Chuyện từ tự truyện

Thứ sáu - 26/11/2010 04:14 2.253 0

Chuyện từ tự truyện

Tự truyện là sự thật, là cuộc đời thực, đối lập với sự sáng tạo, sự hư cấu. Tự truyện ra đời như để phá hủy những quy ước mang tính ước lệ của truyền thống văn học, để nói với ta sự thật của văn học mà bấy lâu người ta đi tìm, nó hứng chịu tất cả mọi phát xét của người đời về cái tội lộn trái đó.
Câu chuyện của Lê Vân được thuật lại không phải dành riêng cho cái tôi Lê Vân, nó dành cho cả Bùi Mai Hạnh - đồng tác giả của nó và hơn thế - trong tham vọng công khai bản văn- nó đã nuôi ý hướng dành cho một nhóm độc giả nhất định. “Những gì mà tôi sắp kể… không nên chỉ là một mình cô bé ngày xưa của tôi”. Đọc văn bản này, chúng tôi sẽ cố gắng định nghĩa về tự truyện, qua những giới hạn và dấu hiệu tự truyện để lại trên cơ thể nó. Cách đọc như thế là cách đọc chỉ có tính quy ước tạm thời về tính cách tự truyện của văn bản: một cách đọc hẹp, tất nhiên là thế rồi. Nếu không bằng lòng như thế, người ta sẽ khó lí giải được rằng tại sao Lê Vân yêu và sống lại được gọi là tự truyện, như đã xác định là một tác phẩm mà ở đó “cá nhân tự giải thích về mình bằng lịch sử của chính mình” (Philippe Lejeune), trong khi tạo nên văn bản tự truyện này đích xác là có đến hai tác giả (Lê Vân và Bùi Mai Hạnh). Hiện tượng văn bản tự truyện được xây dựng bởi hai tác giả, thậm chí một nhóm tác giả trên thế giới không phải là hiếm. Ở ta cũng có, như Không lạc loài của Thành Trung do Lê Anh Hoài ghi, Bóng của Nguyễn Văn Dũng do Hoàng Nguyên, Đoan Trang chấp bút….

 Lê Vân yêu và sống là sản phẩm của sự cộng tác giữa hai tác giả. Chủ thể phát ngôn của Lê Vân yêu và sống không phải là người viết ra câu chuyện, chị ta là người nói, người kể ra câu chuyện. Bùi Mai Hạnh là người ghi chuyện, trò chuyện, kiểm duyệt và thể hiện lại, chị ta “không nói”, nhưng cũng là một người kể chuyện đúng nghĩa. Từ góc độ dụng học, ta thấy, một người có thẩm quyền tuyên bố kể lại một câu chuyện nào đó, khi và chỉ khi anh ta đã ở “trạm người nghe”- nói theo Lyotard. Tất cả diễn biến xung quanh những sự kiện đó đặt ra cho chúng ta nhiều suy ngẫm về chủ thể tự truyện, về các “trạm tự sự” (người phát, người nhận, nhân vật). Bùi Mai Hạnh giải thích trong phần cuối của bản văn Lê Vân yêu và sống: “sau khi đọc lại lần cuối cùng bản thảo cuốn tự truyện do chị kể và tôi thể hiện. Lê Vân hỏi tôi: tại sao Hạnh lại muốn viết về cuộc đời tôi?... tôi trả lời bằng một câu hỏi: thế tại sao chị đồng ý kể cuộc đời mình cho một người xa lạ là tôi? Lê Vân nói ngay, nhấn từng từ: bằng linh cảm… chỉ có sự mách bảo của linh cảm mới khiến chị đồng ý kể cho tôi nghe cuộc đời mình ngay lần gặp mặt đầu tiên… mỗi lần gặp nhau là mỗi lần chị hé mở cánh cửa lòng mình thêm một chút.” Vậy định nghĩa tự truyện là truyện kể mà một người có thật viết về mình ở đây tỏ ra khá hẹp, chưa tính đến những sự kiện phức tạp khác của thể loại. Lê Vân yêu và sống làm mờ đi phần nào đó vai trò của một chủ thể toàn năng bởi vì nó được kể hai lần, câu chuyện của Lê Vân được gợi ra theo mạch trò chuyện của hai chủ thể. Lê Vân kể cho Bùi Mai Hạnh, kể nhiều lần, trực tiếp tương tác. Bùi Mai Hạnh kể lại cho chúng ta, kể một lượt; câu chuyện được viết ra, chắc chắn được bàn bạc và chuốt lại. Bùi Mai Hạnh thực là một vai kể, chị sao lại câu chuyện của Lê Vân, thể hiện và phô diễn lại câu chuyện của Lê Vân. Bùi Mai Hạnh là một chủ thể chịu trách nhiệm liên đới. Bề ngoài Lê Vân yêu và sống có vẻ như đã xích lại gần lối tự truyện cổ điển của phương Tây. Có điều, Lê Vân không phải kể lại trước một chủ thể siêu hình, mà trước một chủ thể hiện thực khác. Tự thuật, tự thú trước Chúa là một hình thức độc thoại. Tự thuật, tâm tình trước người khác là một hình thức đối thoại. Dạng thức tự truyện đối thoại này có tác dụng điều tiết sự sản xuất và tiêu thụ câu chuyện về cuộc đời của cái tôi. Lê Vân yêu và sống là tự truyện thế tục. Cái tôi của Lê Vân yêu và sống là Lê Vân, một cái tôi đã được điều chỉnh và thỏa thuận để thích hợp với người đọc, người nghe. Để thiết lập tự truyện, người ta phải hình dung hoặc có thực một người nghe chuyện gần gũi nào đó, chủ thể tự truyện kéo người nghe, người đọc về phía mình.

Có thể tìm thấy những hình thức tự truyện sơ khởi qua các bức thư cá nhân, các bản tường trình tự thú của tên tội phạm, các cuốn sổ nhật kí, các bản văn hồi kí, theo Philippe Lejeune tự truyện còn xuất hiện trong hình thức phỏng vấn, trong các câu chuyện - các mục tâm tình. Lê Vân yêu và sống được bắt đầu từ một lá thư - một hình thức gần gũi và khá thú vị đối với mỗi chúng ta. Cái tôi trích lá thư của một người từng hâm mộ mình như là muốn “kể câu chuyện cho có đầu có cuối”. Bản văn lá thư của người hâm mộ là dấu hiệu đầu tiên cho biết tác giả quay trở về quá khứ cách thời điểm nói 20 năm, quá khứ ở đây được trích lại như một tài liệu lưu trữ, một quá khứ nguyên văn, chứ không phải là được tái tạo. Đó là một sự kiện quá khứ, một kí hiệu về nguồn gốc của hành vi tự truyện. Người ta có thể đối chiếu kiểm chứng được tính xác thực của lá thư ấy, nhưng chẳng ai lại bỏ thời gian công sức đi kiểm chứng cả. Độc giả đã tiếp nhận lá thư ấy như là sự thật, như một văn bản gốc, nghĩa là độc giả đã tham gia vào trò chơi quy ước của thể loại tự truyện. Đọc nó như là hiện thực.

Lê Vân viết “trước hết, xin bạn đọc hãy bớt ra một chút thời gian để đọc lá thư của một người từng hâm mộ tôi (tôi nói như vậy vì không biết sau đây cô bé ngày ấy có còn hâm mộ tôi nữa không)… bởi vì đằng nào cũng phải kẻ hết mọi chuyện cho có đầu có cuối”. Tôi trong các phát ngôn trên là Lê Vân. Tôi và độc giả xuất hiện trong tự truyện dưới hình thức liên chủ thể. Đó là một cái tôi đối thoại, một cái tôi đang đề nghị chúng ta cùng phiêu lưu thăm dò tiềm thức, hành trạng và lịch sử của nó. Chúng ta cần lưu ý đến dấu ngoặc đơn trong phát ngôn vừa dẫn, đây là một hình thức giải thích của cái tôi, một hình thức phỏng đoán, suy lí mà cái tôi sử dụng trong khi thuật lại sự việc liên quan đến mình, của mình. Cái tôi quay về quá khứ nhưng có ý thức rõ về hiện tại, một cái tôi nắm bắt được những khả thể, những biến đổi, chuyển đổi. Khi Lê Vân viết “một người hâm mộ tôi” thì chúng ta hiểu rằng, cái tôi đó có thể có thực ở ngoài văn bản. Phát ngôn của Lê Vân quy chiếu về hiện thực ngoài văn bản. Chữ “từng” ở đây không chỉ nên hiểu là dấu vết của quá khứ, mà bản thân nó cùng với nội dung trong dấu ngoặc đơn kia đã đề nghị chúng ta cần hiểu rằng còn có một hiện thực được giả định trong phát ngôn (sự thay đổi của cô bé ngày ấy). Chúng ta chưa tìm thấy một hình thức tu từ nào để đi đến kết luận: phát ngôn của cái tôi Lê Vân có tính nghệ thuật. Tự truyện có thể không trở thành một tác phẩm nghệ thuật, nhưng nó đúng là một lối viết, một lối tự sự coi trọng sự thật. “Tôi chịu trách nhiệm trước lương tâm và luật pháp về tính chân xác của những sự kiện, những câu chuyện được viện dẫn trong cuốn sách này”.

Sau lời dẫn như vậy, Lê Vân trích nguyên văn nội dung thư của người từng hâm mộ mình - Tố Nguyệt. “Đà Nẵng ngày 15/11/1986. Chị Lê Vân yêu mến! Khi em viết thư này cho chị tức là lúc tình cảm của em đã lên tới tột đỉnh. Con người ta thường có những lúc không thể tự kiềm chế được mình. Giờ đây em đang lâm vào tình trạng đó. Em không thể yên lặng được nữa, em không thể cứ giữ kín mãi trong lòng tất cả những gì bấy lâu nay em đã dành cho chị, em đã nghĩ về chị…”. Bức thư được xác nhận bản quyền bằng một chữ kí, một cái tên riêng, với một đoạn chú thích tự sự giàu cảm xúc. Tự truyện Lê Vân yêu và sống như thế là chứa trong mình nó một tự truyện nữa. Đặc điểm của văn bản thư - người kể thuật lại câu chuyện của mình, về cuộc đời mình - cho phép ta nghĩ đến tự truyện. Tự truyện của Tố Nguyệt xuất hiện như một sự kiện, như là điểm khởi đầu của một tự truyện khác. Đúng lí bức thư của Tố Nguyệt phải xuất hiện như một bằng chứng nếu xét dưới góc độ xã hội học và phân tâm học, một tài liệu nằm trong bộ hồ sơ về cuộc đời của người kể, đằng này nó lại hoạt động trong Lê Vân yêu và sống chẳng khác gì một biểu tượng: “Bao nhiêu thư đã đến, đã thất lạc. Lạ lùng sao chỉ còn lại mỗi thư của Nguyệt. Bức thư dài hơn mười trang giấy đặc kín chữ… Giờ cô bé ấy ở đâu, người đã cho tôi ngần ấy tình thương mến? Tôi chưa bao giờ gặp cô và có thể chẳng bao giờ gặp cả”- Lê Vân kể và tự vấn mình. Chúng ta có quyền nghi ngờ về tính xác thực của bức thư trong trường hợp Lê Vân không trình ra được bằng chứng. Cái tên riêng Tố Nguyệt chưa có chức năng xác định thông tin, đảm bảo thông tin, đó là một cái tên riêng có chức năng tác giả nhưng không rõ căn cước, nghĩa là một cái tên không đáng tin cậy. Cái tên đó là một trò chơi của tự truyện ngay cả khi Bùi Mai Hạnh đã bảo lãnh bằng cách xác nhận rằng “chị đưa cho tôi tất cả thư từ, nhật kí, báo chí và những kỉ vật”. Khung khổ của tự truyện không cố định, có thể chứa nhiều câu chuyện. Tự truyện là cuộc đời.

Như đã nói, viết tự truyện là một nhu cầu tâm lí, là một hành động có cơ sở tâm lí rất rõ ràng. Hồi cố là con đường tất yếu của tự truyện, nhờ thế ta có bức chân dung toàn vẹn về cuộc đời của người kể. Tự truyện đi con đường vòng đến hiện tại. Ở tự truyện, thời gian đối với người kể là toàn bộ sự sống của nó: “hai mươi năm có thể chỉ là khoảnh khắc với những người may mắn và hạnh phúc. Còn với tôi, hai mươi năm là một cuộc vật lộn với cuộc đời và với chính mình chỉ để không bị biến thành kẻ khác”. Trong tự truyện, thời gian được trần thuật là toàn bộ thời gian cuộc đời của người kể, nó được đo bằng các sự kiện, các biến cố, các kỉ niệm, các dấu ấn… tính đến thời điểm đang nói. Đó là các thời gian điểm, có ý riêng đối với chủ thể, được nếm trải qua tâm hồn chủ thể. Lê Vân quan niệm chỉ có sự thật mới có giá trị, đó hầu như là toàn bộ sự sống, đời sống đích thực của một đời, không được nói sự thật, che giấu sự thật, hay dung túng cho sự dối trá còn “khủng khiếp hơn cả cảm giác bị trừng phạt”. Như thế, tự truyện là sự thật, là cuộc đời thực, đối lập với sự sáng tạo, sự hư cấu. Tự truyện ra đời như để phá hủy những quy ước mang tính ước lệ của truyền thống văn học, để nói với ta sự thật của văn học mà bấy lâu người ta đi tìm, nó hứng chịu tất cả mọi phát xét của người đời về cái tội lộn trái đó. “Tôi có nhu cầu phải kể hết đời mình, không giấu diếm bất cứ điều gì”. “Ai muốn nghĩ gì về tôi là quyền của họ. Tôi chấp nhận cả sự nguyền rủa.” Tự truyện là một bản tự thú, khai báo sự thật, một kiểu “vạch áo cho người xem lưng”. Lê Vân bảo “tôi thú tội” trong cuốn sách của mình. Chủ thể tự truyện phải kể ra câu chuyện cuộc đời để được bình yên, nếu không thú tội người kể sẽ không được yên sống, không thể thanh thản. Văn bản tự truyện là những chứng cứ chứng minh đã có một sự gây nhiễu đời sống của người kể trong thời gian dài, nó đe đọa người kể. Cái tôi Lê Vân cảm thấy những ngày sau khi kể chuyện “mình có thể thanh thản mà sống tiếp”. “Nếu cuốn sách này trở thành nguyên nhân của những hiểu lầm có thể xảy ra thì đó cũng đồng thời là một cơ hội để tôi tự thanh tẩy tâm hồn”. Tự truyện bao giờ cũng khiêu khích dư luận, khiêu khích những người can dự vào cuộc đời của người kể ra câu chuyện ấy, thậm chí có thể làm tổn thương họ. Những người đã tham dự đó là một phần của câu chuyện, một yếu tố cấu trúc cuộc đời, số phận của nhân vật tôi, thiếu họ - nhân vật tôi trong tự truyện nói - “tôi không thể hoàn thành tâm nguyện là thành thật đến tận cùng về bản thân mình”.

Người viết tự truyện là người có nhu cầu hiểu về mình, nhận diện mình vì nó thấy rằng “chúng ta được đào luyện trong một môi trường mà lòng thành thật không phải lúc nào cũng được đặt ở những vị trí xứng đáng”. Lê Vân yêu và sống còn là câu trả lời cho câu hỏi có ý nghĩa phản tỉnh: “Vân ơi, Vân là ai?” Tự truyện nào cũng có ý nghĩa phản tỉnh, phản tư. Nghịch lí thay, trong khi chủ thể tự truyện muốn được thanh tẩy tâm hồn, muốn sám hối vì những điều dối trá bao bọc nó, thì anh ta lại phải chịu sự trừng phạt của dư luận, của đám đông.

Tác giả: Mai Vũ

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây