Kẻ chiếm diễn đàn
Kia rồi, chiếc Ford - Escape việt dã đen nhói ôm cua bay bướm, rồi đứng khựng dưới tàng cây lộc vừng nhà hàng quán cá Bờ sông Thao. Vầng trán xoà lọn tóc xoăn. Điềm tĩnh, nhưng vẫn ẩn chứa khoảng phấp phỏng. Cặp kính cận góc mắt vuông, quen thuộc.
Cái nhìn chậm, hơi lơ ngơ trước vùng nhoà sáng. Soải bước dài, dứt khoát. Quân phục phẳng phiu đã in dấu nếp nhàu đường xa. Quân hàm đại tá công an chói lói. Nhưng đâu đó còn một Hồng Thanh Quang trong bộ đồ lớn sẫm màu, láng mượt dưới ánh đèn sân khấu, không kém phần trang nghiêm. Từ gã công tử bột Hà Nội trở thành sinh viên quân sự mê thơ, làm thơ, dịch thơ. Và yêu. Hào hoa và lãng tử. Hai tố chất ấy giằng co trong Hồng Thanh Quang, tùy lúc mà phát lộ. Một hình ảnh hoàn hảo cho tuổi trẻ mới yêu tìm kiếm thần tượng. Một người đàn ông thành đạt đáng tin cho những thiếu phụ đa tình trong những giấc mơ nửa đêm về sáng mùa thu. Cũng lạ, trong một con người, thuộc tính này thì được người đời dễ dàng chấp nhận, thuộc tính kia thì không. Trường hợp Hồng Thanh Quang thì khó nhận ra thuộc tính nào nổi trội đặc trưng nhất của một nghệ sỹ tài hoa, hào hoa và quảng giao. Kỹ sư điện tử, dịch giả, nhà thơ, nhà báo (quân đội & công an) nhà…MC.
Nhắm mắt lại, tôi hình dung khi đã ngồi xuống với nhau, thì, Hồng Thanh Quang dù có mang gương mặt nào cũng vẫn là người bạn nhậu thật thà sẵn sàng cụng ly tới lưỡi líu ríu... Rượu vodka Denmark ngâm lạnh. Cá chiên nướng. Cá lăng hấp. Rau tươi nhiều biếc mắt. Và buồn tênh mùa thu bên sông Thao. Chọn chiếc bàn kín đáo trong ngôi lầu nổi biệt lập giữa hồ, tôi nghĩ sẽ có buổi tối đối ẩm riêng tư với Hồng Thanh Quang.
Văn nhân, báo giới trong thiên hạ biết nhau cả, nhưng để ngồi được với nhau thì cũng không bao nhiêu cho mỗi cái tôi. Dù sao, cả tôi và gã cũng đã ở cái tuổi nói chuyện gì cũng được, không nói chuyện gì cũng được. Cái gì cũng có thể trở thành cơn cớ hoặc không. Thời buổi này, ngang cửa gọi nhau một tiếng đã là cố nhân. Huống hồ, gã là một kẻ uống thăng đến ghế ngồi cũng say gẫy chân. Cao hứng gã đọc thơ làu làu. Và yêu…, ai trong thế hệ chúng tôi nhỉ, đã có những giai thoại sắp thành huyền thoại như gã chưa?
Ngả người trong ánh chiều trung du loang trên mặt nước, gương mặt bất động, Hồng Thanh Quang bất chợt thiếp đi, vai trĩu, đầu ghẹo xuống. Những nếp nhăn đuôi mắt, quanh cổ đã kẻ chỉ tàn nhẫn. Có một áp lực nào đó thường trực, nóng nảy, hối thúc gã, nhưng tôi cảm nhận đó không phải là công việc báo chí, hay nàng thơ nhõng nhẽo. Mà đơn giản là gã là chính gã- Hồng Thanh Quang là Hồng Thanh Quang. Gã phải luôn tự cân bằng với chính gã.
Thì ra, thế hệ chúng tôi đã bắt đầu già. Tự tôi thấy mình già, thấy gã tóc bạc còn đếm được sợi, đã từng được một thế hệ coi là biểu tượng hy sinh vì tình yêu một thuở cũng đang mỏi rời sau ngày đường xa công vụ. Vậy mà ai đó vẫn bảo chúng tôi trẻ là sao? Không, tôi sẽ già theo đúng cách, nhưng Hồng Thanh Quang, trong con mắt người đời thì mãi mãi là gã trai ba mươi phong trần lính tráng mà vẫn trai lơ. Chẳng có người hâm mộ nào lại muốn thần tượng trong hình ảnh một người lọm khọm. Rồi gã lại nhỏm dậy như chưa vừa thiếp đi. Xốc cổ áo, đứng dậy, một cái khoát tay rộng rãi. Gã lên tiếng. Kỳ, gã sở hữu chất giọng, bèn bẹt như động cơ máy bay trực thăng khi bay qua các toà nhà cao tầng, thoạt nghe thì cứ như bị chọc vào tai, vậy mà có sức hấp dẫn. Tôi chưa khi nào có cảm tình với giọng nói của gã nhưng hễ cứ đụng gã nói là phải nghe đến hết. Mà đâu phải riêng tôi nghe, cả nước từng chăm chú nghe gã.
Tại sao nhỉ? Không lần nào nghe gã mà tôi không tìm cách giải thích cho mình. Phải, đó chính là sự chân thành đến thành thật trong mỗi âm tiết biến thành giọng nói với âm cữ âm lượng đặc trưng Hồng Thanh Quang, khiến tôi quên đi cái vỏ bọc âm thanh để cảm nhận lấy cái tình từ mỗi câu chữ được vốn văn hoá dày dặn làm chủ trong mọi live show.
Chính sự tự tin và lịch lãm ấy khiến gã tạo nên một nét duyên khó cưỡng của MC đậm cá tính: Sự chân thành và văn hoá hoà nhuyễn. Gã đã áp đặt được “luật chơi “ của riêng mình chi phối cảm xúc khán giả. Vâng, hình như trước gã bao giờ tôi cũng là khán giả lặng lẽ suy xét. Và trong cuộc rượu này, chắc cũng không thể khác. Ngồi liền bên gã, dù đối thoại với tôi đây nhưng gã vẫn khoát tay về phía trước như đang choàng lấy người ngồi trước mặt thân tình, mắt nhìn thẳng, nhìn đang nhìn vào máy quay. Tôi biết, gã thường trực một lối quen, bất kỳ cuộc tụ ba dăm người trở lên mà có gã, thì y như rằng cái diễn đàn nhỏ nhoi ấy bị gã chiếm lĩnh và làm chủ. Mọi người vẫn cứ phải dỏng tai lên nghe gã say mê những điều mới lẫn những điều cũ. Chẳng biết cái gì hấp dẫn ở gã nữa. Sự diễn đạt sôi sục cảm xúc ở gã cứ như kéo người ta nghe.
Gã chạy ra ngoài nghe điện thoại một lúc, không khí bàn tiệc liền xẹp như chiếc bánh mỳ gia công bị bóp chặt. Ờ ngoài cá tính mạnh, hoá ra gã còn có cái duyên của sân khấu trời cho.
Gieo chữ tình trong thiên hạ
Bỗng tiếp viên lễ phép.
- Thưa…thưa nhà thơ Hồng Thanh Quang có người nhà muốn gặp ạ.
Động thái chợt ngừng. Mọi người ngơ ngơ. Riêng gã bình thản rót rượu. Và gật. Có vẻ như gã đã quen với những cảnh huống tương tự. Không hiểu sao tôi bỗng linh cảm, sắp bước vào sẽ là một nhan sắc.
- Anh…Quang…Hồng Thanh Quang…anh còn nhớ em không?
Tần ngần là một thiếu nữ tóc ánh nâu, môi đỏ giọng hoen ướt, nửa muốn bước đến gục đầu xuống Hồng Thanh Quang nửa muốn quay lui. Thoáng nét cười, gã trịnh trọng đứng dậy, kéo ghế mời lịch lãm.
- Hiện thì anh không nhớ. Nhưng… mời em ngồi xuống và nói chuyện thì chắc anh sẽ nhớ ra…
Một cử chỉ và một câu nói kèm cốc nước lạnh, tích tắc gã đã giành chủ động. Mọi người thở phào. Một cô giáo dạy văn, dẫn học trò đi thăm Đền Hùng và An toàn khu Tuyên Quang.
- Bố em là sĩ quan cùng đơn vị anh và chú Đắc Sinh. Em vẫn giữ đĩa nhạc Tiếng hát Lê Dung có cả chữ ký của anh và chị ấy. Ngay lúc anh bước xuống xe, em đã nhận ngay ra. Chẳng biết bố em có vướng mắc với cô nào ở Pleiku không, mà về hưu rồi vẫn suốt ngày đọc thơ anh thế này…
...Càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn/ Nhớ thị xã ôi nhiều vô chừng dốc/ Quãng đời vang tiếng cười, quãng đời đầy nước mắt /Anh làm sao sống được đến hai lần /Rát mặt đường gió rít bước long đong/ Tiếng gì thế theo anh da diết đuổi/ Thời trai trẻ hay lời em khản gọi/ Mà càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn...
Lát cắt hồi cố. Gã ngẩn ngơ. Tôi cũng lây bùi ngùi. Chữ tình gã gieo trong thiên hạ, chính gã cũng chẳng đoán được có bao nhiêu phiên bản.
Giọng đọc thơ của cô giáo trẻ, ẩn ức, thổn thức. Cơn cớ nào đó, như là cô đã hoá thân thành người thiếu nữ PleiKu nơi đỉnh trên đèo An Khê mãi dõi theo chàng thơ trẻ xanh áo lính rời cao nguyên Trung phần một ngày tàn hoa dã quỳ. Lâu nay, tôi vẫn tưởng thơ Hồng Thanh Quang thì phải qua giọng đọc của Hồng Thanh Quang thì người nghe mới cảm nhận đủ sắc thái, cung bậc của thơ. Bởi: “Tôi làm thơ không bao giờ là vì phụ nữ đẹp cả. Cũng không bao giờ vì ai đó nổi tiếng... Tôi làm thơ vì tình yêu xuất hiện ở trong tôi...”. Nhưng nghe cô giáo vừa đọc, thì tôi đã nghĩ khác hơn. Thơ Hồng Thanh Quang luôn có trực cảm đương đại. Dù những bài thơ xuất hiện mười mấy năm trước đọc, ta vẫn bị thuyết phục bởi tình cảm thăng hoa của gã, hay nhưng bài thơ vừa mới buông tay thì lại có cảm giác như là đã được mươi năm tuổi. Nói thơ gã cách tân cũng được, mà qui kết thơ truyền thống cũng có vẻ xuôi xuôi. Truyền thống hay tự do, ấy là chất thơ trữ tình vang động, một khái quát ôm trùm kèm theo chi tiết đối chiếu, nhưng vẫn có những tiếng thầm day dứt của chính gã trong mỗi cảnh huống.
Cái tài dị biệt của thơ Hồng Thanh Quang ở nghệ thuật: sử dụng những “câu chữ to lớn và thông thường”, với người khác non tay hoặc thiếu nhiệt huyết thì chúng trở nên sáo rỗng, trơ lì. Nhưng qua Hồng Thanh Quang thì chúng trở nên sang trọng, không kém phần tinh tế, và đặc biệt nổi trội ở sự chân thành. Phải chăng chính sự hẫng hụt của trái tim gã đã làm nên bí quyết ấy. Xin được dẫn những câu thơ bất kỳ trong những bài thơ bất kỳ.
...Muốn mất gì thì mất
Chỉ cần gặp người thương...……
…...Giời không cho một đời chung,
Một đêm sống đến tận cùng, đủ chăng...
...Nơi ngửa mặt nhìn giời như chó sói...
Anh tru lên mãi một tên người….
Gã đặt cả tương lai trai trẻ dưới chân người thiếu phụ đa đoan và tài năng, chỉ vì trái tim gã đã yêu... …
Yêu như lao xuống dòng nước xoáy,
Giữa trời rơi không chịu mở dù...…
Người đời còn nhắc chuyện một lưu học sinh quân sự giữa mùa đông Nga ôm hoa hồng đứng suốt đêm suýt hóa băng trước cửa phòng nữ danh ca đó, khi chị từ Việt Nam sang biểu diễn.
...Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc
Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em...…
Vô tình gã và thơ tình của gã đã trở thành một biểu tượng hy sinh toàn triệt cho tình yêu mà các sinh viên, học sinh truyền tụng đến tận bây giờ. Hồng Thanh Quang đã phải đánh đổi sự đau khổ của cả người ruột thịt và sự giày vò tất yếu tự thân để có tình yêu ấy. Và tương đồng, thì NSND Lê Dung để thuận nhịp trái tim cũng không tránh khỏi những chịu đựng. Cả hai cùng hy sinh cho nhau và cùng nhận ở nhau.
Đây, lời Hồng Thanh Quang, khi nhìn người xưa. “Lê Dung hát rất hay. Và hơn thế, đó là một nghệ sĩ theo đúng nghĩa nhất của nó. Sống theo kiểu tự đốt mình, và đốt đời mình để làm ấm hơn xung quanh. Làm những điều thiệt thòi cho mình để cho xung quanh thêm một phút, thêm một giây tin hạnh phúc là có thật và sự tử tế của người nghệ sĩ là có thật”.
Số phận đã mỉm cười với người có tấm lòng. Bước tiếp nhịp tình yêu, giờ Hồng Thanh Quang có một gia đình theo đúng nghĩa: Vợ tài sắc, có con gái và con trai cho hai bên ông bà nội ngoại bế ẵm.
…Bất ngờ nhầng nhầng toán học trung học phổ thông nhao đến, nhăm nhăm máy ảnh, thập thò sặc sỡ những cuốn vở mở sẵn. Xin chữ ký Hồng Thanh Quang. Xin chụp ảnh cùng Hồng Thanh Quang. Gã nhìn tôi như có ý nói rằng, sự chen ngang sẽ qua nhanh.
Không còn cách nào khác, gã phải tươi cười hết cỡ mà ký, mà nghiêng nghiêng người, ngả ngả đầu để chụp ảnh.
Cũng may vừa lúc trưởng đoàn của cô giáo cho người vào gọi ra xe. Nhìn theo cô, gã bỗng xa lắc.
- Ở Đất Tổ - tôi mang ơn một người anh - Nhà báo Đắc Sinh - Tổng biên tập báo Phú Thọ mới nhận sổ hưu, những năm 80 của thế kỷ trước ở Tây Nguyên, đã phát hiện ra tôi. Anh đã kéo tôi khỏi bộ phận kỹ thuật lên tờ báo của Quân đoàn. Tôi đã thật hạnh phúc, kể từ đó đến nay, tôi luôn được làm công việc mà tôi yêu thích. Và rồi… con gái Đắc Sinh cũng lại trở thành lứa học trò báo chí của tôi…
Tôi biết, với ông Đắc Sinh - người thầy báo chí đầu tiên ấy, thì lúc nào gã cũng trân trọng như là viên đá lát móng của ngôi nhà gã đang sống và tiếp tục xây dựng, tô điểm nhiều màu sắc.
Ngỡ đã được yên chuyện phiếm. Ai ngờ vừa xong nạn chữ ký chụp ảnh thì lững lững, đỏ gay một ông đại tá bộ đội xách cổ chai Chivas khà khà xông tới.
- Nào Hồng Thanh Quang - Hôm nay tôi phải uống với người nổi tiếng…
Líu lô một tràng tiếng Nga và một động tác chào duyên dáng trên sân khấu, rất cho giống phong cách Hồng Thanh Quang. Vỗ tay. Vị đại tá hào hứng ưỡn ngực lấy hơi trình diễn luôn một trích đoạn nhạc kịch mà NSND Lê Dung thường hát. Chói và phô, nhưng giọng anh ta khoẻ như động cơ xe tăng. Không để cho chúng tôi kịp tán thưởng hay thơ ờ, vị đại tá đã òng ọc dốc chai Chivas ra cái cốc uống nước lọc. Anh ta giơ cao cốc rượu:
- Hồng Thanh Quang ở trong quân đội nổi tiếng còn hơn cả anh hùng. Thơ tình về nỗi lòng lính cực hay. Làm báo, thì khiến tôi tuần nào, tháng nào cũng phải bỏ tiền ra mua. Vậy hôm nay mà không uống cạn với tôi chai này thì không những Hồng Thanh Quang phụ một tấm lòng mà còn muôn tấm lòng ở phía sau tôi nữa…
Ngồi chết dí, tôi lo sợ nhìn cốc rượu. Thoáng như có nụ cười, trên gương mặt vốn nhiều cảm xúc, gã “bật” nhẹ nhàng.
- Rất cảm ơn anh đã chiếu cố vì tất cả. Trước khi uống với anh thì phải nói rõ: Anh nói bỏ tiền ra mua báo Công an Nhân dân và An ninh Thế giới là vì tôi thì tôi không dám nhận. Một tờ báo bất kỳ “đứng được” trong lòng bạn đọc, nó phải đều tay từ trên xuống dưới...
Tôi thầm nghĩ, gã “đá” thật, ngay cả lúc uống rượu mà vẫn không quên bảo vệ màu cờ sắc áo cho cả tờ báo. Nếu ở địa vị gã, chắc tôi đã chặc lưỡi cho qua.
Về báo chí, chắc chắn tôi chỉ là tay mơ về báo chí so với hắn và nhiều người bạn nữa. Người ta nhận xét gã là một trong những nhà báo xuất sắc trong thế hệ của mình thì cũng là đương nhiên. Trong vai MC, hay người đi phỏng vấn, gã luôn xuất phát từ vị trí “đồng minh”. Cái “đồng minh” ấy luôn biến hoá. Có những lời bàn lê thê. Có những câu tán thưởng ngắn ngủn. Nhưng tất cả chỉ là thủ thuật của thể loại báo chí tương tác hướng tới vấn đề cần phải giải quyết. Cái tài báo chí của gã thể hiện rõ dấu ấn cá tính của mình là biết gợi mở vấn đề báo chí một cách dân chủ, thông qua luận bàn chứ không xoay xoả bắt bẻ, dồn “đối tác” vào thế bí theo cách thông thường.
- Ông có nghĩ mình là một nhà báo giỏi ? - Tôi nổi hứng chọc gã chơi.
- Có những lúc tôi là nhà báo như vậy, và ngược lại…
- Bao nhiêu phần trăm ”như vậy“ và bao nhiêu phần trăm “ngược lại”?
- Ông ơi, nghề báo là nghề nghiệt ngã, nó vắt kiệt sức lực, trí tuệ mỗi lần tác nghiệp. Chẳng lần nào giống lần nào. Nó làm mới điều cũ. Còn sự kiện mới 100% thì cũng đồng nghĩa thử thách 100% sự nhạy cảm, 100% kinh nghiệm, 100% bản lĩnh…
Hừ, riêng cái bản lĩnh ngồi như xích trong phòng tìm ý tưởng hoặc đọc bài vở của mấy tờ báo ngày nối ngày cũng đáng để tôi sởn gai chân. Điện thoại bất kỳ lúc nào cũng thấy gã xưng đang ở cơ quan. Lỳ như chiếc đe lò rèn. Sợ.
Không ít lần trong các cuộc tao ngộ bạn văn chương, ai đó vô tình nhắc đến vấn đề nhạy cảm nào đó cho thêm đậm vị rượu, thì, gã phẩy tay đàng hoàng và hơi quá rành mạch.
- Xin lỗi các ông, chuyển đề tài được không. Bổn phận và công việc của tôi không cho phép tôi bàn luận những vấn đề này. Nếu tôi tham gia bàn luận, thì tôi quá bất nhẫn với những gì tôi đang có hiện tại. Bàn hay không bàn những chuyện trên thì cũng không ảnh hưởng gì đến sự chúng ta trọng quý nhau…
Ai đó khó chịu thì gã lặng lẽ cầm ly rượu, đứng dậy. Điều đơn giản này không phải ai ở vị thế tương tự như gã cũng có thế hành xử. Họ sẽ dấp dính chịu trận, rồi sau tan cuộc nhậu mới nhắn nhe trách khéo. Đơn giản và dứt khoát kiểu đàn ông với nhau. Đó cũng là điều đáng nể trọng ở gã.
…Viên đại tá quân đội ấn cốc rượu vào tay tôi thúc đến lượt. Tôi như tỉnh cơn mơ. Lại xoay vòng cốc rượu. Tôi bị vạ lây cái sự nổi tiếng của gã. Không khéo cả nhà hàng ồn ĩ này sẽ đổ xô đến chuốc rượu Hồng Thanh Quang. Trong không gian tỉnh lẻ, người ta dễ hoà đồng, vẫn là những con người kia, nếu gặp gã ở Hà Nội chưa chắc đã xán đến gặp gỡ chúc tụng. Âu tỉnh lẻ cũng là một cái cớ, một góc nhìn khác về bè bạn… Viên đại tá quân đội vừa quay lưng, chúng tôi vừa nâng đũa thì lại thập thò bác bảo vệ của nhà hàng, trong bộ đồng phục nhuôm nhuôm màu trứng sáo, tay cầm cuốn sách về Putin. Bác ta cập rập
- Lỗi phép các anh các bác, tôi chỉ phiền anh Hồng Thanh Quang một chữ ký vào cuốn sách này. Đây là cuốn sách của Hội cựu chiến binh phường, tôi là Chi Hội trưởng…
Đang chiêu nước lọc chữa lửa, gã vẫn phải tươi cười đón đỡ fan của mình. May, tôi không là Hồng Thanh Quang và cũng thật không may tôi không phải là Hồng Thanh Quang. Hoá ra làm người nổi tiếng thời hiện đại là luôn phải đi trên sợi dây căng giữa hai bờ vực. Tôi đã từng thèm sự nổi tiếng. Và bây giờ, trong chừng mực nào đó vẫn giật nảy mình sau một đêm tôi bỗng nổi tiếng thật. Làm người nổi tiếng sung sướng như thế nào nhỉ ? Hay tôi đã giống gã trong sự tự mâu thuẫn. Nếu có giống thì chắc gì được bằng một phần gã nhỉ. Gã có mâu thuẫn nhưng là để tìm ra điểm thống nhất trong sức mạnh bản thể. Cứ y là gã có những ngăn kéo riêng biệt, cất giữ từng khuôn mặt riêng, khuôn mặt nào cũng là gã, và tất cả các khuôn mặt trong ngăn kéo cũng là gã.
Điệu đàng, giơ cao ngón trỏ trước mặt, nâng ly vodka gã như đang cười với tôi. Nhưng trong tôi bỗng vẳng lên câu nói của gã chưa lâu. “…Tôi nghĩ, một khi đã là số giời thì hay hay dở ta cũng cứ mỉm cười mà chấp nhận. Dẫu lắm lúc, cười rơi nước mắt!”.
Cặp mắt gã, đôi môi gã, và toàn bộ cơ thể vẫn đang cười, mà tôi không thấy giọt nước mắt nào cả. Lạ, tôi nhìn ra phía cửa, thì ra lại một cô gái dắt ríu một toán fan của Hồng Thanh Quang đang tiến tới.
Tác giả: Nguyễn Tham Thiện Kế
Nguồn tin: Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc