Chủ đề của cuộc vận động sáng tác lần này l�Đối thoại với thiên nhiên, một đề tài mang tính gợi mở, tạo điều kiện cho người sáng tác tự do khai thác, không bó hẹp trong một khuôn khổ không gian và thời gian. Đây là cuộc đối thoại của muôn đời, nơi mọi vật có thể tìm được sự chia sẻ, sự đồng thuận, có thể có tác động qua lại và tìm đến tiếng nói chung. Đối thoại với thiên nhiên cũng là cách để hiểu thiên nhiên, khám phá, sử dụng thiên nhiên, đồng thời là sự điều chỉnh con người cho phù hợp với tự nhiên và môi trường. Cuộc đối thoại cũng có thể sẽ dẫn đến việc tôn trọng tự nhiên, tôn trọng sự phát triển theo quy luật của muôn loài.
Chủ đề Đối thoại với thiên nhiên cũng cho phép người sáng tác thoải mái hơn trong lựa chọn hình thức nghệ thuật và phương pháp thể hiện. Từ hiện thực nghiêm ngặt với những câu chuyện có thật, đến phương pháp hiện thực kỳ ảo, trong đó những yếu tố hiện thực và huyền hoặc pha trộn, cái huyền hoặc làm tôn lên chất hiện thực. Từ sử dụng giọng tự sự theo một cấu trúc chặt chẽ đến dùng giọng tự nhiên như kể chuyện truyền miệng, với nhiều khẩu ngữ... Tất cả đều được chấp nhận một khi đem lại hiệu quả thực sự cho tác phẩm.
Từ 266 bản thảo gửi về, Ban Sơ khảo đã chọn được 28 truyện ngắn, 9 truyện tranh, gửi lên Hội đồng Chung khảo. Theo kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng, 6 truyện ngắn và 6 truyện tranh đã đoạt giải cuộc vận động lần này.
Truyện tranh - giấc mơ có thật
Truyện tranh đã có mặt ở Việt Nam hàng chục năm nhưng không phải bất cứ người nào biết vẽ cũng có thể làm được. Mấy năm vận động sáng tác vừa qua đã thu hút được sự tham gia của những tác giả quen biết và cả tác giả mới. Họ phần nhiều là những người trẻ, ham muốn làm được cái gì đó mới lạ cho tranh truyện, vẽ cho được một cái gì thật nổi bật, dù rằng vấn đề kịch bản luôn là một thách thức.
Tác giả vào vòng chung khảo lần này có sự nổi trội về những mặt sau:
- Đi đúng chủ đề,
- Kết cấu câu chuyện đã hợp lý hơn,
- Phần lời bớt lan man,
- Tranh đẹp, kỹ thuật cao hơn.
Những cuộc phiêu lưu phần lớn có bối cảnh ngay trong khu vườn của mình, khám phá thế giới sinh vật, làm bạn với những con vật bé nhỏ mà thường ngày không ai dám động vào, như giun chẳng hạn (trong tác phẩm Khu vườn của Chi của Đặng Ngọc Minh Trang - Lê Thanh Tùng) hay là trong một thế giới đẹp như xứ sở thần tiên của Alice, đi tìm một sinh vật tưởng như chẳng bao giờ tồn tại (Bướm mặt trăng của Bích Khoa). Họa sĩ gây được cảm giác như lang thang trong mơ, như nghe được một thứ âm thanh tinh tế, khiến người đọc biết là không có thật nhưng vẫn muốn là nhân vật trong truyện. Chỉ hơi tiếc cho câu chuyện ở phần kết thúc, làm cho người đọc thỏa mãn quá nhanh được nhìn thấy Bướm mặt trăng – trong khi nên để người đọc tự tưởng tượng và dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới. Nếu như hai câu chuyện trên nhẹ nhàng, với những tình tiết gần gũi trẻ em thì tác phẩm Đảo - hay chuyến phiêu lưu kỳ lạ trên lưng cá voi (tác giả Đỗ Thái Thanh) đã vượt trội về mặt tư duy và cách thể hiện, một tác phẩm rất ít chữ, khung hình rộng với cảm giác mênh mang là nước. Câu chuyện có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào, không nhất thiết là ở Việt Nam, và họa sĩ đã thành công khi truyền tải được nguyên vẹn cảm giác về một điều như thể sẽ xảy ra: cả thế giới ngập chìm trong nước. Không hề xa xôi, Hà Nội mùa mưa và Sài Gòn khi triều cường cũng ngập trong nước đen, ngoảnh đi ngoảnh lại, xung quanh chẳng còn ai, trong Đảo chỉ có cậu bé và cá voi. Hai cá nhân đơn độc dựa vào nhau tìm một vùng đất mới và cuối truyện, họ chỉ thấy một hòn đảo chết - đảo rác - một kết cục có vẻ bi thảm nhưng có lẽ đó là cái kết hay vì mang ý nghĩa cảnh tỉnh.
Bên cạnh đó là những tác phẩm có cách thể hiện độc đáo như Trái đất là một vòng tròn của Phan Trần Minh Thu. Kết cấu truyện chia làm 24 trang ứng với 24 giờ trong ngày. Nếu là người ngoại quốc hoặc trẻ em không biết chữ thì ấn tượng của những bức tranh càng mạnh hơn – tức là chỉ cần xem và ngẫm nghĩ, rồi sẽ ngộ ra: trái đất thật kỳ diệu!
Ngõ hoa bìm bìm (Đỗ Lan Hạnh - Mai Hoa) là một câu chuyện đẹp, nhiều xúc cảm, man mác chất Andersen giữa lòng phố cổ Hà Nội, những hình ảnh mà giờ đây khó tìm thấy trong đô thị hiện đại.
Còn ở tác phẩm Mái tóc của rừng (Nguyễn Thị Ngọc Bích), ta lại hứng thú trước sự hồn nhiên ngây thơ trong cách kể và vẽ. Điều thú vị ở truyện này là Rừng được nhân cách hóa thành một cô bé như bao cô bé khác, dễ xúc cảm và cũng thật dễ tha thứ.
Truyện ngắn – thông điệp nghiêm túc mà vui tươi
Tác phẩm Chuyện kể của bốn mùa của Nguyên Hương thuộc loại hình giả tưởng. Ở đó tác giả tưởng tượng ra một trường tiểu học với những học sinh có phép thuật. Phép thuật khi bị sử dụng vào mục đích sai lầm thì gây hại cho bạn bè và mọi người. Nhưng một điều ước tốt lành có thể cứu vớt và đem lại niềm vui cho tất cả. Bài học hãy cứu vớt ngay cả kẻ đã hại mình, lấy ân trả oán để xóa bỏ oán thù, được đưa ra đúng lúc và hợp lý, đem lại cho câu chuyện một kết thúc có hậu. Câu chuyện hấp dẫn, chi tiết có ấn tượng, ngôn ngữ hóm hỉnh, sinh động, đặc biệt là cách tạo kịch tính của tác giả gây nhiều bất ngờ và thú vị cho người đọc.
Chùm truyện của Trương Tiếp Trương, Đàn vịt bơi qua sông v�Tiếng hót con chim đen gửi đến thông điệp về sự chung sống hòa hợp với thiên nhiên. Chuyện giết hại chim trời một cách bừa bãi, có khi như một thú vui, chuyện đốt rừng làm rẫy... khi được tái hiện, có tác dụng cảnh báo về thảm họa do chính con người gây ra. Văn ngắn gọn, được tiết chế, có chừng mực trong một bố cục chặt chẽ. Chi tiết cơn giận hóa thành ngọn lửa trừng phạt kẻ gây hại được sử dụng trong bối cảnh hiện thực đã gây ra sự bất ngờ thú vị cho người đọc. Miêu tả cảm xúc của chú bé đối với chim muông, liên hệ với người mẹ đã mất, tác giả cũng tỏ ra khá tinh tế, khi cảm xúc và ngôn ngữ đều được huy động một cách vừa đủ độ.
Truyện ngắn Biệt thự Móng Bò của Hồ Phước Quả khiến người đọc thú vị ở giọng văn hài hước và linh hoạt. Thêm vào đó là những chi tiết sinh động được sử dụng để xây dựng tính cách một chú dế ngang tàng, nghĩa hiệp. Người đọc nhỏ tuổi sẽ thấy hấp dẫn trước một chú dế hào phóng, rộng lượng, sẵn sàng giúp người, ngay cả khi bị phụ công hoặc bị làm hại. Đây là một bài học nhân sinh luôn có ý nghĩa với bạn đọc thiếu nhi và với mọi lứa tuổi.
Từ truyện Quả cam của Khải Nguyên, người đọc chứng kiến hai thái độ khác nhau của hai anh em nọ. Trước quả cam trên cành, hai bạn nhỏ bộc lộ cá tính của mình, người thơm thảo và người thì ích kỷ. Trước con sâu, cũng lộ rõ một người nông nổi, hấp tấp và người kia khôn ngoan, biết tìm ra cách xử lý. Còn quả cam thì sao? Nó cũng biết đối xử theo kiểu trông mặt biết người, khi đang chín lại chuyển thành xanh, và ngược lại. Tác giả thu hút được người đọc bằng một cách viết linh hoạt, dễ đọc và dễ cảm nhận.
Truyện Trồng cây, trồng núi... của Anh Đào là tập hợp những bức chân dung mấy người bạn nhỏ. Cô bé bị bệnh tim chịu nhiều thiệt thòi nhưng đã may mắn có được những người bạn biết sống vì người khác. Tình bạn tuổi thơ này không chỉ dồn góp làm cho cây cối lớn lên, mà cả quả núi giả sơn nho nhỏ, tưởng như vô tri, cũng “lớn lên” theo thời gian.
Một câu chuyện gây cảm giác có thật, như có sao kể vậy, kể theo kiểu truyền miệng, Con May của Nguyên Hòa đã gây được xúc động cho người đọc. Từ chuyện về một con khỉ bị mất mẹ được nuôi lớn, rồi được em bé và gia đình thả về với rừng, ý nghĩa rộng lớn hơn được mở ra: đó là tôn trọng sự phát triển tự nhiên của mọi vật xung quanh ta, từ đó mới có được sự hài hòa thật sự giữa đời sống của con người với môi trường.
Những tác phẩm đoạt giải lần này đem lại niềm vui cho các tác giả, cho ban tổ chức và cả người đọc. Chất lượng sáng tác đã được nâng lên rõ rệt trong quá trình 5 năm qua của dự án. Các tác phẩm, sau khi được xuất bản, đã đến với đúng đối tượng, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa và gây được hứng thú.
Khép lại một chặng đường 5 năm, cuộc vận động sáng tác cũng đồng thời mở ra một chặng đường 5 năm ở phía trước (2010-2015). Nhiều tâm huyết và tài năng sẽ được huy động với nhiều tin tưởng hơn. Và cùng với nỗ lực thực sự, chúng ta sẽ càng thêm kỳ vọng vào những thành công mới đang chờ đợi ở phía trước.
KẾT QUẢ CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC CHO THIẾU NHI ĐỐI THOẠI VỚI THIÊN NHIÊN 2009 - 2010 Truyện ngắn Giải nhất: - Chuyện kể của bốn mùa của Nguyên Hương - Đàn vịt bơi qua sông v�Tiếng hót con chim đen, chùm truyện ngắn của Trương Tiếp Trương Giải nhì: - Biệt thự Móng Bò của Hồ Phước Quả Giải khuyến khích: - Quả cam của Khải Nguyên - Trồng cây, trồng núi... của Anh Đào - Con May của Nguyên Hòa Truyện tranh Giải nhất: - Đảo - hay chuyến phiêu lưu kỳ lạ trên lưng cá voi của Đỗ Thái Thanh Giải nhì: - Khu vườn của Chi, truyện của Đặng Ngọc Minh Trang, tranh của Lê Thanh Tùng Giải ba: - Trái đất là một vòng tròn của Phan Trần Minh Thu Giải khuyến khích: - Bướm mặt trăng của Bích Khoa - Ngõ hoa bìm bìm, truyện của Đỗ Lan Hạnh, tranh của Mai Hoa - Mái tóc của rừng của Nguyễn Thị Ngọc Bích ___________________ HỘI ĐỒNG CHUNG KHẢO - Nhà văn Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, - Họa sĩ Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, - Nhà văn Sally Altschuler, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Đan Mạch, - Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng - Bà Lê Thị Dắt, Giám đốc Dự án Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch - Họa sĩ Đan Mạch Tove Krebs Lange, - Nhà văn Phan Triều Hải - Nhà văn Lê Phương Liên - Họa sĩ Tạ Huy Long, NXB Kim Đồng. |
Tác giả: Hồ Anh Thái
Nguồn tin: NĐBND
Ý kiến bạn đọc