Viết được Tác phẩm mới nhờ...ngồi tù

Thứ bảy - 13/11/2010 09:23 1.552 0

Nhà văn Frédéric Beigbeder.

Nhà văn Frédéric Beigbeder.
Frédéric Beigbeder (sinh năm 1965) là một trong những nhà văn hiện đại Pháp nổi tiếng nhất hiện nay. Ông tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu chính trị Paris và Đại học thông tin và truyền thông. Vinh quang văn học đến với ông nhờ các tiểu thuyết "Hồi ký của một thanh niên bị quấy rầy" (1990), "Kỳ nghỉ trong cơn hôn mê" (1995), "Tình yêu kéo dài ba năm" (1997), "99 quan" (đã dịch ra tiếng Việt), "Cửa sổ mở ra thế giới" (2003), "Kẻ ích kỷ lãng mạn" (2005) ...
Cuốn sách mới nhất của ông "Tiểu thuyết Pháp" đã được trao giải thưởng văn học Renaudot.  Frédéric Beigbeder viết tác phẩm này trong thời gian ông bị giam giữ vì sử dụng ma túy. Nhân dịp "Tiểu thuyết Pháp" được xuất bản bằng tiếng Nga, tác giả có cuộc trò chuyện với phóng viên báo "Tin tức" về cuốn tiểu thuyết mới này.

Frédéric nói, ông rất ngạc nhiên vì câu chuyện riêng tư và chân thành của ông về tuổi thơ lại lay động nước Pháp đến thế. "Quả là cuốn sách này rất khác với những gì tôi đã viết trước đây. Trong đó không hề có ma túy, gái điếm, hộp đêm, quảng cáo lẫn cuộc sống xã hội thượng lưu. Đây là sự đổi mới văn học của tôi, cuốn sách về cội nguồn - về một cậu bé dạo chơi với ông mình trên bãi tắm. Bằng cuốn sách này tôi muốn đặt mọi vật vào vị trí của mình, kể về bản thân".

Mặc dù "ngạc nhiên", song tác giả của "Tiểu thuyết Pháp" cũng tiết lộ rằng, ông sẽ rất buồn nếu như cuốn sách này lại bị bỏ qua và không được công nhận: "Về mặt nào đó, điều này có nghĩa là độc giả không thích tôi như một nhà văn lẫn con người. Khi biết tin được giải, tôi sung sướng như một đứa trẻ! Hơn nữa điều đó có tính chất tượng trưng - tôi được trao giải sau 20 năm ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay".

Tới nay, chỉ riêng ở Pháp, cuốn sách đã bán được hơn 300.000 bản - điều mà tác giả không bào giờ ngờ tới.

Trả lời câu hỏi: "Có phải cuốn sách thu hút độc giả là bắt nguồn từ một xìcăngđan mà tác giả của nó dính phải: Bước ra từ một hộp đêm, ông cùng với một anh bạn đã đổ côcain lên mui xe của một kẻ lạ. ở tuổi 42 ông có thấy xấu hổ khi bị cảnh sát bắt vì một trò tếu như vậy không?", Frédéric bộc bạch: "Tất nhiên, tôi không tự hào về hành vi của mình. Nhưng câu chuyện này có cả mặt tốt: Nhờ nó mà tôi được sống một mình, tôi có thời gian cân nhắc hành vi này và nhìn nhận cuộc sống của mình từ một phía khác. Trong thời gian thế chiến thứ hai, chẳng hạn, ông tôi đã cứu những người Do Thái, còn tôi ở vào tuổi đó, lại bị bắt vào đồn vì một trò ngốc nghếch....Thật khủng khiếp!".

Lý giả việc vì sao trong cuốn sách, Frederic lại so sánh mình với Limonov (nhà văn Nga hiện đại), Voltaire và Dostoyevsky, mặc dù thời gian ngồi tù của ông ít hơn họ hàng trăm lần, tác giả giải thích: "Cuốn sách này còn nói lên rằng nhà tù là nguồn cảm hứng đối với các nhà văn. Khi bạn bị nhốt trong một xà lim có diện tích bằng cái bàn, bị lột mất đồng hồ, không có gì đọc, thì xảy ra một hiện tượng kỳ lạ - chỉ đúng một giây sau bạn cảm thấy cần phải ra thoát ra khỏi đấy. Mỗi phút dài bằng một năm, còn 36 giờ tôi ngồi trong nhà giam trở thành thế kỷ. Trong những điều kiện đó, lối thoát duy nhất để ra khỏi nhà tù là ở trong tưởng tượng, mơ ước. Khi bạn bị nhốt, tự nhiên bạn bắt đầu nghĩ tới tuổi thơ. Về mặt này có một cái gì đó chung giữa cuốn sách mới nhất của tôi với nền văn học Nga - để viết nó, tôi phải vào tù. Sự giam cầm như một phương pháp làm việc của nhà văn - vốn là truyền thống đặc thù của nước Nga".

"Kết quả là nhờ có sự hà khắc của cảnh sát Pháp mà ông viết được một cuốn sách hay nhất của mình?"

"Vâng, nhận giải thưởng Renaudot và kiếm được một đống tiền! Vì vậy, hễ có dịp là tôi cảm ơn ngành cảnh sát và cá nhân ông quan tòa" - Frédéric đáp.

Tác giả: Trần Hậu

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây