Văn chương đồng bằng - dòng chảy trầm

Thứ năm - 03/09/2009 01:10 2.472 0

Buffet truyện ngắn đồng bằng góp thêm một đầu sách cho văn chương ĐBSCL

Buffet truyện ngắn đồng bằng góp thêm một đầu sách cho văn chương ĐBSCL
Lực lượng các nhà văn vùng đồng bằng sông Cửu Long không ít nhưng văn xuôi đồng bằng vẫn còn là một dòng chảy trầm chưa đủ tạo nên một sức bật mạnh mẽ mang nét riêng cho dòng văn học của miền sông nước Nam Bộ.

Tuyển tập Buffet truyện ngắn đồng bằng có sự góp mặt của nhiều nhà văn tên tuổi và các cây bút trẻ: Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Hồng, Trầm Nguyên Ý Anh, Trịnh Bửu Hoài, Hồ Tĩnh Tâm, Diệp Hồng Phương, Hồ Kiên Giang, Mai Bửu Minh, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt... (do Công ty Sơn Ca và NXB Trẻ ấn hành) vừa được ra mắt tại TP Cần Thơ là dịp hiếm hoi để các nhà văn miền Tây cùng ngồi chung chiếu văn chương, nhìn lại toàn cảnh văn chương miền sông nước Nam Bộ.

Đậm nét không gian đặc trưng

Mỗi tác phẩm trong tuyển tập thể hiện một lát cắt cuộc sống, mang đến cho độc giả những mảng màu chân thực về cuộc sống của người dân miền sông nước. Cái dân dã, mộc mạc, cái tình, cái nghĩa thật thà của người dân quê; những bi kịch số phận; những lo toan đau đáu về cuộc mưu sinh và cả những nỗi cùng quẫn không lối thoát của bao cảnh đời nghèo được khắc họa như những nét chấm phá của một bức tranh toàn cảnh về vùng đất và con người rất đặc trưng Nam Bộ. Các nhà văn đã thổi vào mỗi câu chuyện của mình một hồn quê chân chất. Mang đậm nét Nam Bộ không lẫn vào đâu được, nhất là hình ảnh vịt chạy đồng với nỗi cơ cực của người dân qua tác phẩm truyện ngắn mang hơi hướng bút ký Những mảnh đời trôi dạt của tác giả Trần Thôi. Những cư dân du mục lùa vịt đi khắp các cánh đồng với những nỗi sợ hãi thường trực: bị ép giá trứng, bị bẫy vịt, bị giành đồng và cả hà hiếp lấn áp khi lùa vịt qua những cánh đồng “đã có chủ”... Cuộc sống với những đấu tranh khốc liệt vì miếng cơm manh áo nơi đồng sâu có nhiều góc khuất đau nhói lòng.

Chân dung con người cũng được tập trung khai thác khá nhiều trong các tác phẩm tham gia tuyển tập. Văn chương bắt đầu từ đời sống hiện thực, mỗi một hình ảnh nhân vật đều mang dáng dấp con người thật với những đau khổ nhọc nhằn sống lẩn khuất đâu đó giữa những mảng xanh của cánh đồng, giữa sự lênh đênh mênh mông trên những dòng sông. Có thể nói, Buffet truyện ngắn đồng bằng gần như đã thể hiện khái quát được bức họa đồng quê khi các tác phẩm vừa có hình ảnh lại vừa mang thanh âm của tiếng sóng cùng những điệu hát, câu hò của người Nam Bộ. Câu chữ mộc mạc đậm chất Nam Bộ cùng cách hành văn giản dị đã tạo nên sự gần gũi, chân thật mang đậm bản sắc của cuộc sống sông nước.

Tiếng chuông chưa ngân xa

Các nhà văn vùng sông nước Nam Bộ có lợi thế khi sống với miền đồng bằng và hiểu rõ không gian sống và con người của vùng đất này. Cuộc sống thật đã là chất liệu sống động cho văn học. Nhiều nhà văn cho biết họ viết tác phẩm từ nguyên mẫu có thật ngoài đời.

Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác vẫn thấy văn chương ĐBSCL còn thiếu một sức hút từ giá trị chiêm nghiệm của câu chữ. Nét đẹp bền vững của một tác phẩm văn học là để lại được giá trị suy ngẫm sâu sắc cho độc giả nhưng điều này vẫn còn khá hiếm hoi trong Buffet truyện ngắn đồng bằng. Thật vậy, các tác giả đi dọc miền quê với khát vọng mang đến cho người đọc một bức tranh chân thực về cuộc sống nhưng nếu nghiêm khắc nhìn nhận thì có khá nhiều tác phẩm chỉ dừng lại ở mức “kể”, chưa đủ sức thẩm thấu để trở thành sự suy ngẫm trong lòng độc giả. Một tác phẩm lôi cuốn, chinh phục độc giả bắt đầu từ câu chữ khắc họa nội tâm nhân vật và cách nhìn nhận cuộc sống thông qua lăng kính triết lý của chính nhà văn, chứ không phải là câu chữ chỉ mang công dụng kể chuyện. Cách xây dựng, khai thác tâm lý nhân vật thể hiện tầm vóc của nhà văn nhưng ở đây lại hiếm có tác phẩm chạm đến đỉnh điểm những tầng sâu cảm xúc của nhân vật để sự suy ngẫm và chậm rãi chảy ngược vào cảm xúc của người đọc.

Lực lượng các cây bút ĐBSCL khá nhiều nhưng vẫn chưa đủ sức đánh lên một tiếng chuông ngân xa, chưa tạo được một dòng chảy thật sự mạnh mẽ cho văn học đồng bằng.


Phần lớn các nhà văn đồng bằng còn viết theo lối kể chuyện thuần túy, thật sự chưa đủ sức tạo nên độ lắng đọng cho tác phẩm của mình. Chuồn chuồn đạp nước của Nguyễn Ngọc Tư, Giang hồ vặt của Lê Minh Nhựt hay Quê nhà của Phạm Thị Ngọc Điệp... có thể được xem là những tác phẩm đủ sức lắng đọng hơn cả trong tuyển tập Buffet truyện ngắn đồng bằng.

Hiếm những tác phẩm có sức lan tỏa


Văn học ĐBSCL hiện đại, ngoài những tên tuổi: Trang Thế Hy, Vũ Hồng, Nguyễn Ngọc Tư, Trầm Nguyên Ý Anh, Trịnh Bửu Hoài... chưa có nhiều nhà văn đồng bằng khác có những tác phẩm mang sức lan tỏa rộng khắp cả nước. Nhiều cây bút tham gia các cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL, nhưng các tác giả đoạt giải cũng chưa bước những bước dài hơn với văn chương sau khi đoạt giải, như: Nguyễn Thế Hùng (tác phẩm Người giữ cồn từng được Hãng phim Giải phóng chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh Ngọn đèn bốn mặt), hay những tên tuổi khác: Anh Đào, Trọng Quý, Kim Tuyến, Lê Minh Nhựt (tác giả vừa đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần 3 với tác phẩm Giang hồ vặt)...

Tác giả: Tiểu Quyên

Nguồn tin: Người Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây