- Viết là một việc cực khó với ông theo nghĩa đen, vì đâu mà ông lại theo đuổi nghề văn?
Mỗi một nhà văn đều có động lực và duyên cớ riêng để đến với văn chương nhưng bao trùm tất cả là sự say sưa với cái đẹp, phẫn uất với cái xấu. Đến với văn chương bằng mong ước chia sẻ cái đẹp và cầu mong cho cái phần sáng của con người sáng thêm. Tôi đến với văn chương vì lương tâm trách nhiệm và niềm vui nghề giáo, tuổi thơ tôi có quá nhiều điều mà những năm tháng sống mang đến cho tôi những kỉ niệm mãi không quên. 35 năm gắn bó với bục giảng càng có thêm nhiều những kỉ niệm với thế giới tuổi thơ. Và tôi thấy ở đó những điều ngàn lần đáng ngợi ca và tôi muốn mang những điều đó đến cho các em trong thế giới hiện đại này.
- Mặc dù bị coi là thiệt thòi, nhưng nhà văn đã không giới hạn khả năng của mình. Ông viết văn như thế nào?
Tôi thấy rằng cuộc sống có quy luật bù trừ, mất cái nọ lại được cái kia. Tôi hay Nguyễn Ngọc Hưng, Đỗ Trọng Khơi… những người khuyết tật đều có một tâm hồn phong phú và nhạy cảm. Chúng tôi vẫn bảo nhau là chúng ta khuyết tật về thể xác nhưng không thể để khuyết tật về tâm hồn. Từ đó mỗi người chúng tôi không dám vượt qua và viết những vấn đề gì đó quá xa vời mà mình khó nắm bắt, chúng tôi đi vào những góc sân và khoảng trời riêng của chúng tôi. Tôi có thế giới tuổi thơ và học trò, nhưng tôi cũng chỉ đi vào hai mảng chính là sáng tác truyện cổ tích và viết thơ bằng thẻ câu đố, hiện nay tôi viết được khoảng 1500 câu đố.
- Thao tác viết lách của nhà văn gặp không ít khó khăn, ông đã làm thế nào để vượt qua và cho ra đời những đứa con tinh thần đó?
Chính văn chương đã giúp tôi thêm sức khỏe, những cảm xúc hạnh phúc sau những sáng tác mà mình thấy hài lòng và là người cha sinh ra nó làm tôi thấy mình như khỏe hơn. Thực ra việc khuyết tật ở tay thì có phương tiện hiện đại vi tính rồi, tôi có thể dùng chân để gõ phím máy tính. Tôi bị suy thận độ 4, bác sĩ khuyên không nên làm việc trí óc vì khiến huyết áp tăng cao. Văn chương là cứu cánh để giúp tôi vượt qua thung lũng tật nguyền chứ không phải là chúng tôi đã vượt qua tật nguyền thế nào để đến với văn chương.
- Khó khăn trong đi lại của nhà văn và ít tiếp cận với xã hội bên ngoài, điều đó có cản trở việc viết văn của ông?
Tất cả sức mạnh đều được làm nên bằng nhiều nguồn. Người ta vẫn nói: Bản lĩnh được tôi rèn trong bão táp và tài năng được ươm gieo trong cô đơn, nhưng sự cô đơn ấy phải được tạo điều kiện thế nào đó. Tôi lại bị khuyết tật ở tay, chính vì thế tôi phải dùng đến những cách khác để khắc phục như sáng tác những câu thơ rất ngắn, tôi thuộc và ghi nhớ luôn. Dự ĐH nhà văn này chẳng hạn thì Hội cũng tạo điều kiện cho vợ tôi đi theo, hồi còn đi học thì có các bạn ghi chép ra vở cho. Cuộc sống cũng nhờ có rất nhiều người tốt mà tôi vẫn thực hiện được những công việc mình yêu thích.
- Người viết văn thường có tâm hồn bay bổng. Hàng ngày đối mặt với những khó khăn về mọi mặt, ông có được sự bay bổng cần thiết ấy không?
Chúng tôi thì chỉ khuyết tật thể xác chứ không khuyết tật tâm hồn, bù lại, tâm hồn của những người như chúng tôi lại vô cùng nhạy cảm.
- Trong tương lai nhà văn có dự định gì với những ngón chân và bàn phím computer?
Tôi đang hoàn tất tập hồi kí “Tôi học đại học”, sau đó là cuốn “Tôi dạy học”. Chuyện kể về một người khuyết tật không có đôi tay đã học đại học như thế nào và đã trở thành nhà giáo ưu tú ra sao, rất nhiều NXB và bạn đọc quan tâm. Hiện tôi đang viết được mấy chục trang và dự định hoàn thành trong 300 trang trở lại. Cùng với đó, tôi đang hoàn thành bản thảo “Những tâm hồn dấu yêu”, viết về tất cả những người thân của tôi, về cha, về mẹ, về những người bạn và học trò và hiện tại đã cơ bản xong.
- Cuộc sống có muôn ngàn cái để ước, vậy nếu để được ước thì nhà văn sẽ ước gì?
Viết cho các em, tôi rất khao khát viết được những thứ đơn giản, ngắn gọn để các em có thể thuộc nằm lòng trong tuổi thơ để và có thể mang theo mình khi trưởng thành. Viết truyện cổ tích mà được như Tấm áo khoác của Hoàng đế của Andecxen thì quá đơn giản, quá ngắn gọn mà vĩ đại. Đi vào sáng tác thơ thì tôi cũng không ham những thể loại lớn như trường ca mà tôi viết rất ngắn gọn và viết câu đố thì tôi cũng chỉ làm ngắn khoảng 2 câu mà tôi mong nhiều em thuộc và đọc ê a, đó là hạnh phúc và niềm vui của tôi.
Tác giả: Bình Thanh
Nguồn tin: VNN
Ý kiến bạn đọc