Biết khai thác lợi thế trẻ, dễ có tác phẩm hay

Thứ ba - 13/09/2011 04:35 3.656 0

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, UV. BCH Hội, Trưởng Ban nhà văn trẻ Hội nhà văn VN

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, UV. BCH Hội, Trưởng Ban nhà văn trẻ Hội nhà văn VN
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ: Nhiều người trong các bạn trẻ có xu hướng không dùng những câu văn tràn đầy tính truyền thống, đủ chủ ngữ và vị ngữ vốn được những người đi trước coi trọng. Điều này khiến chính tôi cũng phải giật mình và thấy rằng, có lẽ, cần đứng lùi lại một chút, xem cách họ đi, đứng, nói, cười ra sao..., để đủ độ lắng khi nhìn nhận dàn viết trẻ.

Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần VIII sẽ diễn ra tại Tuyên Quang vào đầu tháng 9/2011 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều đó cũng cho thấy, lực lượng sáng tác trẻ đã tạo được sự chú ý trong xã hội. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin xung quanh sự kiện văn hóa này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Ủy viên BCH, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam:

PV: Thưa nhà văn Võ Thị Xuân Hà! Năm nay, lần đầu tiên Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc được tổ chức tại Tuyên Quang, vùng đất chiến khu lịch sử, hẳn là Hội Nhà văn Việt Nam có lý do khi lựa chọn địa điểm này?

N.V Võ Thị Xuân Hà: Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đất nước, vấn đề dân tộc đang được mọi người đặc biệt coi trọng, thì việc giáo dục truyền thống càng rất cần thiết. Với những người cầm bút trẻ, điều này càng không thể thiếu. Vì thế, tổ chức hội nghị ở ngay chính địa danh lịch sử cùng với việc đưa các bạn trẻ về thăm các di tích lịch sử ở Tân Trào, và một số địa điểm khác sẽ có ý nghĩa to lớn, đặc biệt là vào dịp chúng ta vừa kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Chắc chắn, với những người dự hội nghị, đây sẽ là một chuyến đi đáng nhớ.

PV: Việc lựa chọn đại biểu dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc năm nay có gì mới so với 7 kỳ hội nghị trước không, thưa nhà văn?

N.V Võ Thị Xuân Hà: Cách thức chọn lựa đại biểu dự Hội nghị kỹ càng và sâu rộng. Từ đầu tháng 6, Ban Tổ chức Hội nghị gửi công văn về các Hội VHNT tỉnh, thành phố và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đưa ra các tiêu chí lựa chọn đại biểu chi tiết và rõ ràng, để mỗi địa phương giới thiệu một đại biểu chính thức và một đại biểu dự khuyết. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là nơi tập trung đông hơn cả những người viết trẻ ở khắp cả nước sinh sống và làm việc, nên số đại biểu được giới thiệu sẽ nhiều hơn. Sau khi các địa phương gửi danh sách về, Ban Nhà văn trẻ tập hợp và đã tiến hành nhiều cuộc họp để xem xét, báo cáo tham mưu với Ban Tổ chức.

PV: Chắc chắn Ban Nhà văn trẻ phải nắm bắt tốt tình hình sáng tác của các cây bút trẻ trên khắp cả nước để tham mưu cho lãnh đạo?

N.V Võ Thị Xuân Hà: Với Ban Nhà văn trẻ, hầu như, những cây bút trẻ viết khá ở địa phương chúng tôi đều được thông tin. Ban Nhà văn trẻ có một đội ngũ các nhà văn còn trẻ, giàu nhiệt huyết, biết quan tâm, bám sát tình hình sáng tác của lực lượng trẻ ở các địa phương, như Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Hữu Việt, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Huyền Sâm, Phan Huyền Thư vv… Bên cạnh đó, chúng tôi còn có đội ngũ cộng tác lâu năm giúp đỡ về vấn đề này. Thực tế, qua các Sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam, qua các cuộc tọa đàm văn học được tổ chức, dễ dàng nhận ra nhiều gương mặt mới đã được chúng tôi tập hợp, phát hiện, để rồi sau đó, bằng nỗ lực bản thân, họ tiếp tục chứng tỏ được chỗ đứng trong đời sống văn học bằng các giải thưởng và các đầu sách.

PV: Là người gắn bó lâu năm, có mối quan hệ chặt chẽ, cũng như sự hiểu biết sâu sắc với những người viết trẻ, ý kiến của chị về đội ngũ này sẽ như thế nào?

N.V Võ Thị Xuân Hà: Một số người viết trẻ đang "trách móc" những người đi trước không thấu hiểu họ cũng như không hiểu được rằng, giờ đây, đã có sự thay đổi lớn trong cách cảm, cách viết so với ngày xưa, giống như thời trước, các cụ ta mặc áo tứ thân, áo the khăn xếp, thì nay các bạn trẻ lại mặc áo lửng, quần ngố. Khi các bạn trẻ viết ngôn ngữ văn học mạng, văn học truyền thống chưa công nhận, nhưng giới trẻ với nhau lại rất thích. Ngược lại, nhiều người trong các bạn trẻ cũng có xu hướng không dùng những câu văn tràn đầy tính truyền thống, đủ chủ ngữ và vị ngữ vốn được những người đi trước coi trọng. Điều này khiến chính tôi cũng phải giật mình và thấy rằng, có lẽ, cần đứng lùi lại một chút, xem cách họ đi, đứng, nói, cười ra sao..., để đủ độ lắng khi nhìn nhận dàn viết trẻ.

Lực lượng viết trẻ bây giờ nhiều thế mạnh khác những thế hệ đi trước. Lợi thế lớn nhất của họ là sức trẻ và khỏe, đương nhiên! Ngoài ra, họ còn có điều kiện học hành cao nên lượng kiến thức rất nhiều, rồi còn thu nhận qua các phương tiện thông tin đại chúng. Họ có ngoại ngữ và có điều kiện du học nước ngoài. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, họ không còn phải mày mò viết bằng bút như những nhà văn ngày xưa nên không gặp cảnh không viết kịp những cảm hứng tuôn ra tràn trề như thế hệ đi trước. Mạng internet kết nối đã giúp họ học hỏi lẫn nhau rất nhiều, đồng thời, là nhân tố kích thích sự sáng tạo mạnh mẽ. Hoạt động của Ban Nhà văn trẻ cũng được chú ý hơn, bài bản và chính qui hơn, được xã hội biết đến nhiều hơn. Những người viết trẻ bây giờ còn được thế hệ đi trước dìu dắt, hiểu biết và chăm sóc chu đáo nên nếu các bậc đi trước chưa chu đáo được là… dễ bị trách móc. Mối quan hệ giữa những người viết trẻ với những nhà văn tên tuổi khá bình đẳng, không hề có khoảng cách trong viết lách.

PV: Liệu chúng ta có thể cùng mạnh dạn trao đổi về những điều còn chưa được của những người viết trẻ, vì đó cũng là một cách giúp họ nhìn nhận lại mình để vươn xa hơn?

N.V Võ Thị Xuân Hà: Theo tôi, những thế mạnh của họ cũng tạo nên những ranh giới mong manh khiến họ có các điểm yếu: So với các nhà văn lớn tuổi họ còn thiếu chiều sâu trong cảm nhận và trải nghiệm. Đương nhiên, điều này phản ánh rất rõ đến tác phẩm của họ. Có thể có những tác phẩm rổn rảng về câu từ, hình thức, chứa đựng những điều lớn lao về vũ trụ, nhưng sự lắng đọng, sâu sắc, khu biệt thì còn thiếu. Mà văn học rất cần cái đó, dù chỉ là một nét rất mảnh. Nhưng như thế không có nghĩa là họ kém. Cái yếu của họ nếu biết điều chỉnh, được những người đi trước động viên, khuyến khích, giúp đỡ sẽ khắc phục được nhanh, để con đường đi đến thành công được rút ngắn hơn các thế hệ trước.

PV: Những ấn tượng của chị, với tư cách Trưởng ban Nhà văn trẻ, về những người viết trẻ thời gian gần đây?

N.V Võ Thị Xuân Hà: Rất nhiều tác giả có những nỗ lực đáng ghi nhận trong sáng tác, liên tục ra tác phẩm gây được chú ý trong dư luận như Nguyễn Đình Tú với chùm ba tiểu thuyết Nháp, Phiên bản và Kín, Di Li với Trại hoa đỏ, Phong Điệp với Blogger, Nguyễn Thế Hùng với Họ vẫn chưa về, Đỗ Tiến Thụy với Màu rừng ruộng, Đỗ Bích Thúy với Người đàn bà miền núi, Nguyễn Xuân Thủy với Biển xanh màu lá, Sát thủ online, Vũ Đình Giang với Song song, Bờ xám, Nguyễn Danh Lam với Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc, Trần Nhã Thụy với Sự trở lại của vết xước, Vi Thùy Linh với ViLi, Phim đôi tình tự chậm… Một loạt cây bút văn xuôi mới xuất hiện, được chú ý như: Dương Bình Nguyên, Nguyễn Quỳnh Trang, Trần Thu Trang, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Thúy Loan, Văn Thành Lê, Trương Anh Quốc… Các tác giả thơ trẻ cũng có nhiều tìm tòi, đổi mới như Đặng Chân Nhân, Nguyễn Đức Phú Thọ, Võ Mạnh Hảo, Trương Trọng Nghĩa, Trịnh Sơn, Miên Di, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Thị Anh Đào vv… Văn học dịch cũng xuất hiện những dịch giả trẻ, được đánh giá cao như Cao Việt Dũng, Nguyễn  Bích Lan, Lương Việt Dũng, Trang Hạ, Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Hoàng Hải Vân… Đội ngũ tác giả phê bình mới thuộc thế hệ 8x xông xáo, nhiệt huyết và giàu nội lực như Trần Thiện Khanh, Phùng Gia Thế, Đoàn Minh Tâm, Đoàn Ánh Dương, Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Nhã Thuyên, Phạm Xuân Thạch, Ngô Hương Giang, Phan Tuấn Anh, Hoàng Thụy Anh…

PV: Mỗi người viết đều có những "thần tượng" riêng và dĩ nhiên, cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ khi còn trẻ. Với chị, nhà văn nào có ảnh hưởng lớn nhất khi chị còn là cây viết trẻ?

N.V Võ Thị Xuân Hà: Phải nói là ảnh hưởng khi tôi còn nhỏ thì đúng hơn. Vì khi đã là cây bút trẻ thì tôi không còn khái niệm bị ảnh hưởng bởi ai nữa, nếu thế dễ bị "nhại giọng", điều tối kỵ trong nghiệp viết. Tôi mê văn Nam Cao với giọng văn mới mẻ, gai góc mà vẫn rất mượt mà. Hàn Mặc Tử với những câu từ ma mị, quyến rũ lòng người, tưởng là sướt mướt, nhưng lại như trong một thế giới tâm linh. Hồi nhỏ, tôi cũng đã rất mê cuốn tiểu thuyết Đồi gió hú, thích Các-men… Còn lại, mỗi nhà văn, nhà thơ đều có thể tìm thấy ở họ một giọng điệu riêng, một nét hay riêng trong những tác phẩm hay để tôi có thể yêu thích…

PV: Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện cởi mở này!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây