Niê Thanh Mai: Khi nào ư? Cám ơn anh Tú đã hỏi thế. Bởi chính vì anh hỏi nên Mai mới có cơ hội để nhớ lại cái lí do vì sao và khi nào ấy? Đúng hơn Mai không biết mình chọn văn chương hay văn chương chọn mình nữa. Vì thực ra Mai được kiến tạo nên từ bàn tay chăm chút của Hội văn học nghệ thuật tỉnh khi còn là một cô bé lớp 6. Đôi khi nào đó cứ tưởng mình là nhân tài văn chương đến nơi nhưng bây giờ vẫn chỉ là cây bút trẻ nhiều triển vọng (Cười).
- Với tập truyện ngắn đầu tay “Suối của rừng”, Thanh Mai đã đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sau đó với chùm truyện ngắn “Cửa sổ không có chấn song” và “Giữa cơn mưa trắng xóa”, Mai lại đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ). Có thể nói đây là những cái mốc quan trọng trong hành trình sáng tác còn rất dài rộng của Mai. Bây giờ nhìn lại những giải thưởng này, Mai nghĩ gì?
Niê Thanh Mai: Không chỉ là cái mốc rất quan trọng mà đó cũng là lúc khiến cho Mai cảm thấy mình càng phải có trách nhiệm với nghiệp cầm bút. Thực ra trước khi ấy, Mai vẫn nghĩ rằng chuyện viết văn chỉ là thú vui để giải tỏa chính mình, để được cố gắng thoát khỏi những ngột ngạt ám ảnh của mình. Giải thưởng có được hình như buộc mình gắn chặt hơn với văn chương. Cũng là áp lực rất dữ dội. Cứ ngồi vào máy là có cảm giác gì đó rất lạ, đôi khi như là sự sợ hãi không vượt qua được những cái mình đã từng viết. Điều này nhắc mình không ngủ quên trong hào quang nữa.
- Trong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí VNQĐ cách đây dăm năm, Mai là tác giả trẻ nhất tham gia và được giải. Truyện ngắn “Giữa cơn mưa trắng xóa” của Mai được nhìn nhận là có chứa đựng “yếu tố tâm linh, mối lo lắng về cộng đồng, về tập tục, số phận của con người và cả sự Kinh hóa hòa trộn… là nỗi lòng, là tiếng thở dài đầy day dứt khiến người đọc rung động”. Nhưng theo dõi nhiều truyện ngắn khác của Mai, mình thấy đề tài dân tộc và miền núi không phải là duy nhất, dường như Mai còn quan tâm đến nhiều đề tài khác nữa?
Niê Thanh Mai: Mai quan tâm đến lớp trẻ của chính mình. Lớp trẻ người dân tộc thiểu số, người trẻ ở thành thị. Và Mai tìm được mình trong chính những nhân vật đó. Cũng ồn ào, cũng dễ bị tác động, và cũng dễ suy sụp… Mai đang tìm cho mình một đề tài ngoài những cái đã viết. Xin phép chưa tiết lộ lúc này anh Tú nhé.
- Bản thân mình lại thích cái truyện “Cửa sổ không có chấn song” hơn truyện “Giữa cơn mưa trắng xóa”. Như thế có nghĩa là những trang viết hiện đại với tứ truyện độc đáo trong đời sống đô thị của Mai gây ấn tượng hơn những trang viết về núi rừng. Mai có thấy điều này là kỳ cục không?
Niê Thanh Mai: Cũng không kỳ cục lắm đâu. Cũng có người nói với Mai điều này rồi. Điều đó phải chăng xuất phát từ cuộc sống và cái nhìn của một cô gái cầm bút người dân tộc thiểu số lại sống giữa phố xá hiện đại nên cái nhìn đó có chút gì đó lạ lẫm chăng?
- Ngay cả những truyện ngắn viết về đất và người Tây Nguyên của Mai cũng gợi cảm giác như là người Kinh sáng tác hơn là người Ê Đê viết ra. Vấn đề nằm ở chỗ văn phong. Mai sử dụng ngôn ngữ hiện đại với những bối cảnh truyện hiện đại trên cái nền Tây Nguyên hoang dã và cổ xưa. Có người cho rằng như thế là tốt vì tác giả đã thoát khỏi cái từ trường của một nhà văn dân tộc ít người để nhìn nhận vấn đề từ một điểm nhìn khác, rộng lớn hơn. Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng như thế là đã mai một đi cái chất riêng của “núi rừng”. Mai nghĩ thế nào?
Niê Thanh Mai: Chất riêng của núi rừng phải chăng cứ là ngô nghê, cứ là “cái bụng”, “cái tay”? Mai chọn cho mình cách viết của một cô gái Ê Đê thế hệ 8x. Truyền thống nhưng phải mới mẻ. Vì đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Sự thay đổi của Mai cũng rất hợp lý thôi vì ngay chính anh lên đến Tây Nguyên, đến nhà người Ê Đê anh cũng sẽ thấy họ thay đổi rất nhiều. Nhiều ngôi nhà vẫn làm theo kiểu nhà dài truyền thống nhưng trong nhà tiện nghi hiện đại đâu kém gì dưới phố. Mai muốn tác phẩm mình có tất cả những nét đó hòa trộn và tạo một nét riêng kiểu… Niê Thanh Mai.
- Mai còn làm rất nhiều thơ nữa. So với truyện ngắn, mọi người ít biết đến thơ của Mai hơn. Liệu thơ có phải là sở đoản của Mai? Đọc cho nghe một đoạn bài thơ mới nhất của Mai hén?
Niê Thanh Mai: Mai khoe với anh Tú một chút về bài thơ Mai thích nhất nhé. Viết xong rồi chẳng dám đọc ở đâu hết vì Mai không đủ tự tin anh ạ.
Gấu váy em dính đầy cỏ may/ Quì gối xuống/ Anh nhặt cho/ Kẻo đâm vào bắp chân ngăm ngăm màu đất.
Cổ tay em/ Dính nhựa cây rừng/ Lại đây anh kéo vạt áo đỏ chói trước ngực/ Lau cho/ khỏi đen, khỏi ám.
Vồng ngực em/ Nhô căng sau thổ cẩm dầy như tấm chăn em đắp/ Ướt đầm/ Mồ hôi ngọt mặn của bước chân lội suối trèo đồi.
….
Bắt anh về nhà em đi!/ Về anh gỡ hoa may gấu váy/ Chùi nhựa cây rừng/ Hít sâu lồng ngực con gái/ Sâu rối lòng rối dạ.
Chúng mình sẽ đẻ con/ Gái lại dính hoa may gấu váy/ Trai lượn lờ đòi chùi nhựa cổ tay…
- Mới ngày nào Mai được coi là rất trẻ khi khởi nghiệp văn chương. Còn bây giờ đã “ba mươi mùa con ong đi lấy mật” rồi. “Vốn liếng” cũng có đến vài ba chục cái truyện ngắn rồi. Mai có nghĩ đến một tác phẩm dài hơi, một tác phẩm mang tính dấu mốc gì đó cho người dân Ê đê nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung?
Niê Thanh Mai: Tác phẩm dài hơi thì thực ra Mai ấp ủ rất lâu rồi. Mai lập đề cương một cuốn tiểu thuyết về đề tài lớp trẻ dân tộc Ê Đê. Vẫn là truyền thống xen lẫn với hiện đại. Đây là tác phẩm tâm huyết và Mai buộc mình phải thực hiện bằng được trong vòng hai năm tới.
- Là một cô giáo dạy văn, Mai có cho rằng việc sáng tác của bản thân giúp Mai dạy tốt hơn môn học này?
Niê Thanh Mai: Dạy tốt hơn thì cũng có thể nhưng thực ra viết văn và dạy văn cho Mai nhiều thứ. Sự cân bằng trong cuộc sống có được khi cả hai cùng song song với nhau. Đôi lúc Mai nghĩ, nếu được chọn lựa từ đầu, chắc mình cũng sẽ vẫn chọn hai điều này. Vì chưa bao giờ Mai hối hận rằng mình đã viết văn hay mình đã và đang dạy văn.
- Đã 8 năm đi dạy, Mai có tìm được học trò nào đi theo cái nghiệp viết của mình chưa? Mai nghĩ gì về một thế hệ nhà văn 7x, 8x thuộc các dân tộc ít người đang mỗi lúc một thưa vắng trên mảnh đất Tây Nguyên?
Niê Thanh Mai: Mai bắt đầu kiến thiết một lực lượng kế cận ngay từ khi bước vào năm đầu tiên đi dạy học. Vì Mai có nhiều thuận lợi là dạy trường Dân tộc nội trú. Học trò Mai thích sáng tác hơn cả cô ngày xưa. Mai định hướng giúp cho các em có cơ hội phát triển năng lực của mình bằng nhiều cách thức khác nhau. Hơn nữa, Mai nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Nhà trường - nơi Mai dạy nên việc tập hợp bồi dưỡng lực lượng viết trẻ tại trường cũng không có gì khó khăn lắm. Có một số em đã bộc lộ khả năng của mình như H Phila Niê và H Wera hiện đang học tại khoa viết văn trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội. Ngoài ra còn có em H Xíu Hmok, H Siêu Byă hiện đang học tại thành phố Hồ Chí Minh. Phải biết chờ đợi thôi anh ạ. Tìm và có được một cây viết thực sự tâm huyết với nghiệp văn không phải cứ muốn là được ngay phải không anh?
- Con đường “làm cán bộ” của Mai có vẻ cũng rất hanh thông. Từng ngồi Đoàn chủ tịch Hội nghị những người viết văn trẻ (lần 5) khi mới hai mươi tuổi. Ngoài hai mươi tuổi Mai đã tham gia Ban Chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt
Niê Thanh Mai: Cũng có thể, và cũng có lúc rồi chứ. Công việc, cuộc sống, và những bộn bề lo toan đôi lúc làm tình yêu với văn chương tưởng như suy giảm. Nhưng Mai đã nói với anh rồi đó. Văn chương cân bằng cuộc sống của chính Mai, xua đi những sự nhàm chán cố hữu trong cuộc sống. Văn chương buộc Mai phải sống trách nhiệm với Đak Lak. Vì thế mà Mai nghĩ dù có bất cứ điều gì chăng nữa thì tình yêu của Mai với văn chương vẫn vẹn nguyên anh ạ. Chắc chắn thế.
- Cảm ơn Niê Thanh Mai đã tham gia cuộc trò chuyện này. Nhân ngày 20 tháng 11 chúc Mai và các thầy cô giáo ở trường dân tộc nội trú N’ Trang Lơng dồi dào sức khỏe, tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp trồng người trên mảnh đất Tây Nguyên tươi đẹp!
Nguồn tin: VNQĐ
Ý kiến bạn đọc