Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: “Trẻ thì phải có tính khai phá, thử nghiệm”
Thứ ba - 03/11/2009 13:122.3300
Ngoài việc tổ chức Sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam hàng năm, Ban công tác nhà văn trẻ (Ban văn trẻ) thuộc Hội Nhà văn Việt Nam còn tổ chức nhiều hội thảo văn học, thu hút đông đảo giới cầm bút tham gia và sự chú ý của dư luận. Thời gian này, sắp hết nhiệm kỳ (cuối năm 2010), Ban văn trẻ càng hối hả giới thiệu những gương mặt mới, được dư luận chú ý. Và người “được chọn” để lãnh nhiệm vụ “trăm dâu đổ đầu tằm” lúc này chính là nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Phó Trưởng ban thường trực Ban Nhà văn trẻ.
- Sau buổi tọa đàm các tác phẩm của nhà văn Sơn Táp (Trung Quốc) 9/2007, Ban văn trẻ “lặn một hơi” dài hết hơn 20 tháng. Nhưng sau đó đã được tiếp tục với “tần suất” khá dày. Lý do nào mà các cuộc tọa đàm văn học lại được tiếp tục?
- Đến một thời gian nhất định, chúng tôi nhận thấy mọi sự quan tâm của Ban văn trẻ đối với các tác giả âm thầm sáng tác là chưa đủ và cũng đã đến lúc cần giới thiệu các cây bút đó. Việc này không đơn thuần cứ làm đều đặn mỗi tháng hoặc theo kiểu phong trào trong khoảng thời gian nhất định “đến hẹn lại lên” đã là tốt. Nó cũng giống như sáng tác, có khi cả khoảng thời gian dài không viết chữ nào, một ngày đẹp trời, thấy mình vô cùng muốn viết (cười), và lao vào viết như nhập đồng. Năm trước, là sự khơi mào về các trào lưu viết: chẳng hạn truyện ngắn của lứa tác giả sinh ra trong thập kỷ 80 (Truyện ngắn 8X, Vũ điệu thân gầy); vấn đề tác phẩm được viết khi tác giả sống ở xa tổ quốc... Năm nay, chúng tôi quyết tâm giới thiệu với độc giả và giới báo chí truyền thông, một cách có chủ đích về những tác giả (không lấy tiêu chí tiêu biểu), để nhằm động viên khuyến khích sáng tạo cá nhân, đồng thời qua dư luận, muốn đưa ra những thử nghiệm hoặc phong cách của các tác giả trẻ để họ được quan tâm hơn.- Tiêu chí tác phẩm để Ban văn trẻ giới thiệu cũng không quá khắt khe?
- Đúng vậy. Vì đã gọi là “trẻ” mà còn khó khăn và khắt khe nữa thì các tác giả trẻ có khả năng biết trông cậy vào ai? Trẻ thì phải có tính khai phá, thử nghiệm...
- Tiêu chí gợi mở như vậy nhưng các gương mặt được giới thiệu lại chưa nhiều?
- Chúng tôi không thể ôm đồm hết trong một thời gian ngắn. Chúng tôi chọn Di Li đầu tiên là để nhắc mọi người chú ý tới các cây bút trẻ hiện nay. Sau đó, chúng tôi đưa Phong Điệp, Đặng Thiều Quang ra tọa đàm như thể một sự quay trở về thập niên 90 của thế kỷ trước, rất nhiều cây bút thời kỳ ấy đã tham gia các nhóm bút và họ trường sức viết cho đến bây giờ. Phong Điệp và Đặng Thiều Quang, có thể gọi là tác giả thế hệ 7X, từng tham gia nhóm bút Hương Đầu Mùa của báo Hoa học trò, được nhiều bạn đọc quý mến, rất nhiều năm sau, họ vẫn cầm bút viết và liên tục có sách mới ra. Đặc biệt, Đặng Thiều Quang trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam năm 2005-2008 đã gửi tham gia đến ba tác phẩm, trong đó có một tác phẩm được vào chung khảo. Tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức giới thiệu tập Thơ trẻ 360 độ! với các tác giả: Nguyễn Anh Vũ, Lữ Thị Mai, Huyền Minh, Nguyễn Quang Hưng, Điệp Giang, Lệ Bình Quan, Thụy Anh, Nguyễn Phan Quế Mai. Đây là những tác giả trẻ đã tham gia chương trình đọc thơ tương tác trên Sân thơ trẻ 2009. Vào 29/10 này, là tọa đàm tiểu thuyết của Nguyễn Quỳnh Trang.
Nếu để sót ai chưa kịp giới thiệu cũng là điều đương nhiên vì nhiệm kỳ của chúng tôi còn rất ngắn, thời gian không nhiều.
- Còn các tác giả 8x, 9x khác thì sao? Có bao giờ chị nghĩ họ phải tự độc hành, dù có nhiều phương tiện truyền thông? Họ cũng rất cần được các nhà văn đi trước quan tâm chứ! Trẻ tuổi, non nghề trong khi nhiều giá trị ảo ngoài chất lượng tác phẩm lại được báo chí, các nhà sách, các công ty truyền thông PR, lăng-xê... sẽ mang lại cho họ rất nhiều hoang mang.
- Chính vì thế mà Ban văn trẻ đã phải cố gắng hoạt động trong tình hình tài chính rất eo hẹp. Và nói thật nhé, vấn đề các tác giả trẻ đặt ra ngày nay đôi khi không tương đồng với dòng truyền thống. Vì thế mà chúng tôi cố gắng hiểu họ, cố gắng đứng bên cạnh họ, thuyết trình giúp họ, cho dù đôi khi phải đối mặt với những quy ước truyền thống. Còn việc các tác giả trẻ sau đó có tự trưởng thành hay không là phụ thuộc vào tài năng và bản lĩnh của họ, không ai thay thế được.
- Ban văn trẻ nói riêng và Hội Nhà văn VN nói chung có sự giúp đỡ nào đến các tác giả này không? Hay anh chị thiếu thời gian để quan tâm đến họ? Hoặc biết nhưng cứ để họ nổi nênh theo kinh tế thị trường?
- Những tác giả và tác phẩm tài năng không cần bất cứ sự giúp đỡ nào mang tính ép buộc. Ngược lại, không biết đến những tác giả tác phẩm ấy là thiệt thòi cho tất cả chúng ta, không riêng gì Hội Nhà văn VN và Ban văn trẻ. Nhưng nếu nói đến sự giúp đỡ cho những tác phẩm còn trứng nước, những tác giả đang khẳng định mình, thì những hoạt động của chúng tôi là câu trả lời cho bạn.