13 năm viết 300 bài thơ tìm con

Thứ tư - 02/09/2009 22:43 2.317 0

Gia đình ông Nguyễn Văn Nức cùng cô con gái tên Hiền và cháu ngoại.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nức cùng cô con gái tên Hiền và cháu ngoại.
13 năm tìm con trong vô vọng, ông Nguyễn Văn Nức (tổ 2, thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) dồn nén tình cảm vào trong những vần thơ.

Ông nuôi một hi vọng mong manh, rằng một ngày kia, cô con gái đọc được những bài thơ này, hiểu được nỗi lòng cha mẹ, mà trở về sum họp. Và ngày linh diệu cũng đến...

Nỗi đoạn trường của con

Nguyễn Thị Hiền là con thứ tư trong một gia đình có sáu anh em. Nhà nghèo, ba anh chị lớn phải theo bố lên Hà Nội làm lụng kiếm sống, trang trải chi phí cho học hành.

Hiền và hai em ở với mẹ. Mùa nào việc nấy, cô đi gặt, đi cấy thuê, hết mùa, đi mò cua bắt ốc đem ra chợ cho mẹ bán kiếm vài đồng bạc lẻ. Vất vả là thế, nhưng năm nào Hiền cũng là học sinh giỏi.

Trong lớp chuyên Văn (THPT Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây cũ), cô trò nhỏ còn nổi tiếng bởi lòng say mê văn chương, với rất nhiều bài thơ, truyện ngắn được đăng trên các báo

Năm ấy, Hiền lên lớp 11, em Nguyễn Văn Đức cũng bước vào lớp 10. Một mình mẹ chỉ bán vài con cua, con ốc vặn cũng chẳng đủ ăn, nên tiền đóng học phí cho trường kì nào cũng xin khất.

Mẹ chạy vạy mãi, mới vay được ít tiền, Hiền nhường cho em đóng học phí trước, còn mình thì xin nghỉ học, lên Hà Nội đón bố đi lĩnh lương hưu để về nộp cho kịp

Chưa bao giờ lên Hà Nội, Hiền chỉ biết về Hà Nội qua những lời kể của bố mỗi lần ông về thăm nhà. Cầm chặt mảnh giấy ghi địa chỉ của bố trên tay, cô đi cùng vài người làng ra thành phố.

Cô gái 16 tuổi hiền lành, chất phác ấy, đâu biết rằng, đó là ngày định mệnh cho cuộc đời lưu lạc nhiều cay đắng

Lúc xuống xe, đang ngơ ngác hỏi đường, thì một người phụ nữ bụng mang dạ chửa dẫn theo một đứa bé đang khóc đi tới. Người phụ nữ này nhờ cô dỗ hộ đứa trẻ, bà ta đã tìm đủ cách mà đứa bé vẫn không chịu nín.

Vốn thật thà, lại thương đứa trẻ cứ khóc ngằn ngặt, tưởng như sắp lả đi vì những tiếng khóc, Hiền vội vàng bế đứa bé trên tay. Dỗ dành mãi, đứa trẻ cũng nín khóc, và ngủ thiếp đi trên tay cô lúc nào không hay biết

Người phụ nữ nở nụ cười đon đả mời Hiền vào nhà uống cốc nước cam, thay cho lời cảm ơn. Thấy bà ta nhiệt tình, lại có phần quý đứa bé, Hiền bế đứa bé trên tay đi theo người phụ nữ lạ. Nhưng chỉ một lúc sau, cô thấy mình choáng váng, đầu đau như búa bổ, rồi lịm dần đi

Hiền bị mê man sau đó nhiều ngày, khi tỉnh dậy cô bất ngờ khi thấy mình đang ở trong một ngôi nhà lụp xụp với những người xa lạ. Họ nói một thứ tiếng gì đó cô không hiểu, mãi sau, có một người nói lơ lớ tiếng Việt dẫn người đàn ông tóc đã hoa râm, trông ốm yếu đến bảo với cô:“Đây là chồng của mày, mày đã được gả bán cho người đàn ông này”

Choáng váng với thông tin mà người đàn ông phiên dịch vừa nói. Cô gào khóc đòi tìm đường về nhà. Liền những ngày sau đó, là những trận đòn đau của người chồng, là những ngày bị bỏ đói trong căn nhà hoang trên núi. Đêm nào cô cũng khóc, nhớ bố mẹ, nhớ các em, lại có phần tủi cực cho thân mình

Cho đến một ngày, cô nhận ra việc chạy trốn dường như là không thể. Cô tự nhủ với lòng mình: “Chỉ còn cách học tiếng địa phương, làm lụng thật chăm chỉ, mới có cơ hội hỏi được đường mà trở về Việt Nam”. Từ đó, cô bắt đầu chấp nhận cuộc sống mới, cuộc sống của một người vợ bị đày đọa.

Khi đã học lỏm được ít tiếng địa phương, cô mới được người làng cho biết rằng, đây là vùng núi hẻo lánh của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hi vọng được trở về với gia đình vẫn âm ỉ cháy trong lòng

Công việc trong gia đình chồng rất vất vả, hàng ngày, cô lên núi làm lụng từ sớm, đến tối mịt mới được trở về, đi đâu, làm gì cũng có người giám sát, trông coi.

Cô gái 16 tuổi, gầy gò, xanh xao lại là lao động chính gánh vác cả gia đình chồng với 5 miệng ăn. Chồng Hiền đã hơn 40 tuổi, lại ốm yếu quanh năm nên mọi viêc lớn nhỏ trong gia đình đều đến tay cô

Có hai đứa con trai, cuộc sống của gia đình cô ngày càng trở nên khốn khó. Túng quá, cô xin chồng cho đi làm công nhân trên thành phố, dành dụm chút tiền về nuôi gia đình. Thấy cô ngoan ngoãn, lại không có ý định bỏ trốn, người chồng đồng ý cho cô đi làm công nhân may cách nhà 600 cây số

Nét mặt buồn buồn, Hiền thở dài: “Thật ra, lúc đó cũng không còn ý định bỏ trốn nữa, chỉ muốn được một lần về thăm quê. Có hai đứa con, mình không đành lòng mà bỏ đi nữa. Dù gì, nó cũng là máu mủ của mình. Sao đành làm thế?”

Lên thành phố làm việc, cô cố sức nhận thêm ca, dành dụm chút tiền với hi vọng một ngày kia sẽ trở về Việt Nam thăm lại gia đình.

Khao khát hơn mười năm qua vẫn bùng cháy, cũng là lần thứ hai sau bao năm qua đi, đêm nào cô cũng khóc khi nhớ tới hình dáng của cha mẹ chỉ còn mờ mờ trong kí ức. 

300 bài thơ bố tìm con

Cái ngày định mệnh với cuộc đời cô con gái, cũng là ngày ông Nức vui vẻ đạp xe về thăm nhà. Vừa đi, ông vừa nhìn bịch quà lớn treo ở ghi-đông xe đạp, tưởng tượng ra khuôn mặt háo hức của các con. Tháng này, nhờ cố sức làm thêm, ông kiếm dư được ít tiền. 

Về đến nhà, ông vui vẻ gọi tên từng đứa con, chỉ có bà Lan-vợ ông và thằng Đức chạy ra ngõ. Thấy ông đi có một mình, bà thắc mắc: “Con Hiền đi lên Hà Nội tìm ông, ông không đón nó sao mà chỉ về có một mình?”.

Linh tính của người cha mách bảo ông có chuyện chẳng lành, ông vội vàng đạp xe trở lại cơ quan, nhờ bạn bè đồng nghiệp, cùng các con chia nhau đi tìm

Một hai ngày không thấy, rồi một năm, hai năm…tin tức về đứa con gái vẫn bặt vô âm tín. “Tôi giận mình lắm, giá như tôi mang tiền về cho con đóng học phí sớm hơn, thì đời con gái tôi đâu có khổ thế này”.

Mái tóc bạc run run, giọt nước mắt của người cha tìm con hơn 10 năm lại chảy dài trên gương mặt khắc khổ, hằn sâu những nếp nhăn

Từ ngày không có tin tức của Hiền, không khí trong gia đình bỗng trở nên nặng nề. “Bữa cơm, giờ chỉ còn bảy người. Nhìn chiếc bát đôi đũa thừa ra, chẳng ai buồn ăn. Đêm đến, ông ấy nằm mơ tên con, cứ gọi ú ớ”. Bà Lan thủ thỉ tâm sự

Trong những tháng ngày dằn vặt, đau khổ, ông Nức dồn hết tâm tư, tình cảm của mình trong những vần thơ.

Ông gửi đơn, kèm theo những bài thơ của mình đến các cơ quan, lên báo đài. Với mong muốn, một ngày kia, cô con gái đọc được, hiểu lòng cha mẹ mà trở về

“Cha mẹ đi khắp thành Hà Nội
Tìm con đáy bể mò kim
Đã hai tuần không thấy một tin
Ngồi nghiêng ngả bữa ăn thừa bát đũa
Lòng cha mẹ nóng bừng như có lửa
Họ hàng thăm nước mắt mẹ lưng tròng
Nhà đông vui giờ nhường cho khoảng trống
Cây cảnh bố trồng cũng đứng lặng màu xanh
………

Nhưng giờ đây con đã cách xa
Tránh sao khỏi miệng đời thêu dệt
Nơi cao ốc nhà lầu Mã Giám Sinh xem mặt
Hay đã qua nàng Tô Thị đứng chờ
Lòng mẹ cha trăm mối tơ vò
Ai đã lấy của mẹ cha bớt đi hơi thở
Lấy những hồng cầu chiu chắt đắng cay
Lấy nhớ thương vũ trụ hao gầy
Bao câu hỏi mẹ cha gánh chịu
Đẻ con ra chưa lo liệu đủ điều
Nhưng cha biết là con thấu hiểu
Dù nơi đâu nước cũng chảy về nguồn”

(Trích bài thơ Nỗi nhớ tìm con)

13 năm qua đi, ông gửi trọn những nhớ thương, hi vọng vào những vần thơ giản dị ấy. 300 bài thơ, là hàng trăm lần, ông hồi tưởng lại hình ảnh của cô con gái trong tiềm thức. 

Lật cuốn sổ tay đã rách bìa, giở những trang giấy ố vàng, ông Nức cho tôi xem những bài thơ ông đã viết.

Ông kể: “Nhiều người bảo tôi đem đi in, xuất bản một tập, nhưng tôi làm thơ để giãi bày lòng mình, để tìm con gái tôi. Tôi muốn, khi nó trở về, tôi sẽ đưa cho nó tập thơ này, làm kỉ niệm. Bao năm qua đi, nhưng chưa bao giờ tôi hết hi vọng, mong rằng, nó đừng về khi quá muộn. Tôi có chết đi, cũng phải nhìn thấy nó lần cuối” 

Con đã trở về

Một ngày tháng 6 trời bỏng rát. Ông bảo vệ Nguyễn Văn Nức đạp xe thong thả về nhà sau ca trực.

Từ xa, ông đã trông thấy đám đông tụ tập trước cửa nhà mình. Lòng ông nóng như có lửa đốt, cảm giác bồn chồn khó tả khiến ông nửa như muốn đạp nhanh về nhà, nửa như níu chân ông lại

Vứt vội chiếc xe cà tàng, ông lao nhanh vào đám người, nơi có tiếng khóc than. Thấy vợ ngồi khóc, chưa kịp định thần chuyện gì đã xảy ra, thì bỗng đâu từ xa, một người phụ nữ chạy tới, ôm chầm lấy ông thổn thức: “Bố, con Hiền của bố đã về”.

Điều bất ngờ lớn khiến ông đứng im bất động, mất một lúc lâu sau, ông mới hay mình đang khóc. Mái đầu bạc của người đàn ông hơn 60 tuổi run lên. Đó cũng là đêm đầu tiên, cả gia đình sum họp đông đủ, thức trọn một đêm nghe cô kể về cuộc đời mình

Để có được cuộc sum họp ba ngày ngắn ngủi, Hiền đã làm lụng không kể ngày đêm tích góp được số tiền ít ỏi tìm đường trở về quê. Cô xin phép gia đình chồng, cho cả hai đứa con trai về thăm ông bà ngoại

Hai đứa cháu ngoại của ông bà Nức không biết tiếng Việt, nhưng khi lên đường trở về Trung Quốc, chúng cứ nằng nặc đòi mẹ cho ở lại ít hôm

Hiền bảo: “Hàng xóm sang chia vui với gia đình em, cứ thắc mắc sao không làm đơn li dị chồng, về Việt Nam cho đỡ khổ. Nhưng bỏ thế nào được, bố mẹ chồng đã yếu lắm, chồng em cũng già rồi, nếu em không ở đấy, chắc không có người chăm sóc, thuốc thang. Lại còn lo cái ăn cho họ. Thôi thì phận mình hẩm hiu, đành chấp nhận”

Ngày Hiền lên đường cùng con trở về Trung Quốc, ông Nức dúi vào tay con quyển sổ thơ đã ố màu. Trong bằng đấy đứa con, có Hiền say mê thơ văn giống bố, ông dành riêng những bài thơ này cho con

Trong căn phòng bảo vệ, ông Nức đưa cho tôi xem tấm ảnh của cô con gái và hai đứa cháu ngoại. Rồi ông hồ hởi khoe: “Con Hiền nó hứa với tôi, là sẽ dạy tiếng Việt Nam cho hai thằng cu, đến kì sau về thăm ông bà, nhất định nó sẽ biết gọi tên, biết nói sõi. Tôi mừng lắm”.

13 năm qua như một trò đùa quái ác của số phận, để bố con ông phải đi tìm nhau. Chừng ấy thời gian, chừng ấy lo âu in lên những vần thơ khắc khoải. 300 bài thơ tuy nhiều, nhưng nói sao hết được tấm lòng của những người cha như ông.

Tác giả: Đinh Liên

Nguồn tin: Tuần Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây