Một trí thức lòng đau đáu với nông thôn miền Tây và trăn trở trong đổi mới giáo dục

Thứ hai - 16/12/2013 13:27 5.461 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Đầu năm 2012, tôi được dự lễ vinh danh trí thức tiêu biểu của Tiền Giang. Bí thư Trần Thế Ngọc mời gọi hiền tài về với tỉnh nhà. Người đặc biệt ấn tượng là Hiệu trưởng Đại học Tiền Giang, Tiến sĩ Ngô Tấn Lực.

Ấn tượng với thầy Ngô Tấn Lực là cái chất người cởi mở, hồn hậu chân chất của xứ Tây Nam Bộ. Từ vóc dáng đến tâm hồn, ứng xử của thầy đều phát tiết ra cái chất làng quê. Thầy bảo tôi:

- Em có quen biết hiền tài nào thì giới thiệu dùm. Trường Đại học Tiền Giang đang tìm kiếm giảng viên giỏi.

Lúc chia tay, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Ngô Duy Thưởng, thầy Lực và tôi chụp hình kỷ niệm. Tôi hẹn với thầy Lực sẽ đến nhà chơi ôn chuyện 30 năm qua. Thầy ở 242 ấp Bắc, TP. Mỹ Tho, cách chỗ tôi độ 15km. Giờ mới hiểu vì sao bước chân thầy Lực nhanh thoăn thoắt như đua nhịp với đồng hồ. Giờ mới biết vì sao từ cậu bé vùng Tháp Mười, vượt qua quê nghèo lạc hậu, vượt lên chiến tranh, tự học là chính mà thành tài …

Tôi đã gặp những cựu chiến binh, tù nhân Phú Quốc, Côn Đảo, những anh hùng lội dọc Trường Sơn đánh Mỹ, từng đến với lão nông vùng Tháp Mười, ngồi cà kê trà rượu. Tôi từng gặp một tay giang hồ chợ Cầu Muối, sau giải phóng, vứt bỏ mã tấu, chí thú mần ăn thành triệu phú miền Tây. Còn đời thầy giáo bình dị, rất khó tìm cảm hứng. Với lại, nhân cách lớn như thầy Lực, muốn họa cái chân dung tâm hồn là cực khó. Sợ mình kham khôn xuể. Bác Hồ nói: vai trò công lao của họ thầm lặng kín đáo như phần máy của cái đồng hồ. Ở Sư phạm Vinh, có người thầy trên 70 không con cái, vẫn lên giảng đường như con tằm rút ruột. Và ra đi trong lặng lẽ! Miền Trung, miền Bắc “một thuyền Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên”. Còn miền Tây đất mới, tìm được người như Ngô Tấn Lực là hiếm. Hơn nữa, đó là con người mang khí khái, năng động của xứ đàng trong.

Thầy hẹn 10 giờ sáng chủ nhật. Phong cách nhà giáo: rất đúng giờ, tiết kiệm từng giây phút. Hiện thầy là giảng viên cao cấp, đang dạy thỉnh giảng … nên đi về liên tục. Hưu chức quyền chứ không hưu việc dạy người. Tôi tranh thủ gặp ngay:

- Ta uống cà phê trò chuyện thoải mái hơn!

- Sẵn sàng thôi! Nhưng mời lên lầu xem nơi làm việc của thầy đã …

Lầu trên toàn sách là sách! Sách trong tủ kính ngăn nắp long trọng. Sách trên nền nhà, trên ghế trên giường ngủ …

- Em thông cảm nhé! Nó hơi bề bộn tí vì ngồi đâu đọc đấy. Người giúp việc chỉ dọn dẹp tầng trệt. Còn ở đây thì để nguyên. Đang viết đọc cuốn này, cần tra cứu tư liệu lại mở tiếp cuốn khác, rồi cuốn khác …

Thầy nói:

- Sách là báu vật của thầy đó! Hồi chưa xây cất khang trang, bị mưa tạt, mối xông hằng trăm ký, tiếc đứt ruột …

Mỹ Tho nhiều người mê sách lắm. Sách sắp đặt ngay ngắn trong tủ kính. Còn nơi đây lăn lóc nằm ngồi theo tư thế ông chủ. Chúng giao tiếp thường xuyên nên ở thế “động”.

Sau những ngày mưa bão, sáng nay trời hửng nắng nhưng vẫn còn mây xám. Những cơn mưa cuối mùa chợt đến chợt đi như cô gái hờn dỗi. Loay hoay kiếm mới có chỗ ưng ý. Ba mươi năm trước, người đàn ông da nâu rắn rỏi, ngực vuông, vai chằn chặn, mày đậm, gương mặt chữ điền “người văn mà tướng võ” … Giờ mái tóc điểm bạc nhưng vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn như xưa. Hình như bên trong vẫn chất chứa nội lực, đam mê sáng tạo … Tôi bâng khuâng luyến tiếc: “Ông trời làm khó nhân sĩ! Học hành tìm kiếm mãi, đến khi tài năng chín tới thì phải về hưu. Cái cơ địa không chiều cái trí tuệ. Một thợ điện trên 35 tuổi đã sợ độ cao. Trí thức tài hoa phải trên 50 mới thăng hoa. Vậy mà …”.

Quê hương Mỹ Hạnh Đông phèn chua, nơi dừng chân của lũ. Nói Miền Nam cây trái ngút ngàn. Nhưng làng quê ấy chỉ có chiến tranh, vùng cán bộ đóng quân, dựa vô dân. Dân chỉ dựa vô cây lúa Trường Hưng vượt dài theo nước lũ. Mỗi năm một vụ. Lũ về chẳng cây gì sống nổi. Chỉ bình bát hoang mới sống được.

- Mãi tới lớp 5, tôi mới thấy trái xoài chín ở chợ Cai Lậy! Nhà có vài cây xoài thì trẩy ăn từ khi bằng ngón chân cái. Ngoài tô cơm cá kho, cua rang, mắm kho, có gì đâu? No bụng là được.

Thầy kể ngậm ngùi. Ấn tượng thơ ấu theo suốt đời. Nó thành động lực thôi thúc thầy vượt bao thăng trầm. Trong khai hoang, người đến trước chiếm vùng đất ven sông lớn, nước ngọt phù sa. Người chậm chân hơn phải vào sâu nơi rốn phèn Đồng Tháp. Trong kháng chiến, dân vùng này theo cách mạng sống nghĩa tình. Long Tiên, Cẩm Sơn, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Hạnh Đông, của Cai Lậy là như thế. Nhưng cảnh sống ngày ấy tù đọng đơn điệu. Thời gian chủ yếu là kiếm cái ăn. Đêm lại chìm vào bóng tối mênh mang … Chẳng lễ hội, văn hóa gì! Trẻ em nhếch nhác thất học. Chơi trò đánh lộn, bắt cá đìa nướng ăn, cao hứng thì nhảy xuống kinh phèn vàng ngấn tắm. Da đen cháy, tóc khô dựng đứng như rễ tre. Mới tí tuổi đầu đã lau nhau chuyện chồng con … Cậu bé Lực sớm nhận ra điều ấy. Hoàn cảnh sống giam cầm và nhấn chìm con người vào vòng tròn quanh quẩn “con kiến là leo cành đào …”. Ý chí vượt lên nẩy sinh từ đó. Nó nung nấu tinh thần phấn đấu của cậu. Ba tham gia tiền khởi nghĩa, anh trai bị bắt đày ra Côn Đảo, ông chú bị giặc bắn tại chỗ khi đang ẩn trong bồ lúa! Anh trai vừa là thầy dạy học trong làng. Lúc đó cậu đang học lớp ba. Thầy bị bắt, lớp giải tán. Ngày bỗng dài hơn. Nhất là khoảng chiều tà, ánh vàng trên cánh đồng nan bàng, tràm mù xác xơ sau mùa lũ. Không thể thất học, không thể bị vây hãm ở đây. Một tiếng nói từ bên trong thôi thúc mình! Mình không thể giống mấy ông tối ngày ôm hũ rượu lừ nhè chửi vợ mắng con! Gia đình chỉ biết nghề nông, sinh một dây chín đứa con. Cậu thứ mười nên gọi út mười hay mười Lực. Út thông minh đỉnh ngộ. Má thương út cho con ra thị trấn Cai Lậy học sau ba năm dở dang: 1959 - 1961. Không có giấy khai sinh, phải học trường tư thục Nguyễn Du. Bỏ lớp 4, cậu học ngay lên lớp 5. Nghĩa là phải cố gắng gấp đôi. Bà mẹ biết tính con trai đam mê nên thường xuyên lọ mọ lội ra tiếp rau gạo mắm muối. Bà bảo: “Nấu cho nó ăn chứ ham chữ bỏ bữa riết đèo đẹt sau này thua kém bạn bè”. Tình thương, sự ân cần của má sưởi ấm lòng con và mãi sau này, khi ra tận nước ngoài càng thương nhớ biết ơn người mẹ thôn quê. Vượt lớp dẫn đầu. Năm lớp tám, giáo viên tin tưởng giao cho Mười dạy lại các bạn trong lớp. Đó cũng như khái niệm “thầy” - “sư phạm” đầu tiên đi vào tâm thức. Tôi hỏi: “người ta cho qua hay sao mà thầy làm được?”. Thầy bảo: “Các vị cũng có tinh thần dân tộc, thương học trò nên làm lơ “. Vậy mà vẫn học xuất sắc toàn diện. Thi tú tài 1 đạt loại ưu, được vào Trường công lập Trung học Đốc Binh Kiều. Thi tú tài 2 cũng loại ưu, lại cũng là học sinh giỏi xuất sắc toàn diện được nhận phần thưởng của Tổng thống. Ngày trước, khi nhận thức chính trị còn ấu trĩ, cái “phần thưởng Tổng thống” lại thành khó khăn cho thầy … Tôi nhớ câu vè “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ” …

Thầy nhớ mãi về người cha trung thực, trọng nghĩa khinh tài: 1952 ông nhặt bao tiền trên kinh do bom giặc làm trồi lên, ông đem về phơi, đếm đúng một triệu đồng tiền Đông Dương, là tiền của cách mạng, ông được Ủy ban Hành Chính kháng chiến tặng bằng khen … Các con trong gia đình đều cương trực, nghĩa khí, liêm chính giống ba.

Từ nhỏ thầy thích tất cả các môn học: sử, văn, toán … Nhờ vậy học giỏi toàn diện, sau này học lên tiến sĩ, kiến thức tích lũy thời phổ thông phát huy tác dụng. Thi vào Đại học sư phạm Sài Gòn ngành toán, trúng tuyển thủ khoa, lại liên tục học xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa như là tất yếu của quá trình phấn đấu. Không những thế, thầy nhận thêm hai bằng Cử nhân giáo khoa (Toán và Toán cơ) tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Nói về những năm học ở Sài Gòn, nét mặt thầy vui hẳn lên.

Vui bởi vừa học vừa làm gia sư, dư tiền sinh hoạt. Bà con quê Cai Lậy ở Sài Gòn giúp thầy tìm việc làm thêm. Dân Sài Gòn ngày ấy khoáng đạt, người có tài được quý trọng. Họ sẵn sàng trả công và cho thêm nên chi phí giản dị của một sinh viên tỉnh lẻ như thầy. Vui thứ hai là lúc này mới quan tâm tới chính trị. Phong trào sinh viên lúc đó lên cao lắm. Huỳnh Tấn Mẫm là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Thầy là Phó chủ tịch Ngoại vụ Ban chấp hành sinh viên Đại học sư phạm Sài Gòn. Nhưng những hoạt động nho nhỏ ấy đặt viên gạch đầu tiên xây nên bản lĩnh cho một trí thức. Bây giờ, mỗi khi trò chuyện, thầy chỉ khẳng định “tôi là người yêu nước, thương đồng quê Miền Tây nghèo”.

Ở miền Bắc hồi chiến tranh, sách báo hiếm. Muốn tự học cũng khó. Miền Nam nhiều nhà xuất bản tư nhân. Nguồn văn hóa, sách vở từ nhiều nơi tràn đến: từ miền Bắc, các trí thức di cư mang vô, từ phương Tây ùa qua v.v… Quan trọng là “bộ lọc” tự giác của mỗi người khi tự học, tự nghiên cứu. Sở dĩ Ngô Tấn Lực, từ cậu bé thôn quê vươn lên thành thầy giáo toán giỏi, nhờ tự học. Tự học là nhờ nguồn sách vở dồi dào ở Miền Nam. Cái vốn tiếng Pháp, tiếng Anh được học từ vở lòng cũng là ưu thế của thầy. Bây giờ, các Tiến sĩ nước mình đang phải lăn lưng vô học ngoại ngữ khi tuổi trung niên. Học mất sức mà hiệu quả không cao. Trong khi thầy nói trực tiếp giáo sư Tây!

Bài học là: đào tạo nhân tài phải đầu tư dài hạn, phải học ngoại ngữ ngay từ tiểu học! Qua các vị giáo sư nổi tiếng, tôi nhận thấy họ gặp nhau ở đam mê từ bé, càng khó khăn càng cố gắng, và đều tự học mà thành. Ngô Tấn Lực giống ở điểm tự học, nỗ lực cá nhân, ngọn lửa khát vọng rừng rực tụ bên trong. Gia đình chưa có ai học giỏi để gọi là “nòi”, là “truyền thống”. Thầy có thêm cái nữa là chạy đua với tuổi tác thời gian, tranh thủ bắp kịp với thời cuộc, lúc nào cũng ám ảnh: sợ không kịp sợ “lỡ tàu lịch sử” …

Vì thế mà phong cách làm việc thoăn thoắt, tiết kiệm từng giây. Đối lập với nhiều những người dây dưa, cà kê cà pháo, nói vòng vèo Tam Quốc rốt cuộc chẳng đọng mấy giọt! Mất thì giờ, lãng phí tiền của dân của nước. Bây giờ làm giảng viên cao cấp, tham gia thỉnh giảng thôi nhưng thầy vẫn giữ phong cách ấy. Thay vì thầy giảng dạy 5 ngày, thì rút lại hai, ba ngày thôi, thời gian còn lại tổ chức cho sinh viên hợp tác tự học.

- Làm thế không dể bởi trước đó phải cung cấp tài liệu cho sinh viên qua mạng, phải kêu gọi các em chịu hợp tác với mình, chủ động tìm hiểu trước, khi trực giảng chỉ cần giải đáp và tổ chức thảo luận lớp, viết bài thu hoạch hoặc tiểu luận mang tính thực hành. Như vậy vừa đỡ thời gian, vừa tăng chất lượng!

Tốt nghiệp, thầy về dạy ở Bình Dương (1974). Miền Nam giải phóng. Cả nước vui nhưng những trí thức giao thời lúc ấy sao khỏi chanh chao? Hai chữ giáo viên “lưu dụng” vừa là thân thiện vừa vô tình tạo nên sự cư xử chưa công bằng với những người trí thức như thầy. Năm 1975 về dạy trường Trung học Đốc Binh Kiều, mái trường xưa của mình, lòng bồi hồi sung sướng. Rồi làm Hiệu trưởng ba năm từ 1977 - 1979. Từ 1979 đến 4/1985, điều qua làm Phó ban giáo dục Cai Lậy, chú ba Ẩn làm trưởng. Một thời khó khăn trong cuộc đời thầy. Vì chữ “lưu dụng”, “phần thưởng Tổng thống” nên phải thử thách. Thầy kể, vì phụ trách chuyên môn nên thường xuyên vào vùng sâu như xã Mỹ Thành Bắc, Thạnh Lộc, Phú Cường … kiểm tra, dự giờ thăm lớp. Tôi biết vùng ấy nhờ đi khai hoang và qua lời kể của nguyên Chủ tịch, Bí thư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Công Bình. Nghĩa là tận cùng tỉnh, không có đường phải lội bộ và đi đò cực lắm! Bây giờ thì đường nhựa tới rồi. Thầy kể: “Chú Ba Ẩn biểu vô kiểm tra khai giảng mồng 5 tết. Lặn lội tới không thấy bóng dáng thầy trò đâu! Người ta đang ăn Tết. Tối ngủ nhờ nhà dân, nửa đêm xách đèn bão thập thững ra kinh chờ đò … “Ấn tượng mãi không phai trong tâm trí thầy, bởi gian khổ khiến ta nhớ lâu”.

Tháng 4 năm 1985 đánh dấu trang mới trong đời Ngô Tấn Lực. Thầy Huỳnh Dĩnh, Giám đốc Sở giáo dục mời thầy về làm Trưởng phòng giáo dục Trung học phổ thông. Từ huyện xa xôi ra tỉnh thành phố, có chức vụ để thể hiện tài năng. Nếu Huỳnh Dĩnh không trọng hiền tài, tỉnh bỏ quên đi, tôi nghĩ: chim phượng chim công sống với gà cũng chỉ là gà thôi! Con mắt xanh tin dùng của cấp trên cực kỳ quan trọng. Anh hùng mà không đất dụng võ thì chỉ là người thường vậy thôi. Nhắc đến Giám đốc Huỳnh Dĩnh, vẻ mặt xúc động.

- Giá như không bị chuyện linh tinh chi phối, sự cặp đôi giữa mình với thầy Dĩnh sẽ tuyệt vời.

Vẫn là phong cách nhanh gọn tiết kiệm thì giờ tiền của. Thường thanh tra một trường THPT mất hơn 20 ngày, ban bệ cồng kềnh. Tham mưu cho Giám đốc Sở, thầy rút còn hơn tuần. Trưởng phòng phổ thông là bộ óc chuyên môn của sở. Thầy vừa Trưởng đoàn, vừa trực tiếp dự giờ đánh giá môn toán, tiết kiệm một biên chế. Góp ý giáo viên tiếp thu vì bậc đàn anh, chuyên sâu ai cũng vị nể. Những năm ấy tôi hay ghé chơi khu tập nhà tập thể của cán bộ công chức Sở, được thầy động viên. Lúc đó, thầy thích chơi thể thao mỗi chiều, say mê toán học, nhân hậu sẵn sàng chia sẻ thật lòng với những ai thua thiệt.

Công tác ở Sở 9 năm, Ngô Tấn Lực chia tay Sở với nỗi niềm khó nói! Thầy chuyển qua làm Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Tiền Giang, là 1/6 Trường CĐCĐ đầu tiên trong cả nước. Trường thành lập trên cơ sở sát nhập trung tâm Đại học tại chức Tiền Giang - Long An - Bến Tre và trường Công Nhân Kỹ Thuật Tiền Giang từ 6/1992 - 8/2000. Trước khi sát nhập, Trường Công nhân Kỹ thuật còn khó khăn: cơ sở vật chất gần như con số không, chỉ vài trăm sinh viên. Nhưng chỉ sau 5 năm, trường Cao Đẳng Cộng Đồng Tiền Giang đã có khoảng 3.000 sinh viên. Mỗi năm đều nhận bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang. Năm 2005, trường Đại học Tiền Giang thành lập trên cơ sở sát nhập Trường Cao Đẳng Cộng đồng Tiền Giang và Trường Cao Đẳng Sư Phạm Tiền Giang. Riêng Trường Cao Đẳng Tiền Giang lúc đó bế tắc trong định hướng đào tạo, khoảng 500 SV, 170 Giảng viên. Bạn tôi dạy ở đó nhậu hát ngậm ngùi: “Liệu mà cao chạy xa bay. Ái ân ta có chừng này đấy thôi!”. Nội bộ trường rối ren … Đến năm 2012, dưới chèo lái của “thuyền trưởng” năng nỗ sáng tạo Ngô Tấn Lực, trường vượt qua tâm bão, đạt thành tích đáng nể: với 10.000 SV, 43 ngành học, 8 phòng, 9 khoa, 5 trung tâm. Trường đã được UBND tỉnh cấp 40 ha đất xây dựng tại xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành. Tương lai cơ ngơi bề thế. Năm nào cũng nhận bằng khen UBND tỉnh. Đặc biệt 2009 - 2010, sau 5 năm thành lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ khen: “XUẤT SẮC TOÀN DIỆN”, là 1/17 Trường CĐ-ĐH trong cả nước nhận vinh dự này!

Vàng qua lửa, chí anh hùng tỏa sáng lung linh qua lối cùng khổ tận. Không kể hết lao tâm khổ trí của thầy những năm ấy! Thầy lại có thời gian để viết 9 cuốn sách toán. Được học lớp lý luận cao cấp khóa 1 (1996 - 1997) tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, làm tiểu luận tốt nghiệp không chính trị mà đậm chất kinh tế: “Một số vấn đề về công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn Tiền Giang đến năm 2000”. Đề nghị của thầy là Thành lập ban chỉ đạo Miền Tây để trị thủy và khai thác có tổ chức toàn vùng và kiến nghị nâng thị trấn Cai Lậy lên thị xã để vực dậy vùng rộng lớn Tây Tiền Giang, đất lúa cao sản mênh mông. Sống chung với lũ, nhìn lũ như một lợi thế tự nhiên trời ban tặng là ý tưởng trong tiểu luận của thầy. Bản thân tôi cũng đề xuất xây dựng khu dân cư vượt lũ. Chính phủ đã thực hiện đáp ứng nhu cầu đồng bào. Ý tưởng chúng tôi đã gặp nhau nên dể đồng cảm. Tôi đùa cho vui: “Nhà toán, nhà văn đóng cửa im ỉm thì chẳng hơn mọt sách là mấy. Có giỏi thì phát hiện những bài toán do đời sống tự nhiên đặt ra và giải bằng thực tế đi”. Thầy bảo: “Đại học ứng dụng đang thịnh hành ở phương Tây bây giờ đó!”.

Từ 8/2000 cho đến ngày về hưu (2012), Ngô Tấn Lực phải gánh trách nhiệm nặng nề: xốc vực dậy, tìm cơ cấu tổ chức mới, hình thức đào tạo mới đáp ứng thời cuộc, phải giữ cả “xác” lẫn “hồn” cho nó! Trong hoàn cảnh này, sự sống còn này, cái chất người táo bạo năng nỗ đầy sáng tạo, dám làm dám chịu trách nhiệm của thầy đã phát huy hết ưu thế, sở trường. Mẫu người “thủ lĩnh”, làm trưởng chứ làm phó khó thành!

Nhờ ý chí, tâm huyết và tầm nhìn xa của thầy mà Tiền Giang hôm nay có một trường Đại học có tầm khu vực, hoành tráng, có thể ngửng đầu nhìn ra xung quanh! 18 bằng khen cấp bộ, cấp tỉnh đã ghi nhận công lao cống hiến của Ngô Tấn Lực. Tết rồi, tôi gặp Quang Sáng - Ngọc Thanh thấy không vui. Hỏi ra mới biết Trường chưa có vị Hiệu trưởng thay thế Ngô Tấn Lực! Tỉnh đang mời gọi và tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Tiền Giang nhưng cho đến nay chưa thành. Chức danh Giáo sư, Tiến sĩ không hiếm. Nhưng kiếm người “gánh” trọng trách này, khó có ai được như thầy!

Trời đã ngã sang chiều. Những tia nắng gắt xuyên qua tán cây rọi vào mặt thầy. Mãi chuyện nên quên nắng. Tôi nhắc thầy xoay lưng tránh nắng. Không dám hỏi thẳng về lớp thầy cô trẻ thế nào, tôi thăm dò:

- Thầy có tin vào lớp giáo viên trí thức trẻ không? Còn gì trăn trở không?

Lưỡng lự cân nhắc cẩn thận, thầy mới đáp:

- Tin chứ. Nhưng nhiều bạn vẫn mãi lo, họ lo bươn chải kiếm sống nên đôi khi còn hạn chế.

May mắn cho tôi được học những giáo sư uy tín. Họ là thế hệ vàng đang và sắp đi qua do tuổi tác tháng năm. Một tiết giao lưu với các vị hơn mười năm mày mò … Trí thức giàu lòng tự trọng, đam mê khoa học, tiền bạc xếp sau. Nhưng bây giờ lớp trẻ phần nhiều lại đặt tiền bạc, lợi lộc cao hơn danh dự, lòng tự trọng! Bác sĩ làm quấy. Một bộ phận Giáo viên dạy thêm cưng chiều lấy lòng làm hư học trò. Cải cách giáo dục chưa tới đâu ngổn ngang như vườn cây sau gió bão. Nói thi tốn kém, bỏ thi tiết kiệm ngân sách thì hỡi ôi! Lên lớp ào ào, đậu ào ào, chất lượng càng tuột dốc không phanh! Chất lượng giáo dục của ta hồi trước rất khá vì có thầy tài hoa. Tôi gặp nhiều cán bộ Trường Đại học họ đều khen: “Những ai đào tạo qua sư phạm thì kiến thức đầy đặn và phương pháp làm việc chuẩn”. Giá như bây giờ chúng ta có thế hệ thầy giáo như vậy!

Không thể gói gần 40 cống hiến của thầy trong vài trang giấy. Tôi chọn ra vài tâm huyết trăn trở của thầy. Trước hết, một trí thức dù đi đâu, làm gì vẫn không quên đất mẹ châu thổ Cửu Long, khao khát làm cho đồng bào sống khá lên, xứng với công khai khẩn, đổ mồ hôi sôi nước mắt của bao lớp người. Chuyên ngành của thầy là ứng dụng CNTT vào quản trị đại học. Biết Hàn Quốc trổi dậy thành rồng Châu Á nhờ xây dựng làng kiểu mới. Thầy qua học hỏi, viết bài xây dựng nông thôn Miền Tây theo kiểu làng mới Hàn Quốc. Tôi đọc đi đọc lại nghe phập phồng nhịp đập tâm huyết của người con sông Tiền. Thầy xúc động:

- Sinh ra từ đồng khô cỏ cháy, tôi mong sao cho đồng bào đời sống cao hơn. Ở bên Hàn thiên thời, đất đai khắc nghiệt mà người ta thành công. Mình thuận lợi hơn, tại sao không làm được?

Tâm huyết ý tưởng của thầy đang trở thành hiện thực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang. Thỉnh thoảng vô quê chơi, tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ấy. Mười Lực vẫn lắc đầu:

- Vẫn chậm, chưa tương xứng với sức mạnh vốn có!

Các bài nghiên cứu khoa học, những báo cáo kiến nghị của thầy vẫn chăm chú vào đề tài này với nỗi lòng đau đáu không nguôi.

Tôi hỏi thầy về đổi mới giáo dục, vấn đề nóng trên diễn đàn báo chí hôm nay. Như chạm vô chỗ nhạy cảm tìm mình, thầy ngồi bật lên, mắt long lanh:

- Mình sung sướng hy vọng lần này nhà nước đổi mới toàn diện và sâu sắc thành công! Lần trước chưa tới đâu, chất lượng rối thêm …

Một người thầy, một Hiệu trưởng, danh dự uy tín giáo dục đặt lên hàng đầu! Thầy khẳng định: máy móc, CNTT mang sức mạnh khủng khiếp trong quản lý giáo dục. Đổi mới giáo dục hiện đại theo kiểu ứng dụng, theo lối Đan Mạch, Đức, Mỹ. Mình lạc hậu phải học phương Tây. Vì họ cũng thử và sai, tốn tiền và thời gian vô đó. Nếu mày mò tự đi là lãng phí hàng trăm ngàn tỷ và lòng dân không thuận. Vấn đề là cân nhắc, lựa chọn, vận dụng phù hợp, sáng tạo vô Việt Nam tùy vùng tùy thời điểm. Không ôm đồm mà cũng không nhút nhát dè dặt! Thầy nói hai chuyến du học có học bổng ngắn hạn ở Ấn Độ (2000) và Hoa Kỳ (2004) với thầy là bổ ích nhất. Chính tiếp cận, cùng làm việc với họ, mình tỏ nhiều điều, chất người Việt là vô giá, sinh viên Việt kỳ tích học khiến họ vị nể. Nhưng công nghệ, phương pháp tổ chức khoa học thì họ xứng đáng bậc thầy nước mình!

Từ năm 2007, thầy tìm kiếm giảng viên cho đại học Tiền Giang. Thực chất, trường này đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực bắc sông Tiền: ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre. Một Hiệu trưởng được tỉnh gửi trọn niềm tin. Hễ nước nào có cái hay, thì tỉnh cho thầy đến khảo cứu như Nguyễn Trường Tộ xưa vậy. Tiếng nói, ý tưởng của thầy được lãnh đạo lắng nghe và thực hiện.

Giờ nghỉ hưu là hưu chức không hưu việc. Mong ai đó kế vị để tiếp tục ý tưởng của thầy. Nếu tôi không tìm không xem những công trình nghiên cứu thì cống hiến của thầy vẫn vậy như nắng sớm như giọt mưa tắm mát cây chồi đất mẹ. Nhưng nó sẽ âm thầm lặng lẽ như đời nhà giáo từ trước đến nay. Và theo thời gian, nó chìm vào quên lãng chăng? Gặp Ngô Tấn Lực, tôi thấy tự tin hơn. Bác sĩ, thầy giáo làm dối khó phát hiện. Tự giác tự soi lương tâm là chính. Thầy rất mến mộ sự bình dị Nam Bộ của Sơn Nam. Giờ phải chia tay vì cạn ngày rồi. Hẹn dịp khác sẽ bàn về Sơn Nam. Tôi nói:

- Thầy cũng là nhà khoa học, nhà toán học, nhà quản lý mang chất Nam Bộ, chất Sơn Nam đó!

Đáp lại nụ cười cởi mở: “Đâu dám vậy? Nhưng mình kính nể ông. Ông gợi lại những ngày khẩn hoang xưa; vui vì có tình làng nghĩa xóm, của những con người hào sảng, kiến nghĩa bất vi vô dũng dã, biết trọng nghĩa khinh tiền!”.

Thì ra, ngoài cái đầu tư duy sắc lạnh tỉnh táo chính xác của toán của quản lý, vị tiến sĩ đặc biệt này còn có tâm hồn nghệ sĩ. Lòng luôn đau đáu với bà con nông dân Miền Tây. Trái tim vẫn trăn trở với cải cách giáo dục. Một giáo sư phương Tây nói với thầy đại ý: “Việt Nam như một võ sĩ thượng đài một cánh tay bị trói. Cánh tay ấy là giáo dục!”.

Bác Hồ viết: “Người biết lo âu ưu điểm lớn. Qua cơn hoạn nạn rõ lòng son”. Miền Tây đang rất cần những trí thức như Ngô Tấn Lực.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây