Nhà văn Bảo Ninh sau hai chục năm thầm lặng

Thứ sáu - 22/10/2010 11:08 1.971 0

Nhà văn Bảo Ninh sau hai chục năm thầm lặng

Đã gần 20 năm, sau khi cuốn tiểu thuyết “Thân phận của tình yêu” (tức “Nỗi buồn chiến tranh”) của nhà văn Bảo Ninh được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Đến nay, hình như vẫn chưa có cuốn tiểu thuyết nào viết về chiến tranh Việt Nam được tái bản nhiều đến vậy và vẫn chưa có cuốn tiểu thuyết nào cùng đề tài vượt qua được nó.
1   Những năm trước đây, tôi và Bảo Ninh thường gặp nhau ở tòa soạn báo Văn nghệ 17 Trần Quốc Toản, cái chất lính vùng “đất thánh” (chỉ những thanh niên sinh trưởng, lớn lên ở Hà Nội những năm chiến tranh) trong anh vẫn giữ nguyên như hơn ba mươi năm về trước, vẫn ngang tàng, kiêu bạc và hào hoa. Cái chất lính- chất văn ấy là nét nổi trội trong phong cách Bảo Ninh. Trong cuộc đời văn chương của mình, tôi chỉ gặp 2 người như vậy: nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà văn Bảo Ninh. Họ là hai cái mốc lặng lẽ chói sáng của cả một chặng đường văn học chiến tranh trong ba thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước.

Không ai biết được đích xác con số tái bản cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh trong gần hai chục năm qua là bao nhiêu bản in, nhưng theo một số nhà văn cho biết, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã được tái bản khá nhiều lần ở trong và ngoài nước và cho đến nay, đây là cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Việt Nam được in nhiều nhất ở nước ngoài. Cuốn sách của Bảo Ninh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có mặt ở khá nhiều thư viện của một số trường Đại học danh giá trên thế giới. Có lẽ văn chương thời hiện đại ở xứ ta, chỉ có tác phẩm của Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp (hai nhà văn sống ở trong nước) được nước ngoài in nhiều đến vậy.

Khi tôi trao đổi chuyện này với Bảo Ninh trong một bữa rượu mới đây bên bờ sông Hồng, anh trầm ngâm bộc bạch với bạn bè văn chương: “Nếu nói trong những năm qua, tôi chỉ sống bằng nhuận bút tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” thì cũng không hẳn thế đâu, vì tôi còn viết truyện ngắn, viết tùy bút, viết báo…nói tóm lại là sống bằng nghề viết. Nhưng cũng phải nói rằng hơn một chục năm qua, tôi đã sống một cách rất khiêm tốn, đạm bạc bằng nhuận bút của cuốn tiểu thuyết này, còn khoản lương “còm” ở Báo Văn Nghệ thì làm sao mà sống nổi hả mấy ông, tôi cũng phải sống chứ!”.

Bữa rượu hôm đó, Bảo Ninh trả tiền, dứt khoát không cho ai trả, và anh trả thêm cả tiền taxi mời mấy bạn văn từ nội đô Hà Nội ra tận gần chân cầu Thăng  Long ngồi hóng gió sông Hồng và đàm đạo văn chương. Bữa rượu ấy, ngoài tôi, còn có hai nhà thơ Nguyễn Bình Phương và Trần Anh Thái. Lúc Bảo Ninh say rượu, anh thường cười mủm mỉm, trông khá dễ thương. Đầu anh khi ấy cứ ngoẹo về một bên, khẽ lắc mái tóc xoăn bạc, ánh mắt hóm hỉnh nhìn xoáy vào mặt bạn bè như dò hỏi điều gì đó.

Hỏi kỹ chuyện, tôi mới biết, cứ mỗi lần cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh được một nhà xuất bản nào đó ở nước ngoài xuất bản, là bạn bè thân tình với anh ở bên đó lại tìm đến, đòi cho kỳ được số tiền nhuận bút từ số sách được tái bản để gom góp gửi về Việt Nam cho anh. Thậm chí, có người bạn ở nước ngoài nói với Bảo Ninh: “Tớ thề không để xót một xu nhuận bút nào của cậu cả! họ cứ in thêm một bản của cậu là tớ đến đòi ngay phần trăm nhuận bút một bản in cho cậu! tớ không để cho thằng nào quỵt nhuận bút của cậu, không để cho nhà xuất bản nào ăn không mồ hôi, xương máu của Bảo Ninh!”.

Thế thì Bảo Ninh sướng rồi! chí ít là anh đã có những người bạn chí tình với anh ở những chốn phù hoa xa xôi như vậy. Thật ra, không phải nhà văn Việt Nam nào có sách in ở nước ngoài cũng có được cái “diễm phúc” như Bảo Ninh. Mới đây, nhà văn Chu Lai đã phát hiện một số cuốn tiểu thuyết của anh được in ở nước ngoài mà anh không hề nhận được một xu tác quyền nào, như thể nhà văn đã bị các “nhà sách” bên đó quỵt tiền nhuận bút.

Bảo Ninh có lẽ may mắn hơn nhiều, với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, cứ vài năm một lần, anh lại được đích danh một nhà sách hay một hiệp hội xuất bản nào đó ở nước ngoài mời sang chơi. Vậy là anh nhà văn chỉ sống bằng nhuận bút một cuốn tiểu thuyết lại được vi vút trời Tây theo kiểu “Nhất bản vạn lợi”. Nhưng tôi biết rằng, sống bằng nhuận bút theo kiểu ấy thì nhà văn Bảo Ninh cũng phải tùng tiệm, dè sẻn lắm mới đủ chi dùng cho gia đình anh trong thời buổi khó khăn này. Và cái điều anh không nói ra thì bạn bè cũng đều biết cả. Khổ một nỗi, cứ mỗi lần bạn bè gọi đi nhậu thì Bảo Ninh không bao giờ chịu đến “suông”. Hôm thì anh xách theo chai rượu tây uống dở, hôm thì anh lại cố tình để ló ra mấy trăm ngàn đồng trên túi áo ngực theo kiểu “túi có đầy tiên”-hay “túi có tiền đây” làm bạn bè cứ ái ngại cho cái kiểu cách “nho nhã” đầy chất Hà Thành của Bảo Ninh.

2   Hôm mới đây, mấy anh em chúng tôi về quê nhà thơ Nguyễn Bình Phương ở trên tận Thái Nguyên. Khi biết ông cụ thân sinh của Bình Phương là cựu binh sư đoàn 308 từng tham gia trận đánh lịch sử ở đồi A1-Điện Biên Phủ, Bảo Ninh cứ xoắn lấy. Hai bác cháu suốt buổi chỉ tâm sự về những nỗi niềm trận mạc, những hy sinh thầm lặng của những người lính vô danh. Bảo Ninh kể: “Hồi cháu chiến đấu tại mặt trận B3 ở Tây Nguyên, cứ nghe thấy lính sư 308 vào là mừng lắm, “Quả đấm sắt” mà vào là sẽ có đánh lớn và thắng lớn. Cháu hồi ấy ở sư đoàn 10, chỉ vào loại “đàn em”của sư 308 thôi nhưng cũng oách lắm bác nhé…!”.

Chúng tôi lặng người đi khi nghe Nguyễn Bình Phương kể lại chuyện cùng một số nhà văn trở lại Tây Nguyên, vào thăm sư đoàn 10. Hôm ấy, vị sư trưởng đã dẫn các nhà văn đi thăm nhà bảo tàng của sư đoàn 10, nơi khắc tên 10.000 người lính đã hy sinh trong chiến tranh, và nói: “Hôm nay, đón đoàn nhà văn tới thăm, có đông đủ cả một sư đoàn dưới mặt đất và một sư đoàn trên mặt đất…”. Chiến tranh đi qua đã hơn 30 năm mà những vết thương trong hồn bao người lính trận vẫn còn như rỉ máu. Với Bảo Ninh chắc cũng vậy, những vết thương trận mạc ấy không chỉ hằn dấu trong từng trang viết của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” mà vẫn còn đang thao thức, trằn trọc nơi cuốn tiểu thuyết mới anh sắp hoàn thành cũng với đề tài chiến tranh.

Theo tôi, Bảo Ninh (tên thật Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952) là một nhà văn thầm lặng giầu tâm trạng trong đa số những người viết thầm lặng của ngày hôm nay. Rời quân ngũ cùng bộ đồ lính bạc phếch trên người, anh lang thang kiếm sống đâu đó với những công việc chẳng lấy gì làm vui vẻ. Chỉ đến khi ba của anh, Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Tuệ (Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) dắt anh đến nhà người bạn thân là Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (Trường viết văn Nguyễn Du) thì cuộc đời Bảo Ninh bước sang một trang khác. Ngày ấy, mặc dù điểm thi vào trường viết văn của Bảo Ninh là khá thấp, nhưng với “con mắt xanh” lão luyện trong nghề văn của mình, giáo sư Hiến vẫn quyết định nhận anh vào học vì có lẽ, ngay từ thời điểm ấy, ông đã phát hiện được một tài năng văn chương cho đất nước sau này. Phải nói, giáo sư Hiến là một người thầy rất uyên bác, sâu sắc và đầy khe khắt nên việc ông nhận “truyền thụ” nghề văn cho Bảo Ninh là chuyện không hề bình thường.

Khi đọc những bản thảo truyện ngắn đầu tay viết về đề tài chiến tranh của Bảo Ninh, giáo sư Hiến khuyên anh chưa nên công bố vội, hãy viết lại cho kỹ hơn và hay hơn. Quả không sai, chỉ sau đó một thời gian, ngay khi còn đang theo học dưới mái trường viết văn Nguyễn Du, bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay “Nỗi buồn chiến tranh” (tức “Thân phận tình yêu”) đã được Bảo Ninh hoàn thành một cách xuất sắc và gây sự bất ngờ lớn với ngay cả người thầy đang dìu dắt anh là giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Ngay sau khi được công bố, năm 1991, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và tên tuổi của anh lập tức gây sự chú ý của cả văn đàn trong và ngoài nước. Tâm sự về thành công bước đầu ấy, Bảo Ninh khiêm tốn: “Thật ra, đấy là sự ghi dấu của nền văn học Việt Nam thời đổi mới nên một tác giả mới như tôi vẫn được chú ý, và cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” đã nhận được giải thưởng vào thời kỳ đặc biệt đó, thời kỳ văn học có những thay đổi sâu sắc và đích thực”.

3   “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là một khúc ca bi tráng, đau thương và tàn khốc về chiến tranh. Nỗi buồn ấy đã ám ảnh và day dứt nhiều thế hệ ở cả hai phía, từng hành trình đi qua cuộc chiến đẫm máu ấy. Nhưng vượt lên trên tất cả những mất mát, u ám và tuyệt vọng là tình yêu con người và tình yêu cuộc sống đã cứu rỗi phần còn lại của thế giới này. Và những trang văn của Bảo Ninh trong “Nỗi buồn chiến tranh” đã hướng đến những chân trời hy vọng ấy. Mười mấy năm sau, khi tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” được một nhóm các nhà sản xuất điện ảnh nước ngoài chuyển thể thành kịch bản phim truyện và sắp khởi quay thì nhà văn Bảo Ninh yêu cầu tạm dừng lại. Khi ấy, nhà văn cảm thấy có gì không ổn từ phía kịch bản phim truyện nên anh đề nghị phải sửa lại. Rồi sau khi xem phần sửa lại, thấy vẫn chưa được, Bảo Ninh thấy nản vì sự bất đồng với nhà biên kịch và anh và tuyên bố đứng ngoài cuộc chơi điện ảnh này.

Là một nhà văn đã từng lăn lộn sống chết trong chiến tranh tàn khốc, chắc hẳn Bảo Ninh không muốn sự thật đau thương và nghiệt ngã ấy được nhìn bằng một lăng kính khác so với những trang văn trong tiểu thuyết của anh. Những trải nghiệm máu xương trong đời sống chiến tranh với cái nhìn đầy nhân bản của một nhà văn còn may mắn sống sót như một nhân chứng, đã khiến anh phải thận trọng, dè chừng trước những khuynh hướng nghệ thuật có thể làm biến dạng chính những trang văn của mình. Nhà biên kịch điện ảnh có thể đồng sáng tác để nâng cao tác phẩm văn chương nhưng không thể làm biến dạng một chủ đề sự thật mà nhà văn đã thai nghén và chuyển tải trong cuốn tiểu thuyết như một nội hàm tư tưởng của mình. Và qua đấy, ta có thể thấy Bảo Ninh đã có trách nhiệm như thế nào với cuộc sống này, với đất nước này trong tư cách là một nhà văn từng đi qua chiến tranh và viết về chiến tranh một cách chân thực, lãng mạn, xúc động và đầy nhân văn.

Dạo này Bảo Ninh thường xuyên tắt máy điện thoại di động, anh viết đơn xin nghỉ không ăn lương của báo Văn Nghệ, nói là để tập trung cho sáng tác. Gặp nhau cách đây vài hôm, khi tôi hỏi chuyện này, Bảo Ninh nói “Thì khối nhà văn sống tự do vẫn sống đàng hoàng đấy chứ, tôi sống chẳng cần đồng lương của báo đâu, giờ là lúc phải nghỉ việc để tập trung vào viết, có thế thôi!”.

Với Bảo Ninh, tôi và bạn bè biết đều biết anh thời điểm này đang dồn trí tuệ và sức lực cho cuốn tiểu thuyết thứ hai viết về đề tài chiến tranh của mình. Bảo Ninh khởi viết cuốn này vào đầu năm 2007, đến nay đã gần ba năm và cuốn tiểu thuyết 300 trang này đang bước vào phần cuối. Được biết, trong cuốn tiểu thuyết mới này, một phần cuộc chiến tranh Việt Nam cách đây hơn ba thập kỷ được tái hiện qua số phận nhân vật chính là một số người lính Sài Gòn ở cả thời điểm trong và sau chiến tranh. Khi bắt tay vào viết, Bảo Ninh cho rằng đây là một cuốn tiểu thuyết khó viết, rất khó viết nhưng nhà văn tin rằng với sự trải nghiệm, quan sát của mình trong thời gian tham gia trận mạc trước đây sẽ là một điều kiện thuận lợi. Một sự tình cờ, cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của anh cũng chỉ 300 trang văn mà đã làm nên một sự kiện văn học. Vậy sau gần 20 năm, cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Bảo Ninh có làm văn đàn nổi sóng như lần trước hay không? Chúng ta hãy đón đợi vào năm tới.

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây