Nhảm nhí truyện ma

Thứ ba - 23/11/2010 23:35 2.333 0

Nhảm nhí truyện ma

Thử đọc truyện "Xác chết hồi sinh", ta sẽ thấy những phi lý đến mức ngô nghê, khó chấp nhận.

Có lẽ, do lường trước “búa rìu dư luận”, nên ngay trong Lời nói đầu loạt tập truyện ma của NXB Đồng Nai ấn hành quý IV/2010, NXB này đã “rào trước đón sau”: “Các bậc phụ huynh cũng nên chú ý, quản lý tốt con em mình trong việc tiếp xúc với nhiều tình tiết chết chóc và sự trả thù… có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ do chưa đủ khả năng nhìn thấu đáo sự việc”. Rất tiếc, NXB đã đi ngược với chính sự khuyên răn của mình. Từ hình bìa đầy vẻ ghê rợn, chết chóc, ma quái, tên các tập truyện này cũng đầy ám khí, chẳng hạn: Oan hồn 49 ngày, Sợi dây thòng lọng ma ám, Xác chết không đầu, Ma trả ơn người, Truyền thuyết ó ma lai v.v…

Thử đọc truyện Xác chết hồi sinh, ta sẽ thấy những phi lý đến mức ngô nghê, khó chấp nhận. Đại khái, chị Oanh chết, chồng là anh Hưng “đi nhờ thầy tử vi xem ngày thì ông ta bảo phải ba ngày sau mới liệm xác được” (Xác chết hồi sinh, tr.90). Anh Hưng sẽ bảo quản như thế nào? Anh ta thuê cái tủ ướp đông để ướp xác vợ! Nếu một người đã ba ngày ướp lạnh thì liệu có khả năng sống lại được không? Đã thế, khi thấy vợ sống lại thì anh Hưng lại gọi vợ bằng… tên Thoa (!?). Đọc tiếp, ta biết chị Oanh “hồi sinh” này là do oan hồn tên Tuyết nhập vào, vì thế mỗi đêm chị Oanh phải đi giết gà, vịt, heo vì thèm… máu tươi! Sự nhảm nhí này càng khó “nghe lọt lỗ tai” khi tác giả cho nhân vật Oanh (đã chết) hiện ra kể lại cho anh Hưng biết chuyện vì sao cô Tuyết nhập vào mình v.v…

Những  chuyện hồn  ma hiện về không hiếm trong các tập truyện ngắn này, nhưng thảy đều quái đản. Chẳng hạn, trong truyện Ma trả ơn người thì oan hồn cô gái đã hiến kế giúp cho một người thoát khỏi cái chết bất đắc kỳ tử bằng cách khá… hài hước: phải làm một hình nộm đặt trên giường của người đó, còn người đó thì mặc áo bát quái và chui xuống gầm giường “đúng khớp với hình nhân trên giường”. Chưa hết, gia đình còn phải ma chay đúng như người đó đã chết thật! Đã thế, nhân vật thầy phù thủy trong “truyện ngắn” khác còn “có khả năng bắt ma trừ tà, đã nhiều lần được nhiều người trên khắp nước mình thỉnh mời thầy ra tài cứu giúp” (Tiếng hát giữa đêm, tr.47).

Lâu nay, chúng ta biết đến những trường hợp, tự nhận là thầy pháp, phù thủy, đã lợi dụng lòng tin để lừa tiền, thậm chí gây ra nhiều cái chết thương tâm khi trừ “tà ma” cho người bệnh. Những tình tiết này có thể làm sai lệch nhận thức của các em nhỏ. Thử hỏi, bộ sách này có giá trị gì mà được cấp phép phát hành, trong khi nó có thể đầu độc các em nhỏ và xui khiến các em bắt chước theo?

Tác giả: Trương Thành

Nguồn tin: Phụ Nữ TP.HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây