Nước Nga lãng quên Leo Tolstoys

Chủ nhật - 21/11/2010 03:00 1.970 0

Nhà văn Leo Tolstoy. Ảnh: heindorffhus.

Nhà văn Leo Tolstoy. Ảnh: heindorffhus.
100 năm sau khi mất, tiểu thuyết gia, nhà hoạt động hòa bình trứ danh của nhân loại được cả thế giới nhớ thương nhưng lại bị hờ hững trên chính quê hương ông.

20/11/1910, cả nước Nga than khóc khi Leo Tolstoy trút hơi thở cuối cùng trại một nhà ga xe lửa miền trung nước Nga. 20/11/2010, dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Tolstoy lạnh lùng trôi qua giữa mùa đông nước Nga.

Theo AFP, không có một kế hoạch kỷ niệm đặc biệt nào được đề cập đến. Không có công trình tưởng nhớ nào được dựng nên trên các quảng trường. Người Nga vô tình hơn bao giờ hết với một trong những người con lừng danh nhất xứ sở này.

“Ông ấy là một người phiền phức, dù là hôm nay hay một thế kỷ trước thì vẫn thế. Để đánh dấu 100 năm đã qua của nước Nga, chẳng ai muốn tổ chức gì”, Pavel Basinsky, tác giả cuốn Flight From Heaven, cho biết. Trong Flight From Heaven, tác giả kể về việc Tolstoy thường xuyên chạy ra đường giữa đêm khuya khi còn sống trong ngôi nhà ở Yasnaya Polyana.

Một đêm mùa đông năm 1910, Tolstoys chạy trốn khỏi ngôi nhà nơi ông chung sống với người vợ 48 tuổi, chỉ với 50 rúp trong túi. Nhà văn khi đó 82 tuổi, vội vã đến một tu viện xin trú chân qua đêm. Ông bị cảm lạnh lúc đang ngồi trên tàu và qua đời tại ga tàu Astapovo ở Lipetsk. Sau này, vào năm 1918 hoặc 1920, ga Astapovo được đổi tên thành ga Leo Tolstoy.

“Đó là cái chết làm rung chuyển thế giới, một sự kiện lịch sử”, ông Vitaly Remizov, Giám đốc Bảo tàng Leo Tolstoy ở Moscow nói với AFP. Mặc dù vậy, ông này cho biết dịp kỷ niệm 100 ngày mất của nhà văn không được tổ chức rộng rãi trên toàn nước Nga. Các hoạt động đa phần gói gọn trong các viện văn học hoặc bảo tàng. Hầu hết diễn ra bên ngoài thủ đô Moscow nên không thể thu hút số lượng người tham gia đông đảo, trong đó có một bảo tàng mới mở ở Astapovo hôm 13/11, do một diễn đàn sinh viên thành lập.

Bộ phim The Last Station (Ga cuối) do Hollywood sản xuất và nữ diễn viên kỳ cựu Helen Mirren đóng vai chính là tác phẩm điện ảnh mới nhất kể về cái chết bi kịch của Tolstoy, chỉ được công chiếu tại 35 rạp ở Moscow. Trong khi đó, hãng phim Nga, nơi thường rất hào hứng sản xuất các tác phẩm kinh điển kỷ niệm các ngày lễ lớn, lại thờ ơ với sự kiện này.

Trong khi đó, Alexander Pushkin, tình yêu của nước Nga, được tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh vào năm 1999 rất rầm rộ. “Ngày Pushkin” được chính phủ thành lập với nhiều hoạt động rất sôi nổi. Còn Tolstoy, hiện tại đối với người Nga ông là hiện thân của thứ tư tưởng cực đoan. “Có lẽ thấy nước Nga ngày nay, ông ấy sẽ chẳng hài lòng”, Vladimir Tolstoy, cháu của nhà văn nói. Vladimir đang điều hành một bảo tàng ở Yasnaya Polyana, nơi đại gia đình Tolstoy sinh sống cho đến 1921.

Ông thích sự thật, còn người Nga hiện nay thích dối trá và đạo đức giả”, Vladimir nói với AFP.

“Ý tưởng từ bỏ của cải vật chất của Tolstoy có vẻ vô lý ở Nga, khi chúng tôi đang trong chế độ Tư bản chủ nghĩa”, Pavel Basinsky nói. Tolstoy từng từ chối một khoản thừa kế khổng lồ trước khi chết. Theo Basinsky, “Chỉ có những người như Bill Gates mới làm được như vậy, các nhà tài phiệt ở Nga thì chưa chắc”.

Tác giả: Pham Mi Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây