Vui và vinh dự khi được tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần VIII

Thứ ba - 13/09/2011 23:59 3.891 0

Từ trái sang phải, từ trên xuống: Tạ Bá Hương, Phan Tuấn Anh, Đỗ Thượng Thế, Lê Thuỳ Vân, Trương Trọng Nghĩa

Từ trái sang phải, từ trên xuống: Tạ Bá Hương, Phan Tuấn Anh, Đỗ Thượng Thế, Lê Thuỳ Vân, Trương Trọng Nghĩa
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII chỉ còn tính bằng ngày là đến thời khắc khai mạc. Tâm trạng cũng như hành trang của các cây bút trẻ mang đến Hội nghị là nội dung bài phỏng vấn của Báo điện tử Tổ Quốc với các đại biểu: Tạ Bá Hương (Tuyên Quang), Phan Tuấn Anh (Huế), Đỗ Thượng Thế (Quảng Nam), Lê Thuỳ Vân (TP. Hồ Chí Minh), Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang).
PV: Bạn nghĩ sao khi có tên trong danh sách đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII?

Tạ Bá Hương: Tôi nghĩ, đây thực sự là một vinh dự lớn đối với tôi và nhiều cây bút trẻ khác. Bởi trên thực tế, mỗi người đều công tác, làm việc ở lĩnh vực khác nhau, trong đó nhiều bạn viết trẻ lại ít có điều kiện được tiếp cận và trao đổi sáng tác của từng vùng miền, nên việc Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần này là cơ hội tốt, ngoài yếu tố gặp gỡ nhau còn góp phần thúc đẩy và khích lệ nhau sáng tạo. Hiện nay, danh sách các đại biểu tham dự Hội nghị đã có rồi, và tôi nghĩ Hội nghị sẽ mang đến cho chúng tôi một ngày hội thực sự của văn chương, của nghệ thuật.

Phan Tuấn Anh: Có tên trong danh sách đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 đối với cá nhân tôi trước tiên là một may mắn bởi tôi nghĩ có rất nhiều bạn bè của tôi còn tài năng và xứng đáng hơn, đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình viết. Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến họ. Thứ hai, đi dự Hội nghị lần này với tôi là một vinh dự khó quên, bởi nó đánh dấu một sự ghi nhận với những điều mình đã và đang thực hiện. Thứ ba, đó là một cơ hội tốt nhằm giao lưu và học tập từ những bạn bè tài năng trên toàn quốc.

Đỗ Thượng Thế: Tôi rất vui, bởi đây là vinh dự lớn, là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, học hỏi… cho bất cứ cây bút trẻ nào. Nhưng thú thật, chút hồi hộp lẫn lo âu, và nhiều hơn khi tự thấy trách nhiệm của mình. Trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với những cây bút trẻ (vì là đại diện) quê nhà đất Quảng - “Chưa mưa đà thấm” và chắc rằng hơn thế, là trách nhiệm với công chúng qua từng trang viết. 

Lê Thuỳ Vân: Tôi rất vui vì đây là lần đầu tiên một cô bé viết văn như tôi có mặt ở một cuộc gặp gỡ văn chương lớn.

Trương Trọng Nghĩa: Có tên trong danh sách đại biểu tham dự hội nghị lần này, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi được một cơ hội hiếm có để gặp gỡ, giao lưu và trao đổi về nghề nghiệp với nhiều cây bút trẻ tiêu biểu khác trong cả nước, mà cho đến giờ có khi chỉ biết và quen tên nhau qua những trang viết. Tôi thấy vui vì điều này.

PV: Hành trang của bạn khi đến Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII là gì?

Tạ Bá Hương: Hành trang có thể nhìn thấy và liệt kê được của tôi là 2 tập thơ, so với nhiều đại biểu thì nói chung là chưa có gì nổi bật cả. Nhưng tôi còn mang theo một tinh thần học hỏi, lắng nghe.

Phan Tuấn Anh: Tôi sẽ mang tinh thần cầu thị và lắng nghe đến với Hội nghị, quan sát xem bạn bè viết trẻ của mình trên toàn quốc đang nghĩ và làm gì để từ đó, nếu thấy cần thiết, tôi sẽ bổ sung và điều chỉnh hướng làm việc của mình trong thời gian tới. Tôi cũng mang những mong mỏi, trăn trở và ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, bạn bè và của chính mình trong nghề văn đến với Hội nghị.

Đỗ Thượng Thế: Đó là những sáng tác thơ trong thời gian gần đây, nhưng chưa công bố. Nhân dịp dự Hội nghị lần này, tôi mang đến để cùng với bạn viết giao lưu, trao đổi, có khi được nghe vài nhận xét, vài thẩm định tại chỗ, hoặc sau chuyến đi này… Bên cạnh, có thứ hành trang nữa, đó là sự háo hức, những tình cảm riêng cá nhân tôi đối với những tác giả trẻ có tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng. Thêm nữa, là sự chờ đợi một không khí ngày hội của nghề nghiệp vui vẻ, nhẹ nhàng, và chờ đợi được nghe những trao đổi, tâm tình của những cây bút thuộc thế hệ đi trước với thế hệ cầm bút trẻ hôm nay… 

Lê Thuỳ Vân: Một sự cởi mở nhất để đón nhận, một bàn tay chìa ra để kết bạn, một đôi tai để lắng nghe và trải nghiệm.

Trương Trọng Nghĩa: Tôi mang đến Hội nghị lần này bài tham luận viết về phong trào thơ trẻ nhìn từ các CLB văn học và diễn đàn trên mạng Internet cùng với những bài thơ mới để đọc trong buổi giao lưu văn nghệ “Văn học với biển đảo Tổ quốc”. Không có gì khác ngoài những con chữ.

PV: Bạn có cảm thấy việc mình vinh dự được lựa chọn để tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII là một áp lực không?

Tạ Bá Hương: Nói là áp lực thì tôi cho rằng chưa hẳn đã vậy. Văn chương thì cả đời mình theo đuổi nên áp lực lớn nhất đối với người cầm bút là làm sao sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị.

Phan Tuấn Anh: Với cá nhân tôi, đó hoàn toàn không là một áp lực, mà là một sự khích lệ lớn. Bởi vì, tôi không xem đại biểu là một chức danh, Hội nghị là một cuộc báo cáo thành tích. Với tôi, văn chương là nghề nghiệp, vừa là một cuộc chơi. Không thể cẩu thả nhưng cũng không nên quá căng thẳng, đạo mạo. Chính vì thế, không nên tạo ra cho mình những áp lực không cần thiết.

Đỗ Thượng Thế: Như vừa trao đổi trên, không riêng gì cá nhân nào, nếu thật sự thấy mình trách nhiệm thì áp lực là có chắc, nhất là đối với những người cầm bút trẻ.

Lê Thuỳ Vân: Sao lại là áp lực? Với tôi đây là một cơ hội để giao lưu, gặp gỡ những bạn viết văn trẻ ở khắp mọi miền đất nước, điều đó rất thú vị! Ngoài ra tôi còn có cơ hội được gặp những nhà văn lớn mà tôi chỉ biết họ qua những trang sách thuở mới cắp sách tới trường. Rồi một chuyến đi qua các tỉnh thành, những địa danh mà tôi ít có dịp được đi, sẽ là một trải nghiệm đầy thú vị. Phải thú thật, tôi là đứa say xe, sợ xe hơn sợ bất cứ thứ gì, khi nhận lời tham gia dự Hội nghị tôi cũng hơi đắn đo, nhưng biết đâu qua chuyến đi này tôi lại thích hít hà mùi xăng xe thì sao (cười).

Trương Trọng Nghĩa: Tôi đến với Hội nghị lần này với một tâm trạng hết sức thoải mái. Bởi đây cũng là lần thứ 2 tôi được tham dự nên cảm thấy dạn dĩ và tự tin hơn 5 năm trước rất nhiều. Là một trong những đại diện cho lực lượng sáng tác trẻ cả nước quả thật tôi cảm thấy có đôi chút danh dự và cũng ý thức được vai trò trách nhiệm của mình, còn áp lực thì hoàn toàn không vì tôi thấy việc tham dự hội nghị không phải là một điều gì đó thật... “ghê ghớm”.

Sau 5 năm, những cái tên nào sẽ tỏa sáng?

PV: Theo quy định thì chỉ những đại biểu không quá 35 tuổi mới được tham dự Hội nghị. Với Hội nghị lần thứ VIII thì những đại biểu sinh năm 1976-1980 dường như là cơ hội cuối cùng tham dự, vậy bạn có nghĩ những đại biểu này trong thời gian tới sẽ có tác phẩm hay không?

Tạ Bá Hương: Cơ hội để tham dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ IX chắc chắn là những cây bút sinh năm 1976-1980 là không còn. Nhưng họ vẫn có nhiều khoảng thời gian và cơ hội sáng tác. Đây là thời điểm mà sự toả sáng của họ đang có nhiều ưu thế, nên chúng ta có quyền hi vọng ở họ sự bứt phá trong sáng tạo nghệ thuật. Qua danh sách đại biểu tham dự Hội nghị lần VIII mà Hội Nhà văn ViệtNam công bố, tôi cũng đã từng đọc một số sáng tác của họ. Phải nói rằng, với ưu thế trẻ, sung sức, lại có trình độ nên văn chương của họ luôn có cá tính và sự tìm tòi, đổi mới trong phong cách sáng tạo. Tôi cho rằng chúng ta có quyền đặt niềm tin vào lực lượng trẻ này.

Phan Tuấn Anh: Theo quan điểm cá nhân mình, tài năng nghệ thuật và độ tuổi không phải là một sự tỷ lệ thuận. Sáng tạo là một sự kiện mang tính chất cá nhân và riêng tư, một sự kiện chịu ảnh hưởng từ bên trong cảm hứng tâm hồn, chứ không phải độ tuổi bên ngoài của thân xác. Chính vì vậy, không chỉ những nhà văn sinh từ 1976 đến 1980, mà toàn bộ những nhà văn còn sống cho đến nay, trong thời gian sắp đến, vẫn hoàn toàn có thể sáng tạo nên những tác phẩm xuất sắc. Một khi họ không còn là nhà văn trẻ nữa, cũng không có gì đáng buồn, bởi có khi, lúc đó ta sẽ chứng kiến họ là những nhà văn “trưởng thành”.

Đỗ Thượng Thế: Tôi tin rằng, nếu vì yêu thích và đam mê, thì chắc hẳn một điều là sự nỗ lực, trăn trở, tìm tòi, đổi mới… luôn thường trực bản thân người cầm bút, dẫu có qua đi cơ hội của “tuổi Hội nghị viết văn trẻ” thì… “vẫn trẻ”, vẫn là kẻ bộ hành, đi và đi tới trên con đường mà mình đã chọn. Thực tế, không ít những đại biểu Viết văn Trẻ toàn quốc của các lần I, II, III… đã “hết tuổi”, nhưng vẫn dẻo dai, bền bỉ cho ra đời những tác phẩm có giá trị, điển hình như các nhà văn, nhà thơ tên tuổi: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Sương Nguyệt Minh…

Lê Thuỳ Vân: Tôi mong muốn những đại biểu này cùng thế hệ trẻ hơn sẽ sớm có được những tác phẩm mà thời đại mong muốn.

Trương Trọng Nghĩa: Tại sao không? Tôi nghĩ, càng trưởng thành, càng sống và trải nghiệm cuộc sống thì họ sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay. Qua 7 lần hội nghị, có rất nhiều cây bút đã thành danh và khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn. Thậm chí việc chưa có điều kiện tham dự hội nghị lần này cũng không có nghĩa là con đường văn chương đã chấm dứt với những cây bút trẻ khác. Sáng tác là một công việc cá nhân thầm lặng, dường như nó đứng ngoài những cuộc hội hè đình đám như thế này.

PV: Trong số các đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, bạn quen nhất những đại biểu nào? Bạn dự đoán có những cây bút nào hứa hẹn trở thành hiện tượng như Nguyễn Ngọc Tư?

Tạ Bá Hương: Do điều kiện sinh sống và công tác tại một tỉnh miền núi nên tôi cũng ít có điều kiện để tiếp cận với các bạn văn chương trong cả nước. Chỉ có một vài gương mặt mà tôi đã quen khi còn học tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Khi đọc những tác phẩm của họ, tôi thấy những cây bút này khi bước chân vào học Viết văn, hành trang và vốn liếng của họ còn khá khiêm tốn. Song chỉ vài năm trở lại đây, họ thực sự bứt phá, thực sự trưởng thành nhanh chóng. Có lẽ, sự cọ sát và tiếp cận với cái mới tại các thành phố lớn - nơi trung tâm văn học của cả nước nên sức bật trong các gương mặt mà tôi quen biết trước đây đã có được dấu ấn khá đậm nét. Tôi thực sự chúc mừng họ, những gương mặt bạn bè năm xưa. Tuy nhiên, văn chương bao giờ cũng thế, khó nói trước được điều gì, bởi có người đã từng được báo chí cũng như giới nhà văn chú ý và coi như một hiện tượng của văn học trẻ, nhưng bước chân của họ không đi xa được. Còn có những gương mặt ít được chú ý thì đùng một cái, họ cho ra đời những tác phẩm tạo được dư luận rộng rãi. Nói như vậy để thấy rằng, trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần này, mặc dù số lượng tác giả trẻ tham dự đông hơn so với Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 7 tổ chức ở Hội An, song dường như để dự đoán ai trở thành hiện tượng như Nguyễn Ngọc Tư vẫn đang là câu hỏi đặt ra ở phía trước. Chúng ta chỉ có thể hi vọng thôi.

Phan Tuấn Anh: Trong những đại biểu viết trẻ lần này, ngoài những người bạn ở Huế, có Hoàng Đăng Khoa, Trần Hoàng Thiên Kim, Hoàng Thanh Hương… là bạn tôi. Một số người tôi từng đọc quen các sáng tác hoặc công trình của họ như Trần Thiện Khanh, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lương Việt Dũng, Phạm Xuân Thạch… Cho phép tôi không đưa ra một dự đoán về bất kỳ một cá nhân duy nhất nào. Tôi nghĩ, với cụ thể ai không quan trọng, quan trọng là sắp đến chúng ta sẽ tạo điều kiện gì để trong tất cả những đại biểu lần này đều có cơ hội và động lực để vươn tới những hiện tượng như Nguyễn Ngọc Tư.

Đỗ Thượng Thế: Có nhiều đại biểu viết văn trẻ mà tôi chưa một lần gặp mặt, nhưng dường như tôi rất quen biết họ. Bởi những tác phẩm của họ đã kết nối tôi với những hình dung, với cái tên đôi khi chỉ nghe thôi mà như rất thân thiết. Có thể điểm: một Lê Hưng Tiến - “Chân dung ảo”; một Đoàn Văn Mật - “Cạnh chiếc bình không hoa”; H’triem K’nul - “Tiếng chiêng dài”; Nguyễn Xuân Thủy - “Sát thủ online”; Trương Hồng Tú - “Con gái”; Huỳnh Thúy kiều - “Hơi thở mang mùi bùn đất”; Trương Anh Quốc - “Sóng biển rì rào”; Nguyễn Thiên Ngân “Những chuyển điệu”… và còn nhiều cây bút trẻ khác nữa mà tôi quen theo cách quen như thế, nhưng họ chưa có tên trong danh sách Hội nghị lần này.  

Còn việc dự đoán những cây bút hiện tượng trong tương lai, thì… khó lắm! Từ lâu, tôi thường nghĩ, chuyện văn chương thì không thể nói trước điều gì, luôn ẩn chứa những bất ngờ, như những bất ngờ của vốn nó đến khó tin. Còn nếu ví việc dự đoán này như một game show, tôi là người ngồi “ghế nóng”, thì tôi xin… “dừng cuộc chơi!”, bởi nếu như tôi có lựa chọn các phương án A hay B, hay C, D, hay gì gì đó… của hiện tượng văn học, thì “đáp án tương lai” sẽ là Phạm Phú Uyên Châu, là Nguyễn Thiên Ngân, là Đặng Chân Nhân, là Phạm Nguyễn Ca Dao… thì sao!? Thì chúng ta đã rõ, bên cạnh thiên phú, phần lớn vẫn là những nỗ lực, những ý thức, trải nghiệm, những hết mình… cho mỗi trang viết, thì nền văn học nước nhà có quyền hy vọng lắm chứ.

Lê Thuỳ Vân: Tôi không thể nói với bạn là tôi quen nhất đại biểu nào và không quen đại biểu nào. Đối với những người cầm bút như tôi, như bạn thì chúng ta đã quen nhau qua những trang viết. Một cuộc gặp gỡ như Hội nghị lần này là ngôi nhà lớn tập hợp để xích lại gần nhau hơn mà thôi.

Còn dự đoán cây bút nào có thể trở thành hiện tượng như Nguyễn Ngọc Tư ư? Điều đó khó thể biết, bởi ai trong chúng ta khi đến với nghiệp viết cũng muốn mình có những tác phẩm gây được sự chú ý nào đấy. Hơn nữa, mỗi nhà văn dù già hay trẻ đều có phong cách riêng của mình, và họ chính là họ, họ luôn muốn khẳng định cái riêng của họ không theo một cấu hình nào hết.

Trương Trọng Nghĩa: Là người sáng lập và đang quản lý một trang web về thơ trẻ, nên tôi quen tên và biết mặt khá nhiều cây bút trẻ có tên trong hội nghị lần này. Nhiều cây bút trong số ấy đã tạo cho tôi ấn tượng và cảm xúc khi đọc tác phẩm của họ. Tôi tin, sau hội nghị lần này, tên tuổi của một hoặc nhiều cây bút trẻ ấy sẽ tiếp tục tỏa sáng. Tuy nhiên, văn chương là một con đường dài đầy chông gai, nghiệt ngã và có nhiều điều bất ngờ nên cũng khó đoán trước được điều gì.

PV: Theo bạn Hội nghị những người viết văn trẻ giúp ích gì cho việc sáng tác của các cây bút trẻ?

Tạ Bá Hương: Hội nghị những người viết văn trẻ là hoạt động văn học có quy mô, được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 5 năm một lần nên mỗi lần chuẩn bị diễn ra luôn được dư luận trong và ngoài giới chú ý. Việc tổ chức những Hội nghị như thế này có ý nghĩa rất lớn trong việc tập hợp lại đội ngũ những người viết trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đồng thời đây còn là dịp để mỗi người cầm bút trẻ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công việc sáng tác, góp phần làm cho diện mạo và đời sống văn học trẻ thêm nở rộ hơn, nhất là đối với những người viết trẻ đang sinh sống và công tác tại những tỉnh miền núi như chúng tôi.

Phan Tuấn Anh: Trước tiên, nó là một kỉ niệm mang lại nhiều cảm xúc trong nghiệp viết mỗi người, bởi chỉ có hơn 100 đại biểu được tham dự trên toàn quốc. Thứ hai, được đi tham quan, du lịch đến nhiều địa danh cách mạng sẽ tạo ra một cảm hứng sáng tạo mới, biết đâu. Thứ ba, được làm quen với những bạn văn trẻ tài năng trên văn đàn và cùng họ giao lưu, thảo luận. Tất cả những điều đó đều có lợi cho việc sáng tạo, cho dù không đóng vai trò quyết định.

Đỗ Thượng Thế: Đây chính là cuộc hội ngộ thật thú vị và rất hữu ích cho những ai còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề. Tuy với 3 ngày ngắn ngủi của Hội nghị, nhưng tôi tin rằng qua gặp gỡ, giao lưu, trao đổi… cũng nạp được thêm nguồn năng lượng mới cho tác phẩm sắp tới của mình.

Lê Thuỳ Vân: Hội nghị cũng là một diễn đàn cho các nhà văn trẻ trao đổi, tranh luận những vấn đề mà tôi nghĩ rằng còn đang rất phức tạp trong đời sống văn chương. Và, nói cho cùng với mỗi cây bút điều quan trọng nhất là đối diện với chính mình và cho ra sản phẩm lao động của chính mình.

Trương Trọng Nghĩa: Với người này việc tham dự hội nghị sẽ giúp ích rất nhiều, với người khác có khi chẳng giúp ích gì cả. Riêng với bản thân tôi, hội nghị viết văn trẻ chính một “chất men” giúp tôi hâm nóng lại tình yêu văn chương, đồng thời cũng là một cú huých tiếp thêm động lực viết lách và cũng là dịp để nhìn lại mình, nhìn những bạn bè văn chương xung quanh để tự tìm cho mình một hướng đi tốt trong tương lai.

PV: Là đại diện cho một tỉnh thành hay đơn vị, bạn muốn gửi gắm điều gì đến Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII?

Tạ Bá Hương: Văn học trước hết phải hay, phải độc đáo. Đó là điều không chỉ tôi mà mỗi người cầm bút trẻ hiện nay sẽ gửi gắm tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8. Chúng tôi cũng mong muốn, trong mấy ngày diễn ra Hội nghị, bên cạnh các tham luận của từng cá nhân sẽ có những buổi trao đổi nghiêm túc mang tính học thuật cao, nhằm vỡ vạc ra nhiều điều mới mẻ.

Phan Tuấn Anh: Tôi mong muốn xã hội và Hội nhà văn luôn thể hiện sự quan tâm đến lực lượng viết trẻ bằng những hoạt động như thế này, và không chỉ dừng lại ở hoạt động này. Tôi cũng muốn các bạn bè cầm bút trẻ như mình trên toàn quốc thực sự có một tình bạn, sự kết nối giao lưu mật thiết, đoàn kết thân ái với nhau trong nghề nghiệp và niềm đam mê. Hơn thế nữa, tôi mong muốn thế hệ viết trẻ của mình sẽ sớm khẳng định được giọng điệu và phong cách riêng của mình trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại.

Đỗ Thượng Thế: Mong sao luôn tạo sự xuất phát cho những kẻ dấn thân trên con đường “thiên nan vạn nan”, con đường “không có kẻ thứ hai đi cùng”. Là sợi dây kết nối những cây bút trẻ trên mọi miền đất nước. Mong sao có những tuyển chọn tác phẩm trẻ xuất sắc, tổ chức thêm các cuộc hội thảo và sân chơi văn học trẻ tại các tỉnh miền Trung, nhằm kích thích đội ngũ cầm bút trẻ nơi đây phát triển lẫn hai mặt chất và lượng.   

Trương Trọng Nghĩa: Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần là một trong những hoạt động thể hiện sự quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam, các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương cũng như của toàn xã hội đối với việc phát hiện và bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ. 5 năm cho một cuộc họp mặt dường như là quá dài trong cuộc sống hối hả hiện nay. Tôi mong muốn tới đây sẽ có thêm nhiều sân chơi mới, có thêm nhiều cơ hội để những cây bút trẻ gặp gỡ giao lưu, trao đổi về nghề nghiệp và tiếp thêm cho nhau ngọn lửa đam mê đối với lĩnh vực văn chương.

* Cảm ơn các cây bút trẻ đã tham gia trao đổi.

Hiền Nguyễn (thực hiện)
Theo Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây