Nếu còn dám sống chết với thơ

Thứ tư - 10/11/2010 04:41 1.583 0

Nếu còn dám sống chết với thơ

Không sống chết với thơ thì thử hỏi làm sao có thể có thơ hay được đây. Cho nên tôi cứ nghĩ: Nếu còn có người dám sống chết với thơ, tâm huyết với người, với đời thì sẽ còn có thơ hay, thơ để đời. Dĩ nhiên, còn có một điều kiện tiên quyết nữa, là tài năng…

Người làm ruộng nương mong có được mùa màng bội thu. Nhưng trời đất lúc mưa thuận gió hoà, khi nắng mưa thất thường, bão, lũ lụt, ngập, dễ bị mất mùa, thất bát như chơi. Đấy là do trời. Nhưng cái đáng nói là do chính con người. Như nạn áp bức bóc lột, nạn đốt phá rừng, nạn du canh du cư, nạn ngu dốt…

Người đi quăng chài mong quăng được cá. Nhưng người đi quăng chài không phải lúc nào cũng quăng được cá, nhiều khi đành vác chài quay về với cái rọ không. Nguyên nhân có thể do suối không có cá, do không may, do thiếu kinh nghiệm, còn vụng về non kém trong công việc quăng chài…

Người đi hát đối mong tìm được bạn tình. Nhưng tìm được bạn tình ưng ý, đôi bên cùng say đắm nhau, tâm đầu hợp ý, đâu có dễ, có thể mãi mãi vẫn chỉ là một ước mơ, một khát khao mà thôi…

Làm thơ cũng thế, ai làm thơ cũng ước làm được thơ hay. Thời kháng chiến chống Pháp muốn có thơ hay về kháng chiến chống Pháp, thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước muốn có thơ hay về chống Mỹ cứu nước, thời đổi mới muốn có thơ hay về đổi mới… Đó là muốn: của Đảng, của nước, của dân, của đông đảo độc giả, của chính người làm thơ. Và thực tế chúng ta đã có thơ hay về chống Pháp, chống Mỹ, về đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp, về tổ đổi công, hợp tác xã, về dựng xây đất nước, về tình yêu, hạnh phúc gia đình… Những bài thơ hay đó, ai cũng biết, cũng thuộc, cũng nhớ, vì những bài thơ đó đã đi vào lòng người đọc, làm người đọc xúc động, bâng khuâng, xao xuyến, nhớ nhung, những gì không phai mờ về một hình ảnh, một tấm gương, một mối tình, một triết lý, một nghĩa cử, một phút giây… đã làm nên lịch sử, đã làm nên bất tử.

Tôi chợt nghĩ, hoá ra thơ cũng có mùa màng, thời vụ. Thơ thời xưa, thơ thời nay, thơ chống Pháp, chống Mỹ, thơ tổ đổi công, hợp tác xã, thơ thời đổi mới, và sẽ còn có thơ của các thời về sau này nữa. Thời thế, thế thời thế nào thơ thế ấy. Lòng người thế nào thơ thế ấy. Hiện nay chúng ta đang được mùa về số lượng người làm thơ, về số bài thơ, tập thơ được in ra, kể cả thơ tuyển cũng nhiều chưa từng có. Còn chất lượng thơ thì xem ra hình như lại chưa được người đọc yêu nhiều, nhớ nhiều như thơ thời chống Pháp, chống Mỹ. Hiện nay chưa có hoặc rất khó có thể có được những bài thơ đi vào lòng người rộng rãi kiểu như: Bầm ơi! (Tố Hữu), Núi đôi (Vũ Cao), Quê hương (Giang Nam), Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ)… Tất nhiên thơ thời bình không giống thơ thời chiến, thơ thời thống nhất đất nước không giống thơ thời đất nước bị chia cắt, cái hay của thơ thời bình cũng khác cái hay của thơ thời chiến, cũng như thơ dân tộc này không giống thơ dân tộc khác, bởi mỗi dân tộc có một ngôn ngữ, bản sắc riêng… Điều đó ai cũng biết, nhưng thể hiện được bằng một bài thơ hay, dù tuổi tác, sức khoẻ vẫn còn trẻ trung, sung mãn, nhưng lại khô cứng về tư tưởng, tình cảm, tâm hồn. Đấy là chưa kể hiện nay có rất nhiều người làm thơ chỉ chăm chăm lo kiếm sống, kiếm tiền, lo lên chức, lên lương, lo làm giàu, chỉ coi việc làm thơ ở hàng thứ yếu, làm cho vui, thích thì làm, không thích thì thôi…

Không sống chết với thơ thì thử hỏi làm sao có thể có thơ hay được đây. Cho nên tôi cứ nghĩ: Nếu còn có người dám sống chết với thơ, tâm huyết với người, với đời thì sẽ còn có thơ hay, thơ để đời. Dĩ nhiên, còn có một điều kiện tiên quyết nữa, là tài năng…

Tác giả: Lò Ngân Sủn

Nguồn tin: Tạp chí Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây