Chuyện hài “phá án”
Sau khi phát hiện một số đầu sách best-seller của mình bị in lậu bày bán công khai, nhà xuất bản (NXB) A nóng ruột, tự xắn tay vào cuộc. NXB nọ đã lên kế hoạch tác chiến, cho nhân viên đóng vai, giả dạng tiếp cận đối tượng và kêu cơ quan an ninh đến phục kích “bắt tận tay day tận mặt” một điểm tập kết sách lậu đang chuẩn bị tuồn ra thị trường.
Phi vụ đặc nhiệm này trở nên hy hữu trong làng xuất bản, được nhiều báo chí truyền thông hả hê vỗ tay tán thưởng. NXB A cũng thấy hài lòng, bèn đề xuất cơ quan chức năng thưởng tiền và bằng khen lập chiến công cho những cơ quan an ninh đã hợp tác nhiệt tình. Nhưng chẳng may, tại buổi tôn vinh “thành tích phá án”, các nhà báo đã liên tục đứng lên “làm khó” cơ quan an ninh bằng những câu hỏi như: cơ quan chức năng sẽ xử lý đống sách lậu bắt được như thế nào, có động thái gì liên kết với cơ quan an ninh những địa phương khác phá đường dây một cách triệt để?...
Theo nguồn tin đáng tin cậy, sau buổi tặng thưởng cho chiến công ấy, có vị lãnh đạo trong cơ quan an ninh (được nhận bằng khen) đã quay trở lại “khiển trách” NXB chỉ vì… “đã cung cấp quá nhiều thông tin cho nhà báo, để họ làm khó chúng tôi!”
Chuyện buồn tác quyền
Trong giới kinh doanh xuất bản sách, lâu lâu lại dội lên một vụ phát hiện sách lậu. Việc kêu cứu phát hiện sách lậu để truyền thông lên tiếng đến nay có người coi như một màn “làm màu đầy tuyệt vọng” của các đơn vị làm sách. Chỉ đơn giản, phần đông những đại gia kinh doanh sách đều cho rằng, sống chung với sách lậu là… khôn ngoan. Bởi vì thiệt thì có thiệt, đắng cay thì có đắng cay đấy, nhưng nếu… “bắt nó thì mình mần ăn với ai”? Kẻ làm sách lậu có khi là chị đối tác, anh đồng nghiệp, thậm chí, rõ ràng nhất là nhà in, nơi mình thường xuyên lui tới ký hợp đồng, nơi quyết định khá lớn đến chất lượng sản phẩm!
Nhiều nhà văn, nhiều công ty sách, NXB nước ngoài đã có tác phẩm dịch sang tiếng Việt đã lên tiếng sau đó thì dè dặt khi ký hợp đồng tác quyền in sách tại Việt Nam. Giới giao dịch tác quyền đã không ít người nói cay đắng rằng, một trong những cách nằn nì người ta giảm phí tác quyền cho mình đó là nói rằng “Ở xứ tôi sách lậu nhiều lắm! Nếu các ông đòi tác quyền cao quá thì làm sao những người làm ăn chân chính như chúng tôi có lãi?”. Trước tình thế đó, nhiều đối tác nước ngoài lắc đầu. Họ nghĩ rằng, Việt Nam là một xứ sở lạ kỳ về tác quyền. Làm gì có một môi trường xuất bản mà sách viết chưa xong đã… lên kế hoạch đối phó sách lậu!
Thế rồi một ngày, trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLLC) bỗng phát hiện ra chuyện tập đoàn Google đã số hóa và đưa 4.000 tác phẩm của các tác giả Việt Nam lên chuyên trang Googlebooks (www.book.google.com) của mình, cho đọc và tải tự do. Báo chí Việt Nam xôn xao. Các nhà văn ở xứ này xưa nay sống chung với vấn nạn sách giả, quen với tình trạng o ép ngậm ngùi bởi đời sống xuất bản trong nước, nay giật mình: cái quyền tác giả của mình hoá ra cũng còn, và nó không nhỏ. Dưới sự hỗ trợ pháp lý của VLLC, một số nhà văn đã lên tiếng đòi Google phải xử đúng. Trong lúc đó, số đông nhà văn khác lại có tâm lý thờ ơ, cho rằng không đáng phải lên tiếng, như thể đã thích nghi với thực trạng cay đắng này, “biết bệnh” nhau cả rồi, việc đòi quyền tác giả sợ bị coi là “làm màu” cho ra vẻ văn minh? Có người lại tỏ ra “thận trọng” hơn: chúng ta tố cáo kẻ khác hoá ra tự… kết tội mình?
Quy chế và tập quán
Nghe đâu sau khi VLLC ngỏ lời thương lượng, Google có đánh tiếng rằng, nếu tác giả Việt Nam nào khiếu nại sẽ được trả mỗi đầu sách 60 USD.
Tác quyền, đến đây, là vấn đề thuộc về ứng xử văn hoá, không chỉ dừng lại ở chuyện trả tiền cho xong. Bầu không khí pháp luật trong xuất bản đã đến lúc phải thay đổi ngay tại môi trường giao dịch tác quyền trong nước, đòi hỏi sự công bằng phải có từ chính “người trong nhà” với nhau thì mới mong được tôn trọng khi đối diện với những vấn đề mang tính đối ngoại, xuyên quốc gia. Bốn ngàn cuốn sách đưa lên Google không một lời xin phép, thoả thuận nào với các tác giả Việt Nam là một sự kiện đẩy tới cùng của tình trạng ứng xử kém vững vàng trong môi trường pháp lý tác quyền và nhận thức, tập quán bảo vệ sở hữu trí tuệ còn yếu (chuyện động trời này của Google có thể được biện hộ bằng câu “nhập gia tuỳ tục”?) Một vướng mắc khác mà Google đã dùng để bảo vệ cho việc làm của mình đó là chuyện cung cấp những đầu sách lên mạng chỉ với mục tiêu lưu trữ, mở rộng tiện ích đọc như một thư viện dữ liệu trên mạng, không vì mục tiêu kinh doanh.
Công ước Berne về bảo hộ các quyền tác phẩm văn học nghệ thuật, có những pháp chế chi phối rộng rãi các quan hệ xuyên quốc gia về quyền tác giả. Nhưng ngoài luật quốc tế, một số quốc gia còn ban hành những pháp chế riêng từ trong nước, liên tục “cập nhật” những điều kiện mới phát sinh như truyền thông media, mạng internet…; ngoài ra, việc phát huy chức năng, tiến hành cam kết ràng buộc pháp lý giữa những nghiệp đoàn, đơn vị xuất bản, bảo vệ quyền tác giả… để những quyền cơ bản, quy định chung được thực thi tốt, đem lại những nguyên tắc đảm bảo công bằng tối đa có thể. Về mặt này, luật Sở hữu trí tuệ và luật Xuất bản Việt Nam còn chưa vững để xử lý những “tình huống mới”.
Việt Nam tham gia công ước Berne hơn năm năm nay. Nhưng vẫn có những tình huống lúng túng hài hước: đôi khi chính người bị hại lại nghĩ mình được ban ơn, chính kẻ cắp lại nghĩ mình đang lương thiện và cơ quan bảo vệ an ninh trong lĩnh vực này vẫn đang… ngẩn ngơ đứng giữa trận tiền! Tạo ra một cơ chế mà người sáng tạo bảo vệ được quyền sở hữu sản phẩm tinh thần do chính mình làm ra, người sử dụng thấy được phải có nghĩa vụ tôn trọng giá trị sáng tạo mình đang hưởng thụ là những đòi hỏi không chỉ mang tính pháp lý, mà hơn cả, là vấn đề nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, tập quán và văn hoá. Trong nhà chưa nghiêm, ra ngõ khó yên!
Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nguồn tin: Sài Gòn tiếp thị
Ý kiến bạn đọc