Nhân ngày Nhà giáo Việt
PV: Nhiều người cho rằng, nghề giáo là một nghề rất khó vì luôn phải tuân theo những khuôn mẫu, trong khi đó viết văn, làm thơ là sự sáng tạo và bung phá không ngừng. Giữa một bên là nghề, một bên là nghiệp, hai hoạt động, hai công việc này gây cản trở hay hỗ trợ gì cho nhau?
Đinh Thị Như Thuý: Tôi vẫn thường đùa là không ai phải chịu sự thanh tra, kiểm soát thường xuyên như các thầy cô giáo, nhất là ở những huyện nhỏ như địa phương nơi tôi đang công tác. Đến đâu, làm gì chúng tôi cũng như thấy mắt nhìn của học sinh và phụ huynh học sinh mình. Vì vậy khuôn mẫu nghiêm túc trong cuộc sống đã như là một điều tất nhiên. Tuy nhiên tôi nghĩ sự nghiêm túc khuôn mẫu trong lối sống không cản trở gì nhiều đến việc sáng tạo và bung phá không ngừng trong việc viết nếu ta thực sự có khả năng sáng tạo và bung phá. Tôi còn nghĩ tính sáng tạo của một người viết lại còn giúp mình linh hoạt, bớt khô cứng trong giảng dạy, nhất là trong thời điểm hiện tại khi chương trình học đã là một gánh nặng khiến học sinh luôn thấy mệt mỏi vì quá tải.
Nie Thanh Mai: Câu hỏi của bạn nhiều người đã hỏi tôi. Mỗi lần như thế đều khiến cho tôi phải suy nghĩ khá nhiều. Đôi khi tôi thấy may mắn, vì mình vừa là một giáo viên, vừa là một người viết văn. Đời sống của tôi ổn định với đồng lương mỗi tháng. Tôi có thời gian cho việc viết lách. Và quan trọng là tôi có ba tháng hè rảnh rỗi cho việc rong ruổi nơi này nơi khác… cộng với nhiều thuận lợi khác. Chỉ có điều, tôi cảm thấy dưới ngòi bút của mình, hình như con chữ bị nhốt chặt lắm. Chúng không dám cựa quậy, và cũng không dám vùng vẫy. Không ai nhốt chúng cả. Mà chính tôi. Khi đặt bút viết điều gì, tôi cũng suy đi tính lại rất lâu. Đồng nghiệp tôi khi đọc sẽ nghĩ gì? Học trò tôi đọc sẽ nghĩ gì? Tôi muốn bung phá, muốn vùng vẫy. Nhưng không hiểu sai mọi thứ cứ nằm ì như thế. Bạn có tin rằng có nhiều lúc tôi cảm thấy mệt vì những điều như vậy không?
PV: Vậy xin được hỏi chị, nguyên do nào dẫn chị đến với văn chương và chị đến với viết văn trước hay chọn nghề làm giáo viên trước?
Đinh Thị Như Thuý: Tôi chọn nghề dạy học trước tiên là do ảnh hưởng từ một cô giáo thuở tôi học lớp 8 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi ở Đà Nẵng. Tôi còn nhớ tên cô là Mang Thị Bích Phương. Cô đã đem đến cho chúng tôi không chỉ những kiến thức mà còn cả lòng yêu đời, yêu người. Và trên hết cô cho tôi một ý niệm: nghề giáo thật đẹp, thật cao quý. Đẹp và cao quý thật sự trong hành vi, lối sống, trong cách nghĩ, cách nhìn nhận cuộc đời, con người chứ không phải chỉ trong những hô hào chung chung theo kiểu “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” trong nhiều trường học bây giờ.
Còn văn chương, tôi vẫn luôn cho rằng, không phải mình chọn mà được. Văn chương tự thân là một đam mê. Và tôi cũng thấy văn chương an ủi mình nhiều trong cuộc sống.
Nie Thanh Mai: Nếu trả lời câu hỏi của bạn. Tôi thấy quả thực rất khó. Bản thân tôi cũng không biết nguyên do nào đưa mình đến với văn chương. Vì niềm yêu thích, vì sự hy vọng của những người tâm huyết ở Hội VHNT Đắc Lắc mong đào tạo một cây viết trẻ… Tôi phải thú thực rằng mình không phải là một người tài năng. Tôi đến với việc viết lách khá sớm, từ 11 tuổi mà chẳng có tiếng tăm gì. Tôi sinh hoạt ở nhà văn hoá thiếu nhi của tỉnh, chìm lỉm giữa đám bạn nổi trội. Trước khi thi vào sư phạm, tôi quên mất mình đã từng viết lách. Nhưng khi là một sinh viên Ngữ văn, tôi lại cầm bút và bắt đầu lại mọi thứ. Rất vất vả. Và cố gắng để làm được điều gì đó. Đến bây giờ vẫn cứ rất vất vả. Vẫn phải cố gắng làm mọi thứ.
Đôi khi tôi nghĩ. Nếu tôi chọn nghề viết lách chứ không phải nghề giáo viên thì sẽ thế nào? Tôi là người bốc đồng. Thích gì làm nấy. Có khi tôi lại chẳng thuần như thế này đâu.
PV: Rõ ràng là phải có một năng lực rất lớn để khi đứng trước trang giấy, xác định được đối tượng hướng đến không phải là những học sinh, bởi vậy thơ, văn của chị không bao giờ có dáng dấp một bài giảng, xin chị chia sẻ kinh nghiệm này?
Đinh Thị Như Thúy: Tôi nghĩ cần đánh giá cao người đọc, đừng tìm cách giảng giải, đừng sợ người đọc không hiểu mình. Vả lại, tôi thường viết hồn nhiên trong cảm xúc như khóc cười với chính mình vậy thôi. Viết, với tôi là một giải thoát, để làm nhẹ đi những nặng nề ám ảnh trong cuộc sống. Nhưng tôi cũng ý thức rõ viết là rất quan trọng. Và thú vị làm sao khi ta xử lý câu chữ, ngắm nhìn nó ở một góc độ khác, trong một ánh sáng mới, với một ý nghĩa mới.
Nie Thanh Mai: Tôi không có bí quyết nào cả. Đó là sự thật. Khi nào đặt bút viết. Tôi luôn ý thức mình đang viết văn. Khi nào giở vở soạn giáo án. Tôi ý thức ngày mai mình sẽ lên lớp. Việc đầu tiên sẽ dò bài cũ. Tiếp đến giới thiệu bài mới. Thế thôi.
PV: Có ý kiến cho rằng giáo viên, nhất là giáo viên dạy văn ngày nay rất ít chịu khó cập nhật tình hình văn học đương đại, theo chị ý kiến đó có xác đáng không?
Đinh Thị Như Thuý: Đó đang là vấn đề chung của xã hội chứ! Đã có kết luận là văn hoá nghe nhìn lấn át văn hoá đọc đó thôi. Thời buổi kinh tế thị trường người ta quý từng giây phút để hoàn thành vô số công việc đảm bảo thu nhập cho cuộc sống, đôi lúc văn chương bỗng dưng trở thành phù phiếm! Nói như vậy để thấy một thực tế chứ không phải biện hộ cho việc thờ ơ với văn học đương đại của một số giáo viên hiện nay. Hơn nữa trong chuyện này dường như người viết cũng có lỗi. Nếu chúng ta có những tác phẩm thật sự hay thì vẫn có người tìm đến.
Nie Thanh Mai: Tôi cũng có chung ý nghĩ như bạn. Hay đúng hơn là tôi cảm nhận được điều này rất nhiều từ bạn bè chung lớp đại học. Số đông đều ra trường và đi dạy học như tôi. Nhưng tình hình chung thì ngoài bài giảng và những vấn đề thuộc chuyên môn dường như sự tiếp cận với văn chương rất ư là sôi động hiện nay lại quá hiếm hoi. Họ bảo vớ vẩn, tốn thời gian khi văn chương bây giờ khó đọc quá, chữ không đẹp, cấu trúc tác phẩm trúc trắc và không thuộc thể loại nào làm họ mệt mỏi. Thi thoảng có những chuyện xôn xao do báo chí thổi lên, họ mới tìm đọc và lắc đầu than thở rằng văn học bây giờ… Đó là cảm nhận của riêng tôi. Có thể cái nhìn của tôi chỉ hạn hẹp trong đám bạn bè cùng trang lứa hay vài người trong số tôi biết. Tôi không dám nhận định là “nhìn chung” đâu nhé bạn.
PV: Vừa là một giáo viên, lại vừa là người viết văn trẻ, chị có nhận xét gì về tình hình văn học trẻ hiện nay ở nước ta?
Đinh Thị Như Thuý: Tôi nhìn thấy sự chuyển động mạnh mẽ trong văn học với sự xuất hiện của một loạt tác giả trẻ, cho dù đó đây có những tranh cãi gay gắt, những khen chê trái chiều. Nhưng điều đó chỉ thể hiện văn học của chúng ta đang vận động dữ dội để thoát khỏi một lối mòn quen thuộc… Tôi và bạn bè yêu văn chương vẫn hy vọng vào một sự bứt phá thật sự. Và hơn lúc nào hết, chúng tôi cần định hướng một cách nghiêm túc từ các nhà phê bình. Thật và ảo lẫn lộn khi định giá tác phẩm cũng đang làm mất lòng tin của những người yêu văn chương.
Nie Thanh Mai: Nhiều người đã nhận định rồi phải không bạn? Sự sôi động trong tình hình văn học hiện nay khiến tôi cảm thấy thú vị. Và đôi khi tôi cũng thấy lo âu. Tôi nhìn thấy nhiều sự tuyệt vọng, bế tắc của những người trẻ như tôi quá. Cuộc sống đầy rẫy phiền muộn và mệt mỏi tràn ngập trong tác phẩm của họ, của tôi.
Bản thân tôi thấy vui vì mình không lạc hậu trước mọi điều đang diễn ra. Tôi thấy mình cũng đang hoà nhập trong dòng thác cuồn cuộn ấy. Cũng bơi, cũng ngụp lặn và cố gắng tìm cho mình một bến bờ nào đó.
PV: Như thế thì thật đáng mừng cho tương lai văn học nước nhà. Nhưng cũng có một thực tế đáng buồn là hầu hết học sinh bây giờ ít yêu thích văn học cũng như việc học văn. Những học sinh giỏi văn thường ít được coi trọng hơn học sinh giỏi các bộ môn khác. Như vậy có thiệt cho giáo viên dạy văn quá không? Vì đâu mà học sinh lại ít mặn mà với môn văn như vậy? Liệu chúng ta có thể làm gì?
Đinh Thị Như Thuý: Tôi buồn vì các em ít yêu thích văn học cũng như ít nhiều xao nhãng việc học văn. Nhưng không thể trách các em. Các em có quyền yêu và lựa chọn đối tượng ưu tiên trong việc học. Bởi cần nhận thấy một thực tế hiện nay là văn chương không được cuộc đời “đền bù” thoả đáng so với các ngành nghề từ các môn học khác. Nhưng cái chính là chương trình và sách giáo khoa môn văn học vẫn có quá nhiều bất cập. Chỉ nói riêng với quy định số tiết cho mỗi bài dạy đã làm một vấn đề khô cứng, bó buộc rồi. Rồi còn nội dung chương trình, người soạn sách đã quá ôm đồm khi muốn đưa quá nhiều vấn đề giáo huấn vào việc dạy văn… Rồi những mục tiêu cần hướng tới khiến giáo viên khi lên lớp phải chăm chăm làm sao truyền đạt cho hết những đơn vị kiến thức đã được quy định nếu không thì đến kỳ kiếm tra học sinh sẽ không đáp ứng được yêu cầu của đề… Thật khó để tạo nên sự quyến rũ của bài giảng trong điều kiện như thế. Và nếu giáo viên không có được sự sáng tạo khi giảng thì thử hỏi học sinh làm sao có sự sáng tạo khi làm bài? Rõ ràng chương trình và cách ra đề kiểm tra cùng bao thứ không “văn” khác trong việc dạy và học đã giết chết chính sự say mê văn chương vốn thường trực trong mỗi tâm hồn trẻ thơ của học sinh.
Cần nói thêm một điều rằng những tiêu cực trong xã hội cũng làm các em hoài nghi và thấy văn chương xa rời cuộc sống. Các tác phẩm văn chương đang được chọn dạy trong nhà trường thường xây dựng những con người rất đẹp, rất lý tưởng đến mức khó tin. Nhưng chưa bước ra khỏi cổng trường các em gặp ngay bao điều phi lý, những chạy trường, chạy điểm, những học giả bằng thật… Rồi mua quan bán chức, rồi tham nhũng quan liêu… Rồi sự tha hoá của bao người đang ở những cương vị không được quyền tha hoá. Lời giáo huấn của thầy cô liệu có tan nhanh như bong bóng xà phòng cùng những đổ vỡ trong chính tâm hồn các em?
Nie Thanh Mai: Thực tế mà bạn nói không chỉ là bây giờ mà có từ lâu rồi. Học sinh càng lúc càng ít thích thú việc học văn. Và không ít các em học sinh mê mải với những Toán, những Hoá… mà xem môn Văn là một môn học tốn thời gian và dài dòng. Việc các em say mê đọc sách văn học quá hiếm hoi. Và việc học sinh hiểu biết về tình hình văn học trẻ đang diễn ra lại ngày càng ít ỏi hơn nữa, mặc dù đa phần học sinh đều có thể cập nhật mạng Internet.
Tôi nghĩ các em say mê các môn học tự nhiên không có gì đáng trách. Hàng năm số lượng thí sinh thi vào khối A thường nhiều gấp hai, ba lần học sinh thi khối C. Thí sinh thi vào khoa Ngữ văn lại càng ít ỏi. Sinh viên khối A dễ dàng tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp hơn sinh viên các khối C. Và sinh viên Ngữ văn cứ trầy trật tìm cho mình một chỗ đứng.
Bạn hỏi tôi biện pháp khắc phục? Trời đất. Sao bạn cứ hay hỏi khó tôi như vậy? Nghĩ ra biện pháp không có gì khó khăn cả. Tôi chỉ băn khoăn vì nó chỉ luôn là những suy nghĩ và “ước gì” mà thôi.
PV: Với sức nặng từ việc bồi dưỡng, giáo dục tâm hồn, nhân cách và truyền thụ kiến thức có thế hệ trẻ và việc viết văn cũng là mang đến cái đẹp cho đời, có bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi và quá sức? Những lúc như vậy, điều gì khiến các chị có thể vượt qua đế tiếp tục làm việc, tiếp tục sáng tác và có những thành công như ngày hôm nay?
Đinh Thị Như Thuý: Mệt mỏi và quá sức là điều không tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng cuộc sống cũng luôn cho ta niềm vui. Tôi có một mảnh vườn, một ngôi nhà, và một gia đình nhỏ. Lúc mệt mỏi tôi thích làm cỏ vườn, dọn dẹp nhà cửa và thật bình yên nếu bên tôi có những người thân. Tôi luôn biết ơn vì những điều tốt đẹp và mọi người chung quanh đã mang đến cho mình, đồng thời tôi cũng được bạn bè và học sinh quý mến. Được tiếp tục làm việc, tiếp tục sáng tác cũng là niềm vui và hạnh phúc của bản thân tôi.
Nie Thanh Mai: Tôi dạy ở trường dân tộc nội trú. Học sinh của tôi là người dân tộc thiểu số. Nhiều em nói tiếng Kinh còn chưa sõi, viết đúng chính tả trong bài làm văn là tốt lắm rồi. Vì vậy việc khiến các em cảm thụ và yêu tác phẩm văn chương là một điều cực kỳ khó khăn. Đôi lúc tôi mệt mỏi vì những điều mình giảng không đọng lại được bao nhiêu ở các em. Nhưng tôi không thấy nản lòng. Tôi xem học trò là người thân và tôi thấy mình của nhiều năm về trước ở các em. Tôi cũng học được quá nhiều từ học trò của mình. Chúng mang đến cho tôi không khí của buôn làng. Điều mà một cây viết người dân tộc thiểu số như tôi lại không sống giữa buôn làng để hít thở không khí của rừng, của núi.
* Xin cảm ơn các nhà giáo đã tham gia cuộc trò chuyện này.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, chúc các chị ngày càng vững bước trên con đường làm nhà giáo - nhà văn đầy khổ ải mà cao quý.
Hà Anh (thực hiện)
Nguồn: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc