Sức sống trong lòng đất chết!

Thứ hai - 16/12/2013 13:22 6.727 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Theo bản tóm tắt do Bảo tàng Cần Thơ biên soạn thì di tích Khám lớn Cần Thơ có tên là Prison Provinciale (có nghĩa là “nhà tù tỉnh”), được xây dựng năm 1886, trên diện tích 3.762 m2, nằm bên cạnh khu vực dinh tỉnh trưởng thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa (nay là nơi đặt trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ).

Sau Hiệp định Genève (1954), Khám lớn Cần Thơ được đổi tên là Trung tâm Cải huấn, cho đến ngày giải phóng. Khám được xây dựng kiên cố, với tường dày (cao từ 3,6m - 5m, trên cắm miểng chai nhọn), rào sắt bao bọc, có các vọng gác kiểm soát (cao 6m, đèn pha chiếu sáng); biệt lập với khu dân cư bằng hai con đường (nay là đường Ngô Gia Tự ở mặt tiền khám, và đường Bà Triệu ở bên phải khám nhìn từ cổng vào).

Thời Việt Nam Cộng hòa, Khám lớn Cần Thơ chia thành 2 khu, với 21 phòng giam tập thể (có sức chứa khoảng 30 người/phòng, nhưng có khi giam hơn trăm người), cùng nhiều xà lim nhỏ dùng để biệt giam. Từ cổng vào, khu giam tù nhân nữ ở phía trái, khu giam tù nhân nam ở phía phải. Ngoài ra, còn có các hạng mục: chùa, nhà thờ, bếp, nhà giám thị, nhà hướng nghiệp,... Năm 1995, Cần Thơ xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, thu hẹp một phần diện tích của khám lớn. Do vậy, khu trại giam giữ nữ tù, một số xà lim, khu phòng ở của giám thị không còn nữa (sau đó, một số đã được phục dựng trên phần diện tích còn lại - hiện nay là 2.046m2). Bên cạnh một số khu nhà cũ còn tồn tại, nơi đây hiện có phòng trưng bày một số dụng cụ tra tấn, các “sản phẩm” do tù nhân làm ra, cùng một số tranh ảnh, tư liệu quý...

Thời Pháp thuộc, nơi đây từng giam giữ các chiến sĩ cách mạng thuộc các tỉnh miền Tây. Trong đó có những người rất trẻ như Trần Đóng (14 tuổi), Nguyễn Ngọc Trai (16 tuổi), và những cán bộ cao cấp như: Lê Văn Nhung (tức Lý Hồng Thanh, bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ năm 1940); Ngô Hữu Hạnh (tức Ngô Văn Khỏe, thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ năm 1940); Quảng Trọng Hoàng (bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ) bị bắt giam cuối năm 1939;v.v... Lúc 9 giờ 30 sáng (ngày 4-6-1941, quân Pháp đã xử bắn ông Lê Văn Nhung và ông Ngô Hữu Hạnh tại khu đất phía sau Khám lớn Cần Thơ, góc tay phải từ cổng khám nhìn vào.

Lịch sử Đảng tỉnh Đồng Tháp nêu rõ: Ông Lê Văn Nhung, bí danh Lý Hồng Thanh, Tư Ú (1916 - 1941), quê làng Tân Huề, quận Hồng Ngự, tỉnh Châu Đốc (nay là xã Tân Huề, Thanh Bình - Đồng Tháp). Từ năm 14 tuổi, ông đã tham gia canh gác bảo vệ các cuộc họp, làm lực lượng cho chi bộ Tân Huề và tham gia các cuộc biểu tình từ tháng 5-1930 ở Chợ Mới. Năm 1932 ông bị bắt cùng với cha và 3 người khác với một số tài liệu và 3 bàn in. Tuy còn nhỏ, ông vẫn bị tra tấn dã man, nhưng không khai báo gì. Đến tháng 5-1933 bị xử một năm tù về tội “phá rối trị an”. Ra tù, là đảng viên cộng sản, bắt tay ngay vào việc gây dựng, củng cố lại phong trào cách mạng. Sau thời gian công tác Tỉnh ủy Châu Đốc (từ tháng 8-1936), năm 1938 ông được cử vào Ban chấp hành liên tỉnh ủy Cần Thơ..., đến tháng 9-1940 là Bí thư tỉnh ủy Cần Thơ. Cuối tháng 11-1940, Tỉnh ủy Cần Thơ đang họp thì bị địch bao vây bắt nhiều người, trong đó có ông. Ông bị áp giải về Sài Gòn, biệt giam, khảo tra, bị kết án tử hình, vẫn lạc quan nói: “Chỉ tiếc rằng không được tận mắt nhìn thấy ngày vinh quang của Tổ quốc”. Ngày 3-6-1941, nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân, quân Pháp đưa ông và ông Ngô Hữu Hạnh về Khám lớn Cần Thơ xử bắn. Ngày hôm sau, trước khi bị xử bắn, cả hai ông đòi không bị bịt mắt để nhìn quê hương, đồng bào, và nhắn nhủ “Đồng chí, đồng bào hãy nối tiếp sự nghiệp của chúng tôi đang dang dở”.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang 1930 - 1975 (sơ thảo) thì, ông Ngô Hữu Hạnh (Ngô Văn Khỏe), người đảng viên đầu tiên (1936), sau đó là bí thư đầu tiên của chi bộ Thường Phước (đầu năm 1937), tỏa mãi ánh sáng Nam kỳ khởi nghĩa... Cuối năm 1938, ông Ngô Hữu Hạnh được bổ sung vào Tỉnh ủy Cần Thơ. Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 25-11-1940 tại Phú Hữu (tuy thất bại, nhưng tinh thần bất diệt của cuộc tập dượt cướp chánh quyền đầu tiên này vẫn sống mãi trong lòng dân), quân Pháp điên cuồng bắt bớ, tàn sát hàng ngàn người. Ông Ngô Hữu Hạnh, ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ bị chúng xử bắn tại khám lớn Cần Thơ (ngày 4-6-1941). Người đảng viên kiên cường đầu tiên của Thường Phước, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, đã hiên ngang không cho bọn đồ tể bịt mắt, trìu mến nhìn đồng bào, nhìn thẳng vào họng súng quân thù, hô to khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Cách mạng thành công muôn năm”...

Đó là những tư liệu quý tôi tìm thấy trong “sách vở” về hai người cán bộ cách mạng thời chống Pháp bị xử bắn tại Khám lớn Cần Thơ! Còn tại phòng trưng bày hiện nay ở nơi đây, với những hình ảnh các cựu tù cách mạng bị giam cầm (chưa đầy đủ), cùng những hiện vật do họ làm ra trong thời gian bị tù đày ở phòng tập thể, thậm chí có người đã bị biệt giam ở xà lim - tôi không thể tưởng tượng nổi, sức sống nào vẫn căng tràn trong những cơ thể gầy còm, bệnh tật, tả tơi vì bao ngón đòn hung bạo của quân thù! Cũng như, tôi vẫn chưa thể hình dung rõ về sức mạnh, tinh thần lạc quan cách mạng, cùng những hoạt động đấu tranh chính trị của các cựu tù - ngay trong nhà giam - lẫn việc thông tin, liên lạc với tổ chức Đảng ở bên ngoài... Vậy mà, cái sức sống ấy, cái sức mạnh tinh thần to lớn ấy, đã từng tồn tại đầy uy dũng, kiêu hùng, gây khiếp đảm quân thù chính ngay trong lòng mảnh đất - mà có lẽ chúng đã cho rằng - đó là nơi chúng đào huyệt chôn vùi sự sống và ý chí chiến đấu của những người làm cách mạng!

Cô gái Cà Mau Lê Thị Thanh Thùy, 25 tuổi, quê gốc Quảng Ninh, có duyên may trở thành nhân viên quản lý di tích thuộc Phòng Quản lý di tích (Bảo tàng thành phố Cần Thơ) từ giữa tháng tám năm ngoái, hồn nhiên bộc bạch: Có những du khách đến đây thấy khám lớn hơi huyền bí, rờn rợn. Nhưng với Thùy thì nơi đây đầy cảm xúc. Trong ba tháng ròng học bài thuyết minh về di tích, càng học, Thùy càng thích, càng muốn tìm hiểu thêm để làm công việc này ngày một tốt hơn. Rồi Thùy kể tôi nghe những câu chuyên đầy xúc động, tâm đắc thông qua những hiện vật trưng bày...

Chuyện chiếc áo len tím của bà Lê Kim Hoàng, nguyên cán bộ ban binh vận tỉnh Cần Thơ. Khi bị bắt vào đây, bà nói cha mẹ chết hết rồi, nhưng nỗi nhớ mẹ cứ theo bà vào giấc ngủ. Không có người vào thăm, bà xin len của những người bạn tù để đan áo cho mẹ. Bà cứ đan, cứ đan, nhưng không biết lúc nào thì có thể gởi về cho mẹ được... Một hôm, ở ngoài, người mẹ tham gia biểu tình, lúc giặc vây ráp, bà được một tín đồ Cao Đài cởi chiếc áo dài trên người, mặc vào cho bà, để bà nhập vào đoàn tín đồ đang tập trung trước khám, đòi vào thăm tù nhân... Ở trong khám, khi trông thấy mẹ (cùng đoàn tín đồ) đi lướt ngang, bà Kim Hoàng vội chuyền chiếc áo len cho một người phụ nữ lãnh đạo Đảng trong tù, nhờ trao tận tay mẹ... Trước khi rời khám, mẹ của bà lại nhờ người trao lại chiếc áo len cho con gái mình. Chiếc áo ấy mẹ của bà đã mặc, rồi trao lại con để truyền hơi ấm cho con. “Chiếc áo len tím đã ấp ủ hai mảnh đời, hai người mẹ…” - Thùy xúc động.

Từ câu chuyện Thùy kể về “đôi dép, nón len, bình sữa” - hiện vật còn để lại của bà Lê Kim Tiến, nguyên cán bộ liên lạc ban binh vận khu Tây Nam bộ - tôi tìm gặp bà Lê Ngọc Thanh, nguyên ủy viên ban chấp hành nông dân khu Tây Nam bộ, hiện là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến phường An Khánh, thành phố Cần Thơ. Nghe tôi hỏi về bà Kim Tiến và đứa con bà Tiến sinh trong tù, có lẽ cũng như nhiều lần khác, bà Thanh không ngăn được dòng nước mắt.

Theo lời bà Thanh, khi vào tù (khoảng tháng 8-1974) bị nhốt ở xà lim, bà mang tên Tám Thương - đã gặp bà Kim Tiến tại đó. Bà Kim Tiến có mang chừng hai tháng, bị bắt quả tang khi đem thơ cho lính... Qua hai tháng ở xà lim, cả hai cùng được đưa ra phòng tập thể, sau khi bà Tiến đã ra tòa, bị kêu án tám năm tù vì tội “làm Việt cộng”. Bà Thanh lớn hơn bà Tiến năm tuổi, hai người rất thân nhau. Rất nhiều lần bà Tiến gởi gắm, nhờ bà Thanh nuôi giùm đứa con nếu chẳng may mình có mệnh hệ gì. “Chị hứa với em đi, chị đừng bỏ con!” - bà Thanh kể, khi bà Tiến nói vậy, bà hứa như đinh đóng cột, nếu còn sống, bà không bao giờ bỏ con, và lời hứa đó, bà vẫn còn giữ cho đến tận bây giờ! Lúc ấy, ngày ngày sau những trận đòn thù hiểm ác, ngay khi cơn đau vừa giảm bớt, bà Tiến cặm cụi thêu, đan. Có chỉ của chị em bạn tù cho, bà Tiến thêu hai cái nón, một con trai, một con gái - với ý định trai gái gì cũng đặt tên Việt Tiến, ghép từ tên vợ chồng bà. Hết thêu nón cho con thì đan len mướn (cho những tù nhân án thường phạm hoặc cho vợ con giám thị), dành dụm tiền sắm sửa chuẩn bị việc sinh nở, và mua sữa cho con...

Trước khi sinh, bà Tiến bị băng huyết, chị em đấu tranh đòi đưa bà Tiến qua bệnh viện, nhưng giám thị bỏ mặc. Chỉ khi cuộc đấu tranh của chị em dữ dội hơn bọn cai ngục mới đưa bà Tiến qua bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa lúc bấy giờ. Trong ấy có trại giam riêng, Việt Tiến - con gái bà Kim Tiến ra đời trong trại giam ấy, và chỉ trong vòng bảy tiếng đồng hồ sau đó, hai mẹ con bà bị đưa trở về khám lớn... Nửa tháng sau (ngày 10-4-1975), thấy sức khỏe bà Tiến quá suy kiệt, bọn chúng mới cho bà Tiến ra tù!

Khoảng chục ngày nữa, bà Thanh cũng được thả ra. Sau đó vài ngày thì miền Nam được giải phóng... Bà đâu hay rằng, niềm tin lẫn ước mơ rất đỗi bình thường của hai người bạn nữ tù cách mạng về một ngày thoát cảnh giam cầm, đất nước hòa bình, được xuống bến Ninh Kiều ăn một trái chuối hay một viên chè trôi nước... vĩnh viễn bà Tiến không bao giờ có được! Mong sớm biết tin Kim Tiến, bà Thanh vội vã đi tìm, theo địa chỉ người phụ nữ tên Sáng (mợ dâu của bà Tiến), sống trên ghe mua bán phế liệu, cách chợ Cái Tắc chừng cây số. Không gặp được bà Sáng, hoàn toàn mất liên lạc với người bạn tù xưa, về Vị Thanh công tác, lòng bà Thanh nặng trĩu khôn nguôi. Nào ngờ, một bữa, đến ăn cơm nhà bạn, nghe người bạn kể: Hồi trưa có người phụ nữ ẵm con đi tìm chị Tám Thương nào đó, nói có bạn tù gởi con... Chưa kịp và miếng cơm, bà Thanh buông rơi cái chén bể tan. Ngay đầu giờ chiều hôm ấy, bà xin phép thủ trưởng về lại Cái Tắc, tìm “bà Tư bán chuối chiên” (bà Sáng đã chuyển nghề)!

Vừa ẵm đứa bé gái chỉ nhỉnh hơn hai ký một chút, bà Thanh vừa đọc lá thư tay viết bằng bút chì của bà Kim Tiến gởi lại, mà cho đến nay bà vẫn thuộc nằm lòng: “Chị Tám, em không còn sức chịu đựng nổi. Em sẽ chết. Em gởi đứa con duy nhứt lại cho chị. Con khôn ngoan thì mẹ vui lòng. Con không khôn ngoan thì mẹ đau lòng. Nhưng, đừng bỏ con nghe chị. Em vĩnh viễn không còn nữa”. Mắt bà Thanh lại nhòa lệ...

Không thể kể hết những nhọc nhằn, vất vả của người phụ nữ hy sinh hạnh phúc riêng tư, ở vậy một mình nuôi con cho con có được trọn lòng thương của mẹ. Và, Việt Tiến cũng không chỉ được nuôi dưỡng, lớn khôn bằng tình thương cùng sự chăm lo của riêng người mẹ ấy. Bà Thanh luôn bận bịu công tác. Nhiều lúc bà phải gởi con cho những người công tác chung, hoặc những bạn bè chí cốt, thậm chí có cả thầy thuốc nhận chữa trị, chăm sóc luôn cho Việt Tiến trong mấy ngày bà bận đi công tác xa... Một bữa tình cờ, một đồng chí chung cơ quan bà Thanh cõng Việt Tiến sang chơi ở cơ quan Khu cầu đường 7, qua chuyện trò, đồng chí này biết tin: liệt sĩ quân bưu Lê Quốc Việt, có vợ tên Lê Kim Tiến, không biết gia đình hiện ở đâu để trao bằng Tổ quốc ghi công... Nghe kể lại, bà Thanh lặng người chết điếng, thương cho đứa con gái nuôi mới mấy tuổi đầu đã gánh chịu số phận quá đau thương, nghiệt ngã!

Quả thật, mỗi kỷ vật được trưng bày ở Khám lớn Cần Thơ là một câu chuyện đầy cảm xúc, tiêu biểu sinh động tinh thần bất khuất, lạc quan, khao khát tự do, giàu sức sống của những người tù cách mạng. Bên cạnh các sản phẩm do những người nữ tù sáng tạo nên, còn có “chiếc bếp dầu”“mặt gối thêu” của ông Phan Thanh Sỹ, người làm công tác học sinh vận Thành đoàn Cần Thơ, bị bắt giam tại đây từ 1968 - 1970, với mức án 15 năm khổ sai và 15 năm biệt xứ. Chiếc bếp dầu được ông làm lúc bị giam ở phòng tập thể, trong phòng có cùm chân tay. Khi được ra ngoài phơi nắng, ông Sỹ tìm tòi, lượm lặt từng chiếc lon sữa, từng cục đá, rồi tỉ mẫn đập, gò... làm thành chiếc bếp dầu. Mục đích dành nấu nước hoặc lấy cơm nấu thành cháo, đút cho những người tù ốm đau không thể nuốt trôi cơm...!

Với việc khởi xướng, cùng tổ chức vượt ngục (bằng cách giả bệnh nặng để được đưa qua bệnh viện), qua đó có bốn người đã chạy thoát khỏi trại giam bên bệnh viện, riêng ông Sỹ và một người nữa bị bắt lại. Sau đó địch đưa ông ra tòa thượng thẩm đại hình, kêu án chung thân khổ sai! Lần này, ông bị tống vào xà lim - diện tích chỉ khoảng 6 mét vuông, cao chưa đầy 4 mét, trần bê tông kiên cố - chân bị cùm, đứng không được, lết không xong; cửa phòng là tấm sắt nặng với ba lỗ tò vò nhỏ bé. Thời gian tám tháng bị biệt giam nơi này, ông thêu xong mặt gối, gởi về tặng mẹ. Nhìn chiếc bếp dầu, đã biết ông khéo tay. Ngắm mặt gối, dù trải mấy mươi năm, nhiều đường kim mũi chỉ không còn, tôi vẫn không khỏi thầm ngưỡng mộ. Chính giữa mặt gối là dòng chữ màu đỏ “Thương về quê mẹ” với mũi thêu chữ X; dưới dòng chữ này là mũi thêu đặc một đóa sen hồng thắm. Ở góc dưới bên trái là những mũi cành cây, mũi thêu đặc thể hiện hình ảnh hai con cò trắng, bên cạnh một cụm lúa. Nơi góc trên bên phải nổi bật chữ HẬN màu đỏ sẫm, chung quanh là bầy máy bay phản lực Mỹ. Phía đối diện - góc trên bên trái - là hai câu thơ “Dẫu đời tôi phải chết đến ngàn lần/Tôi nguyện chết nơi quê hương tôi đó”. Tương tự, góc dưới bên phải là hai câu thơ khác “Nếu đời tôi đến ngàn lần sinh nở/Tôi nguyện sinh ở nơi đó quê tôi”.

Cũng không thể không kể về ba kỷ vật của bà Võ Thị Vốn (Út Vốn), nguyên giao liên Thành đội Cần Thơ. Đó là, một “thẻ căn cước” hoạt động hợp pháp tên Lê Thị Trang, một cái bóp, và chiếc áo bà ba màu lam, cổ tròn, có vết rách hình chữ L được mạng lá khéo léo trên thân áo! Mặt bóp, và trên thẻ căn cước là hai ảnh chân dung trẻ đẹp của cô Trang ngày nào. Trông khác xa tấm ảnh - một trong số mấy trăm tấm ảnh chân dung - trong bốn quyển album được trưng bày, của những cựu tù cách mạng từng bị giam cầm, tra tấn dã man ở Khám lớn Cần Thơ, nơi có thể coi như vùng đất chết!

Có lần, bà Út Vốn kể tôi nghe: Hôm đó, ngày 10-2-1972 (nhằm hăm mấy tết Nhâm Tý), Út được giao nhiệm vụ đi rước ông Chín Đoàn... Lúc ấy, lòng Út rối bời, bất an, vì đã biết tin người anh ruột cùng anh rể của Út đã ra đầu hàng, sợ mình sẽ bị bắt, còn liên lụy thủ trưởng. Lại thêm cái máy đuôi tôm chết tiệt, “giựt” hoài vẫn trơ ỳ ra như thách đố, Út linh cảm “điềm” không lành, bụng vùng vằng không muốn đi... Nhưng cuối cùng Út vẫn chấp hành mệnh lệnh. Khi gặp ông Chín, được ông sinh hoạt tư tưởng kỹ lưỡng, còn khẳng định “Chuyện anh mày ra đầu hàng, tội ai làm nấy chịu, hãy yên chí, mấy chú vẫn tin cháu...”, Út mới thấy nhẹ nhõm phần nào, yên tâm làm nhiệm vụ. Nhưng chẳng may... khi mọi việc xong xuôi, trên đường trở về cứ, lúc đi ngang bót Bàu Hang (So Đũa Bé), đã bị bọn Phượng Hoàng chặn bắt. Ngay đêm đó, lập tức hai người bị khảo tra; hôm sau chúng đưa ra Tiểu khu Phong Dinh, đến tối cùng ngày thì đưa qua Khám lớn Cần Thơ...

Những ngày ở Khám lớn, Út hết bị châm điện vào môi thì bị đánh vào mười đầu móng tay, bị chày vồ đập vô đầu, bị giộng đầu liên tục vào tường, bị cây quất tàn bạo vào lưng, vai... thừa chết, thiếu sống! Trong khám có nhiều cô, chị - người xoa bóp, người cho thuốc uống, vừa dặn trước khai sao thì sau khai vậy, nếu thay đổi càng bị chúng đánh đập dã man để moi thêm thông tin. Út càng vững dạ bền lòng, không khai báo nửa lời. Đến sáng mùng bốn Tết, Út được thả. Vừa ra khỏi nhà tù Út gặp ngay một tên chiêu hồi, hắn còn đưa anh của Út đến “nhìn em”. Út một mực nói “Cha mẹ tui chết hết rồi. Tui ở Trà Vinh, không có anh em gì hết...”. Cả tên Sáu Khẩn, trước là trưởng ban an ninh (cũng đã chiêu hồi) đưa tiền, dụ dỗ, Út lấy tiền ném vào mặt hắn, chửi bới không ngừng... Vậy là Út bị bắt lại cũng ngay trong ngày mùng bốn Tết!

Qua lời kể của bà Út Vốn, rồi được sự trợ giúp của ông Võ Tấn Dũng, Phó ban liên lạc Biệt động Thành phố Cần Thơ, tôi đã có dịp gặp gỡ ông Chín Đoàn tại nhà ông ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Ông tên thật Đỗ Văn Lai, 89 tuổi, nguyên thành đội trưởng Cần Thơ từ 1971 đến khi bị bắt cùng bà Út Vốn, sau đó chuyển lên nhà lao Chí Hòa, rồi bị đưa ra Côn Đảo... Đáp lại câu hỏi của tôi “Ấn tượng của bác đối với chị Út Vốn?”, giọng ông rõ, vang, sôi nổi... Đại ý ông rất vui khi có dịp nhắc lại những điều nhận xét tốt đẹp về người con gái trẻ yêu nước, trong hoàn cảnh khó khăn đã hy sinh đáng kể, giữ kín bí mật của tổ chức, trực tiếp bảo vệ, giữ kín tông tích người chỉ huy, khi cả hai đều đang nằm trong tay kẻ địch. Ông nói, hơn bốn mươi năm nay, ông nhớ mãi những giờ phút ấy. Cái giờ phút “Tôi bị bắt ngồi dưới nền xi măng để chứng kiến cảnh đánh đập mà cô gái trẻ bị quằn quại, bầm dập, giựt ngược, ngã quỵ, để trả lời câu hỏi “Mầy có phải là Võ Thị Vốn không? Còn người này là ai?”. Đáp lại là câu trả lời rất ngang ngược “Tui không biết vốn lời gì hết. Tôi là Lê Thị Trang, còn ông này là người quá giang đi thăm con”. Và, theo lời ông, cuộc tra tấn được lặp đi lặp lại, đến nỗi Út Vốn bị nghẹt thở, ngất xỉu, địch phải cho xe chở đi nhà thương chữa trị, hầu mong tiếp tục khai thác. Nhưng, sau đó Vốn lại trở về nhà tù, tiếp tục chịu đựng với cái tên Lê Thị Trang; còn ông vẫn là Lưu Văn Đại (tên hợp pháp, có thẻ căn cước), người Rạch Giá đi thăm con bị bắt...

Tôi vẫn nhớ, bà Út Vốn từng kể, mãi đến gần cuối tháng 10-1974 bà mới được trả tự do, đi tìm lại cơ sở, và được tổ chức đưa đi trị bệnh ở vài nơi, sau đó được đưa đi học lớp y tá, rồi đặc công, rồi chuyển sang lực lượng biệt động thành... Ngày 30-4-1975, bà có mặt trong đoàn quân Thành đội, bộ đội Tây Đô, địa phương quân huyện, hành quân từ So Đũa Lớn tới kinh Cựa Gà, bị pháo chặn, ta bắn trả, chúng ngưng bắn, ta đi tiếp... “lùa” bọn sư đoàn 21 chạy như vịt. Cuối cùng, lực lượng mình ra tiếp quản thành phố (tại Ngân hàng Việt Nam thương tín cũ, xéo xéo Trung tâm Y học dự phòng Cần Thơ hiện nay). Từ ấy đến năm 1990, qua nhiều “lận đận” cả trong tình duyên, sự nghiệp, sức khỏe (từng bị bệnh tâm thần), bà nghỉ công tác, về an dưỡng, không còn là đảng viên. Tuy đã được Xí nghiệp Dược Hậu Giang xây tặng nhà tình nghĩa (tại khu vực 6, phường An Khánh, Ninh Kiều), bà vẫn ít có mặt tại nhà cùng vợ chồng đứa con trai và cháu nội. Vì cuộc sống, bà phải đi làm cho một cơ sở mua bán phế liệu tư nhân ở cách đó chừng hai mươi cây số!

Riêng bà Kim Hoàng, hiện là Chủ tịch Hội người tù kháng chiến quận Ninh Kiều; ông Phan Thanh Sỹ, Phó Chủ tịch Hội người tù kháng chiến thành phố Cần Thơ... Tất cả những người ấy, mỗi khi nhắc nhớ quãng đời bị giam cầm - riêng ông Sỹ còn bị đày ra Côn Đảo từ 1972, đến ngày 4-5-1975 mới được về Cần Thơ, trên chuyến tàu hải quân ra đảo rước những người tù, trong đó có ông Chín Đoàn - vẫn vẹn nguyên niềm cảm xúc, vẫn hẹn lòng “Trong lao tù kiên trung bất khuất/Sống ngoài đời gương mẫu, thủy chung”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây