Dịch giả Tịnh Thủy: Như thể sắp một mình ra biển lớn

Thứ ba - 13/09/2011 11:45 4.669 0

Dịch giả Tịnh Thủy

Dịch giả Tịnh Thủy
“Ở lãnh vực nào cũng thế, thế mạnh của giới trẻ là năng nổ và xông xáo. Đây là ưu mà cũng có thể là khuyết điểm của họ. Vì đôi khi năng nổ và xông xáo quá mà thành “tham”, ôm đồm nhiều quá, chỗ nào cũng muốn thử sức nên thành ra chạy theo lượng, theo “phong trào”, mà coi nhẹ mặt chất”- dịch giả trẻ Tịnh Thuỷ tâm sự về nghề với Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khi chị đang tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 tại Phú Thọ- Thái Nguyên- Tuyên Quang.

* Đường đến với công việc dịch thuật văn học của chị có gì khác biệt, thưa dịch giả của Chạng vạng?

- Chẳng biết tôi có khác ai không chứ cơ duyên đến với công việc hiện nay của tôi có thể nói là không có gì đặc biệt lắm. Đầu tiên là tôi muốn rèn ngoại ngữ theo lời chỉ dẫn của mẹ tôi, lúc ấy tôi còn là học trò cấp hai, nên có dịch một số truyện ngắn rồi được báo Nhi Đồng cho đăng (được trả nhuận bút hẳn hoi nên tôi lên tinh thần lắm!). Có lẽ vì vậy mà mỗi lần bắt tay vào dịch truyện là tôi gần như bỏ ăn, bỏ ngủ… Rồi sau đó, chắc cũng có được chút “duyên” nên Nhà xuất bản Trẻ gọi đến giao cho dịch bộ truyện Những cuộc phiêu lưu của Alex Rider, tiếp nữa lại được giao cho bộ Chạng vạng, và hiện thời là bộ Ngôi trường Bóng ĐêmTôi là số Bốn.

* Là con của nhà thơ nổi tiếng Văn Lê, ngoài dịch thuật hẳn chị còn sáng tác, vì sao không thấy chị công bố tác phẩm?

- Thật tình thì tôi cũng có võ vẽ sáng tác chút chút, và độc giả đầu tiên của tôi chính là mẹ tôi. Bà nhận xét rằng các sáng tác của tôi còn chịu khá nhiều ảnh hưởng phương Tây, nhưng cái chính là có dư vị buồn, bà không muốn điều đó sẽ có thể vận vào cuộc đời thật của tôi. Đấy, “con đường sáng tác” của tôi mới dợm bước được có chừng ấy thôi, đừng cười nhé.

* Không phải dịch giả trẻ nào cũng gây được chú ý như chị khi thành công với tiểu thuyết Chạng vạng của nhà văn Mỹ Stephenie Meyer. Chị có thể chia sẻ một chút “bí quyết” của mình”.

- Hết sức thành tâm mà nói rằng mỗi khi có dịp đọc lại những tác phẩm của mình dịch, bản thân tôi vẫn còn có những lúc chưa thật sự hoàn toàn hài lòng. Tôi vẫn nghĩ giá mà có điều kiện được đầu tư nhiều hơn (cả thời gian và vật chất!) có thể sẽ còn tốt hơn nữa. Cho tới tận thời điểm này, tôi vẫn chưa hết cảm giác mình mới chỉ là kẻ tập tễnh đi trên con đường đã và đang có rất nhiều người đi, nên cứ phải vừa học, vừa lắng nghe và vừa làm bằng tất cả khả năng của mình với tâm niệm dẫu chưa được thật là hay thì cũng chớ có để cho người ta chê mình là cẩu thả. Có thể gọi đấy là “bí quyết” không? Tôi thật lòng cũng chẳng biết mình có “bí quyết” gì nữa.

* Đâu là khó khăn và thế mạnh của đội ngũ dịch giả trẻ hiện nay?

- Nhận xét của tôi rất có thể là còn phiến diện, nhưng đã được hỏi thì tôi cũng cứ mạnh dạn nêu lên suy nghĩ của mình như thế này: ở lãnh vực nào cũng thế, thế mạnh của giới trẻ là năng nổ và xông xáo. Đây là ưu mà cũng có thể là khuyết điểm của họ. Vì đôi khi năng nổ và xông xáo quá mà thành “tham”, ôm đồm nhiều quá, chỗ nào cũng muốn thử sức nên thành ra chạy theo lượng, theo “phong trào”, mà coi nhẹ mặt chất. Có thể tính điều này vào phần khó khăn mà giới trẻ gặp phải không? Bên cạnh đó, phải kể đến sự hỗ tương của xã hội. Muốn tiếp xúc rồi bắt tay vào dịch một tác phẩm đâu phải muốn là được, nó còn liên quan tới bao thủ tục…

* Thành công với việc dịch văn học nước ngoài, chị có dự định chuyển ngữ tác phẩm văn học Việt xuất bản ngoài nước?

- Như ở trên tôi đã có giãi bày: tôi vẫn còn phải vừa học, vừa lắng nghe và vừa làm bằng tất cả khả năng của mình với tâm niệm dẫu chưa được thật là hay thì cũng chớ có để cho người ta chê mình là cẩu thả. Làm công việc như hiện nay đối với tôi là đã phải dốc toàn tâm toàn lực rồi, nên chưa dám nghĩ thêm tới việc khác. Vả lại con đường trước mặt tôi còn dài, lúc này hãy cứ làm một việc cho tốt đã, còn lại, sẽ tính sau. Tôi nghĩ vậy.

* Gia đình có ảnh hưởng ra sao đến con đường văn chương của chị? Dự định của chị trong thời gian tới về dịch thuật?

- Tôi thấm thía lắm điều này: gia đình là nền tảng của mọi giá trị. Không có gia đình hỗ trợ thì tôi đã chẳng làm được việc cho đến đầu đến đũa đâu. Này nhé: bố tôi thì giúp hiểu biết về những quan hệ xã hội; mẹ tôi thì giúp chấn chỉnh câu, chữ (bà vốn là giáo viên dạy văn mà); anh trai đôi khi nhờ vả chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh một kịch bản phim tài liệu nào đó - vô hình trung giúp tôi củng cố năng lực ngoại ngữ và sự tự tin; còn em gái thì giúp… lo toan việc nhà… Vì lẽ đó, công việc của tôi cứ thế mà tiếp tục thôi, cả việc dịch thuật và việc biên tập (cho một nhà xuất bản mà tôi đang lãnh lương ở đó).


Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp các nhà văn trẻ TP.HCM: Phan Hoàng,
Tịnh Thuỷ, Phương Trinh tại phòng làm việc ngày 7.9.2011

* Nhìn lại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ 3 mà mình tham dự, chị có cảm tưởng ra sao?

- Rất vui, thực sự là như thế. Chúng tôi, những người được gọi là “những người viết văn trẻ”, được gặp nhau, giao lưu, trò chuyện – từ chuyện trên trời dưới đất,đến chuyện đám mây trôi ngang trời… Nói một cách nghiêm chỉnh thì chúng tôi được học hỏi lẫn nhau nhiều điều, tầm nhìn được mở rộng hơn, tâm hồn cảm thấy phong phú hơn, cuộc sống vì thế mà thấy đáng yêu hơn. Rất vui.

* Là đại biểu hiếm hoi của ngành dịch thuật được mời tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc, chị có tâm trạng ra sao và chị chuẩn bị gì để đến với cuộc hội ngộ văn trẻ này?

- Tôi hồi hộp lắm, lần đầu tiên dự hội nghị văn trẻ toàn quốc mà, cứ như thể sắp một mình ra biển lớn ấy. Thấy tôi đứng ngồi không yên, bố mẹ tôi bảo: cứ nghĩ sao nói vậy thôi, vừa đỡ mệt mà lại đạt hiệu quả, vì chẳng có gì thuyết phục lòng người cho bằng sự chân thành và giản dị. Vâng, chân thành và giản dị, đó là sự chuẩn bị của tôi để đến với cuộc hội ngộ mà tôi được may mắn chọn đi dự lần này.

* Chúc chị thu hoạch nhiều bổ ích từ cuộc hội ngộ nghề nghiệp trẻ trung này!

Tác giả: An Yên

Nguồn tin: Nhà văn TPHCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây