Nhà văn Vân Thảo: Hài lòng với "Bí thư tỉnh uỷ"

Chủ nhật - 17/10/2010 10:50 2.246 0

Nhà văn Vân Thảo.

Nhà văn Vân Thảo.
Tối 27/9 vừa qua, tập đầu tiên của bộ phim truyền hình dài 50 tập "Bí thư tỉnh ủy" (đạo diễn Quốc Trọng) đã lên sóng VTV1. Bộ phim được nhiều người quan tâm bởi đã tái hiện một giai đoạn lịch sử với nhân vật chính được xây dựng dựa trên nguyên mẫu là ông Kim Ngọc - Nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc - một nhà lãnh đạo đã có tư duy đổi mới "đi trước thời gian", từng là chủ đề gây tranh cãi một thời.
Nhà văn Vân Thảo, tác giả kịch bản "Bí thư tỉnh ủy" (cũng là tác giả tiểu thuyết cùng tên) cùng ê kíp làm phim đang hồi hộp chờ đợi những phản hồi của khán giả. Ông cũng cho biết, tiểu thuyết "Bí thư tỉnh ủy" tuy mới xuất bản hồi đầu năm nhưng hiện đang được NXB Trẻ chuẩn bị tái bản (có sửa chữa) lần thứ 3.

Nhà văn Vân Thảo cho biết, từ khi nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian dành cho công việc sáng tác hơn. Những lúc rảnh rỗi, ông dành nhiều thời gian để tìm hiểu về một con người được coi là "cha đẻ của khoán hộ" là Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc. Và từ lúc nào, ông đã ấp ủ viết một tiểu thuyết về con người huyền thoại này. Tuy vậy, ông biết rằng để thực hiện được ý tưởng này là một việc không hề đơn giản. Những sáng kiến táo bạo trong nông nghiệp một thời của ông Kim Ngọc là một trong những ví dụ sinh động để Đảng ta cho ra đời ra đời chính sách "khoán 10", làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Việt Nam cách đây hơn 20 năm. Nhưng sáng kiến khoán hộ của ông Kim Ngọc ở thời điểm những năm 60 đã vấp phải  phản ứng mạnh mẽ, khiến vị Bí thư tỉnh ủy từng phải chịu kiểm điểm.

Nhà văn Vân Thảo cho biết, chính ông cũng là người từng phản ứng với cách làm của Bí thư Kim Ngọc và đó là câu chuyện về "ý thức hệ". Thế nhưng, chính điều này đã khiến Vân Thảo luôn mang trong mình nỗi áy náy, muốn viết một cái gì đó để mọi người hiểu thêm về cuộc đời của con người đáng trân trọng ấy như một cách... "chuộc lỗi".

Trong khi Vân Thảo còn chưa biết tìm cách nào để thể hiện câu chuyện về cuộc đời Bí thư Kim Ngọc gắn với một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước thì nhà biên kịch Thùy Linh - Phó giám đốc Hãng phim Truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) gọi điện đến để "đặt hàng" nhà văn viết một kịch bản phim truyền hình về "Bí thư tỉnh ủy". Thì ra, từ lâu, nhà văn Thùy Linh đã có ý tưởng xây dựng một bộ phim về hình tượng Bí thư Kim Ngọc nhưng vẫn chưa tìm ra lối đi. Vì thế, chị đã nghĩ tới Vân Thảo - nhà biên kịch đã từng thành công với một số bộ phim về làng quê như "Nỗi buồn sau lũy tre", "Con sóng đầu đời", "Hương đất"…

Một cảnh trong phim "Bí thư tỉnh uỷ".

Được lời như cởi tấm lòng, nhà văn Vân Thảo nhận lời và bắt tay ngay vào việc từ cuối năm 2007. Ông tâm sự rằng, mỗi ngày ông đều làm việc từ 10 đến 12 tiếng, mệt quá mới nghỉ. Khi kịch bản "Bí thư tỉnh ủy" hoàn thành thì cũng là lúc tiểu thuyết cùng tên ra lò. Nhiều người không biết, lầm tưởng Vân Thảo làm việc theo một "quy trình ngược" là chuyển thể từ kịch bản sang tiểu thuyết, nhưng thực tế là ông cùng lúc làm 2 việc. Điều phấn khởi nhất đối với ông là cả hai tác phẩm này đều lần lượt ra mắt trong năm nay. Riêng tiểu thuyết "Bí thư tỉnh ủy" đã được tái bản và con số được công bố đến nay là 5.000 bản. Đây cũng là tiểu thuyết thứ 6 của nhà văn Vân Thảo sau "Những người báo bão", "Đêm màu tím", "Dòng xoáy cuộc đời"…

Vì "Bí thư tỉnh ủy" là tác phẩm dựa trên một nguyên mẫu có thật nên điều đầu tiên nhà văn Vân Thảo phải làm là ông tìm đọc những tài liệu có liên quan đến Bí thư Kim Ngọc để hiểu kỹ, hiểu sâu hơn về con người này và những dấu mốc, sự kiện chính cũng như một số nhân vật tương đối giống với nguyên mẫu đời thực. Tất nhiên, để làm nên một tác phẩm có giá trị, phản ánh cả một giai đoạn, nhà văn phải hư cấu thêm nhiều để hoàn thiện các tuyến nhân vật, những câu chuyện, tình huống trong phim.

Để hoàn thành tác phẩm, nhà văn Vân Thảo đã phải "cắm chốt" 3 tháng trên Vĩnh Phúc để gặp gỡ những người cùng thời với Bí thư Kim Ngọc, nghe họ và những người thân trong gia đình ông kể chuyện. Nhà văn cho biết: "Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, có lẽ tôi là người đầu tiên được tiếp xúc với đầy đủ các văn bản có liên quan tới Bí thư Kim Ngọc. Đồng thời, tôi được ở trong chính căn phòng mà Bí thư Kim Ngọc đã ở ngày xưa. Đó là một ngôi nhà cổ nằm ngay bên đầm Vạc, chiều đến có rất nhiều cò về đậu. Quang cảnh giờ đã đổi khác nhiều, nhưng vẫn còn có những hàng cây cổ thụ, những chiếc ghế đá rêu phong… gợi nhớ những ngày tháng xưa cũ đã giúp tôi có thêm hình dung sinh động và tạo cảm hứng sáng tác. Thời gian ở Vĩnh Phúc cũng là thời gian tôi làm việc hiệu quả nhất".

Nhà văn Vân Thảo hiện đã ở tuổi 74, nhưng ông cho biết có lẽ đây là quãng thời gian ông cảm thấy sức viết của mình đang vào độ sung mãn. Sau "Bí thư tỉnh ủy", ông bắt tay ngay vào viết một kịch bản về chiến tranh do Hãng phim Mê Kông đặt hàng. Và ông vẫn ấp ủ viết tiếp phần 2 của bộ phim truyền hình "Hương đất" - bộ phim 18 tập khi công chiếu đã nhận được nhiều thiện cảm của khán giả. Nhà văn tâm sự rằng, ông thích viết về đề tài nông thôn và chiến tranh, bởi đó là hai lĩnh vực ông lăn lộn nhiều nhất, có nhiều vốn sống nhất. 16 tuổi, ông tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơnevơ rồi vào bộ đội đi làm công tác dân vận ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Với ông, đó là những ngày tháng gian khổ nhưng cũng là thời gian ông lăn lộn, "ba cùng" với dân và có được nhiều vốn sống để sau này đưa vào các tác phẩm của mình. Sau đó vài năm, ông được tuyển vào Đoàn Văn công rồi về làm trợ lý âm nhạc của Phòng Văn nghệ - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến năm 1975, ông lại chuyển về làm trợ lý văn nghệ ở Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công và gắn bó với công việc ấy đến khi nghỉ hưu. Lúc ấy, những công việc, những chiến công của chiến sĩ đặc công rất to lớn nhưng lại ít người biết đến. Bởi vậy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đặc công đã tổ chức những đợt sáng tác về hình tượng người chiến sĩ đặc công.

Vậy là Vân Thảo vừa tham gia công tác tổ chức sáng tác, đồng thời cũng là người hưởng ứng nhiệt tình bằng chính cây bút của mình. Những đợt sáng tác ấy cũng đánh dấu bước trưởng thành ở lĩnh vực tiểu thuyết của một số nhà văn như Đình Kính, Hà Phạm Phú, Xuân Mai… Nhà văn Vân Thảo cho biết: "Làm trợ lý văn nghệ là một công việc "thượng vàng hạ cám", cái gì cũng đến tay. Tôi vừa là người tổ chức, vừa là người thực hiện. Vừa làm thầy lại vừa làm thợ mà!". Tiểu thuyết đầu tay "Những người báo bão" viết về chiến dịch Buôn Ma Thuột ra đời không lâu sau thì được chuyển thể thành phim truyện nhựa "Những chiến sĩ thầm lặng" do NSND Phạm Văn Khoa làm đạo diễn. Đây cũng là bộ phim đánh dấu sự "bén duyên" của ông với điện ảnh. Sau này, ông còn có hàng loạt bộ phim như "Người mẹ huyền thoại", "Ngọn sóng đầu đời", "Vui buồn sau lũy tre làng", "Nửa vầng trăng còn lại", "Hương đất"...

Sở dĩ nhà văn Vân Thảo tha thiết với đề tài chiến tranh là vì ông muốn viết về những người đồng đội của mình. Ông bảo rằng trong suốt cuộc đời, ông có nhiều kỷ niệm với bộ đội, được nghe nhiều chuyện về họ, mang nặng tâm tư tình cảm của họ. Ông từng chứng kiến những mất mát hy sinh của đồng đội trong khi bản thân nhiều lần vào ra chiến trường nhưng không mảy may một vết thương, nhiều lần thoát chết trong gang tấc, cứ như có một "bùa hộ mệnh" nào đó. Từng đối diện với những khoảnh khắc mà sự sống và cái chết trở nên mong manh, nên ông luôn muốn viết về chiến tranh như một sự tri ân với những người lính đã hy sinh. Bởi vậy, hễ nơi nào đặt hàng viết về chiến tranh là ông nhận lời ngay.

Nhà văn Vân Thảo hiện thời sáng tác hoàn toàn trên máy vi tính - công cụ làm việc hữu ích nhưng còn khá xa lạ với nhiều nhà văn ở tuổi "thất thập cổ lai hi" như ông. Ông tâm sự: "Lao động của nhà văn là một thứ lao động nhọc nhằn, một thứ lao động vô hình, không có không gian, không có thời gian. Khi ngồi vào bàn đánh máy, những con chữ dần hiện ra trên màn hình, nhưng đấy chỉ là khi tôi hiện thực hóa những gì mình đã nghĩ từ trước đó, trong lúc ăn, trong lúc ngủ, lúc đi tập thể dục buổi sáng… Tiểu thuyết và kịch bản phim "Bí thư tỉnh ủy" hiện đang là tác phẩm khiến tôi hài lòng nhất ở thời điểm này, nhưng tôi vẫn có những ước vọng lớn hơn. Bởi nghề viết không bao giờ có đỉnh".

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây