Nhà thơ Thanh Tùng và mối tình “Thời hoa đỏ”

Thứ sáu - 22/10/2010 11:51 2.054 0

Nhà thơ Thanh Tùng và mối tình “Thời hoa đỏ”

Năm 1973, nghe tin người vợ cũ qua đời vì bệnh tim, ông tức tốc xuống Quảng Ninh nơi bà đã sống trong những tháng ngày xa ông để tiễn đưa nhau lần cuối. Nhân vật nữ trong bài thơ chính là người vợ đầu trong mối tình tan vỡ của ông.

Thanh Tùng (tên thật là Doãn Tùng) sinh ngày 7/11/1935 tại Mỹ Lộc, Nam Định, nhưng trưởng thành tại thành phố Hải Phòng. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông đều viết về thành phố Hoa phượng đỏ.

Cuộc đời ông đã trải qua nhiều thăng trầm. Ban đầu ông làm nghề khuân vác trên bến cảng Hải Phòng, sau đó chuyển sang làm công nhân đóng tàu. Có thời gian dài ông làm nghề áp tải. Thời kỳ bài thơ "Thời hoa đỏ" được phổ nhạc, ông bán sách trên vỉa hè sau khi thôi làm công nhân đóng tàu.

Trong nhiều năm sáng tác thơ, Thanh Tùng lặng lẽ và ít xuất hiện trên báo chí như là “người của công chúng”. Tuy nhiên, ông có những bài thơ được phổ nhạc trở nên rất nổi tiếng như Thời hoa đỏ (nhạc Nguyễn Đình Bảng), Hà Nội ngày trở về (nhạc Phú Quang)...

Sở dĩ Doãn Tùng lấy bút danh Thanh Tùng vì ông thương người em ruột tên là Thanh mắc bệnh tâm thần, nên đem tên em đặt vào trước tên mình.

Năm 1997, ông được cử làm đại diện của Việt Nam sang Hy Lạp đọc thơ với đại biểu nhiều nước. Năm 2001, Thanh Tùng mới xuất bản tập thơ đầu tiên cho riêng mình mang tên Thời hoa đỏ (NXB Văn học) được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2002. Ngoài bài thơ Hà Nội ngày trở về, nhạc sĩ Phú Quang còn chọn 2 bài thơ khác của ông là “Người về” và “Mùa thu giấu em” để phổ nhạc.
Trong cuộc sống gia đình, Thanh Tùng từng trải qua hai cuộc hôn nhân. Cuộc hôn nhân lần đầu của ông đã tan vỡ. Cuộc tình này được mô tả là hai người "đến với nhau bắt đầu vì thơ và kết thúc cũng vì thơ". Người vợ đầu của Thanh Tùng tên là Thanh Nhàn, ở Hải Phòng, nổi tiếng có nhan sắc, sau đó đã chia tay ông đi lấy một người khác ở Quảng Ninh. Tuy chia tay nhau nhưng Thanh Tùng vẫn thương nhớ bà Thanh Nhàn.

Năm 1973, nghe tin người vợ cũ qua đời vì bệnh tim, ông tức tốc xuống Quảng Ninh nơi bà đã sống trong những tháng ngày xa ông để tiễn đưa nhau lần cuối. Và bài thơ Thời hoa đỏ đã ra đời trong hoàn cảnh này. Nhân vật nữ trong bài thơ chính là người vợ đầu trong mối tình tan vỡ của ông.

Năm 1995, theo sự mai mối của vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng, Thanh Tùng vào Nam lập gia đình mới khi đã 60 tuổi. Người vợ thứ 2 của ông là thanh niên xung phong thời chống Mỹ, cũng là một độc giả yêu mến thơ của ông. Sau khi vào Nam, ông đã sáng tác trường ca Phương Nam.

Thật tình cờ tôi gặp Thanh Tùng khi ông ra Hà Nội để họp Đại hội Hội Nhà văn 2010. Tôi và ông đã có cuộc trò truyện hàn huyên đến tận 1 giờ sáng. Ngoài cái vẻ bề ngoài khắc khổ, khi ông cất lời nói, chất lãng tử, lãng mạn chợt hiện lên khiến tôi cảm nhận: Tình yêu của ông với người phụ nữ mà đã tạo nên bài thơ bất hủ “Thời hoa đỏ” dường như vẫn còn vẹn nguyên.

* Thưa nhà thơ hiện giờ cuộc sống của ông thế nào ?
Tôi đã vào Nam được 17 năm hiện đang sống nhờ con gái. Từ đó tới nay tôi chỉ về thăm Hải Phòng khoảng 5-6 lần.

* Sau khi ông chia tay với người vợ đầu, câu chuyện tiếp theo như thế nào ?
Tôi nào có bỏ, cô ấy bỏ tôi đi yêu người khác. Sau khi bỏ tôi cô ấy vẫn tiếp tục đi buôn sách, chừng 10 năm sau thì mất vì bệnh tim.

* Nghe nói hồi yêu cô ấy, biết cô ấy bị bệnh tim nên ông thường tránh cáu giận ?
Tính tôi không có giận ai được, tôi thương cả kẻ thù (cười).

* Có phải nhờ tình yêu với người đó mà ông đã làm nên bài thơ bất hủ “Thời hoa đỏ” ?
Câu chuyện đó thật kỳ lạ, không hiểu sao chuyện này có sức mạnh kỳ lạ đến thế ?

* Nghĩa là…?
Lúc đó cái xe đạp cũng không có. Thời đó có xe đạp giống như bây giờ có ô tô, xe đạp là một thứ quý giá nhất. Có chuyện là: một người vác xe đạp chạy qua cầu Niệm, lúc đó bom đạn bắn dữ dội. Thoát chết, qua bên kia cầu, ông ấy kêu ầm lên: “May quá, tí nữa thì mất cái xe !”. Lúc đó nhiều gia đình cả nhà cũng chả có nổi một cái xe đạp cũ.

Hồi đó tôi cũng mới biết và tìm hiểu cô ấy thôi, mà tôi đã “chạy” từ Hải Phòng về Vĩnh Bảo để thăm cô ấy. Năm 1967, chiến tranh, bắn phá ác liệt, tôi vẫn tranh thủ chạy xuống gặp cô ấy chỉ để nói vài câu rồi lại về Hải Phòng vì mai còn phải làm việc. Lúc chạy về, gặp người đi xe đạp tôi nhờ họ cho mình đèo họ (bằng xe đạp của họ). Từ Vĩnh Bảo về Hải Phòng khoảng 30 km. Tôi cứ nghĩ mãi cái gì thôi thúc mình đến như thế ? Có lẽ nhờ cái đó nó sinh ra bài thơ "Thời hoa đỏ” . Nó trữ lượng cái nội lực của tình yêu.

Còn bây giờ thì có lẽ không có được cái hiện tượng “Thời hoa đỏ” đó. Xã hội như bây giờ thì ít ai có thể hiểu một tình yêu phi lý, lạ lùng như thế ?

* Sau bài “Thời hoa đỏ” ông có viết thêm bài thơ nào hay như thế nữa ?
Không biết nói thế nào cả, tự mình mình không thể đánh giá được.

Sự tích tụ để trở thành một bài thơ có thể nói từ vài trăm năm, vài chục năm, một đời người chắc gì đã có được một bài!.

Đây là sự tích trữ từ nhiều thế hệ, từ bố tôi trở về, từ lịch sử, tình yêu của loài người mà tôi đọc được, rồi những thi sỹ bậc thầy của mình, những người đi trước mình, những người đã làm thơ tình như TTKH với Hai sắc hoa ti gôn… nó góp lại cho mình chứ không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống mà mình làm được bài thơ. Đây là sự tích luỹ ghê gớm và âm thầm. Cũng chả giải thích sao cây lại ra hoa, như trái cây rụng xuống đất nó tiếp lửa cho cây để cây ra hoa… cũng khó mà giải thích thế nào ? Nhiều lúc bản thân mình cũng chả hiểu chính mình…

* Trong bài thơ của ông, mùa hạ rất mãnh liệt với “tiếng ve sôi” rồi “lửa cháy khát khao”, “tan tác đỏ tươi"… sao lại là mùa hạ ?
Với tôi mùa nào cũng sôi nổi hết. Mùa thu tôi cũng thích, nhưng tính tôi rất sôi nổi theo kiểu mùa hè và tôi hay nhắc đến nó. Đối với tôi mùa hè vẫn là mùa sôi sục nhất, lửa đời bừng cháy. Mà ở đây mùa hè còn được đưa ra với ý nghĩa tượng trưng.

* Phải chăng cuộc tình của ông với người ấy bắt đầu vào mùa hè ?
Đích thực là vậy. Cô ấy là người đàn bà đã có 2 đời chồng và bị bệnh tim. Bác sỹ khuyên không nên lấy người bị bệnh tim, nhưng tôi vẫn lấy, đó là sự liều mạng của tình yêu. Khi đã yêu rồi thì bỏ qua hết, không quan niệm là sống thật dài mới là hạnh phúc.

Màu hoa đỏ là màu tượng trưng. Thời hoa đỏ là thời của đắm say. Ai cũng có một thời như thế. Thời hoa đỏ, thời con người sống đầy khát vọng, thời thượng đế cho sức mạnh nhất như là sức mạnh tình yêu, thời đắm đuối yêu cả cái không đáng yêu…

* Vậy có là hơi mù quáng không, thưa nhà thơ ?
Không thể nói là mù hay không mù. Họ yêu cho họ, họ yêu cái ở trong họ bùng lên.

* Trong bài thơ đoạn nào ông thích nhất ?
“Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say”...

Tôi đã yêu là yêu cả cái tốt lẫn cái xấu của người yêu.

* Ông tiếc cho cô ấy… ?
Trong con người ai cũng có tình yêu, có thời đắm say. Thật tiếc cho ai gặp phải chuyện lỡ dở, gặp người phụ bạc.

Trong con người tôi tình yêu nó thừa thãi, giống như người giàu có nhiều tiền thì mới có thể cho mọi người, có khi cả kẻ cắp, kẻ cướp mình cũng cho!. Yêu rồi thì kể cả họ không yêu mình mình cũng yêu họ và khi người yêu mình gặp điều không may thì mình quá là đau đớn!

* Ông có hài lòng với bài hát phổ nhạc từ thơ của mình của nhạc sỹ Nguyễn Đinh Bảng ?
Ông ấy sáng tác thành bài hát thì phổ biến được rộng hơn. Âm nhạc bài hát cũng thể hiện được cái đắm đuối.

Các tác phẩm chính của nhà thơ Thanh Tùng:
* Thời hoa đỏ 
* Con sông chảy từ lòng phố 
* Cửa sóng 
* Trường ca Phương Nam 
* "Gió và chân trời", nxb Hải Phòng, 1985 
* "Khúc hát quê xa", nxb Văn nghệ TPHCM, 2004 
* "Cái ngày xưa ấy", nxb Đà Nẵng, 2004 
* "Thuyền đời", nxb Đà Nẵng, 2006

* Việc phổ nhạc cho bài thơ “Thời hoa đỏ” ông có biết trước hay sau khi phổ nhạc xong ông mới biết ?
Lúc đó tôi có biết ông Nguyễn Đình Bảng đâu. Công nhân đóng tàu, suốt ngày quai búa, làm hùng hục ở Hảỉ Phòng và lúc đó có quen biết ai đâu. Bài thơ được in trong cuốn “ 99 bài thơ tình” của NXB Thanh Hoá. Thế rồi quyển đấy đến tay ông Nguyễn Đình Bảng. Ông Bảng lúc đó chuyên viết chèo. Ông Bảng được đi học lớp nhạc ở Liên Xô, ông ấy cầm tập thơ đi theo. Một ngày kia, ông ấy gặp lạnh mắc bệnh phổi, ho ra máu phải ở nhà. Ông ấy đọc bài thơ và thích nó rồi phổ nhạc.

Hồi đấy chưa biết nhau, rồi cho đến khi nó nổi tiếng. Tôi nhớ hồi đó bà Lệ Thu hát bài này rất hay, đến bây giờ người ta vẫn bảo chưa ai hát hay hơn Lệ Thu.

Ở trong Nam ít người biết bài này nhưng ai đã biết thì rất thích. Bài hát nó bền vững, cứ nghe đến là run hết cả người.

* Tôi vẫn tự hỏi sao ông lại dùng từ “bay” trong đoạn thơ :
“… Anh mải mê và một màu mây xa
về cánh buồm bay qua ô của nhỏ …”
Hồi tôi còn bé, bố mẹ tôi bỏ nhau. Mẹ tôi về ngoại, tôi ở lại với bố. Bố tôi nhốt trong nhà không cho chạy chơi ngoài phố. Ngồi trong nhà nhìn qua chấn song sắt, thuyền đi qua sông đào trước nhà thấy cánh buồm nó tự do nó đi còn mình bị nhốt, tôi muốn thành cánh buồm…

* Thế còn “cái thần kỳ của ngày xưa” có hàm ý gì ?
Nó thể hiện cái đẹp. Cái đẹp thần kỳ nó không chỉ đẹp, nó còn mang tính cổ tích thần thoại. Hồi bé tôi hay mơ mộng, đọc cổ tích Anđécxen rồi cứ nghĩ về chú lính chì. Cả cuộc đời cho đến khi làm bài thơ đó tôi đã sử dụng nhiều chi tiết trong đời.

* Có người nói không có rượu ông không làm thơ được ?
Không có rượu, thuốc lá không làm thơ được! Không có rượu không vượt qua thảm kịch trong đời. Nếu không uống rượu, làm thơ như cành củi khô chắp vào chứ không phải ngôn ngữ thơ. Có rượu nó đẩy mình lên vựơt qua cái khô khan của mình...

* Xin cám ơn ông về cuộc trò truyện này !./.

Hà Nội, tháng 8/2010
Lê Bích (thực hiện)
Theo VOV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây