* Hội nghị dành cho người viết trẻ do Hội Nhà văn tổ chức sắp khai mạc. Thành thực mà nói, anh có cho rằng, những cuộc hội thảo, thảo luận trẻ giúp ích được nhiều cho người cầm bút?
- Đối với những nhà văn trẻ, việc quan trọng nhất trong hội nghị là tạo cảm hứng và làm cho họ thấy rằng họ nhận được sự tôn trọng và chờ đợi từ các nhà văn đi trước cũng như từ xã hội. Trong 2-3 ngày hội nghị, chúng ta không thể giải quyết được các vấn đề bức thiết đang đặt ra của văn học. Nhưng khi người viết trẻ đến đây, có mặt tại các diễn đàn này họ sẽ tự nhận thấy rõ hơn sứ mệnh của mình, rằng họ phải viết như thế nào. Không ai mang đến hội thảo, hội nghị những trọng trách và áp đặt mà hãy làm cho họ nhận thấy sứ mệnh của mình, rằng họ sẽ viết cho ai, viết cái gì. Tôi cho rằng, dù hội nghị diễn ra trong thời gian bao lâu, có hoàn thiện về mặt tổ chức hay không hoàn thiện về mặt tổ chức đều không phải là điều xã hội chờ đợi mà những người viết trẻ đến đó với tư cách và tâm thế như thế nào.
* Thời trẻ khi anh bắt đầu viết, sự gặp gỡ với những nhà văn, các đồng nghiệp đi trước có ý nghĩa với anh ra sao?
- Sự tiếp xúc giao lưu rất quan trọng, nó luôn luôn tạo ra nguồn cảm hứng cho sáng tạo, tạo ra những đối thoại bổ ích và suy ngẫm. Sự giao lưu không chỉ khu biệt trong một nhóm bạn của mình, trong những người cùng khuynh hướng, cùng phong cách mà quan trọng là với cả những người khác biệt với mình. Tôi có điều kiện đi và tiếp xúc với những nhà văn, nhà văn hóa lớn ở Việt Nam cũng như trên thế giới và mỗi lần như thế tôi đều nhận ra những lỗ hổng trong kiến thức của mình và nhận vào mình những nguồn cảm hứng kỳ lạ.
Cho dù viết là công việc sáng tạo, là một con đường “độc hành” nhưng những cuộc giao lưu, tiếp xúc, trao đổi, đối thoại, phản biện là vô cùng quan trọng. Hãy tưởng tượng, một cái cây trồng xuống và nó không chỉ lớn lên với ô đất quanh gốc nó mà nó chỉ có thể trở lên xum xuê tỏa bóng với tất cả những gì quanh nó như một cái cây khác bên cạnh, một bầu trời với sự giao hòa của gió, nắng, mưa, của cả những con chim đến ăn quả và bay đi. Tất cả những điều này người sáng tạo thực sự sẽ nhận ra. Bản thân tôi ngày trẻ, đã tham dự đôi lần hội nghị người viết trẻ. Tôi không nhớ ngày đó, Ban Tổ chức đã cho tôi ở trong căn phòng như thế nào, ăn gì, đi xe loại nào… nhưng tôi chẳng bao giờ quên được nhưng cuộc gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ với bạn bè cùng thế hệ hay các nhà văn thế hệ trước và tiếp xúc được với một thứ không khí vô hình nhưng lại có động lực ghê gớm. Ở đó, cảm hứng nghề nghiệp, sự tôn trọng và cả ngưỡng vọng nào đó với những thế hệ đi trước, nó thôi thúc tôi viết.
* Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một trao đổi gần đây có chia sẻ rằng, chúng ta hiện nay đang trao quá ít quyền lãnh đạo cho người trẻ (trong khi ngày xưa ông Trần Phú 25 tuổi đã làm đến chức Tổng bí thư) và như thế có thể coi rằng xã hội có lỗi với người trẻ. Còn anh, ý kiến của anh về việc này như thế nào?
- Khi tôi 50 tuổi vẫn được gọi là nhà văn trẻ. Thực tế, nếu các con tôi kết hôn sớm tôi đã trở thành ông nội, ông ngoại rồi. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa: Xã hội có lỗi với người trẻ. Đấy là một thực tế bi hài. Một điều mà chúng ta không thể phủ nhận được là: Có một bộ phận những người đi trước không muốn công nhận thành tựu và vai trò của thế hệ kế tiếp. Điều này xảy ra không chỉ trong giới văn nghệ sĩ mà ở nhiều bộ phận khác trong xã hội. Một trong những căn nguyên của điều này, theo tôi, là sự ích kỷ của một cá nhân, của một bộ phận người nào đó và nhiều khi của cả một tổ chức. Xã hội đang có lỗi với giới trẻ vì sự ích kỷ.
Có lúc tôi tự hỏi, tại sao trong thời đại này, những người lớn chúng ta không học được cụ Hồ một điều gì đó trong việc dùng người. Cụ Hồ khi trở về nước, người đã dùng những ai làm để giúp mình làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc? Toàn là những người trẻ, rất trẻ.
* Tôi muốn hỏi anh căn nguyên nào khiến cho lâu nay chưa có một tác phẩm đáng giá nào của người viết trẻ. Liệu có phải là do người trẻ bây giờ ngày càng ít thích văn chương hơn, sao nhãng với lịch sử nhiều hơn?
- Không hẳn là như thế. Xin đừng thất vọng quá như vậy. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, những người viết trẻ chưa đáp ứng được sự đợi chờ của bạn đọc cho dù vấn đề tiếp nhận các tác phẩm của chúng ta (bạn đọc và cả đồng nghiệp) hiện nay đang có quá nhiều vấn đề. Một sự thật là những người trẻ bây giờ ít thích văn chương và sao nhãng lịch sử. Văn chương tôi đề cập ở đây có nghĩa rộng hơn đó là sự cảm thụ cái đẹp trong đời sống. Nhưng nếu nói như vậy thì chúng ta phải quay về với vấn đề của nền giáo dục. Mà vấn đề của giáo dục không phải lỗi thuộc về những ngôi trường cụ thể mà là của toàn xã hội. Có lẽ chúng ta phải giáo dục lại tất cả các thế hệ trong một gia đình chứ không phải chỉ có giáo dục riêng mỗi thế hệ trẻ. Bởi gia đình và xã hội chúng ta đang có những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Nếu chúng ta mang một đứa trẻ đến trường và dạy cho chúng những điều tốt đẹp trong vài ba giờ đồng hồ. Nhưng khi đứa trẻ vừa ra khỏi trường, nó lại nhìn thấy một thế giới đầy những điều phi lý, tội ác và ít văn hóa. Khi đứa bé trở về gia đình, ở đó là một gia đình không có tôn ti trật tự thì cũng vô nghĩa.
* Một trong các nhiệm vụ trong Hội nghị dành cho người viết trẻ mà nhà thơ Hữu Thỉnh kỳ vọng là đánh thức trách nhiệm xã hội của các nhà văn trẻ. Theo anh họ nên có trách nhiệm nào đó xây dựng lại xã hội hiện tại hay không?
- Tất cả công dân của một quốc gia đều phải có nghĩa vụ đó. “Đánh thức” là một hành động vô cùng quan trọng không chỉ trong mấy ngày hội nghị mà hàng ngày trong cuộc sống. “Đánh thức” không chỉ bằng một hội nghị mà bằng chính hành động cụ thể của những người đi trước. Trách nhiệm xã hội lúc này trong những người trẻ nói chung đang nằm trong tình trạng báo động đỏ. Nhưng tôi vẫn muốn nói: Sự vô cảm và vô trách nhiệm với con người và xã hội của những người trẻ lại sinh ra từ nền giáo dục của chúng ta. Để tìm lại cảm hứng dân tộc, tình yêu con người và những khát vọng trong sáng của những người trẻ Việt Nam trong những năm tháng xa xưa thì giờ đây chúng ta phải bắt đầu một cách toàn diện và kiên trì như mài sắt thành kim vậy. Vì chúng ta đã gián tiếp làm cho biết bao người trẻ trở nên vô cảm và vô trách nhiệm với cộng đồng của mình.
Mỗi nhà văn chỉ cần ý thức và mơ ước rằng: Những trang viết của họ đến một lúc nào đó sẽ mang đến cho một người bình dị trong xã hội này một giấc mơ nho nhỏ thôi thì nghĩa là nhà văn đó đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
* Hiện tại có một vấn đề xã hội khá hài hước, là thời gian qua trong giới văn nghệ sĩ, tri thức xảy ra những cuộc ganh đua ầm ĩ về danh hiệu, về giải thưởng và đồng nghiệp quay ra mạt sát nhau. Hội Nhà văn cũng xảy ra điều đó, ngay cả việc ai là người được tham dự Hội nghị nhà văn trẻ tới đây cũng đang có ì xèo về việc ai được đi, ai không được đi. Trước thực trạng đó anh có suy nghĩ gì?
- Những điều quá buồn phiền liên quan đến danh hiệu hay giải thưởng đang diễn ra hiện nay chúng ta không thể che giấu, chối từ nó. Nhưng đó là chỉ là số ít. Nhưng cho dù đó là số ít thì thực tế chứng minh rằng: Giới tri thức, văn nghệ sĩ đang càng ngày càng bị những phù phiếm, hư danh tấn công và phá vỡ những giá trị không nhỏ. Điều đau lòng mà bạn nói lỗi một phần không nhỏ thuộc về cách tổ chức xét giải. Nhà nước muốn bày tỏ sự tôn vinh đối với những cá nhân ưu tú, nhưng một bộ phận tư vấn, giúp việc cho Nhà nước đã làm hỏng một phần rất lớn, làm cho điều sang trọng có ý nghĩa lớn lao ấy lại trở nên phiền nhiễu và tạo ra nhiều phản cảm với xã hội. Còn việc nhân sự Hội nghị những người viết văn trẻ tôi thấy Hội Nhà văn đã làm khá tốt. Ban Tổ chức đã làm hết mình cho các nhà văn trẻ. Nhưng tôi phải nói thẳng rằng, một vài nhà văn trẻ nên xem lại việc làm của mình.
* Anh muốn nhắn nhủ gì với các nhà văn trẻ trước thực tế xã hội phức tạp này?
- Hãy sống, hãy mơ ước và sáng tạo không ngưng nghỉ trong im lặng nếu không có lý do để than thở. Khi nhà văn sống đến từng nào thì họ sẽ viết đến từng đó. Tôi xin tặng họ câu thơ của nhà thơ Mỹ (gốc Nga), Giải Nobel văn học – Joseph Brodsky: “Chỉ cần ngước lên cao…/ Chỉ cần hát, chỉ cần khóc và chỉ cần sống”.
Tác giả: Hằng Nga
Nguồn tin: Petrotimes
Ý kiến bạn đọc