Khai mạc Hội nghị viết văn trẻ và khai mở những giấc mơ

Thứ bảy - 10/09/2011 13:05 2.251 0

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần VIII

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần VIII
Sáng 09/9 tại Hội trường UBND tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII. Khách mời tham dự Hội nghị bao gồm các đại biểu nhà văn trẻ, các nhà văn nhiều thế hệ và lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

Đoàn chủ tịch của Hội nghị bao gồm nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Giang Nam, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Phong Điệp, nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhà văn Nguyễn Phú, nhà văn Niê Thanh Mai, nhà văn Trương Anh Quốc, nhà văn Ma Thị Hồng Tươi, nhà văn Mai Anh Tuấn.

Thay đổi tên gọi Hội nghị vào phút chót

Điểm nhận thấy đầu tiên trong buổi khai mạc là tên gọi chính thức của Hội nghị lần thứ VIII đã thay đổi, không còn là Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốcnhư các năm trước. Trao đổi ngắn trước giờ khai mạc với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì được ông xác nhận đúng và từ giờ tên gọi này sẽ chính thức được thay thế và sử dụng. Việc thay đổi tên gọi Hội nghị không những không ảnh hưởng gì đến tính chất của Hội nghị mà còn ngắn gọn khi sử dụng nói và viết.


Những vấn đề mở ra từ câu chuyện của nhà thơ Hữu Thỉnh

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã khai mạc Hội nghị bằng một câu chuyện khá sinh động, gần gũi mang nhiều thông điệp ý nghĩa với các cây bút trẻ và khá bao quát tình hình văn học trẻ hiện nay. Bằng sự gần gũi thân thiết, nhà thơ Hữu Thỉnh đã gọi các nhà văn trẻ là “các bạn” để bắt đầu câu chuyện của mình. Câu chuyện được mở ra bằng câu hỏi:

“Những người viết văn trẻ, các bạn đến từ đâu?

Và câu trả lời là: Chúng tôi đến từ miền tài năng.”

Câu trả lời này đã xóa nhòa đi khoảng cách của các nhà văn trẻ đến từ các địa phương. Giá trị của mỗi tác phẩm không phụ thuộc vào “hộ khẩu” của tác giả và nơi “khai sinh” của tác phẩm. Tất cả là tài năng. Các nhà văn trẻ đã bước qua thời kỳ “xuất hiện” mà đang định hình. Tuy nhiên các nhà văn trẻ còn hạn chế là nhiều đề tài nhưng khai thác chưa sâu, nhiều tác phẩm còn chưa để lại dấu ấn như một dàn đồng ca. Và đây cũng chính là cái thường thấy của giai đoạn xuất phát. Tưởng chừng chỉ có năng khiếu khiếu là đủ, nhưng chưa hẳn vậy. Năng khiếu phải biến thành tài năng, đam mê phải thành bản lĩnh, tự giác như câu nói của Liên hiệp “Làm thơ, nếu thấy khó thì cái dễ sẽ đến”. Một tài năng xuất hiện sẽ kích thích tìm tài năng kiểu khác. Một nền văn học trưởng thành là cộng sinh những tài năng khác nhau và là vốn quý của xã hội.

Hiện nay có nhiều bạn trẻ băn khoăn lớp nhà văn đi trước còn dè dặt chưa đánh giá đúng tác phẩm của các cây bút trẻ. Tại đây hôm nay, Hội Nhà văn muốn nói với các cây bút trẻ là lo lắng đó không có căn cứ. Hội không bao giờ chủ trương và áp đặt như vậy. Các cây bút trẻ phải tự thoát ra khỏi dàn đồng ca mà tạo cho riêng mình một dấu ấn cá nhân. Hội Nhà văn hay các cấp quan tâm chỉ hỗ trợ phần nào công việc sáng tác chứ không thể thay thế nỗ lực cá nhân. Và thứ bảo hiểm cho tài năng mỗi chúng ta chính là vốn sống.

Câu hỏi thứ 2:

“Các bạn viết văn trẻ đến từ đâu?

Câu trả lời: Đến từ tương lai.”

Nhưng trước khi đến với tương lai các bạn hãy dừng lại trò chuyện với hiện tại. Một cái hiện tại vừa nhẵn nhụi, xù xì,vừa có nụ cười và nước mắt. Đã có nhiều cây bút trẻ đang sốt ruột, đang muốn con đường trước mắt phải phẳng phiu. Sự điềm tĩnh trên con đường văn chương gian khổ cần thiết biết bao. Nếu không điềm tĩnh, đi chậm lại thì cái đích văn chương của mỗi người càng xa.

Nếu như các thế hệ nhà văn trước đã để lại cho nền văn học những giá trị lâu bền, thì những giá trị ấy đã và sẽ duy trì, phát triển như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào các nhà văn trẻ hôm nay. Theo quy luật của tạo hóa, không một nhà văn nổi tiếng nào, không một nhà văn tài năng nào có thể sáng tạo mãi mãi. Vì vậy “tre già măng mọc” cũng gánh lên vai trách nhiệm của nhà văn trẻ hôm nay. Một trách nhiệm đầy vinh quang nhưng vô cùng khó khăn. 

Câu hỏi thứ 3:

“Các bạn viết văn trẻ, các bạn từ đâu đến?

Câu trả lời: Từ nền văn học mười đầu ngón tay.”

“Nền văn học mười đầu ngón tay” là chỉ những cây bút trẻ hôm nay sáng tác bằng phương tiện máy vi tính. Họ sử dụng mười đầu ngón tay trên bàn phím để tạo ra những tác phẩm văn học mà không phải giấy bút như thế hệ nhà văn trước. Từ việc tiếp cận và đòi hỏi này nảy sinh nhiều cái mới trong quá trình hội nhập và mở rộng đường biên văn học. Và một cách rất tự nhiên cái mới đó đi vào văn học cùng lúc với nhu cầu đòi hỏi cái mới của độc giả. Gọi chung đó là “quá trình hiện đại hóa văn học” cũng cần thiết như công cuộc hiện đại hóa các ngành khoa học kỹ thuật.

Các nhà văn trẻ ở ta đã ý thức được quá trình hiện đại hóa văn học bằng những tìm tòi, bằng những lập ngôn mà có lẽ độc giả ít nhiều nhận ra dấu ấn của văn học đương đại. Thế nhưng văn học không phải như các ngành khoa học kỹ thuật khác (cái ra đời sau thường cấp tiến hơn cái trước nó). Bất cứ tính hiện đại nào của văn học lại không tùy thuộc vào thời gian mà tùy thuộc vào khí chất và tinh hoa. Tinh hoa thì không sợ thời gian. Điều đó lý giải không phải bất cứ cái gì đến trước là cũ kỹ, lạc hậu và đến sau là hiện đại.

Đối diện với “Nền văn học mười đầu ngón tay” ngoài những ưu điểm, những tiện ích của nó mang lại thì chúng ta cũng gặp phải nguy cơ về sự vô cảm, sao chép…

Tính hiện đại không thể chỉ là sự thay đổi hình thức, tách hình thức ra khỏi nội dung. Nếu như thế là hiểu sai. Hình thức phải đi đôi với nội dung mới tạo ra một tác phẩm giá trị. Và tác phẩm càng giá trị thì tự nó đã bao chứa trong mình tính hiện đại mà bản thân nhà văn không cần phải cố tạo ra “vật chứng” hiện đại ở tác phẩm.

Hình thức mới cũng quan trọng nhưng cần phải biết đặt lên bệ phóng của dân tộc, để gửi thông điệp cho con người. Và sức lan tỏa của thông điệp ấy càng xa thì tính hiện đại càng thể hiện rõ.


Câu chuyện của nhà thơ Hữu Thỉnh là một giấc mơ đẹp của thì tương lai. Một giấc mơ đã không còn của riêng ai nữa. Những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại như một mệnh đề mà mở ra nhiều chân trời rộng lớn của văn chương. Xác định “nơi đến” - điểm xuất phát mà biết mình đang ở đâu, cần gì để khẳng định “đích đến” là cách nhìn thận trọng. Tất cả những điều đó không quá xa vời, không quá mơ hồ, khó hiểu. Nhưng để giấc mơ thành hiện thực thì chúng ta đành trông chờ vào các nhà văn trẻ hôm nay.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây