Những buồn vui về sách

Thứ năm - 18/11/2010 03:10 1.752 0

Những buồn vui về sách

Một năm sắp qua đi, thị trường sách văn học trong nước có nhiều biến động, nhưng lại là những biến động tiêu cực. Từ sự lép vế của sách văn học trong nước so với sách văn học dịch đến việc các đầu nậu nhũng nhiễu thị trường sách. Nhiều nhà văn kêu ca nạn in lậu tràn lan, đã khiến cho công sức của họ thành công dã tràng.

Nhộn nhịp sách văn học dịch

Chưa bao giờ văn học dịch lại nhộn nhịp như năm 2009 và 2010. Hàng loạt cuốn sách được các công ty sách mua bản quyền, dịch và in ấn, phát hành. Dường như mỗi tuần đều có những cuốn mới. Trên giá, sách văn học Việt Nam lọt thỏm trước sách văn học dịch. Tuy nhiên, mỗi năm cũng có vài chục cuốn được in mới, xuất hiện trên giá, phần còn lại là sách tái bản. Mặc dù lượng giấy phép cấp cho sách văn học trong nước ở các NXB không hề ít, nhưng phần lớn là sách do tác giả tự bỏ tiền in, không được góp mặt trên giá sách, hoặc sách in trong chỉ tiêu của các NXB, nên chỉ tìm thấy trong các thư viện. Mà sách được đưa vào thư viện, thường với số lượng 500 - 800, nhiều hơn là 1.000 bản, chúng có thể may mắn được đọc đến, hoặc chịu số kiếp hứng bụi thời gian.

Tìm loại sách văn học dịch, người ta sẽ thấy chúng chẳng những được in rất đẹp, bắt mắt, thậm chí in bìa cứng kèm theo bìa lót. Đấy là chưa kể đến sự đa dạng trong cách viết, cách thể hiện và cụ thể hơn là chất lượng của những tác phẩm. Ngược lại với sự đa dạng của sách dịch, sách văn học trong nước hiện tại lại tạo cho bạn đọc cảm giác đơn điệu. Sách trong nước đơn điệu về đề tài, về nội dung thể hiện. Những cuốn được gọi là có chỗ đứng trong năm qua cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một thực trạng buồn đang diễn ra là không phải cuốn sách dịch nào cũng hay, mà thị trường sách dịch cũng đang bị loạn. Người ta đều cố tình gán cho nó chữ best-seller mà thực ra chất lượng của nó quá đỗi bình thường. Cũng từ sự PR một cách quá đáng này mà nhiều độc giả chỉ tìm đọc văn học dịch mà bỏ qua văn học trong nước, đến khi thất vọng trước chất lượng sách dịch thì họ cũng mất luôn niềm tin vào văn học trong nước.

Một điều cũng đáng buồn đối với nhà văn, là hiện nay sách dạy làm đẹp, dạy làm quan, dạy kiếm tiền và sách giải trí nở rộ, tràn lan không có người kiểm soát. Cho nên sách văn học (cụ thể là tác phẩm của họ) cũng bị chìm nghỉm trong vô vàn những cuốn sách kém chất lượng. Công sức của nhà văn bỏ ra đầu tư cho tác phẩm thì nhiều, mà sách thì ế. Đứng ở trung tâm mua bán sách nhộn nhịp nhất trên phố Đinh Lễ (Hà Nội) thì thấy, tất cả các loại sách vừa kể trên, kể cả sách văn học dịch đều bán chạy hơn so với sách văn học Việt Nam. Lượng bạn đọc "tiềm năng" là thanh thiếu niên hiện nay lại rất thờ ơ với văn học. Họ đi tìm những sách tâm lý, tình yêu, tham khảo, truyện tranh cho mình và say mê với những loại đó.

Bị đối xử tồi: Nhà văn kêu trời!

Nhiều nhà văn hiện nay kêu trời vì tình trạng sách lậu lấn sách thật, những người làm việc miệt mài để làm ra sản phẩm như nhà văn hưởng ít, còn những người in ấn, kinh doanh sách thì hưởng nhiều. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, rất nhiều nhà văn có tài, nhưng cũng không thể sống được bằng nghề viết lách. Chỉ vì thù lao cho mỗi cuốn sách quá bèo bọt. Nhà văn Tô Hoài từng có cuốn tiểu thuyết "Kẻ cướp bến Bỏi", mà ông đã sửa đi sửa lại 4 lần (đều chép tay), với 300 trang in. Số tiền nhuận bút ông được trả (đã ưu tiên) là 1 triệu 4 trăm ngàn đồng. Nhà thơ Ngô Văn Phú cũng có hơn trăm cuốn sách đã xuất bản, trong đó những cuốn tiểu thuyết ông chỉ được trả từ 1 đến 4 triệu. Riêng về thơ, ông phải tự bỏ tiền ra in, mà mỗi tập thơ kinh phí bằng nhuận bút 2 cuốn tiểu thuyết. So sánh với nhà văn nước ngoài, nhà văn ta thiệt thòi quá mức. Với lượng in hàng vạn bản, một vài cuốn tiểu thuyết là có thể mua được nhà, trong khi nhà văn ta tiền nhuận bút một cuốn sách đủ khao bạn bè vài bữa nhậu. Bản thân tôi, người viết bài này cũng in đến chục cuốn sách và nhuận bút nhận được cũng chỉ được nhiều nhất là 5 triệu đồng cho cuốn sách bán chạy. Trước thời buổi kinh tế thị trường, giá cả leo thang, với mức nhuận bút như vậy làm sao nhà văn sống được?

Nhà văn không sống được, dù nhiều người có khả năng viết và viết hay là do nạn in lậu sách tràn lan, rất nhiều người làm sách ở những công ty sách sống trên lưng họ. Không phải tất cả những công ty đều nhập nhèm trong chuyện tiền bản quyền cho tác giả, nhưng chính rất nhiều "con sâu" trong làng in ấn, phát hành đã tạo nên sự nhiễu loạn. Người làm thật thì ăn giả mà làm giả thì ăn thật. Người kinh doanh sách thì giàu, thay đổi mốt xe liên tục, còn các nhà văn hì hụi làm việc thì được hưởng chế độ như... bèo!

Đó chỉ là một khâu "ăn chặn" phần của nhà văn, trắng trợn hơn, có nhiều kẻ chẳng biết tác giả cũng như NXB là ai. Họ chuyên nghe ngóng trên thị trường xem có cuốn sách nào mới xuất bản hấp dẫn hoặc có vấn đề nóng... liền mua về sao chụp làm giả giống hệt rồi bán khắp nơi với giá rẻ hơn cả giá thành cuốn sách thật. Nhiều công ty sách, NXB đã phải dán tem chống giả cho sách của mình nhưng vẫn bị in lậu. Vì chuyện in lậu, nối bản mà không thông báo để trả tiền tác giả đã xảy ra như cơm bữa, không gì ngăn nổi. Cho nên, các nhà văn đã cố sống chung với... "lũ". Họ cố tỏ ra lạc quan hơn về vấn đề đó. Người thì vì tính sĩ diện mà bỏ qua, người thì vì tinh thần AQ, cho rằng sách của mình có bán chạy thì họ mới in lậu, nên bỏ mặc luôn! Những cơ quan hữu trách cũng cần phải phát huy hết vai trò và trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi cho nhà văn. Chính vì việc xử nhẹ đối với những kẻ sống trên lưng nhà văn, đã khiến cho việc chống in lậu chưa có hiệu quả. Và nhà văn vẫn là những người còng lưng để nuôi những con tầm gửi.

Tri thức rẻ, ảnh hưởng động lực sáng tạo

So sánh với các nước khác thì thấy chạnh lòng cho việc sáng tạo văn chương ở nước ta. Ở nhiều nước trên thế giới, một nhà văn in chừng 3 cuốn, thậm chí 1 cuốn là có thể mua được một căn nhà. Còn ở Việt Nam ta, với tình trạng nhuận bút cho tiểu thuyết như hiện nay thì để có 100 triệu nhuận bút, có khi mất hai đời người. Sách in ít, giá sách lại rẻ, nhà văn chỉ được hưởng 8 - 12% giá bìa. Nếu đem so với ca sĩ, hát một bài mất mấy phút đồng hồ mà được cả chục triệu đồng thì càng thấy thương cho các nhà văn. Tuy nhiên, nhiều nhà văn coi việc viết lách là niềm đam mê, là sứ mệnh của đời mình. Không phải viết văn để kiếm tiền, mà sẽ kiếm tiền sinh sống bằng những công việc khác. Nói thì nói vậy, nhưng với cái giá của việc sáng tạo văn chương bèo bọt như vậy, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến động lực sáng tạo của các nhà văn. Nếu được đối xử công bằng, công việc sáng tạo văn chương sẽ khởi sắc hơn, các nhà văn sẽ có động lực mà đầu tư cho những tác phẩm có giá trị.

Tác giả: Phú Xuyên

Nguồn tin: Sức khỏe & Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây