Xung quanh việc xét giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010: Hy vọng không có sự "tháo khoán"
Thứ ba - 16/11/2010 04:121.6150
Sau mấy năm không trao giải thưởng thơ thường niên, năm nay, có nhiều khả năng thơ sẽ được BCH Hội Nhà văn trao giải trở lại. Hai tác giả tập thơ được đề cử là "Bơ vơ đông đảo" của nhà thơ cao tuổi Việt Phương và "Metro" của nhà thơ - Ủy viên Hội đồng thơ khóa 2005 - 2010 Thanh Thảo. Đây là một việc làm bình thường hay bất bình thường? Bài viết sau đây được thực hiện trên tinh thần “trao đi đổi lại".
Bình thường
Theo tôi, đây là một việc làm bình thường. Bởi vì một khi đã có thi thì ắt phải có giải thưởng, còn giải thưởng là giải thưởng gì (để định giá chất lượng nói chung) thì lại là chuyện khác. Đã có một vài cuộc thi chỉ trao giải nhì, không trao giải nhất; chỉ trao giải C, không trao giải A, giải B; chỉ trao tặng thưởng mà không trao giải thưởng… Điều này cũng giống như ở các cuộc thi điền kinh trong thể thao, như ở môn chạy tốc độ 100m, 200m chẳng hạn. Cuộc thi chung kết kết thúc, sẽ vẫn có các vận động viên đoạt huy chương (vàng, bạc, đồng), cho dù thành tích có thể không bằng các năm trước và chưa phá được kỷ lục quốc gia mà vận động viên ở các cuộc thi trước đã xác lập.
Mặt khác, chúng ta cũng chả nên "nghiêm trọng hóa" một giải thường niên. Hãy nhìn nó thật bình thường và đưa ra một nhận xét dễ chấp nhận: Đây cũng chỉ là kết quả của thơ trong một năm, của một khoảng thời gian không dài thôi mà! Đây là tập thơ (hoặc vài tập thơ) khá nhất trong năm. Có gì mà ầm ĩ thế!
Vả lại, nếu nhìn nhận và đánh giá cho thật khách quan, thì giải thưởng một năm được trao, cũng chưa hẳn là tất cả. Chắc gì trong năm đó, tất cả những cuốn thơ được in đều được các tác giả gửi để tham dự giải? Và nếu liên hệ với một cuộc thi hoa hậu hoặc hoa khôi chẳng hạn, mới thấy điều này được bộc lộ rõ hơn, cụ thể hơn. Một cô gái đoạt vương miện có khi chỉ là người "được" nhất của cuộc thi (kiểu chọn "cột cờ" từ "bó đũa"). Bởi vì không phải mọi người đẹp của một tỉnh, thành phố hoặc của một quốc gia, đều nhập cuộc.
Và... không bình thường
Nhưng, nếu nhìn từ một khía cạnh khác, thì lại thấy không bình thường. Bởi vì đã mấy năm nay, thơ đã không được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải. Thậm chí trong năm 2009, Hội đồng thơ còn xin BCH Hội Nhà văn để khuyết giải thưởng thơ năm nay vì… chất lượng không bằng các năm trước. Là người làm thơ, tôi không hiểu Hội đồng thơ đã dựa vào đâu để đưa ra kết luận kiểu ấy? Đơn giản nếu đem thơ của tác giải A đặt cạnh thơ với tác giả B (cùng là hai tài năng, đã được định giá qua thời gian chẳng hạn), thì cũng nên lấy phần "khác", không nên lấy phần "hơn" ra so sánh. Thơ Trần Tế Xương là một kiểu hay. Thơ Nguyễn Khuyến là một kiểu hay. Thơ Tản Đà là một kiểu hay. Thơ Nguyễn Bính là một kiểu hay. Thơ Hàn Mặc Tử là một kiểu hay. Thơ Chế Lan Viên là một kiểu hay. Cũng khó mà kết luận thơ ai toàn bích hơn thơ ai và ai được người đọc yêu thích hơn ai. Nên có ai đó nói: Thơ Nguyễn Khuyến hay hơn thơ Trần Tế Xương, thơ Tản Đà hay hơn thơ Nguyễn Khuyến, thơ Chế Lan Viên hay hơn thơ Hàn Mặc Tử, thơ Hàn Mặc Tử hay hơn thơ Nguyễn Bính… thì cũng là võ đoán và không hoàn toàn thuyết phục. Nhưng nếu nói: Tôi thích thơ Chế Lan Viên hơn thơ Nguyễn Khuyến hoặc ngược, thì dễ nghe và dễ chấp nhận hơn nhiều. Bởi vì "tiêu chí" thích là một cái gì rất vô cùng, không thể tranh luận và không nên đưa ra tranh luận. Tất nhiên, đôi khi trong sự "khác", có khi cũng đã bao hàm sự "hơn" rồi.
Và chính vì cái đề nghị cho rằng "thơ năm nay chất lượng không bằng các năm trước" mà một vài người mới có cớ để viết một vài bài báo theo kiểu "ăn theo sự kiện". Nào là "Còn ai giữ lửa cho thơ". Nào là "Thơ lại mất mùa". Thậm chí có người còn lớn tiếng nêu: Thơ từ 1975 đến nay, không có ai đáng kể và hay bằng thơ của nhà thơ nữ N.T.A.H. Trong khi thực tế, vẫn còn nhiều người giữ lửa cho thơ, thơ cũng chưa hề có dấu hiệu mất mùa và nữ nhà thơ N.T.A.H cũng chưa đáng được liệt hạng cao như thế.
Đôi điều nói thêm
Có người nói: Chắc mấy vị hội đồng thơ của nhiệm kỳ trước hoặc để "sửa sai" hoặc để "giã từ võ đài" một cách có hậu nên mới tỏ ra dễ tính và có tâm lý "tháo khoán" như thế. Nhận xét này có thể chưa chuẩn. Thế nhỡ hai tập thơ định trao giải trong năm nay hay thật hoặc hay hơn các tập thơ của 4 năm không trao giải, thì sao?
Cũng có người nói: Trao giải thường niên mới là bình thường, không trao giải thường niên mới là không bình thường, sau mấy năm "khác thường", giờ lại trở lại "bình thường", thì sao?
Nhân đây, với tư cách là một ủy viên Hội đồng thơ (khóa 2010-2015), tôi kiến nghị: Từ nay, Hội Nhà văn không nên để khuyết một giải thưởng thường niên nào và từ nay, những ai có chân trong Hội đồng thơ, để mọi việc thật khách quan, không nên (hoặc không được) dự giải thơ thường niên của Hội Nhà văn. Còn cứ làm cái việc "vừa đá bóng vừa thổi còi" (vừa là giám khảo vừa là thí sinh) như nhiều năm qua, e khó được dư luận "thông cảm". Một công ty bia khi tổ chức thi dự đoán kết quả World Cup (có thưởng) còn có quy định: Cấm người của công ty lẫn người nhà của công ty không được dự thi, thì hà cớ gì những người trong Hội đồng thơ (có thể ở cả các hội đồng khác nữa) lại không làm theo được nhỉ?