Ngô Thị Hạnh làm thơ về mẹ

Thứ sáu - 22/10/2010 11:55 2.478 0

Ngô Thị Hạnh làm thơ về mẹ

"… Mẹ đắp mền cho con ngủ/Trong mền có hơi ấm mẹ ủ ngàn năm/Để tim con rực lửa cõi trần / Mẹ nấu cơm cho con lót dạ/Hạt ngọc là thân thể con đây/Xây núi đồi đất nước…" Lời của Ngô Thị Hạnh trong bài thơ “Cảm ơn mẹ” đấy. Chừng đó cũng thấy trong tình thâm mẫu tử đã ẩn chứa sâu xa ước vọng tuổi trẻ về tương lai của đất nước của tác giả.
Đối diện với Hạnh, nét chân quê vơi đi ít nhưng nét hồn nhiên, chân thực, thông minh thì biểu lộ nhiều từ bản chất đến hình thức bề ngoài.

“Nắng từ những ngón chân” – Nxb Thanh Niên năm 2010 là tác phẩm thứ 5 của Hạnh, sau “Vang Vọng”, “Rơi ngược” (Thơ – Nxb Thanh Niên) và “Hòn bi vỡ” (tập truyện), “Ba cô mèo cài hoa phượng” (truyện vừa) – Nxb Kim Đồng. Với tập thơ mới nhất này, Hạnh tập trung nhiều vào chủ đề gia đình.

Mẹ đã từng vượt cạn
cha không thể đau giùm
con càng làm mẹ khổ
xẻ thịt và phanh thây 

Kiệt sức vì sinh tử
mẹ trải qua một mình
sao giờ còn sợ hãi
trước một ánh nhìn: thôi!
(Bài “Mẹ đã từng…”)

“Nắng từ những ngón chân” có hai phần: Nỗi đau chuông gióKhỏa thân tâm trạng. Qua vần thức mỗi bài thơ, người đọc như thấy lòng mình se lại, nhịp đập con tim như buốt hơn trong niềm thương nỗi tảo tần của người mẹ. Sự chịu đựng đến vô thường của mẹ làm cho người con thấy lo lắng xót xa. Và tự thấy phải trách nhiệm với bản thân mình hơn. Cuộc đời gian lao vất vả của mẹ, của cha cũng là tấm phản chiếu cho con liệu mà bước đi trên đường đời. Hạnh nhận ra cái “vô thường” của mẹ để rồi những giọt mồ hôi của mẹ, giọt nước mắt của con hòa vào nội tâm của thơ:

Tôi thấy tôi trong khắp kiếp nhân sinh
Nắng chứa chan Sài Gòn nhật thực
Tôi khát thương yêu dịu ngọt cỏ hoang tàn…

Chương Nỗi đau chuông gió gợi mở một tư duy khác về cuộc đời của người mẹ và của người làm cha. Hạnh muốn chia sẻ nỗi lòng của cha mẹ. Tác giả lột tả tâm trạng của mình trong thơ cũng nhằm nhắn nhủ những bậc làm cha mẹ nên tự nhân diện rõ cảm xúc thật của mình. Dù đó là cảm xúc không lành lặn trong tâm hồn, khi được thừa nhận, có thể mọi việc sẽ tốt hơn là nuốt ngược nỗi chịu đựng vào lòng. Dám nói lên nỗi lòng của người mẹ, để đặt câu hỏi: vai trò của người đàn ông như thế nào trong xã hội và trong gia đình, là cột trụ dưới mái ấm hay hời hợt, yếu đuối trước những người phụ nữ dám sống và không sợ phải trả giá…

Trong thơ của Ngô Thị Hạnh, người đọc thấy từng giọt thời gian vương trên tóc người mẹ, nắng không nhuộm nhưng tóc mẹ dần phai màu. Ứa nước mắt và càng thông cảm hơn những nhọc nhằn của người mẹ như thế, hy sinh vì con cái, gia đình.

Hạnh nói: “Tập thơ “Nắng từ những ngón chân”, Hạnh dành những suy tư về mẹ. Mẹ đã vượt lên khổ đau, mẹ hoạt bát, bươn chải, giỏi giang. Với mẹ tất cả đều là hạnh phúc, hạnh phúc của người phụ nữ thời hiện đại,  vừa “xây nhà vừa xây tổ ấm”, gắng sức đến nỗi thấy mẹ không còn là chính mình. Ý này được thể hiện trong bài thơ “Người đàn bà gánh”:

Thương cha mẹ xát muối vào lòng
thương con mẹ tảo tần lặng bước
những lúc buồn nước mắt nghẹn rơi

Con phân thân là nắng
mẹ gánh cả trời cao… 

hay

Con khóc mẹ đau
Cha sầu mẹ héo
Ruộng vườn khô mẹ nứt nẻ cõi lòng…
(Bài “Nỗi đau chuông gió)

Phải chăng đó lại là hạnh phúc của mẹ ? Do vậy, Hạnh đã rung động viết “Bí mật của hạnh phúc” chăng ? Và mỗi lần lần dở trang thơ đọc lại, Hạnh vẫn rưng rưng, lòng muốn những người làm chồng, làm cha nhìn cuộc đời người mẹ làm sự phản chiếu rọi lại chính mình mà nâng niu gìn giữ tổ ấm. “Bí mật của hạnh phúc” đã nói lên tâm trạng này:

Mẹ quét nhà, rác chảy ra sân
cha quét nhà, rác chảy vào ngực mẹ
rát buốt

Mẹ rửa mặt
mồ hôi hòa tan vào nước
cha rửa mặt
giọt mặn chảy vào đôi mắt mẹ cay 

Nhưng trong bài “Nghịch lý”, người đọc lại thấy con thấu hiểu mẹ hơn:

… từ người đàn bà hóa nắng mùa xuân
không biết ngại ngần đau và khổ
từ người đàn bà mẹ trở thành Bồ Tát
chẳng biết yêu mình chỉ biết sống vì con
từ người đàn bà mẹ biến thành tiên nữ
không biết khát tình mơ vọng cho yêu 

Những vui buồn của mẹ
gắn vào con như thịt ở trong da… 

Con với bao la
lao vào khát vọng
nắng tan vì mình
ngỡ nắng tự hiến dâng…   

Có lẽ vì hiểu mẹ đến vậy nên khi bài thơ “Mẹ ơi” khởi lên trong đầu, Hạnh viết nhanh nhất trong tập, nhưng lại là bài có tứ suy ngẫm trong tâm tư suốt thời gian gần 1 năm. Cách diễn đạt đơn giản, nhưng khắc họa được hình ảnh người mẹ lầm lũi, vất vả, buồn vui nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhất trong gia đình. Tình yêu bắt nguồn từ những điều giản dị nhất, và cũng có thể ra đi vì những điều nhỏ nhất mà ta không ngờ tới. Chữ tình, chữ hiếu của người con đã được tác giả thăng hoa bằng tình thương yêu không kém phần nuối tiếc, tạc vào tâm khảm suốt cuộc đời.

Ngày nào mẹ cũng lau nhà
sàn nhà sạch tâm hồn mẹ rỗng
ngày nào mẹ cũng nấu cơm
bữa cơm đầy hạnh phúc dần vơi…
(Trích bài “Mẹ ơi”) 

Hạnh cất tiếng khóc chào đời tại miền quê Hưng Yên rồi theo cha mẹ vào sống tại Tây Ninh. 30 tuổi đời, nhưng Hạnh đã có một bề dày hoạt động xã hội sôi nổi trong 10 năm. Lúc đang độ tuổi trăng tròn bay nhảy, Hạnh đã là Phó Bí thư Đoàn trường Trần Hưng Đạo ở Tây Ninh, Phó Chủ nhiệm CLB Hoa học đường NVH Tây Ninh, cộng tác viết bài cho các báo Mực tímÁo trắng. Khi là sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP Hồ Chí Minh, cô tiếp tục viết cho các báo Văn nghệ, Tuổi trẻ, Phụ nữ của TP Hồ Chí Minh... Lúc còn sinh viên khoa ngữ văn trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Hạnh đã xuất bản 2 tập sách “Vang vọng” và “Hòn bi vỡ”, hoạt động tích cực trong CLB Văn học của khoa. Ra trường, Hạnh đã từng làm việc ở NXB Thanh Niên, là thành viên trong Ban Văn trẻ của Hội nhà văn thành phố. Là một người viết khá lặng lẽ, nhưng cũng là một người yêu thích những hoạt động phong trào của Hội, Hạnh luôn hào hứng với những trại sáng tác dành cho người trẻ và tham gia Ngày thơ hàng năm của Hội.

Hạnh không chỉ sáng tác đều tay và tâm huyết trong thơ văn truyện ngắn, cô còn tham gia viết kịch bản phim truyền hình. Với những người bạn cùng tâm huyết, Hạnh thành lập nhóm biên kịch Nắng Sài Gòn – chuyên viết về những kịch bản lấy bối cảnh ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Nhóm Hạnh đã từng tham gia viết các phim: Gia đình số đỏ (40 tập - đạo diễn Văn Công Viễn - Công ty Đại Nam sản xuất), Cô nàng tóc rối (110 tập - đạo diễn Nguyễn Minh Chung, Hãng BHD sản xuất)… Hiện nay nhóm vẫn đang kiên trì sáng tác và sở hữu nhiều đề cương kịch bản (chưa sản xuất) với các đề tài lịch sử, tâm lý xã hội và đề tài mang hơi thở của cuộc sống tuổi trẻ thời hiện đại.

Ngô Thị Hạnh hóa thân thành cô thôn nữ


Hạnh tâm sự: “Trong Hạnh có nhiều cảm xúc mãnh liệt, nhưng khó thể hiện chúng bằng thơ. Có thể để chúng tan đi bởi chúng không có lợi cho chính mình và cho độc giả. Hạnh tự nhận biết trong tập “Nắng từ những ngón chân”, vai trò sáng tạo trong bản thân rõ rệt nhất. Ngày nay không thể bày tỏ những gì quá bi lụy trong thơ, có thể làm đảo lộn đời sống của độc giả. Vì trước đó trong tập “Rơi ngược” Hạnh đã cảm thấy như vậy. Phải sau một thời gian dài làm thơ, Hạnh đã tin vào khả năng lựa chọn mỗi khi mình cầm bút và ước mong thơ của mình có khả năng “gạn đục khơi trong” dòng cảm xúc của độc giả. Mong độc giả đọc thơ mình đau, buồn, thương, nhớ đó nhưng sẽ hiểu bản thân họ và gia đình hơn qua thơ của mình. Từ đó, họ biết họ đang sống cho điều gì và biết quý trong hơn những niềm vui trong hiện tại…”

 

Như bài “Hạnh phúc từ những ngón chân” là tựa 1 bài thơ trong chương Khỏa thân tâm trạng, sau khi đi tìm qua nhiều thứ lớn lao và lý tưởng, người ta chỉ cảm thấy hạnh phúc khi quay về với chính mình, vui buồn với cơ thể mình, từ những mạch máu nhỏ hay từ những ngón chân “đẹp rạng ngời”… Bài “Là em”, tình yêu có thể vượt ra ngoài thể xác, khi đã chết, người ta yêu theo một cách khác, đằm thắm và “thật” hơn – động từ “chết” – Hạnh cũng sử dụng khá nhiều trong chương này. Như thể khi quá thương đau người ta sẽ biết được lúc bình an thì con người sẽ tốt biết chừng nào và quý trọng cuộc sống an hiện của mình hơn

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Trâm

Nguồn tin: VOV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây