Sách điện tử sẽ tăng nhanh

Thứ năm - 18/11/2010 03:35 1.739 0

Sách điện tử sẽ tăng nhanh

Theo Ts Christoph Links, nguyên thành viên Hội đồng giám sát của Hội chợ sách Frankfurt, năm 2010 là năm bản lề với ngành xuất bản, với sự xuất hiện của máy tính dạng bản như IPad của Apple. Trong 5 năm tới, sách điện tử sẽ tăng nhanh, khoảng 15%.

Đến Việt Nam tham dự Hội chợ, triển lãm Sách quốc tế Việt Nam 2010, Ts Christoph Links (trợ lý Ban giám đốc NXB Aufbau – Verlag Berlin và Weimar, người sáng lập NXB Ch.Link) đã có buổi thuyết trình về ngành xuất bản và thị trường sách tại Đức. Đức là một trong 3 quốc gia đọc sách lớn nhất thế giới, bên cạnh Anh và Trung Quốc. Trong số các hoạt động giải trí được ưa thích nhất, sách xếp thứ 8. Để đáp ứng nhu cầu độc giả, hoạt động xuất bản tại quốc gia này cũng rất sôi động. Tính đến năm 2010, Hội nghề xuất bản và kinh doanh sách Đức có 5.676 thành viên, trong đó có 1.729 nhà xuất bản (đều thuộc sở hữu tư nhân), 3.822 hiệu sách... Các nhà xuất bản ở Hội có mối quan hệ chặt chẽ, như các nhà xuất bản liên kết với nhau để có một kho sách chung. Sách in xong sẽ được chuyển đến kho, và từ đó chuyển tới các cửa hàng.

Thị trường sách Đức nhiều năm nay khá ổn định ở mức cao. Doanh số của ngành kinh doanh sách năm 2009 đạt 9,7 tỷ euro. Năm 2009, ngành xuất bản cho ra đời 93.124 đầu sách mới (ở Việt Nam năm 2009 xuất bản 17.567 đầu sách). Các đầu sách văn học là 13.931, tương ứng với 14,9%. Đây cũng là loại sách bán chạy nhất, chiếm 33,8% tổng doanh số sách. Các đầu sách cho thanh niên, thiếu niên chiếm 15,7% trong số ấn phẩm mới...

Theo Ts Christoph Links, các thiết bị hiện đại ra đời làm phát sinh dạng thức mới cho sách. Do đó, các nhà xuất bản ở Đức không chỉ chú trọng sách in, mà còn quan tâm tới sách điện tử. Theo Ts Christoph Links, năm 2010 là năm bản lề với ngành xuất bản, với sự xuất hiện của máy tính dạng bản như IPad của Apple. Và trong Hội chợ sách Frankfurt 2010 (diễn ra từâ ngày 6 - 10.10), có 6 nhà sản xuất giới thiệu các sản phẩm mới giá rẻ hơn IPad, có thể xem phim, đọc báo, đọc sách... tạo điều kiện cho sách điện tử phát triển.

Hiện tại ở Đức, những ấn bản mềm có giá thấp hơn 20% sách in, do cơ cấu giá thành của một cuốn sách vẫn được giữ nguyên, nhưng không mất chi phí in ấn. Sách điện tử được bán trên trang web của các nhà xuất bản hoặc các hiệu sách trực tuyến. Với loại sách này, khách hàng cũng có thể mua từng phần của sách, có thể là 10 trang và thanh toán bằng thẻ tín dụng, qua hóa đơn điện thoại...

Nhưng sách điện tử cũng làm phát sinh rất nhiều vụ việc về bản quyền. Khi một người mua, đọc sách điện tử và đưa nó cho người thân, bạn bè, thì nhà xuất bản không thể ngăn cấm. Cái cần phòng ngừa là sự thương mại hóa các sản phẩm ấy. Khi bán sách điện tử, trên mỗi trang sách, NXB Ch.Links đều ghi rõ tên khách hàng, mã số hóa đơn của khách hàng. Nếu họ cho người khác copy hoặc đưa lên các trang web thì có thể truy ra người mua sản phẩm đó. Trong thế giới số mọi thứ không thể đảm bảo chắc chắn 100%, cũng có thể một số người sẽ phá mã để dùng sản phẩm. Tuy nhiên, việc ra sách điện tử cũng có tác dụng bổ trợ với sách truyền thống. Ví dụ một cuốn sách in lần đầu bán chạy, nhưng lần sau doanh số có thể rất thấp, nên thay vì in sách, nhà xuất bản sẽ bán sách điện tử.

Ở Đức, sách điện tử bán chạy chủ yếu thuộc sách hướng dẫn du lịch, từ điển, sách tra cứu, tiểu thuyết và truyện ngắn còn ít. Trong khi, ở Canada cho biết, bản mềm bán chạy là các sách tiểu thuyết, truyện; còn tại Nhật, thanh niên rất thích đọc truyện manga, truyện tranh trên điện thoại... Hiện nay, doanh thu sách điện tử ở Đức còn thấp, chỉ chiếm 1%, nhưng dạng sách này sẽ tăng nhanh, tới 15%, trong vòng 5 năm tới.

Hạn chế sách lậu bằng Luật Giá sách cố định

Tại Đức, Nhà nước gián tiếp hỗ trợ các nhà xuất bản và nhà sách quy mô nhỏ và vừa thông qua các luật. Trong đó quan trọng nhất là Luật Giá sách cố định. Mỗi cuốn sách chỉ có 1 giá, bất kể được bán ở siêu thị lớn hay hiệu sách nhỏ ở ngoại ô. Nếu một cửa hàng biết đối thủ cạnh tranh bán với giá thấp hơn thì họ có thể kiện. Việc phát hiện vi phạm không phải do cảnh sát mà chính các đối thủ cạnh tranh kiểm tra lẫn nhau. Chính sách này, cùng với việc xử lý nghiêm các vi phạm, đã hạn chế được sách lậu.

Tác giả: Lê Thủy

Nguồn tin: NĐBND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây