Phan Trung Thành: 'Lúc này không viết được thơ thì xoàng quá'

Thứ bảy - 10/09/2011 12:40 3.262 0

Nhà thơ Phan Trung Thành. Ảnh: Anh Vân.

Nhà thơ Phan Trung Thành. Ảnh: Anh Vân.
Tác giả của tập thơ 'Ăn xà bông' cho rằng, hiện thực cuộc sống hôm nay, dù khắc nghiệt, vẫn luôn mang đến nguồn đề tài bất tận cho các thi sĩ sáng tác.

- Vì sao anh chọn thế giới của những loài ếch, nhái, ngáo ộp... để thể hiện trong tập "Ăn xà bông" của mình?

- Tôi khởi viết Ăn xà bông từ Trung thu 2007, được khoảng 10 chương, viết về những mất mát bi hài thời tem phiếu. Nhưng rồi tôi có một giấc mơ kỳ lạ. Tôi mơ mình trôi dạt trong một cánh đồng toàn ếch nhái ngáo ộp chẫu chàng... một thế giới âm dương đan cài hỗn độn. Tỉnh dậy, sau đó, tôi chuyển hướng đề tài về thế giới này và viết liền mạch cho đến khi hoàn thành tập thơ.

- Thơ anh trước đây thường nói về tình yêu quê hương, lứa đôi, "Ăn xà bông" lại tập trung phản ánh tâm thế của một người trước các đề tài xã hội. Sự chuyển hướng này là do đâu?

- Sau tập Đồng hồ một kim được xuất bản, việc thể nghiệm những bài thơ dài khiến tôi hứng thú. Tôi nghĩ, khi viết dài hơi thì mọi cảm xúc được khai triển đến đỉnh điểm. Bỏ qua những du dương réo rắt, tôi chọc thẳng vào những đề tài mà mình đối mặt, như là một công nhân "vệ sinh" trên mọi nẻo đường, cúi xuống lượm nhặt và hy vọng trả lại môi trường những thứ như nó đã và vốn có.

Ngụp trong bong bóng thì thở bằng bong bóng.Tôi sợ nhất là đi trong bụi bặm mà vẫn hát véo von được. Tôi cố gắng "phổ" vào sáng tác của mình không khí thời mình đang sống, nói như nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch [1]: "thời nhang khói thơm mùi điện tử".

- Trong "Ăn xà bông", anh thể hiện sự ngậm ngùi về thế thái nhân tình nói chung và thân phận thi sĩ nói riêng. Những cảm xúc này đến với anh như thế nào?

- Tôi tin điều mình viết cũng như viên sỏi ném giữa mặt hồ, nó có sóng đấy chứ! Còn thân phận thi sĩ ư? Có gì mà to tát thế, “chết ba năm còn mùi/ sống một ngày thấy tủi/ nhà thơ/ nhà thơ/ mở cửa đụng nhà thơ”, chục năm trước tôi đã viết như thế về cái gọi là nhà thơ rồi.

Tôi từng về rừng Phương Bối để thăm lão thi sĩ Nguyễn Đức Sơn [2] khi ông tìm về trú ở đây. Ông lấy ngọn thông làm bút viết vào đất đai bản trường ca hoành tráng, đó là thơ… vô ngôn. Hàng nghìn cây thông reo hoặc im lìm hứng nắng là bài thơ lớn mà thi sĩ tận hiến cho cuộc đời này! Người thi sĩ đã chọn cho mình một số phận như thế!

- Giữa nguồn cảm hứng đến từ trái tim thi sĩ và nguồn cảm hứng về trách nhiệm của một công dân với xã hội, anh quan trọng điều gì hơn khi bước vào quá trình sáng tác một thi phẩm?

- Không có cảm hứng nghệ thuật thì mọi sự chấm hết đối với một thi sĩ!

- Điều mong mỏi lớn nhất của anh mỗi khi phát hành một tập thơ mới là gì?

- Được bạn đọc đón nhận và chia sẻ. Về khía cạnh này, đôi lần tôi thấy “hổ thẹn” với Bùi tiên sinh (nhà thơ Bùi Giáng). Trong các bàn nhậu bình dân vỉa hè, bia bụi Sài Gòn, các đệ tử lưu linh đa phần "bỏ túi" vài câu để đọc chơi khi nhắc đến Bùi thi sĩ. Đại loại như “Chèo ghe ra biển ghé vai/ hỏi thăm cá biển một hai ba điều...”

- Gần đây anh đọc gì?

- Tôi đọc và học sách thiền. Trong nước thì đọc thơ của anh Mai Văn Phấn, anh Nguyễn Quang Thiều và một số bạn thơ trẻ. Chủ yếu là đọc qua email và các web, còn thơ xuất bản thành sách của các bạn trẻ trong năm nay thì rất ít.

- Theo anh, cuộc sống hiện nay tác động đến người làm thơ như thế nào?

- Cuộc sống hôm nay quả có khắc nghiệt, nhưng với thơ nó là chất xúc tác, chất xúc tác mạnh nữa là khác. Lúc này mà không viết được thơ thì xoàng, xoàng quá! Tôi luôn sợ sẽ không đủ giấy cho nhà thơ sáng tác nếu họ chịu khó quan sát thực tế này.

- Từ sau cú ngã bệnh đột ngột vào năm 2008, cuộc sống anh đã thay đổi như thế nào?

- Sức khỏe tôi hiện nay khá ổn rồi, tôi cũng chuyển hẳn công việc từ nhà xuất bản về văn phòng Hội nhà văn TP HCM, nơi mà tôi đã có dịp gắn bó từ lâu. Công việc không nhiều, tôi có thời gian để gặp gỡ anh em trong giới cầm bút, còn rảnh một chút nữa thì đọc sáng tác của anh em như là một “kênh” để học hỏi. Dù sáng tác gần 20 năm nhưng mỗi tập thơ tôi thấy mình như mới bắt đầu. Thế cho nên, việc học hỏi là rất cần thiết.

- Vì sao anh lập hẳn một bàn thờ nhà thơ Bùi Giáng tại nhà riêng?

- Bùi thi sĩ mất ngày 7/10/1998 (nhằm ngày 17 tháng 8 Mậu Dần). Hay tin ông mất, tôi đến viếng khi thi hài của nhà thơ được quàn ở chùa Vĩnh Nghiêm. Ra về, lúc đang ngồi hí hoáy viết tường thuật về sự mất mát của một thân phận thi sĩ có cuộc đời kỳ lạ để gửi cho tạp chí Sông Hương. bỗng có người đến tặng tôi bức chân dung của ông.

Từ lòng hâm mộ Bùi Giáng, tôi lập bàn thờ ông. Mỗi ngày, nhìn ông cười thanh thoát, lòng tôi cũng nhẹ nhàng. Mùa Trung Thu này là giỗ thứ 13 của ông rồi. Mới đó mà đã hơn một thập niên!

- Làm thơ thời nay không nhiều "đất sống". Động lực để anh luôn chung thủy với thơ ca là gì?

- Không phải thời nay mà cả thời trước nay, người mua thơ không phải là số đông nếu so sánh với những "món hàng" khác. Tôi nghĩ, điều đó cũng không hẳn là trở ngại cho người sáng tác. Công chúng mỗi thời mỗi khác. Đừng trông chờ vào công chúng nếu chúng ta không biết gầy dựng từ sản phẩm chính của mình.

Tôi tin rằng, để cho nhiều người biết đến anh thì anh hãy tự đặt mình vào "tình trạng cấp cứu", trong tình cảnh ấy, càng hét to càng có lợi. Cũng như thơ, càng viết nhiều, viết hay thì được người đời biết đến nhiều hơn. Đó là động lực của tôi khi cầm bút.

________________________
[1] Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch sinh năm 1948, từng nhận nhiều giải thưởng văn học. Tác phẩm: "Dòng sông một bờ" (1989), "Nơi ta sẽ về" (1993), và "Mưa hai mặt" (2002).
[2] Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, sinh ngày 18/11/1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận. Quê gốc tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước năm 1975 ông được giới văn học miền Nam xếp vào hàng quái kiệt của làng văn.

Tác giả: Anh Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây