Gió cát đảo xa

Thứ hai - 16/12/2013 13:02 6.390 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Chúng tôi đến Thổ Chu thì trời bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa đầu mùa như giải nhiệt cho hòn đảo đang nóng bức này. Cây cối dường như tươi mát hơn sau trận mưa. Trông mọi người ai cũng phấn khởi và thích thú. Đảo Thổ Chu xem ra khá trù phú và tấp nập, không đến nỗi hoang vắng.

Là một đảo tiền tiêu thuộc huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang nằm ở cực Tây Nam của Tổ quốc, Thổ Chu vẫn còn thiếu thốn rất nhiều so với đất liền. Tuy nhiên, con người ở đây rất thân thiện và mến khách. Các anh em ở Bộ chỉ huy Hải quân trên đảo nhiệt tình dẫn đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi đi tham quan các nơi. Tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc thuận lợi. Kể ra cuộc sống trên đảo cũng khá lý thú. Rau xanh, trái ngọt, gia súc, gia cầm tự nuôi, trồng vừa sạch, vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh và an toàn cho sức khỏe. Cuộc sống tuy hoang sơ nhưng cũng không kém tiện nghi. Đến hôm nay, điện, nước đã không còn là vấn đề nan giải và đặc biệt là truyền thông đã đến được với đảo. Dù 5 ngày mới có một chuyến tàu ra vào đảo nhưng xem ra đảo cũng không xa đất liền lắm.

Mấy ngày trên đảo chúng tôi cùng ăn, uống, ngủ nghỉ trong Bộ chỉ huy Hải quân. Các chiến sĩ Hải quân ở đây anh nào cũng cao, to, đẹp trai, rắn rỏi làm các cô trẻ trong đoàn cứ chắc lưỡi suýt soa: “Trời ơi! Sao mà đẹp trai thế!”. Mà anh nào cũng ga lăng, nhiệt tình với mọi người nên ai cũng quý mến. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu viết về đời sống lính đảo thì các anh cười hiền lành và nói: “Đời sống bọn em cũng bình thường thôi, không có gì để viết đâu. Hay các anh chị tìm hiểu về đời sống vợ lính đảo đi. Vợ lính đảo có nhiều cái để viết lắm”.

Theo lời các chiến sĩ Hải quân thì có một số chiến sĩ đã đem vợ con ra sống và làm việc ở đảo. Được tìm hiểu về họ cũng tốt. Vì cuộc sống của vợ lính nơi đất liền hầu như ai cũng biết và cảm thông với những thiệt thòi, hy sinh thầm lặng của họ, còn vợ lính sống ở đảo thì không biết như thế nào?! Chúng tôi tìm đến một người vợ lính đảo đang sống và công tác tại Trạm y tế xã đảo.

*

Nguyễn Thị Liên quê ở Nghệ An, đang làm nữ hộ sinh ở Trạm y tế. Chồng Liên là Hải quân công tác ở Bộ chỉ huy đảo. Liên ra đảo cũng đã lâu và hiện có 2 cháu trai. Liên rất vui khi gặp chúng tôi. Ở đây xa đất liền, đi lại khó khăn nên nghe có đoàn ra thăm mọi người trên đảo đều rất mừng. Gần 10 năm công tác ở Trạm y tế, Liên không khỏi bùi ngùi khi kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu gian nan, thiếu thốn. Câu chuyện gia đình xoay quanh chuyện chồng con, học hành và những vất vả, lo toan trong cuộc sống của một người phụ nữ.

- Bọn em ở đây cũng buồn và thiếu thốn nhiều thứ lắm nhưng vì hạnh phúc gia đình đành phải hy sinh. Cứ nghĩ ra đến đây thì vợ chồng con cái được sum họp, chỉ cần có cơm ăn, áo mặc thôi cũng đã hạnh phúc rồi nhưng sự thật đâu có đơn giản như mình nghĩ đâu chị. Trước ở quê chờ đợi mỏi mòn, 1 hoặc 2 năm anh ấy mới về phép với mẹ con em. Giờ ra đây tưởng được sớm tối có nhau nhưng anh ấy cũng đi công tác suốt. Có hôm vào Phú Quốc học chính trị, thỉnh thoảng vào đất liền công tác cả tháng, bỏ em thui thủi một mình với các cháu. Chị biết không lúc mới ra đảo nhìn đâu cũng thấy mênh mông sóng nước. Rồi những hôm gió to bão lớn không có anh ở cạnh, lúc đó em mới biết sợ là như thế nào, cảm giác như mình bị cô lập trên đảo. Cứ nghĩ điên, nghĩ dại. Nản lắm, chỉ muốn đem cháu về quê thôi, nhưng lại không đành bỏ anh một mình. Không lẽ lại tiếp tục sống cảnh chồng Nam vợ Bắc. Cũng nhờ anh em trên đảo động viên, an ủi, giúp đỡ thôi thì được ngày nào hay ngày ấy. Em cũng chẳng muốn suy nghĩ nhiều! Mình sống vì con thôi!

Rồi Liên chỉ vào thằng bé đang nằm ngủ trên võng với cặp mắt tràn ngập yêu thương nói tiếp:

- Thằng cu nhà em mới đây mà được 6 tuổi rồi đó chị. Nó sinh trên đảo này. Thằng anh thì 13 tuổi rồi, lúc mới ra đảo nó còn bé tí. Bây giờ cu cậu đang học lớp 7, biết phụ giúp mẹ trông em những khi mẹ bận việc ở Trạm.

Nhìn thằng bé thật bụ bẫm, dễ thương. Thế mới biết nỗi lòng của người làm mẹ. Khi hỏi về công việc xem chừng Liên thoải mái hơn. Gương mặt như giãn ra. Nở nụ cười dịu dàng, Liên kể tiếp:

- Công việc ở đây tuy không vất vả lắm nhưng cũng có lúc gian nan, nghiệt ngã vô cùng. Xã đảo trước đây còn vắng vẻ, Trạm y tế thì rất sơ sài gặp trường hợp khẩn cấp phải chuyển bệnh vào Phú Quốc. Nếu may mắn còn cứu kịp chớ chậm thì xem như khó sống. Từ Thổ Chu vào Phú Quốc phải mất 7, 8 giờ đồng hồ mà nhiều khi sóng to, gió lớn tàu không chịu đi thì cũng đành chịu thôi.

Nghe Liên nói ở đây có nhiều trường hợp thật thương tâm mà nếu ở đất liền cấp cứu kịp thời có lẽ đã giữ được mạng sống.

- Có trường hợp nào đặc biệt ấn tượng mà em đã gặp từ khi ra đảo đến giờ không? - Tôi hỏi.

- Trời ạ! Nhiều không kể xiết chị ơi! - Liên hồn nhiên trả lời.

Liên định kể cho chúng tôi nghe thì thằng bé cựa mình tỉnh giấc. Liên khe khẽ hát ru và đung đưa võng rồi nhìn lên đồng hồ:

- Chết thật! Mới đó mà đã 5 giờ rồi. Thôi em phải lo cơm nước cho các cháu đây. Phiền các chị mai trở lại em sẽ kể cho nghe.

Tôi thở dài:

- Tiếc thật. Tụi chị chỉ ở đây vài ngày thôi, ngày mai tụi chị có chương trình ở điểm khác rồi, chắc không ghé em được. Không biết đến ngày về tụi chị có thời gian gặp lại em nữa không. - Tôi tiếc rẻ.

Liên có vẻ ái ngại, bất chợt như nhớ ra, Liên nói:

- À! Em có quyển sổ tay em hay ghi lại những chuyện vui buồn từ ngày ra đảo cho đến giờ. Nếu mấy chị không chê văn chương lủng củng thì em cho mấy chị mượn đọc làm tư liệu rồi mai chiều gì mấy chị mang trả lại cho em.

Nghe Liên nói tôi cảm thấy mừng rơn trong bụng:

- Được vậy thì quá tốt rồi. Tụi chị cám ơn em nhiều lắm.

Liên vào trong mang ra quyển sổ tay dày cỡ 300 trang đưa cho chúng tôi rồi nói:

- Các chị cứ đọc đi, sử dụng được gì thì sử dụng. Em cũng mong cho các anh chị hiểu và thông cảm những khó khăn thiếu thốn của bọn em ở đảo, để mọi người có thể chia sẻ, góp sức xây dựng đảo ngày càng tốt đẹp hơn.

Chúng tôi ra về và hứa hôm sau sẽ mang trả quyển sổ. Dự định tranh thủ trưa mai đọc nhưng khi về đến Bộ chỉ huy lại tò mò. Buổi tối khi mọi người đang giao lưu văn nghệ, tôi lần dở quyển sổ ra xem thử. Và … những dòng chữ cứ như cuốn lấy tôi, những câu chuyện rất đời thường nhưng lại đầy cảm xúc làm tôi không thể nào rời mắt khỏi quyển sổ được. Lời văn bình dị nhưng thật xúc động. Bật cái đèn sạc lên tôi ngấu nghiến đọc.

Thổ Chu, ngày … tháng … năm …

Thế là mình đến đảo được một tuần rồi. Trước giờ mình chỉ tưởng tượng đảo qua lời kể của anh thôi. Hôm nay mình được tận mắt chứng kiến đảo. Đảo thật đẹp. Thật yên bình. Nước biển trong xanh, có một cái gì đó thật êm dịu trong lòng mình. Mình có cảm giác như mình sẽ gắn bó suốt đời với nơi đây. Đảo cũng không đến nỗi hoang vu lắm, vật dụng sinh hoạt tương đối đầy đủ nhưng có điều đắt hơn ở đất liền nhiều. Không sao. Miễn là vợ chồng con cái được sống bên nhau mình cũng yên tâm. Anh đã giới thiệu mình vào làm nữ hộ sinh ở Trạm y tế của xã đảo. Trạm y tế ọp ẹp và nghèo quá, hình như không có trang thiết bị hiện đại nào phục vụ cho sức khỏe người dân đảo. Mình thấy tội nghiệp những người dân ở đây quá. Thiếu thốn rất nhiều so với đất liền. Trạm y tế chỉ khám bệnh và cho thuốc uống thông thường. Nếu gặp những ca khó phải thuê tàu chở qua Phú Quốc thật nguy hiểm và bất tiện. Nhưng mình sẽ không nản chí, sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thổ Chu, ngày … tháng … năm …

Hôm nay các anh em ở Bộ chỉ huy giúp vợ chồng mình dựng nhà. Căn nhà được xây trên đất của quân đội, nằm ngay con đường dẫn vào Bộ chỉ huy Hải quân nơi chồng mình làm việc. Như vậy cũng tiện, vợ chồng mình có cơ hội gần gũi chăm sóc nhau. Căn nhà tuy đơn sơ nhưng mình cảm thấy thật ấm cúng. Mình đã có nhà. Vậy là cuộc sống vợ chồng mình ổn định rồi. Bây giờ tập trung lo cho con thôi. Biết là ở đảo con mình sẽ thiếu thốn nhiều thứ hơn trẻ con ở đất liền nhưng hy vọng tương lai sẽ được chính quyền, các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn. Công việc của mình ở Trạm cũng tốt. Đa số sản phụ ở đây là dân tứ xứ, sức chịu đựng của họ cũng dẻo dai. Suốt ngày lao động làm thuê làm mướn, xẻ cá, phơi khô lại nhờ ở rừng ở biển không khí trong lành nên người nào cũng sắc vóc đậm đà, da dẻ mặn mà, sức khỏe thật tốt. Có sanh nở cũng mẹ tròn con vuông, chưa có trường hợp nào phức tạp nên mình cũng yên tâm.

Thổ Chu, ngày … tháng … năm …

Eo ôi! Cứ tưởng mọi việc đơn giản như mình nghĩ nhưng không ngờ! Hôm nay có lẽ là một ngày đáng nhớ với mình. Lần đầu tiên trong đời mình mới gặp một ca sinh khó đến như thế. Tội nghiệp. Chị ấy nhà nghèo, quê ở Cà Mau, bị chồng bỏ, nợ nần bủa vây cùng cha mẹ già vượt biển ra đây làm thuê, mong có một cuộc sống ổn định. Tội cái sức khỏe chị không tốt lại đang mang thai mà thai của chị đến giờ đã quá ngày sinh. Trạm y tế chỉ có chị Trạm trưởng và mình có chuyên môn về sản nhưng cũng không dám đỡ đẻ cho chị. Trước đó bọn mình đã nhiều lần đề nghị chị vào Phú Quốc sinh cho an toàn nhưng chị cứ lần lựa mãi. Phần vì không có tiền, phần vì không dám đi sợ nửa đường trở dạ nên đến lúc mọi người đưa chị vào Trạm thì xem như Trạm phải bó tay. Chị lại có tiền sử thai đầu chết lưu, còn thai hiện tại thì hơi to nên chị Trưởng trạm không dám can thiệp vì thấy quá nguy hiểm. Sau khi hội ý với các đồng chí lãnh đạo Bộ chỉ huy Hải quân đảo, mọi người quyết định thuê tàu đưa chị vào đất liền. Các đồng chí hải quân nhanh chóng xuống xóm chài tìm thuê tàu. Nghe nói tiền thuê tàu các anh phải đi vận động những doanh nghiệp và những nhà hảo tâm trên đảo mới có đủ. Vì chi phí mỗi bận thuê rất cao có khi lên đến cả chục triệu. Nếu không có các anh ở Bộ chỉ huy Hải quân giúp thì xem như chết chắc. Ở đảo Bộ chỉ huy Hải quân lúc nào cũng đứng mũi chịu sào, luôn nhiệt tình giúp đỡ người dân trong mọi tình huống.

Mặc dù các anh đã cố hết sức nhưng thật không may áp thấp ở biển đang mạnh lên thành bão nên không ghe, tàu nào dám đi. Cuối cùng các anh ở Bộ chỉ huy phải động viên mãi chị Trưởng trạm cùng một số bà mụ vườn trên đảo mới đồng ý đỡ cho chị với sự cam kết của người nhà, nếu trường hợp xấu nhất sẽ bỏ con cứu mẹ. Bằng kinh nghiệm, sự đoàn kết của những người cùng sống trên đảo, xem đảo như nhà của mình, cũng như chữ tâm của người thầy thuốc, chị Trưởng trạm cùng các bà mụ vườn quyết định cố gắng hết sức mình.

Dưới ánh đèn dầu nhá nhem, bên ngoài thì chớp giăng, gió giật, trời mưa như trút nước. Trong phòng sinh, chị Trưởng Trạm cùng các bà mụ vườn đang cố gắng từng giây, từng phút giành giật mạng sống cho 2 mẹ con. Mình có cảm giác như đêm nay mọi người trên đảo không ai ngủ được, tất cả đang cầu nguyện cho mẹ tròn con vuông. Và … thật kỳ diệu! Đứa bé ra đời một cách an toàn, nặng đến 4,4kg trong sự vui mừng của những cư dân trên đảo. Đúng là một phép màu!

Thổ Chu, ngày … tháng … năm …

Lại một ngày đáng nhớ với mình. Một thai phụ sắp đến ngày sinh nhưng không may thai nằm ngang, sức khỏe thai phụ lại rất yếu nên chị Trưởng trạm đề nghị vào Phú Quốc sinh, mình được phân công đi cùng để giúp đỡ gia đình. Không biết đây là lần thứ mấy mình theo gia đình các sản phụ vào Phú Quốc. Cứ lên ghe, tàu là mình ói tới mật xanh, mật vàng nhưng vì nhiệm vụ nên phải cố gắng. Bệnh nhân đang cần mình. Tàu đến Phú Quốc cũng là lúc áp thấp mạnh lên. Cũng may mọi người đều bình yên. Áp thấp bất chợt thành bão, biển nổi sóng dữ dội khiến không tàu, ghe nào dám ra khơi. Thế là mình đành ở lại Phú Quốc, khi nào bão tan mới được về Thổ Chu. Hai đứa bé để cho bố nó chăm. Thằng lớn thì không lo lắm, chỉ sợ thằng cu không có mẹ lại quấy khóc, không biết bố có dỗ được không?!

… Có lẽ ông trời muốn thử thách mình hay sao mà bão cả tuần rồi cũng không tan. Số tiền mang theo không đủ trả tiền trọ và tiền ăn. Lại phải điện về Thổ Chu bảo anh ấy gởi tiền cho mình. Chậm về ngày nào là tốn tiền ngày ấy. Biết vậy nhưng phải làm sao?! Suốt ngày mình chỉ biết ăn rồi ngồi nhìn mưa, mong cho bão mau tạnh. Mẹ con thai phụ đã yên ổn chỉ có mình là khốn đốn thôi.

… Cuối cùng thì bão cũng dứt. Mới đó mà đã nửa tháng rồi. Chuyến đi này ngốn trọn gần tháng lương của mình. Xem như tháng sau phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng được cái vui. Hôm nay mình lại hộ tống mẹ con thai phụ về đảo. Đúng là có duyên thật.

Thổ Chu, ngày … tháng … năm …

Đêm nay mình không tài nào chợp mắt được. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh bà lại hiện ra. Mình cảm thấy đau lòng quá. Dù biết đã cố gắng hết sức nhưng sao trong lòng vẫn cảm thấy day dứt. Bà chỉ mới 52 tuổi, không may bị đột quỵ não. Các y sĩ quân y cùng với chị Trưởng trạm phối hợp sơ cứu và thuê tàu đưa bà qua Phú Quốc. Trạm không có người vì chị hộ lý đã về phép mấy hôm trước do bố mất nên Trạm cử mình đi cùng. Nhìn bà nằm bất động trên tàu, hơi thở thoi thóp mà lòng mình như thắt lại. Gương mặt lo lắng của người nhà càng làm không khí trong tàu như chùng hẳn xuống. Tội nghiệp bác lái tàu phải căng mắt trong đêm tối lái hết tốc lực chỉ mong đến Phú Quốc kịp, may ra bà được cứu sống. Không hiểu sao những ca cấp cứu lại thường xảy ra trong đêm khuya làm mọi người gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Được nửa đoạn đường bà chợt lên cơn co giật. Dù anh y sĩ đi cùng đã cố hết sức cứu chữa nhưng sức yếu nên bà không vượt qua được! Bà trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mọi người. Bọn mình chỉ biết bất lực nhìn bà ra đi mà không thể nào giành giật được mạng sống của bà từ tay tử thần. Nếu như bà sống ở đất liền hoặc Trạm có những trang thiết bị tiên tiến hay bác sĩ giỏi thì chắc bà đã được cứu sống! Nhìn chiếc tàu từ từ quay đầu trở về nơi xuất phát bất giác nước mắt mình cứ rơi xuống. Lần đầu tiên mình mới biết mạng sống con người quý giá biết chừng nào!

Thổ Chu, ngày … tháng … năm …

Hôm nay có thể nói là ngày vui nhất của mình kể từ ngày ra đảo. Nhờ sự quan tâm của Đảng và các cấp lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, cuối cùng thì Trạm y tế xã đảo cũng được xây mới sạch sẽ, khang trang. Với 26 phòng cùng máy X quang, máy điện tim, máy xét nghiệm tiêu hóa, máy siêu âm, bàn mổ đa năng và nhiều trang thiết bị y tế hiện đại khác. Đặc biệt là có 2 bác sĩ giỏi tình nguyện ra đảo phục vụ. Hy vọng sức khỏe của người dân trên đảo sẽ được chăm sóc tận tình và chu đáo. Mình lại hứa với lòng sẽ cố đóng góp sức mình, để cuộc sống mọi người trên đảo ngày càng tốt đẹp hơn.

Thổ Chu, ngày … tháng … năm …

Biển không phải lúc nào cũng dịu dàng, êm ả, mà đôi khi cũng ồn ào, dữ dội và đầy những phong ba, bão táp. Trước đây mỗi lần đưa người đi cấp cứu là mình luôn van vái Phật Trời phù hộ cho họ. Nhìn những lo lắng, đớn đau của người thân họ mà mình không biết phải chia sẻ như thế nào?! Đến hôm nay mình mới cảm nhận được cái cảm giác hồi hộp, lo sợ cho người thân! Cứ nghĩ Trạm y tế mới với những trang thiết bị tiên tiến cùng các bác sĩ giỏi sẽ hạn chế trường hợp đưa người đi cấp cứu ở Phú Quốc nhưng không ngờ …!

Lần này thật khủng khiếp vì người bệnh lại chính là chồng mình. Mới buổi chiều anh ấy còn tạt về nhà thăm con, dặn dò mình đôi điều vậy mà trời vừa sụp tối đã nghe các anh bên Bộ chỉ huy sang báo tin chồng mình bị chó dại cắn đang lên cơn sốt, Trạm y tế lại không còn huyết thanh. Mới nghe qua đã rụng rời cả tay chân. Dắt 2 đứa con vào Bộ chỉ huy gởi cho anh em Hải quân xong, mình cùng với các anh vội vã khiêng anh ấy ra bãi Ngự thuê tàu đánh cá về Phú Quốc. Cũng may chủ tàu nghe tin không kịp ăn xong bữa cơm nhiệt tình cho tàu đi ngay. Ngồi trên tàu mà tim mình cứ đập loạn xạ. Lo sợ, đau đớn, suy nghĩ vẩn vơ, sợ không biết có cứu anh ấy kịp không. Nhìn anh thiêm thiếp với vết cắn sưng đỏ mà mình lo sợ phập phồng. Nước mắt thi nhau chảy xuống. Cũng không hiểu tại sao anh ấy lại bị chó dại cắn. Hỏi ra mới biết mấy hôm trước có con chó hoang trên núi chạy xuống doanh trại cắn lộn với mấy con chó trong trại. Anh ấy ra đuổi nó đi. Không may bị nó cắn vào chân. Nghĩ chó nhà ai chạy lạc nên anh bỏ qua không đi tiêm ngừa. Không ngờ lại là chó dại nên hôm nay bệnh phát trở tay không kịp. Con tàu cứ rẽ sóng băng băng mà mọi người ai cũng nóng như lửa đốt. Chỉ mong tàu có cánh để bay cho nhanh. 6 giờ đồng hồ trôi qua trong sự chờ đợi hồi hộp của mọi người. Cuối cùng thì tàu cũng cặp bến. Mọi người nhanh chóng chuyển anh vào bệnh viện Phú Quốc. Cũng may bệnh viện có huyết thanh nên lập tức tiêm cho anh. Các bác sĩ nói nhờ chuyển đến kịp thời nên anh có thể thoát chết chớ nếu chậm trễ thì dù thuốc tiên cũng không cứu được. Đúng là chết đi sống lại!!!

Thổ Chu, ngày … tháng … năm …

*

Trang nhật ký cuối cùng cũng đã khép lại. Những câu chuyện vui, buồn cứ đan xen lẫn nhau làm lòng tôi bồi hồi xúc động. Đúng là vợ lính trên đảo có nhiều chuyện để viết thật. Họ không chỉ có những hy sinh thầm lặng mà còn sát cánh bên chồng cùng xây dựng và bảo vệ đảo!

Bất chợt, có tiếng gà gáy vang bên xóm Ngự. Một ngày mới sắp bắt đầu. Nhanh thật. Định đọc vài trang nhưng không ngờ những câu chuyện cứ lôi cuốn tôi đến độ không thể rời mắt được. Một phần bức tranh ở nơi đầu sóng ngọn gió này cứ dần dần hiện ra trước mắt tôi. Chỉ mới một phần thôi mà đã thấm đậm tình yêu thương đến như thế. Một bức tranh nguyên vẹn sẽ chứa đựng biết bao cung bậc cảm xúc của cuộc đời!

Buổi sáng ở đảo không khí thật trong lành. Hít một hơi thở và nhắm mắt lại, tôi cảm thấy như sức sống của đảo đang dâng tràn trong huyết quản mình. Một cảm giác thật kỳ lạ. Tôi biết trên đảo tiền tiêu này con người lúc nào cũng phải đương đầu với bao khó khăn, thử thách. Phải rèn luyện để trở nên bản lĩnh, kiên cường hơn. Trước biển trời mênh mông, con người tuy bé nhỏ nhưng ý chí thật mãnh liệt, quyết không lùi bước, vẫn đêm ngày hiên ngang bám đảo.

Khi tôi trở về đất liền. Ngoài những trái bàng vuông, cây phong ba, bão táp, những bức ảnh đầy sức sống về đất và người nơi gió cát đảo xa này tôi còn sẽ mang theo hành trang của mình biết bao nhiêu kỷ niệm về những gì đã, đang và sẽ xảy ra trên hòn đảo này. Xin được cám ơn tất cả những người con đang sinh sống trên những hải đảo xa xôi khắp mọi miền đất nước. Tôi tin rằng dù ở bất cứ nơi đâu, họ cũng sẽ có một cuộc sống bình yên và ngập tràn hạnh phúc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây