Kể từ năm 2005, thị trường sách TPHCM thật sự phong phú, chất lượng sách cao, in ấn đẹp. Hàng loạt nhà sách phía bắc nam tiến khiến cho thị trường này thêm sôi động. Trong số đó có những thương hiệu mạnh như Nhã Nam, Thăng Long, Đông Tây... Đáng chú ý hơn cả là hiện tượng nhà sách Đông Tây lần lượt khai trương ba hiệu sách trên đường Trần Huy Liệu, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thị Minh Khai, gây ra cú sốc lớn cho giới làm sách lâu năm ở Sài Gòn. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau ngày khai trương, hai trong số ba cửa hiệu ngưng hoạt động. Điều này không nằm ngoài dự báo của nhiều người trong giới bởi vào thời điểm trên, hàng loạt nhà sách có thâm niên trong nghề cũng bị phá sản. Trong đó có những nhà sách tiếng tăm, vốn liếng hàng chục tỷ đồng, như nhà sách 496 Bis Đakao, 496A Đakao, nhà sách ở Coopmart Hậu Giang, V.H đường Lê Văn Sỹ, O.B đường Võ Văn Tần... Các nhà sách này “chết” giống nhau ở chỗ: ông chủ gốc nhà giáo, nhà văn, làm ăn chân phương, không theo kịp thị trường, bị các “đại gia” bao vây, tăng chiết khấu cao cho vệ tinh để độc chiếm thị trường.
CHIẾM DỤNG VỐN: TRỞ THÀNH “ĐẠI GIA”
Trong giới làm sách hiện nay, nhắc đến S.M ai cũng tỏ ra kiêng nể. Ở cái thời chập choạng giữa bao cấp và thị trường, anh ta giúp việc cho “sếp” của một nhà xuất bản (NXB) ở TPHCM. Với bản tính nhanh nhạy, thỉnh thoảng anh ta kiêm luôn chân phát hành sách “ngoài luồng”. Gọi là “ngoài luồng” vì lúc ấy hệ thống phát hành “trong luồng” do quốc doanh nắm giữ. Sách ngoài luồng chạy ra thị trường rất hiếm và đắt đỏ. Mua một bán mười, lãi to, nhưng vì thân quen nên chẳng ai dại gì mua đứt bán đoạn với NXB. Lúc đầu mỗi quý thanh toán một lần, sau sáu tháng, rồi một năm thanh toán luôn cũng chẳng sao. Một đại gia trong giới làm sách nhớ lại: “Thời ấy, vốn nhà nước ít được quan tâm, ai có chỗ dựa thì tha hồ chiếm dụng. Có người chiếm dụng vài ba tỷ đồng, nhiều năm nhưng chỉ được coi là nợ quá hạn. Sau đó trả dần cho NXB thì chẳng có tù tội gì”. Nên nhớ giai đoạn này (1986 - 1990), nền kinh tế đang lạm phát, chỉ cần chậm trả vốn ba tháng, tiền lãi đủ thuê mặt bằng cả năm. Nhiều người “lì”, chiếm dụng vốn vài năm là có thể mua được căn nhà lớn trên mặt đường của một quận trung tâm thành phố.
Bước ra ở giai đoạn này có khoảng mười đại gia. Vốn liếng của họ ước tính hàng chục tỷ đồng, nay con số đó tăng lên nhiều lần. Một đại gia yêu cầu giấu tên, cho biết tài sản của ông ta hiện thời có khoảng 700 tỷ đồng và một hiệu sách lớn trên đường N.T.M.K. Còn đại gia S.M, ngoài hiệu sách to đùng trên đường N.T.M.K ông ta còn có không dưới 50 ha cà phê, cao su ở Đăk Lăk. Trong khi đại gia M.T, ngoài hiệu sách khiêm tốn nằm trên đường Đ.T.H ông ta còn đầu tư khoảng 200 xe taxi và vài trăm tỷ đồng vào chứng khoán, ngân hàng...
KHI CÁC “ĐẠI GIA” LIÊN KẾT
Năm 1986, Nhà nước bật đèn xanh cho tư nhân được liên kết xuất bản. Cơ hội mở ra cho giới làm sách tư nhân. Họ nhanh chóng nhảy vào cuộc và tỏ ra thắng thế. Với ưu thế về vốn, nhanh nhạy thị trường, các “đại gia” dễ dàng liên kết với nhà in. In ấn là mắt xích cực kỳ quan trọng trong quy trình kinh doanh khép kín: in ấn - xuất bản - phát hành mà lâu nay do nhà nước nắm giữ.
Một người từng nhiều năm làm trong ngành in cho biết liên kết với nhà in chỉ là danh nghĩa, thực tế các “đại gia” tự mình đầu tư máy in rồi “gởi” vào nhà in, hàng tháng trả tiền mặt bằng. Cứ thế các “đại gia” vô tư in ấn sản phẩm của mình, cơ quan quản lý khó mà kiểm soát được. Đây là một kiểu làm ăn cả hai cùng có lợi. Các “đại gia” chủ động trong in ấn, nhất là những ấn phẩm đang “hot” trên thị trường và hạn chế được đối tác in nối bản những tác phẩm của mình. Các nhà in cũng có lợi, hàng tháng được tiền cho thuê mặt bằng và được tiếng nhanh nhạy trong liên kết xuất bản. Nhưng cũng từ đây người ta thấy sách lậu trên thị trường ngày càng nhiều, khiến cho dư luận thắc mắc: Sách lậu có liên quan đến liên kết xuất bản hay không? Đến giờ vẫn chưa có lời đáp, chỉ biết rằng, hiện nay có trên dưới 10 đại gia núp bóng nhà in theo kiểu liên kết trên.
Một kiểu liên kết khác là giữa các “đại gia” với nhau. Kiểu làm ăn này xuất hiện từ giữa năm 2005, thời điểm mà hàng loạt nhà sách phía bắc tiến vào thị trường sách TPHCM và một số tỉnh lân cận. Từ đây thường xuyên xảy ra những cuộc chiến ngấm ngầm giành giật vệ tinh phát hành. Trước áp lực cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, các “đại gia” ngầm diệt nhau. Trong giới làm sách, một nhà sách mạnh muốn trở thành “đại gia” phải có vốn hàng trăm tỷ đồng, có từ 200 - 250 vệ tinh rải khắp ba miền, đủ sức chịu áp lực chiếm dụng vốn cỡ vài chục tỷ đồng/năm. Chưa kể phải có nhà sách ở vị trí đắc địa, tên tuổi, khả năng thẩm định sách giỏi. Khi bước vào sân chơi một bên toàn kẻ mạnh, chắc chắn phần thua thiệt thuộc về kẻ yếu. Trường hợp này xem ra đúng, kẻ mạnh sẵn sàng tăng chiết khấu cho vệ tinh lên đến 60 - 70%, thậm chí chịu lỗ vốn, nhằm diệt đối thủ, giành lấy thị trường.
KẺ ĐỨNG NGOÀI CUỘC PHẢI PHÁ SẢN
Kể từ năm 2005, thị trường sách TPHCM thật sự phong phú, chất lượng sách cao, in ấn đẹp. Hàng loạt nhà sách phía bắc nam tiến khiến cho thị trường này thêm sôi động. Trong số đó có những thương hiệu mạnh như Nhã Nam, Thăng Long, Đông Tây... Đáng chú ý hơn cả là hiện tượng nhà sách Đông Tây lần lượt khai trương ba hiệu sách trên đường Trần Huy Liệu, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thị Minh Khai, gây ra cú sốc lớn cho giới làm sách lâu năm ở Sài Gòn. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau ngày khai trương, hai trong số ba cửa hiệu ngưng hoạt động. Điều này không nằm ngoài dự báo của nhiều người trong giới bởi vào thời điểm trên, hàng loạt nhà sách có thâm niên trong nghề cũng bị phá sản. Trong đó có những nhà sách tiếng tăm, vốn liếng hàng chục tỷ đồng, như nhà sách 496 Bis Đakao, 496A Đakao, nhà sách ở Coopmart Hậu Giang, V.H đường Lê Văn Sỹ, O.B đường Võ Văn Tần... Các nhà sách này “chết” giống nhau ở chỗ: ông chủ gốc nhà giáo, nhà văn, làm ăn chân phương, không theo kịp thị trường, bị các “đại gia” bao vây, tăng chiết khấu cao cho vệ tinh để độc chiếm thị trường.
Trước sức ép của các “đại gia”, nhiều ông chủ nhà sách thuộc dạng “tiểu gia”, “trung gia” chịu không nổi đành sang nhượng, nhiều người cố gắng bám víu đến phá sản, thân bại danh liệt. Trong số đó có anh H. một người có 24 năm trong nghề, bị phá sản, đứt vốn gần 30 tỷ đồng mà còn suýt phải đi tù vì nợ. Một trong số những ông chủ “sa cơ lỡ vận”, cho biết họ từng có thiện chí tập hợp những người kinh doanh sách chân phương lại, đưa ra phương thức kinh doanh mới: chiết khấu thấp, thay vì 40 - 50% như hiện nay, xuống còn 10 - 12%, nhằm hạ giá thành, tăng ấn bản. Nhưng họ đã “chết” trước khi ý tưởng tốt đẹp đó thành hiện thực bởi sự phá bĩnh của các “đại gia”, vì lợi nhuận từ sách mang lại quá cao. Cái “chết” của họ như là sự cáo chung cho những người kinh doanh nhưng muốn đứng ngoài thời cuộc và dọn đường cho sách lậu hồi sinh. “Chừng nào kinh doanh sách còn lợi nhuận, sách lậu còn tồn tại”, một ông chủ nhà sách khẳng định.