Nhiều khi tôi ước mình thành một làn hơi nước, có thể bốc mình thành những sợi mây rồi thả mình vào một đám mưa cuồng loạn, tung tăng vui trong một dịp bất thường. Nhưng tôi nào có làm được gì đâu…".
Tôi muốn mượn những dòng chữ này của Dương Bình Nguyên để bắt đầu cho bài viết của mình, về một lát cắt nhỏ trong cuộc đời anh. Lẫn đâu đó, trong dòng đời ồn ã giữa Sài Gòn, vẫn có những người viết, miệt mài trên trang giấy, và ở đó, họ dành cho văn chương một tâm hồn thuần khiết.
1. Nhiều người trẻ khởi nghiệp từ những trang viết. Nhưng họ đã từ bỏ nghiệp văn chương vốn nhiều chông gai để chọn cho mình một bến đỗ an toàn hơn. Văn chương, với nhiều người trẻ không còn là sự lựa chọn. Với họ, văn chương như một thứ trang sức, để tạo dựng một hình ảnh trong giới truyền thông. Và, với họ, văn chương không phải là đích đến.
Dương Bình Nguyên, sống trong lòng cuộc sống đó. Ở đó, Nguyên, hơn ai hết, hiểu rõ những giá trị của trang viết. Người trẻ bây giờ có quá nhiều mối bận tâm, những người viết văn thực sự không nhiều. Cuộc sống của họ đang bị tác động bởi quá nhiều thứ, hấp dẫn hơn văn chương. Nguyên có những lúc không nằm ngoài guồng xoáy đó, khi anh lập nghiệp một mình giữa thành phố xa lạ. Anh vẫn mang gánh nặng cơm áo, thỏa mãn những khát vọng của tuổi trẻ. Và anh đã thành công.
Nhưng, ở một góc nào đó, giữa những ồn ào, náo nhiệt của Sài Gòn, Nguyên vẫn dành một góc yên tĩnh cho những trang viết. Quán cà phê lúc chiều muộn, hay những đêm không ngủ, chiếc laptop của Nguyên luôn mở sẵn những trang viết dở. Nói như một comment của người đọc dành cho anh: "Nguyên vẫn giữ được trái tim trong trẻo với văn chương".
Còn tôi, tôi băn khoăn tự hỏi, không biết Nguyên dành thời gian cho văn chương vào lúc nào trong chuỗi công việc vô tận của anh, một nhà báo sống giữa đất Sài Gòn bộn bề công việc và cả những… cám dỗ. Nhưng với Nguyên, viết là một nhu cầu nội tại. Vì thế văn chương của Nguyên, không màu mè, hình thức. Và chắc hẳn không phải là thứ thổ cẩm trong thành phố.
Văn của Nguyên là những dòng chảy của ký ức. Mà ký ức, với Nguyên, là những nỗi buồn giăng mắc về một miền quê, về những thân phận người. Dương Bình Nguyên của "Giày đỏ", của "Chuyện tình Paris" đã đi xa Nguyên của những trang viết trong trẻo tinh khiết tuổi học trò trong "Về lại thiên đường".
Chạm đến nỗi buồn. Và ám ảnh. Những ký ức của một chàng trai hơn 10 năm sống trong những va đập của đời sống đô thị, đi về giữa hai thành phố ồn ã nhất vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều bạn bè tôi, khi đọc "Chuyện tình
Nên, "Thung lũng Bách Niên", "Trời cao trong vắt", "Mưa phù du" như một nguồn suối mát lành len chảy vào trái tim những con người đang mắc cạn. Dù trước trang viết, nơi Nguyên thú nhận được sống là mình trọn vẹn, người đọc sẽ thấy một Dương Bình Nguyên khác.
Của nỗi buồn khắc khoải. Của những đau đớn, tìm kiếm, thậm chí đôi khi, của những hoang mang. Nguyên đã tự thú trước trang viết. Hay văn chương đã dẫn dụ Nguyên. Một nỗi buồn mong manh, yếu đuối được che đậy bằng cái vẻ ngoài mạnh mẽ, phong trần, khiến người đối diện có cảm giác sợ chạm vào sẽ tan vỡ.
31 tuổi, với 4 tập truyện ngắn, chưa phải là nhiều. Nhưng nhìn lại chặng đường viết của Nguyên, thấy một sự bền bỉ. Nguyên không coi văn chương là một cái nghề. Nhưng đó là một niềm vui sống. Nếu nói về văn chương với những giá trị nghiêm ngắn, dài hơi của nó, thì dường như Nguyên chưa chạm tới.
Nhưng những trang viết của Nguyên đã được các bạn trẻ đón nhận. "Giày đỏ" của anh đã được tái bản đến 4 lần, trong cái thời buổi văn chương thời bão giá xập xìu trên các sạp sách. Và những comment đón đọc anh trên vanhocmang.net, hay trên facebook. Nguyên nói, anh viết văn bằng bản năng, không nề câu chữ, không khuôn phép hình thức, những dòng chữ tuôn ra từ trong ký ức của một chàng trai đa cảm.
Như một thứ ngọc, đòi hỏi sự lao động bền bỉ. Càng mài càng thấy sáng. Vì thế, với văn chương, Nguyên bảo không thể vội. 11 truyện ngắn trong "Chuyện tình
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái đã nhận xét: "Đi hết 11 truyện ngắn theo kiểu của Nguyên, có thể không gặp, (hay không nhất thiết phải gặp) nhân vật "ra tấm, ra miếng", theo cách quan niệm cổ điển, kể cả nhân vật "Giày đỏ" được Nguyên dựng chân dung khá góc cạnh.
Nhưng "tâm trạng khi yêu" của nhân vật trong chuyện tình Nguyên kể, thì vẫn mắc kẹt đâu đó trong trái tim độc giả cùng nỗi buồn sáng trong trẻo và lặng lẽ như nước mắt rưng rưng khi ký ức trở về". Một nỗi buồn đẹp. Và ám ảnh.
2. Tôi ngồi cà phê sáng với Nguyên bên một góc quán cũ ở Bờ Hồ. Góc quán cũ của những hoài niệm. Hà Nội với Nguyên bây giờ chỉ là nơi đến, nhưng tôi biết, trong ký ức của anh, Hà Nội vẫn là sự trở về. Dễ chừng cũng đã 3 năm. Có nhiều người lựa chọn Sài Gòn để thỏa mãn những tham vọng. Còn với Nguyên, chuyến khởi hành ấy là một cuộc chạy trốn, khỏi những đổ vỡ…
17 tuổi, chàng trai ấy vác ba lô, giã từ rừng xuống phố, chọn một ngành học rất chỉn chu, và có vẻ như chẳng có gì liên quan đến văn chương: Học viện An ninh. Cuộc sống tự lập của Nguyên bắt đầu từ đó. Ra trường, đi làm báo, trở thành một phóng viên chuyên đề của một tờ báo uy tín.
Đó là con đường đi của những nỗ lực không ngừng của một chàng trai từ rừng về phố. Nhưng cuộc sống không chỉ có màu hồng. Nguyên nhận ra điều đó khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. Ở tuổi 30, người ta sẽ đối diện với sự đổ vỡ và những thị phi như thế nào. Còn Nguyên, anh lựa chọn sự ra đi.
Một cuộc chạy trốn vội vã, chạy trốn cả chính những tổn thương trong tim mình. Góc bàn làm việc của Nguyên ở toà soạn vẫn còn nguyên, cả những số điện thoại, những bạn bè cũ. Nguyên bỏ lại sau lưng mình. Chỉ chàng trai đó biết, nguyên cớ của sự ra đi. Cũng chỉ Nguyên biết vì sao mình quyết liệt đến thế. Dù sự quyết liệt của Nguyên sẽ làm tổn thương nhiều người.
Tôi không hình dung nổi, Nguyên đã trải qua những ngày tháng cô đơn giữa một thành phố ồn ào, xa lạ như thế nào. Mua nhà, sắm sửa như một gia đình đủ đầy, Nguyên bắt tay làm lại từ đầu. Để không thấy mình quá chống chếnh. Nguyên lao vào công việc, hòa nhập rất nhanh vào nhịp sống ở một thành phố của những người độc thân. Nhưng vẫn cảm nhận ở anh một nỗi đau đáu, dù thời gian đã khá xa.
Trên blog của Nguyên, lẫn giữa những trang viết về thế giới showbiz, là những khoảng lặng, Nguyên dành cho con trai: "Những ngã rẽ trong cuộc đời luôn mang bản chất là sự đổi thay. Ba vô tình rơi vào ngã rẽ không lựa trước. Sau những hoang mang là sự đối diện với chính mình, trong cuộc đời rất rộng. Sau những ngày vật vã đau đớn là sự quyết liệt với bản thân. Để buộc phải mạnh mẽ. Và buộc phải bình an".
Có lẽ đó cũng là nguyên cớ cho những trang viết buồn của Nguyên. Anh có thể lao vào những cuộc nhậu tẹt ga, những vui thú của một gã đàn ông độc thân giữa cái thành phố tiêu thụ đầy xa xỉ. Nhưng trước trang viết, anh là Nguyên của những nỗi buồn, những vật vã, hoang mang, đi tìm lý do tồn tại của mình giữa cuộc đời. Nguyên đọc nhiều, đi nhiều. Sống đầm mình giữa đời sống rộng dài. Để chiêm nghiệm. Và viết. Bởi anh quan niệm, sống trước khi viết. Dù anh không quá ảo tưởng về bản thân mình. Tự nhận thấy mình chưa đủ sức làm được một điều gì có sức ám ảnh lớn.
Nguyên bảo anh mê phim của Trần Anh Hùng, vẫn một giọng kể, một phong cách thống nhất trong những câu chuyện đa dạng về cuộc sống, với những góc nhìn mới lạ. Đó cũng là cách, Nguyên chọn cho những trang viết của mình, một giọng kể chuyện thầm thì… và với cách đó, Nguyên đã neo giữ được trong lòng người đọc.
Nguyên đang ấp ủ những dự định. Trong chuỗi công việc vô tận của anh, thì văn chương vẫn được dành một vị thế sang trọng nhất. Nguyên viết một câu chuyện dài. Anh hy vọng, đó sẽ là một bước đột phá với chính mình, một thử nghiệm mới trên con đường văn chương nhọc nhằn.
Để Nguyên biết, mình có thể bước tiếp con đường đó. Còn tôi, tôi tin, "có thể cho rằng, Dương Bình Nguyên chính thức bắt đầu cuộc thử thách lớn nhất của nhà văn chuyên nghiệp, trong việc tự thiết lập, gìn giữ giọng kể của riêng mình, có số lượng đáng kể bạn đọc nhận biết giọng văn ấy và có lòng tử tế đứng đợi mình nơi "đầu dốc" văn chương".
Bởi văn chương là nơi chốn cho Nguyên trở về, sau những vật vã để chữa lành những vết thương, bình an bước tiếp trong đời sống rộng dài.
Tác giả: Khánh Linh
Nguồn tin: ANTG cuối tháng
Ý kiến bạn đọc