Nhà thơ Thạch Quỳ: Ông đồ gàn xứ Nghệ

Thứ sáu - 22/10/2010 12:44 2.321 0

Nhà thơ Thạch Quỳ

Nhà thơ Thạch Quỳ
Tên khai sinh của anh là Vương Đình Huấn. Ở quê anh có núi Quỳ, nên anh đặt bút danh là Thạch Quỳ. Anh giải thích: Cái bút danh đó có nghĩa là đá ở núi Quỳ, đá rất cứng, dùng búa đập nhiều nhát đá mới vỡ.

Gắn bó với làng quê, đến nỗi đi đâu về, trời tối mịt, mắt không nhìn thấy rõ, thì anh đưa bàn tay khuơ lúa ở hai bên đường - bàn tay vương vào lúa để có cảm giác là mình đã gặp làng quê. Vào đến cổng làng, anh lại giơ tay quờ quạo nhánh tre. Một đêm, có bác nông dân thấy anh vừa đi vừa khuơ các nhánh tre hai bên đường, tưởng là người lạ mặt vào làng mình, liền hô toáng lên: "Có người lạ! Có người lạ!". Thạch Quỳ liền đáp lại: "Không phải người lạ đâu! Cháu đây, cháu là Huấn vừa ở Vinh về".

Vì yêu quê đến câu nệ, đến "cố chấp", anh cố giữ được bản tính của quê hương đôi lúc gàn dở và cực đoan - người ta thường gọi là "cái gàn của anh đồ Nghệ". Thạch Quỳ cũng gàn gàn như thế. Không những gàn mà đôi lúc còn tỏ ra kiêu ngạo. Anh rất có cá tính, cá tính nhiều khi đến lập dị, đến nỗi người cùng quê có lúc không chịu được anh.

Thời kỳ làm việc ở Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, có lần cán bộ lãnh đạo tỉnh xuống thăm Hội Văn nghệ, anh không khúm núm chào như một số người khác. Nhiều người trong cơ quan hội "vu" cho anh là ngạo mạn, là khinh cấp trên. Đối với những người lãnh đạo trong Hội, anh cũng đối xử bình đẳng như anh em như bạn bè. Cán bộ và nhân viên trong Hội tỏ ra khó chịu về anh, thậm chí có người đề nghị: "Trước đây, Thạch Quỳ học Đại học Sư phạm, bây giờ trả anh ta về nghành Sư phạm". "Về nghành Sư phạm thì dạy ai ?". "Không dạy được ai thì phân công anh ta đánh trống trường". Bực dọc thì nói thế thôi, chứ anh em trong Hội Văn nghệ vẫn mến Thạch Quỳ và giữ Thạch Quỳ ở lại công tác lâu dài.

Sau năm 1975, hòa bình mới lập lại, ở Hà Tĩnh mở công trình lớn: xây dựng hồ Kẻ Gỗ. Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh tổ chức cho các nhà văn đi thực tế để viết bài. Thạch Quỳ cũng hăm hở tình nguyện tham gia đoàn đi vào Hà Tĩnh. Nhưng sau vài ngày, Thạch Quỳ chuồn về lúc nào không ai biết!? Một số người nhao nhác: "Thạch Quỳ không chịu được gian khổ, bỏ về rồi!"; "Mới hòa bình vài năm mà đã quen thói sống thượng lưu"; "Lần này phải kiểm điểm anh ta đến nơi đến chốn".

Nhà thơ Thạch Quỳ (thứ ba từ trái qua) và các bạn văn tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII (tháng 8/2010).

Cơ quan Hội Văn nghệ tổ chức cuộc họp để kiểm thảo Thạch Quỳ. Không khí đang căng thẳng, Thạch Quỳ vẫn bình tĩnh, cười giữa cuộc họp. Lại cười à? Cười tức là khinh tổ chức, khinh bạn đồng nghiệp!... Anh giơ ra một xấp giấy trong đó có mấy tờ viết bài thơ dài về hồ Kẻ Gỗ: "Tôi có trốn để đi chơi đâu. Tôi trốn để viết bài thơ này". "Thơ đâu? Anh đọc cho anh em nghe !" - Có người lên tiếng. Anh hắng giọng và chậm rãi đọc bài thơ về hồ Kẻ Gỗ. Sau đó bài thơ được in báo Văn nghệ. Thì ra nhà thơ Thạch Quỳ chịu khó làm việc, và làm việc có hiệu quả theo thói quen của mình, chứ không "phá ngang" như một số người đồn đại.

Phải thật hiểu và có lòng vị tha mới thông cảm được những nhược điểm của Thạch Quỳ. Mới tiếp xúc với anh, người ta cảm thấy khó chịu. Dần dà thân với anh, càng thân càng mến anh.

Bạn bè trong Vinh có kể chuyện vui thế này:

Có đêm, anh đi chơi về muộn, vợ đã nằm ngủ. Vợ nằm chéo ngang giường để "chơi khăm" chồng. Không còn chỗ nằm, anh đưa tay cào cào dưới gan bàn chân vợ, vừa cào vừa nói : "Không cho tao nằm giường thì tao nằm dưới nền nhà". Vợ đành phải nhân nhượng, âu yếm gọi anh lên giường.

Một lần, anh N.C ở trong thành Vinh mời cơm. Thạch Quỳ làm rơi mắm giữa bàn. Quỳ không dùng giẻ, mà đưa bàn tay lau mắm. Rồi lại dùng giẻ lau bàn để lau tay. Một vài người bỏ dậy, không tiếp tục nữa.

Riêng tôi, tôi đã quen thuộc với Thạch Quỳ. Đôi ba người được mời dự tiệc, nghe nói có Thạch Quỳ dự, là cố tránh. Tôi thì bất kỳ cuộc nào, có Thạch Quỳ, tôi cũng dự. Không những thế, tôi còn chủ động mời Quỳ cùng ăn với tôi.

Một lần vào công tác ở Nghệ An, tôi được ông giám đốc công trình xây dựng giao thông 4 bố trí cho  ăn ngủ tại khách sạn Kim Liên (khách sạn sang nhất ở Vinh). Ông giám đốc còn thân tình nói thêm: "Anh thích ăn gì thì cứ gọi, mời cả bạn bè vào ăn thoải mái. Anh cứ ký vào hóa đơn, công ty thanh toán sau".

Tôi rủ Thạch Quỳ vào ăn cho vui. Cứ tưởng là khách sạn sang nhất thành phố Vinh thì toàn những thứ sơn hào hải vị, và khách hàng toàn xơi thực đơn sang. Tôi hỏi đùa cô nhân viên phục vụ: "Có cà muối không?". Tưởng là hỏi đùa thế thôi, không ngờ cô nhân viên bưng ra một bát cà muối to. Thạch Quỳ nhìn bát cà muối, rồi nhìn tôi, mỉm cười, níu tay cô nhân viên: "Cháu ơi, khách sạn ta có mắm để quệt với cà không?". Cô nhân viên gật đầu: "Dạ có". Cô bê ra một bát mắm. Cô nhân viên cười: "Em chưa thấy người khách nào như các bác, vào khách sạn sang nhất mà chỉ ăn cà muối với mắm. Khách sạn em có đủ cà với mắm cho các bác xơi!".

Ở Nghệ An có câu ngạn ngữ "Dùi đục chấm mắm cáy", có hàm ý vừa khen vừa chê: Khen tính thật thà, thật như đếm; chê tính người giao tiếp và ăn uống thô lỗ, thiếu tinh tế. Vậy thì Thạch Quỳ và tôi có thể vừa được khen vừa bị chê là thiếu tinh tế.

Trong thơ Thạch Quỳ, cảm xúc thường khỏe khoắn với những vần thơ viết về quê hương. Bên cạnh đó, có những câu thơ dịu dàng: "Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc / Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về". Tôi bảo Quỳ: "Thơ ông ít có những câu dịu dàng như thế". Quỳ trả lời ngang ngạnh: "Tôi cố tình không viết những câu thơ như thế".

Ở trại viết văn Quảng Bá, Thạch Quỳ có viết vào sổ tay Nguyễn Thị Hồng Ngát bài thơ tình, trong đó có câu đại ý: Anh nguyện làm cái giẻ lau để lau sạch nền nhà cho em đi. Tôi thích bài thơ này và hỏi Quỳ: "Bài thơ hay thế mà ông không cho đăng báo?". Quỳ bĩu môi: "Tôi không cần đăng những bài thơ như thế".

Hòa trộn với cái thô mộc là đầy ắp chất trữ tình. Chả thế mà lần nào ra Hà Nội, hai nữ thi sĩ Bắc Hà thường tìm gặp Thạch Quỳ: Đó là Xuân Quỳnh và Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Bấy giờ, nhà Ngát ở ngõ Thông Phong (phố Hàng Bột). Thạch Quỳ và tôi vào chơi đúng bữa trưa. Ba anh em ra chợ mua sắm thức ăn để về ăn trưa. Dạo quanh chợ, Ngát cố tìm những thứ gì ngon và là lạ. Thạch Quỳ bảo Ngát mua cà muối với khoai chiêm luộc. Ngát gạt ngay: "Ai lại mua cà với khoai! Anh sợ tôi không có tiền à?". Không ngờ trưa hôm ấy Thạch Quỳ ăn rất nhiều cà muối quệt với mắm. Ngát cười: "Người Nghệ An hay ăn cà muối".

Thật ra, quả cà muối Nghệ An vừa là món ăn dân dã vừa là món ăn quý tộc. Từ người nông dân nghèo khó đến nhà giàu, quanh năm đều có vại cà muối ở góc bếp. Bữa ăn nào cũng lấy ra một bát cà muối.

Cà muối quệt với mắm, ngon lắm. Nếu muối cẩn thận thì đó là món ăn ngon. Ngày nay người ta đã xuất khẩu cà muối. Có lần liên hoan phim ở Vinh, ban tổ chức biếu mỗi thành viên trong ban giám khảo hai lọ cà muối. Ngát ăn cà muối, rồi nói với Quỳ và tôi: "Nghệ An các ông khôn lắm, cứ kêu đói phải ăn cà, chứ thật ra cà của Nghệ An ngon lắm". Tôi được Ngát biếu một lọ, cứ để dành, đợi đến khi Thạch Quỳ ra Hà Nội mới đem ăn. Bữa cơm ấy Thạch Quỳ toàn ăn cà quệt với mắm, chỉ chỉa đũa vào đĩa thịt vài ba lần.

Con trai của Thạch Quỳ cũng ngang ngang tính như bố. Cậu ta làm phóng viên báo Nghệ An một thời gian, rồi bỏ đi xuất khẩu lao động ở Nga. Hết thời hạn lao động, về định cư ở Vinh và làm nghề thầy cúng, lập bàn thờ trong nhà. Con nhang đệ tử tứ phương tin cẩn, từ ngoài Bắc vào Nam, về cúng càng ngày càng đông đúc. Thần thánh được cúng những mâm cỗ sang trọng.

Tôi vào chơi cùng anh bạn. Gặp lúc vừa cúng xong, mấy anh em và gia đình ngồi quanh mâm cỗ thịnh soạn. Thạch Quỳ chợt liếc mắt nhìn tôi, rồi mỉm cười, như muốn ngầm nói: "Thiếu cà muối và mắm cáy". Chợ gần, ngay dưới đường phố. Quỳ chạy ra mua một bát cà muối và một bát mắm cáy, đem về ngay. Quỳ vừa đặt bát cà muối và bát mắm cáy vào mâm, nói đùa: "Không hiểu thần thánh có thích ăn cà quệt mắm như các nhà thơ dân dã?".

Tác giả: Võ Văn Trực

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây