Phạm Tiến Duật- Người thơ say miền đất lạ

Thứ bảy - 10/09/2011 13:38 5.501 0

Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời trẻ

Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời trẻ
Phạm Tiến Duật được mệnh danh là nhà thơ của Trường Sơn, thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh những năm chống Mỹ. Ông từng bộc bạch: “Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn”.
Cuối năm 2002 Khánh Hoà náo nức chuẩn bị kỷ niệm Khánh Hoà 350 năm sẽ diễn ra vào tháng 4/2003, nhà thơ Phạm Tiến Duật được mời tham gia một phần chương trình. Trong buổi gặp mặt anh chị em làm công tác văn hoá văn nghệ tại một nhà hàng sang trọng trên bờ biển Nha Trang, Phạm Tiến Duật mặc một bộ vét trắng, áo sơ mi đỏ, trông ông nổi bật như một ca sĩ. Có lẽ thấy ông ngồ ngộ đáng yêu,  các cô tiếp viên rón rén mang đồ ăn đến, nấn ná ngắm nhìn không muốn rời chân. Nhà thơ Trần Chấn Uy giới thiệu nhà thơ Phạm Tiến Duật với mọi người, thế là tất cả reo lên vây quanh ông, rồi đọc thơ, hát “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” rộn ràng sôi động. Hôm ấy Phạm  Tiến Duật cười nói say sưa, ánh mắt láp lánh. Ông bảo “mình rất vui vì các cô gái này sinh ra sau chiến tranh mà thuộc thơ Phạm Tiến Duật viết về chiến tranh”. Thực ra không chỉ ở Nha Trang mà nhiều người trong cả nước nhớ tên và thuộc thơ Phạm Tiến Duật. Ông được chào đón nồng nhiệt ở mọi nơi, vì ông là nhà thơ của công chúng.

Lại nhớ, vào khoảng tháng 7/2003 Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí văn nghệ địa phương tại thành phố Nha Trang. Lãnh đạo các  Hội từ Thừa Thiên Huế đến Cà Mau về dự. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc ấy là Tổng biên tập Tạp chí  Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam cũng về dự. Buổi tối anh em văn nghệ quây quần tại một quán cóc bên lề con phố đổ ra biển, nhâm nhi bia, mực nướng. Nhà thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” và nhà thơ “Tiểu đội xe không kính” lai rai cùng chúng tôi. Hai nhà thơ: Văn Công Hùng và Nguyễn Thanh Mừng thi nhau trổ tài thuộc thơ của hai thi sĩ đàn anh. Họ đọc thơ không dứt, hết “Đường tới thành phố” lại “Gửi em cô Thanh niên Xung phong”… khiến cho bao người “ngậm ngùi” vì muốn “khoe” cái sự thuộc thơ mà không thể chen vào chỗ nào được. Nhà thơ Hữu Thỉnh khen “thơ Duật rất lạ, độc đáo mà có duyên. Ảnh hưởng của thơ Duật rất lớn”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật lại khen “Thơ Thỉnh sâu sắc, tài hoa nhưng là thơ chủ yếu viết về phía sau người lính”. Rồi ông tự nhận “Thơ Duật mới là thơ viết ở chiến trường, viết về lính trận”.

Phạm Tiến Duật được mệnh danh là nhà thơ của Trường Sơn, thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh những năm chống Mỹ. Ông từng bộc bạch: “Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn”.

Cũng như các nhà thơ thế hệ chống Mỹ, Phạm Tiến Duật là nhà thơ “được thời”. Cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc là một hiện thực  lớn tác động mạnh mẽ đến lớp nhà thơ trẻ đồng thời là người lính.

Thơ Phạm Tiến Duật bao quát được hiện thực lớn ở chính cái nơi mà người ta có thể nhìn thấy rõ nhất tầm vóc của dân tộc trong giai đoạn lịch sử hào hùng. Nhưng điều quan trọng hơn để khẳng định một tài thơ Phạm Tiến Duật là tiếng nói trực diện, giàu bản sắc, mới lạ và mang tinh thần tuổi trẻ. Năng lực cảm nhận và nắm bắt hiện thực cuộc sống nhanh nhạy ở ông đã chứng minh ưu thế xung kích, lên tuyến đầu của thơ trong những hoàn cảnh mà người nghệ sĩ không có thời gian để “nghiền ngẫm”, phải vội vàng ghi lấy những khoảnh khắc vụt hiện và có giá trị lâu bền của đời sống. Bởi, nếu chậm trễ bom đạn sẽ xoá đi tất cả.

Hiện thực trong thơ Phạm Tiến Duật gian khổ, ác liệt, bộn bề, gấp gáp, nóng bỏng… Rất nhiều tiếng động của đạn bom, xe pháo, máy bay, mìn…  Rất nhiều âm thanh của tiếng hò, tiếng hát, tiếng cười… Rất nhiều ánh sáng của đèn dù, pháo sáng, quầng lửa, ánh chớp, vầng trăng…

Hai phút trên đầu một lượt máy bay
lá nguỵ trang như còn bốc khói
và bãi đất này như cái lưng người giơ ra không biết mỏi
đen xạm khói bom, nham nhở vết thương

(Nghe hò đêm bốc vác)

Thơ Phạm Tiến Duật chứa đựng dung lượng hiện thực lớn và bao quát nhưng vẫn đậm đặc chi tiết: “Những đội làm đường hành quân trong đêm? Nào cuốc, nào choòng, xoong nồi sủng soảng” (Gửi em cô thanh niên xung phong). Có lẽ hiếm có nhà thơ nào đưa được nhiều chi tiết cụ thể, nhỏ nhặt, bình thường/ tầm thường vào thơ một cách tự nhiên sống động, gây sự  ngạc nhiên thích thú cho người đọc như Phạm Tiến Duật. Nhà thơ phát hiện trong cái ngổn ngang, xù xì, thô ráp, ẩn khuất của sự vật/ đối tượng vẻ đẹp, sự đáng yêu thi vị như một cách nhận mặt cuộc sống đa chiều.

và vầng trăng, vầng trăng đất nước
vút qua quầng lửa vụt lên cao

(Vầng trăng và những quầng lửa)

Đây là câu thơ chói sáng và có tầm vóc của Phạm Tiến Duật; Khái quát được hình tượng đất nước gian khổ đau thương đầy sức vươn dậy với tư thế chiến thắng và kiêu hãnh; Gợi liên tưởng tới hệ thống hình tượng đất nước trong nền thơ cách mạng: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ rũ bùn đứng dậy sáng loà” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi); Hay “Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh xuân…) Một sự gặp gỡ của tâm thức Việt Nam trong cảm hứng sáng tạo của  các nhà thơ hiện đại.

Từ trường thơ Phạm Tiến Duật rộng lớn với lực hút mạnh mẽ, bởi đó là tiếng nói của tuổi trẻ. Thơ ông thăng hoa, lên đến đỉnh cao khi ông là người lính trẻ. Ông nói về tuổi trẻ Việt Nam đánh Mỹ đồng  thời nói về thế hệ mình.

Chất trẻ trong thơ Phạm Tiến Duật không chỉ toát ra ở đối tượng được nói đến, mà chính là ở cái tuổi thanh xuân không chịu già đi trước sự tàn phá của chiến tranh. Thơ Phạm Tiến Duật tràn đầy nhiệt huyết của con  người luôn đi tới và hành động; Tràn đầy yêu thương của trái tim luôn hướng về cuộc đời; Tràn đầy niềm vui trong trẻo hồn nhiên của tấm lòng rộng mở.

Bởi giàu nhiệt huyết mà viết nên những vần thơ lửa cháy. Thơ Phạm Tiến Duật rất nhiều lửa. Tên các tập thơ của ông đều có lửa: “Vầng trăng quầng lửa”. “Lửa đèn”. “Đường dài và những đốm lửa”. Lửa thắp suốt hành trình thơ Phạm  Tiến Duật, biểu tượng của ý chí và sức mạnh, chứa đựng nhiều suy tưởng về đất nước nhân dân, tạo nên một trường thẩm mỹ đặc biệt. Người đọc như được “dựng dậy”, cuốn theo ngọn lửa nhiệt thành của nhà thơ.

Bởi giàu tình thương yêu nên ông chăm chú phát hiện nâng niu những vẻ đẹp dù nhỏ nhoi bình dị của cuộc sống, soi  vào đó cái nhìn lạc quan tươi sáng. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Đó là cảm xúc thốt nên lời trước khung cảnh thực của con đường ra trận. Chiến tranh vô cùng tàn khốc nhưng không thể huỷ diệt hết được cái đẹp, sự sống tiềm tàng của thiên nhiên đất nước; không thể làm cạn kiệt những rung động xanh non của tâm hồn “say miền đất lạ”.

Tiếng cười trong thơ Phạm Tiến Duật cũng là tiếng cười “đặc trưng” tuổi trẻ: hồn nhiên, tinh nghịch, dí dỏm, đáng yêu.

“Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch nhọn…
………………
cái miệng em ngoa cho bạn em cười ròn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để…”

(Gửi em cô thanh niên xung phong)

Và những tiếng cười thoải mái, ngang tàng của những người lính lái xe:

Không có kính ừ thì có bụi

chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

(Bài thơ về Tiểu đội xe không kính)

Tiếng cười lạc quan ấy hoàn toàn không  phải là thái độ khinh thường gian khổ, hiểm nguy hay biểu hiện nhận thức giản đơn về chiến tranh. Đó là tư thế chủ động vượt lên hoàn cảnh với niềm tin chiến thắng của những con người đang căng đầy sức trẻ. Giữa chiến trường sự sống cái chết giành giật từng giây phút mà tiếng cười vẫn vang hơn tiếng bom.

Chẳng có tiếng  cười nào
vang hơn tiếng cười trong hang đá

(Tiếng cười của đồng chí coi kho).

Và:

“Thế đấy, giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”

(Tiếng bom ở Seng Phan)

Nghịch lý ấy chỉ có thể giải thích bằng “phép biện chứng của tâm hồn”.

Ảnh hưởng của thơ Phạm Tiến Duật rất lớn, lan rộng và đi vào đời sống một cách tự nhiên, dung dị. Ngay từ khi mới  xuất hiện với chùm thơ được giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1969-1970, Phạm Tiến Duật đã trở thành một hiện tượng độc đáo trên thi đàn. Người thơ ấy được nhắc đến với bao  trìu mến, cảm phục như một huyền thoại ở Trường Sơn. Những người lính tựa vào những câu thơ của Phạm Tiến Duật để đi vào mặt trận. Thế hệ trẻ sau chiến tranh đến với thơ ông càng thêm trân trọng quá khứ của dân tộc. Thơ Phạm Tiến Duật chắc chắn sẽ còn dư vang mãi.

Điều gì khiến thơ Phạm Tiến Duật thành công như vậy? Không ít nhà thơ muốn học theo cách viết của ông. Có nhà nghiên cứu đề xuất thi pháp thơ Phạm Tiến Duật.

Nhưng hầu như ông không tuyên ngôn to tát về quan niệm nghệ thuật, chỉ lặng lẽ “vừa làm vừa nghĩ”. Mỗi nhà thơ có cách làm riêng. Có người quá đề cao lao động chữ nghĩa nên gọi nhà thơ là “phu chữ”. Có người lại quan niệm thơ là “máu chữ” để nói lên nhiệt huyết mà nhà thơ gửi gắm vào thơ. Nói kiểu gì thì cũng đều có lý cả. Gần đây  đọc tập sách “Tản mạn nghiệp văn” của nhà phê bình Đinh Quang Tốn tôi bắt gặp ý kiến hoàn toàn khác với quan niệm trên đây. Đinh Quang Tốn cho rằng: “Sáng tạo nghệ thuật không phải là một công việc nặng nhọc vất vả. Nói đến nghệ thuật là nói  đến nhẹ nhàng thanh thoát” và ông lý giải: “Có tài năng thì sẽ thấy viết văn là công việc cũng nhẹ nhàng thôi… Nghệ thuật đòi hỏi sự điêu luyện  đến mức tự nhiên như hoa đến kỳ thì nở”.

Và tôi tìm thấy câu trả lời cho trường hợp thơ Phạm Tiến Duật trong triết lý phê bình của Đinh Quang Tốn.

Phạm Tiến Duật làm thơ rất tự nhiên. Tự nhiên đến mức ông “thơ hoá” cả ngôn ngữ đời thường: “Đêm ranh mãnh”, “buồn cười đáo để”, “cái miệng em ngoa”, “Xoong nồi sủng soảng”, “Cười ha ha”…

Ông không quan trọng tính kết cấu, cứ viết một mạch tuôn chảy theo cảm xúc thật. Cả khẩu khí, giọng điệu cũng tự nhiên nhuần nhuỵ, như  thể nhà thơ nói ra thơ chứ không sáng tác thơ. Đó chính là sự điêu luyện của tâm hồn. Thơ Phạm Tiến Duật là thứ thơ phát ra tự hồn, luôn thôi thúc bởi  những rung động tươi mới.

“Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung, trắng cả rừng chiều
anh đã đi  rất nhiều rất nhiều
những con đường như tình yêu mới mẻ
đất rất hồng và người rất trẻ
nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn, Thạch Kim”

(Gửi em cô thanh niên xung phong)

Những vần thơ nhẹ nhàng thanh thoát ấy đã đi ra từ hồn một người thơ  của Trường Sơn, đến và neo lại  vững bền trong lòng của bạn đọc. Đúng như dự cảm của nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc sinh thời.

Tác giả: Lê Khánh Mai

Nguồn tin: Tạp chí Nhà văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây