(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)
Chúng tôi về Đông Bình, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ trong cái nóng hầm hập tháng tư. Đây là xã văn hóa, xã anh hùng LLVTND, xã “3 không” (không mại dâm, không ma túy, không tội phạm), và là địa phương có rất nhiều khó khăn nhưng đã có bước chuyển mình rất lạ thường sau mười năm đổi mới.
Phó chủ tịch xã Ngô Văn Đức dẫn chúng tôi chạy băng băng trên những con đường giao thông nông thôn to rộng thiết kế bằng bê tông, những cây cầu dây văng vững chắc cứ lần lượt hiện ra, xe honda đời mới cứ nối nhau xuôi ngược trên khắp nẻo đường. Anh nói thêm “… người dân Đông Bình rất tự hào về danh hiệu vừa là xã anh hùng, vừa là xã văn hóa, đây còn là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên năm 1930 của Cần Thơ, vậy là đồng tâm hợp lực xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp theo tiêu chí nông thôn mới …”.
Men theo những con đường phẳng lì rộng thoáng, hai bên đường những cánh đồng lúa vàng rực trĩu hạt hứa hẹn mùa bội thu với mô hình mới “Cánh đồng mẫu lớn” 420ha có sản lượng và chất lượng lúa thu hoạch rất cao. Trên nhiều đoạn đường khá nhiều người dân đang khẩn trương cùng lực lượng thi công đốn hạ cây xanh để thi công lưới điện quốc gia. Tiếng cười nói rôm rã, tiếng máy gặt đập liên hợp ầm ầm trên những cánh đồng vàng. Vô số nhà mới mọc lên minh chứng cho một sức sống mới đầy lạc quan đang tràn về.
Đông Bình chuyển mình từ việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Xuất phát điểm là việc hầu hết nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi thủy sản rất hiệu quả. Điển hình là mô hình nuôi cá tra giống của nông dân Nguyễn Văn Xuân với diện tích gần 4.000m, năm 2011 trừ các khoản chi phí, anh lãi trên 350.000.000 đồng; nông dân Nguyễn Văn Danh thả nuôi trên 16.000m2 lãi đến 1,3 tỷ đồng; mô hình trồng sen kết hợp thả cá và trồng màu của thanh niên Lâm Thanh Hòa thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng; mô hình trồng dưa hấu trên màn phủ nông nghiệp cho trái quanh năm thu nhập cao hơn nhiều so với làm lúa.
Rất bất ngờ vì chúng tôi không bắt gặp một cây cầu tạm bợ hay một đoạn đường nắng bụi mưa lầy, thay vào đó là những chiếc cầu dây văng vững chắc, to tướng, những con đường xi măng sạch bóng trên toàn xã Đông Bình. Điều rất thú vị là dù là nông thôn sâu, nhưng mọi người tham gia giao thông bằng honda đều đội mũ bảo hiểm rất nghiêm túc thể hiện nếp sống văn hóa, chấp hành nghiêm quy định của nhà nước một cách tự nguyện. 8/8 ấp ở Đông Bình giờ đây đều có điện, nước sinh hoạt. 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, xã hoàn thành các tiêu chí, chương trình về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tuyển quân, thu ngân sách, đào tạo việc làm từ nông thôn, hệ thống chính trị luôn ổn định, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 18 triệu đồng mỗi năm. Xã phấn đấu đến 2014 trở thành xã nông thôn mới.
Dẫn chúng tôi đi khoe chiếc cầu dân lập Kinh Ngang, lão nông Nguyễn Văn Hai vui vẻ nói “… tụi tui tự vận động làm mấy cây cầu hàng trăm triệu đồng, mình phải “hùn” với nhà nước chớ, đây cũng là trách nhiệm của mình để học tập và làm theo gương Bác Hồ ở quê tui đó …”. Chú cười khà khà rất tươi.
Từ giã Đông Bình chúng tôi hướng về vùng đất lửa Vòng Cung từng đi vào thơ ca, nhạc họa, trở thành huyền thoại bất tử và là niềm tự hào của người dân huyện Phong Điền - TP Cần Thơ hôm nay. Qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Lộ Vòng Cung đã trở thành điểm sáng với thế trận chiến tranh nhân dân đã từng làm khiếp vía quân thù.
“ … Vòng Cung đi dễ khó về
Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom …”
(Thơ Lâm Thao)
Chiến tranh đã khép lại 37 năm. Nhưng hào khí trên đất thép anh hùng nầy cứ thấp thoáng ẩn hiện đâu đây, trong gió, trong mây, trong hơi đất tình người và trong bất kỳ đôi mắt người dân nào đã từng sống trên cung đường ác liệt nầy. Mấy năm trở lại đây, năm nào Cần Thơ cũng tổ chức nghĩa cử tri ân đồng bào chiến sĩ đã từng đùm bọc chở che đoàn quân giải phóng bằng lễ hội “Tết quân - Dân” với các hoạt động: khám chữa bệnh miễn phí, văn hóa văn nghệ, thể thao, nói chuyện truyền thống, trao tặng nhà đại đoàn kết, tái hiện hình ảnh nấu bánh tét, các nữ du kích quấn khăn rằn đưa bộ đội vượt sông bằng hàng đoàn xuồng ba lá …
Dọc theo lộ Vòng Cung bây giờ xanh mượt bóng vườn cam mật, bưởi, quýt, vú sữa và nhiều nhất là Hạ Châu. Nét rất riêng của Vòng Cung là hầu hết nhà nào cũng có trồng hoa, nhiều nhất là mai. Ngày tết suốt mấy mươi cây số vàng rực một màu mai thắm rất lạ kỳ, hấp dẫn. Cách trung tâm thành phố Cần Thơ 16km, đất lửa Vòng Cung bây giờ còn được biết đến bởi tiềm năng du lịch độc đáo đặc trưng cho du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long. Hiện đang có 12 điểm tham quan du lịch với nhiều loại quy mô khác nhau, thu hút khá đông khách đến tham quan nghỉ dưỡng.
Mới đây tin vui đã đến với người dân tuyến lửa bắt nguồn từ sự khởi đầu của dự án xây dựng khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung phù hợp ý Đảng lòng dân với quy mô cấp quốc gia. Theo dự kiến ban đầu, di tích có diện tích khoảng 23ha với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, nằm trên các tuyến lộ lớn quan trọng nối Cần Thơ và Hậu Giang.
Ông Lư Văn Điền, nguyên Bí thư tỉnh ủy Cần Thơ góp ý “… cần sưu tầm đầy đủ tên tuổi các liệt sĩ đặc biệt là các tỉnh lân cận, đồng thời chú ý việc xây dựng các công trình liên kết như: nhà bảo tàng, khu tưởng niệm, sinh hoạt phục vụ khách tham quan, xây dựng một quần thể kiến trúc độc đáo rất riêng của đồng bằng, tạo được không gian lịch sử sâu lắng vừa dân gian đậm nét lịch sử truyền thống nhưng vừa mang tính hiện đại kết hợp với xu thế phát triển kinh tế văn hóa xã hội an ninh quốc phòng tại địa phương …”.
Ai không khỏi xúc động bồi hồi khi đến thăm khu di tích chiến thắng trận Ông Hào tại xã Trường Long với quy mô trên 5ha, tổng kinh phí trên 65 tỷ đồng. Nơi đây ngày 08/06/1965, Tiểu đoàn Tây Đô đơn vị hai lần được nhà nước tuyên dương danh hiệu ANLLVTND đã tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn Cọp đen ác ôn của giặc, trong đó có 1 thiếu tá Mỹ, làm chết 890 tên địch, bắt sống 50 tên khác. Đây trận Vàm Bi đánh dấu chiến công của du kích địa phương mưu trí, dũng cảm tay không cướp đồn giặc năm Đồng khởi 1960. Vòng Cung hôm nay còn tự hào đang ôm ấp trong lòng quê hương nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, mộ ông đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vừa mới được trùng tu nâng cấp trên 5 tỷ đồng giờ rất khang trang, uy nghiêm lẫm liệt. Cạnh đó Cần Thơ đang tiến hành xây dựng khu di tích lịch sử tưởng nhớ anh hùng chống giặc Pháp xâm lược Đinh Sâm vào thế kỷ thứ 19, cũng trên đất Vòng Cung.
Xin mời khách đến Cần Thơ cùng tham quan vùng “đất thiêng” Bình Thủy với nhiều điều rất mới sau mười năm phát triển đến diệu kỳ. Nếu như Cần Thơ có 10 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia thì quận Bình Thủy chiếm đến 07 di tích gồm: Nhà cổ Bình Thủy, chùa Nam Nhã, Long Quang, Hội Linh, Đình Bình Thủy, Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Khu di tích An Nam cộng sản Đảng.
Nét đặc thù của Bình Thủy là vừa có điều kiện phát triển về công nghiệp, thương mại dịch vụ đồng thời lại có tiềm năng rất lớn về kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng. Đây là địa thế độc đáo mà người xưa hiển linh ban bố cho mảnh đất thiêng nầy.
Đây khu công nghiệp Trà Nóc, thu hút hàng vạn lao động với nhiều ngành nghề khác nhau, tập trung nhiều nhất là chế biến nông, thủy sản. Đây sân bay Trà Nóc nối liền Cần Thơ với trái tim Hà Nội và các địa phương khác. Đây Cảng Trà Nóc nhộn nhịp ngày đêm để hàng đi trăm nơi, muôn hướng. Xin thư thả một chút để đến với làng cổ Long Tuyền với những nét kiến trúc xưa độc đáo đang được bảo tồn. Nhân tiện ghé thăm khu di tích căn cứ Vườn Mận mới dựng xây để nhớ về thời đấu tranh gian khổ.
Đi trên những con đường mới mở to đẹp như: Bốn Tổng - Một Ngàn, Mậu Thân - Sân Bay Trà Nóc, Nam Sông Hậu, quốc lộ 91B, Cần Thơ - Vị Thanh … hỏi ai không thấy bồi hồi vì cứ tưởng trong mơ. Thơ mộng biết bao khi bồng bềnh trên sông nước để ngắm nhìn chợ nổi Cái Răng, Phong Điền lúc bình minh, hay thả hồn về với thiên nhiên sinh thái ở khu du lịch Phù Sa, Mỹ Khánh, Vườn Cò Bằng Lăng, cù lao Tân Lộc … nhìn lại quê hương mình thay da đổi thịt sau mười năm đổi mới.
Mười năm - có nhiều lắm không với dòng chảy cuộc đời? Mười năm - không nhiều nhưng đủ khoác lên mình người “con gái Tây Đô” những nét chấm phá tuyệt vời rất riêng của Cần Thơ, trung tâm động lực trên nhiều lãnh vực của đồng bằng châu thổ. Cầu Cần Thơ đang dang tay mời gọi bè bạn gần xa, đang làm bệ phóng để nâng vùng đất hiền hòa tiềm năng lên tầm cao mới. Cảng Cái Cui đang hối hả những chuyến tàu vươn ra biển lớn. Những cánh đồng mẫu lớn đang mở ra một hướng đi tươi sáng để đời sống nông dân ngày một tươi sáng hơn. Những nhà máy, công trường, khu chế xuất đang hối hả hoạt động mang theo bao niềm tin ở tương lai. Những tuyến đường to rộng đang mọc lên kết nối Tây Đô với cả nước như những mạch máu đang chảy về tim nhộn nhịp, phấn chấn rất lạ thường.
Mười năm - giấc mơ có thật trên đất Tây Đô.
Ý kiến bạn đọc