàn được bộ đội chủ lực Quân khu 9 đào thông từ Tri Tôn (An Giang) đến Vàm Rầy (Kiên Giang).
Một số dòng kênh ở vùng Đồng Tháp Mười, U Minh cũng được bộ đội cùng dân quân đào mới, nạo vét để chinh phục Đồng Tháp Mười và làm kinh tế nông - ngư - lâm nghiệp ở miền Tây Nam Bộ.
Tiếp đến, năm 1996, công trình thoát lũ ra biển Tây bắt đầu từ việc đào xong kinh T6, đưa nước từ Vĩnh Tế qua sông Rạch Giá - Hà Tiên dọc Quốc lộ 80, đổ ra biển Hà Tiên tại địa điểm thuộc xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang).
Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt quyết định làm công trình thoát lũ ra biển Tây, kết nối thành hệ thống các con kinh Vĩnh Tế (T3), T4, T5, T6, tuyến đê bờ Nam Vĩnh Tế; hệ thống cống ngăn, xả lũ và 2 đập cao su điều chỉnh lũ Tha La, Trà Sư; các cống ngăn mặn giữ ngọt thoát lũ ven biển. Trong đó, kinh T5 như “cái xương sống”, có ý nghĩa chiến lược của cả hệ thống.
Toàn bộ công trình thoát lũ ra biển Tây hoàn thành vào cuối năm 1999. Nhờ hệ thống kinh thoát lũ, xả lũ, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thủy sản, trồng rừng và nhiều mặt kinh tế- xã hội ở An Giang, Kiên Giang thay đổi rõ nét.
Nhắc chuyện quyết định triển khai công trình thoát lũ ra biển Tây, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Tôi còn nhớ rất rõ, một trong những công trình mang tính mở đầu và cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác nhất là kinh Hồng Ngự. Có thể nói, xuyên suốt quá trình hình thành ý tưởng đến lập kế hoạch, tổ chức thi công..., có rất nhiều ý kiến phê phán, phản đối (kể cả chuyên gia nước ngoài) vì chúng ta đã cả gan dám đụng đến “rốn phèn” của Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên đến nay, thì ai cũng thừa nhận những ích lợi to lớn của nó”. Thậm chí, nhân dân còn tri ân Nhà nước bằng cách đặt tên cho công trình Hồng Ngự là kinh Trung ương. Nhờ có hệ thống công trình thủy lợi đa mục tiêu, chúng ta đã đánh thức được tiềm năng của hai “kho đất” lớn ở tứ giác Long xuyên và Đồng Tháp Mười.
Những con kinh đã phát huy hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong phát triển và khai thác tối đa hệ thống giao thông đường thủy, tháo chua, rửa phèn, ngọt hóa nhiều vùng đất canh tác, thoát lũ, xả lũ, nuôi trồng thủy sản và phục vụ đời sống người dân ĐBSCL.
Những con kinh của ngày nay, hợp dòng cùng những con kinh của người xưa, đang tiếp tục rửa phèn cho đất. Những ruộng lúa đã xanh lên ngay giữa những rốn phèn của đồng bằng Nam Bộ, những ruộng lúa đã vàng lên bên mép nước biển Tây.
Đi dọc những dòng kinh, đi vào những ruộng lúa, ghé lại một nhà dân, tôi luôn nghe nhắc đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với lòng tri ân sâu sắc, sự cảm động chân thành hiện lên trong từng ánh mắt bác nông dân.
III. Giáo sư Trần Hiếu Đức, có câu nói rất “thấu hiểu” và xúc động về Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “khi sống ông đã đau nỗi đau của đất nước, đã mơ giấc mơ của người nghèo”. Và ngay giữa mùa nước nổi, tôi ngược dòng kinh T5, một lần hạnh phúc được lang thang cùng với “giấc mơ người nghèo” của bác Sáu. Tôi đã thấy những cánh đồng lúa bạt ngàn, những tỷ phú giàu lên từ “đồng chua nước mặn”; và thấy “ông Kiệt” vẫn còn sống mãi giữa lòng dân.
***
Kinh T5 cắt ngang Quốc lộ 80 (Rạch Giá- Hà Tiên), tại địa điểm ấp Giồng Ké, xã Bình Giang (huyện Hòn Đất- Kiên Giang). Tại điểm cắt, ra đến biển Tây hơn 7 cây số, toàn bộ vùng đất nằm về phía biển gọi làNamlộ.
Đa số người dân ở đây là bà con đồng bào Khmer, chủ yếu sống bằng nghề nông. Ngoài nhiễm phèn, phíaNamlộ còn gánh thêm cái khổ ngập mặn. Cho nên bà con hay nói: “Sống ở đây còn nghèo hơn… chữ nghèo”. Đồng bào người Kinh thì còn thu nhập thêm bằng nghề đi biển gần bờ đánh cá, đánh ghẹ… kiếm thêm chút đỉnh.
Anh Kiệt, trưởng Công an xã Bình Giang, đưa tôi ra vàm. Con đường dọc theo mé kinh ngày càng hẹp, khó đi, nhưng cột điện thì giăng giăng khắp xóm. Nhà cửa thì lúp xúp, tuềnh toàng, đúng y kiểu nhà vùng ngập mặn thuở khai hoang: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát gót, khói bếp nhà ai dừa nước sau hè”.
Câu ca có từ thời dân mình đi mở cõi ra tới vùng rừng ngập mặn, nơi cuối trời phươngNam. Có nghĩa là đối với vùng ngập mặn, cứ tính từ biển vào, hễ nơi nào cây dừa nước sống được thì con người có thể cất nhà… sống được, làng xóm mọc lên. Tuy nhiên, nhìn nhà ai cũng thấy có xe gắn máy, có điện sáng, có ti vi, những vật dụng xài điện. Anh Kiệt cho biết: “Từ hồi có kinh xả phèn, có đê ngăn mặn, cây lúa mới mọc lên nổi, bà con giờ đã đỡ khổ hơn xưa nhiều lắm”.
Qua hết xóm có đông đồng bào Khmer, vừa đến xóm đi biển, thì trời lại đổ mưa mà cây rừng cũng đã bít lối. Hỏi bà con, thì chỉ còn chừng 500m nữa là tới biển rồi. Mấy hôm nay biển động, mấy ông “nằm bờ”, các bà thì xúm vào giặm vá lại giàn lưới. Đứng đụt mưa, hỏi chuyện bâng quơ, mà trong bụng ấm ức: “Hổng lẽ tới đây rồi mà quay lại?”. Nhưng khi bà con biết “chú nhà báo đi viết bài về “kinh Ông Kiệt”, muốn đi ra vàm… coi điểm mút của con kinh nó ra làm sao”, chú Sáu Nguyện nhiệt tình la lớn: “Trời, người từ trên quê ông Kiệt đổ đường xuống đây, vậy mà nảy giờ hổng chịu nói”. Chú quay ngang kêu người con rể, nổ máy ghe đánh cá to đùng… chở “chú nhà báo” ra biển chơi, rồi cũng nhảy theo ghe cùng chúng tôi cho vui.
Mưa bắt đầu nặng hạt. Đứng trần mình trong mưa, chỉ tay về phía con cống ngăn mặn, chú Sáu “khoe” rằng mình đã “gặp ông Kiệt rồi”: “Chú biết hông, cái ngày mà ông Kiệt xuống tới xóm nghèo này, để khánh thành đập ngăn mặn Giồng Ké, cả xóm đi biển tụi tui đều nằm bờ, ở nhà để được thấy mặt ông Kiệt đó”.
Vừa ra tới biển, mưa cũng vừa nhẹ hạt lay phay, mặt trời chui ra khỏi đám mây hửng lên ánh nắng chói chang ở phía Mũi Nai (Hà Tiên). Ghe chạy xa xa ra biển nhìn ngược trở vô, vàm kinh T5 giáp biển trở nên nhỏ xíu, lẩn khuất giữa vạt rừng phòng hộ và mênh mông trời nước. Nhưng vai trò của nó đối với người dân cả vùng này, quả là không nhỏ chút nào.
IV. Thật may mắn trong chuyến đi này, tôi được tiếp xúc với anh Phạm Văn Lý- Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang. Giữa những ngày cuối năm bận rộn việc họp hành, anh vẫn dành riêng một ngày để “chờ” tôi xuống. Ở anh Lý thể hiện… hai con người rõ nét: Một cán bộ lãnh đạo trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm, năng động, nhiệt tình. Và một anh nông dân chính cống của đồng đất Nam Bộ.
Từ cái thời còn… để chởm, anh đã biết ra đồng lúp xúp chạy theo cha chăn bầy trâu mấy chục con. Cho nên ở địa bàn này, anh hiểu được tính nết từng con kinh, nghe được hơi thở của cánh đồng và thuộc từng hoàn cảnh gia đình nông dân bám ruộng. Anh dặn tôi, xuống đây đừng gọi kinh T5, hãy gọi “kinh Ông Kiệt” cho… hòa đồng với bà con.
Hỏi anh về hiệu quả của hệ thống kinh xả phèn ra biển Tây, anh chứng minh một cách ngắn gọn: “Mấy anh cứ đứng ngay đầu kinh T6, nơi tiếp giáp xã Bình Sơn và xã Bình Giang, sẽ thấy con sông thuộc Bình Giang mùa này đỏ ngầu phù sa, còn phía Bình Sơn nước trong vắt, nặng phèn”. Do đó, giáp ranh nhau nhưng năng suất lúa giữa hai địa phương thì chênh lệch dữ lắm.
Năm 1999, hệ thống kinh thoát lũ ra biển Tây vừa hoàn thành thì năm 2000, diện tích lúa 2 vụ của riêng xã Bình Giang đã tăng vọt lên 1.200ha, nhưng năng suất chỉ đạt 4,5 tấn/ha. Tuy nhiên, ở đất này việc chuyển sang làm 2 vụ, có thể xem là một bước ngoặt đổi đời. Rồi tác động của các con kinh “ngấm dần” qua từng năm. Đến năm 2005, diện tích lúa 2 vụ là 2.805ha, với năng suất đạt 5 tấn/ha; năm 2011 với diện tích canh tác là 11.050ha, và năng suất đạt tới 6,5 tấn/ha. Sang năm 2012 thì những chỉ số trên đã tăng vọt lên rất nhiều, cả về diện tích lẫn năng suất.
“Nếu không có sự nhạy bén, tầm nhìn xa trông rộng của bác Sáu Dân, thì cả một cánh đồng rộng lớn chạy dài từ An Giang xuống tới Kiên Giang này, làm sao có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Công lao của bác Sáu, đối với người dân xứ này lớn như trời, như biển vậy!”- anh Lý chân tình bộc bạch. Những ai còn bám trụ trên mảnh ruộng từ thời hoang hóa đến nay, đều có thể thấy “đất trả ơn người”.
Do đó, không chút ngạc nhiên khi có nhiều người trò chuyện với tôi, đã nói lên một mong ước nhỏ: “Giá như ở đất Bình Giang này, cũng có một tượng đài ghi ơn bác Sáu Dân, thì quả là một niềm hạnh phúc biết bao!’.
Nhìn trên bản đồ, hệ thống kinh T4, T5, T6 như 3 mũi tên lao ra biển Tây. Cùng với hệ thống kinh nội đồng cắt ngang như những xương cá. Tất cả hợp dòng xổ phèn hiệu quả cho những cánh đồng mênh mông, vắt qua hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.
***
Từ vùng đất nặng phèn “không thể sống nổi”, những người gắn bó cả đời cũng không có được cái nền nhà tử tế; giờ đây đã trở thành vựa lúa, cùng những câu chuyện làm giàu, đã trở thành “chuyện bình thường” bên những dòng kinh.
Mùa này, đi trên những dòng kinh ngầu đỏ phù sa, nhưng ruộng lúa có hệ thống đê bao khép kín, vẫn phủ xanh giữa mùa lũ đổ. Không thể hình dung được ngày xưa toàn là rừng tràm, nối liền với những lung năn, cỏ lác lút đầu.
Tôi rẽ qua kinh 9, chạy dài gần chục cây số. Đây là con kinh cũ có từ thời Pháp, có những gia đình gắn bó với đất này ít nhất cũng hơn nửa thế kỷ. Câu chuyện ngày xưa nghe buồn như… “tiếng muỗi bay”, chuyện kể về những nông dân sống trên những cánh đồng mênh mông, mà nhiều khi trong khạp không có hột gạo thổi cơm chiều.
***
Ông Đoàn Xuân Á (64 tuổi), nhà ở ấp kinh 9, xã Bình Giang kể lại: Vùng đất từ đầu kinh Vĩnh Tế đến xã Bình Giang là một vùng đất nặng phèn, khô cằn vào mùa nắng và ngập úng vào mùa mưa. Chính vì những lý do đó mà làm ruộng ngày xưa chỉ được một mùa. Từ trước năm 1995, cánh đồng rộng lớn trải dài gần 50 cây số này, nếu làm ruộng thì tính ra, mỗi vụ lúa chỉ khoảng 1,2 tấn/ha. Tuy nhiên, do không có đường sông nên tới vụ mùa có khi thương lái không đến được để mua. Trong khi có những vụ mất trắng do chim chuột, hoặc tiền công cày, cắt “ăn hết”.
Vợ ông Tư Á ngồi kế bên, vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa than thở cái thời vợ chồng mới xuống đất này: “Nhắc đến cuộc sống ngày xưa, thôi nó trăm bề khổ cháu ơi! Như ngày mới đào con kinh 9 này nè, nước binh thiên vậy mà không có nước để nấu nướng, nói gì tới nước uống. Có trồng trọt được gì đâu. Quanh năm, suốt tháng dựa vào mấy giàn câu, tay lưới; ổng vô rừng bắt cá, đôi ba ngày mang ra cho thím đem đi đổi gạo. Cá nhiều vô kể, mà bán có được mấy đồng, mấy cắc. Dư thừa làm khô, làm mắm, để dành lủ khủ”.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Chò (85 tuổi) cũng nhớ lại: “Ngày xưa làm ruộng chỉ để kiếm chút cơm gạo đắp đổi qua ngày, còn thời gian thì đến các “bồ đìa” để bắt cá mắm, có khi cũng cuốc đất lên giồng trồng khoai. Kể cảnh đất hoang hóa hồi đó, ông Chò chỉ tay vào mấy ngón chân nói: “Trên ruộng phèn, phóng xuống kinh cũng phèn. Ngày xưa chỉ cần lội ruộng một lát là về khỏi… mua vàng. Móng tay, móng chân đóng phèn vàng quánh hết, nên con gái xứ phèn, người ta… chê dậm dề”, ông Chò cười sảng khoái sau câu nói đùa từ thuở xa xưa. Chính vì phèn nhiều nên chỉ có cỏ dại, cỏ năn, cây tràm sống nổi. Làm ruộng chỉ có kiếm mấy trảng rừng, xạ thí xuống đó, trời cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Chớ sức đâu mà khai phá rừng tràm.
Nói chi xa, cái thời anh Lý- Bí thư xã Bình Giang, khoảng 9- 10 tuổi, nhà có 16 mẫu ruộng, chỉ để dành… thả trâu. Muốn canh tác phải lội lên tận Vàm Rầy xa hơn 15 cây số. Làm ra được hột lúa, phải trần thân chở về nhà. Đâu có đường sá, kinh bộng gì đâu, lúa đổ sá lên xuồng, rồi xúm lại è sức đẩy đường mòn về nhà.
Anh nhớ hồi đó, hàng năm đợi mùa nước nổi, móc đất ruộng chở vào từng xuồng, phải mất 7- 8 năm trời cha con anh mới đắp xong cái nền nhà. Bây giờ mở con kinh ngang ruộng, bờ kinh cao mấy thước, phải chi cha anh còn sống muốn mấy chục cái nền nhà cũng có.
Sau bao nhiêu năm khai phá, tích cóp dành dụm, giờ trong tay anh Lý có đến 160 công đất. Bà xã làm ở trạm y tế, anh thì lo việc Nhà nước, đất ruộng cho thuê 1,5 triệu/công/năm. Như vậy, vợ chồng anh “yên tâm” lo công tác xã hội, mỗi năm bỏ túi 240 triệu đồng. Nhớ cái thời cha anh cơ cực, ruộng đất bề bề vậy mà 1 công chỉ đáng giá mấy bao lúa, người ta không thèm đổi.
Đi dọc “kinh Ông Kiệt”, nông dân có trên 100 công đất như anh Lý không phải ít. Anh Hà Phước Sơn, ở Long Xuyên cho biết, có ông bạn sở hữu đến 400 công đất. Tuy nhiên, trên cánh đồng này, có một người không phải nhiều đất nhất, nhưng là người “nổi tiếng nhất”. Ông đã có mặt trên “mặt trận ruộng phèn” này từ những ngày đầu tiên.
Hơn 10 năm chỉ huy dân quân phá tràm, đào kinh, nên ông hiểu sự đổi thay của đồng ruộng, hiểu được gian khổ những ngày kiên gan bám ruộng. Ông là Thượng tá Huỳnh Hải Long, mà bà con quen gọi ông Năm Đường. Căn nhà của ông rất giống như một… HTX nông nghiệp, chạy dài bề ngang trên gần 50m, đủ các loại thuốc nông nghiệp, các loại nông cụ chất ngổn ngang. Phía sau nhà là cái ao nuôi cá… để chơi, nên con nào con nấy “biết nói”. Nối liền là gần 300 công lúa, đang xanh mơn mởn.
Năm 1997, chú Năm Đường được điều về làm Giám đốc Nông trường 422. Lúc được bàn giao làm giám đốc, nông trường khi đó chỉ là cây rừng, trồng tràm và “cục nợ” 11 tỷ đồng. Khi kinh T5 hoàn thành, rõ ràng có thể nhìn thấy được tương lai. Bắt đầu những tháng ngày chỉ huy bộ đội, thuyết phục người dân bắt tay xẻ những con kinh nội đồng, kết nối cùng dòng kinh T5, rửa phèn cho đất.
Chỉ mấy năm sau, khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy là Thượng tướng Phạm Văn Trà, đi ca nô vào thăm, thấy kho lúa 4.000 tấn của nông trường mà cứ đứng xuýt xoa: “Tuyệt lắm! Trong điều kiện đất đai thế này mà mấy chú làm hiệu quả thế là hay lắm, hay lắm!”.
Đứng bên dòng kinh Ông Kiệt, chú Năm luôn nhắc: “Không có quyết định sáng suốt đào kinh T5 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có lẽ tới giờ đất này vẫn còn “nằm chết” dưới nước phèn. Ơn ông Kiệt lớn lắm!”.
Đám ruộng của chú đang xanh mơn mởn, trải dài bát ngát. Không cần hỏi sản lượng, chỉ cần biết nếu cho mướn mỗi năm 15 giạ/công, nằm không ông cũng thu vào tròm trèm 4.000 giạ lúa. Giá trị của đất đai cũng đang tăng lên từng năm. Mai mốt có con đường đàng hoàng, thì chắc chắn đất sẽ… hóa vàng.
Ăn bữa cơm cùng chú Năm, gạo gặt từ ngoài ruộng, con vịt tự nuôi bên nhà, chú cứ mời: “Mấy đứa ăn nhiều đi, “gạo Ông Kiệt” đó”. Tôi cảm nhận vị ngọt của phù sa thắm trong từng hạt gạo, cảm nhận niềm vui được mùa ấm lên trong từng ánh mắt. Đã qua rồi, một thời gian nan vật lộn với nước mặn đồng chua.
***
Tạm biệt chú Năm, tôi tiếp tục hành trình hướng về đầu nguồn An Giang. Lòng không khỏi nôn nao, khi phía trước hiện ra dòng Vĩnh Tế chạy dọc miền biên giới. Kia rồi, bia đá tạc dáng người bình dị soi bóng xuống ngã ba sông, nơi khởi nguồn của dòng kinh Ông Kiệt. Nghiêng mình ngưỡng vọng vị Thủ tướng của nhân dân. Lặng lẽ và xúc động, tôi ghi vào sổ tay những dòng chữ tạc vào bia đá:
“… Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc!”.
Ý kiến bạn đọc