“Ngộ độc” vì thơ kém chất lượng
Phóng viên: Thưa ông, ông có cho rằng hiện tượng người người làm thơ, nhà nhà làm thơ như hiện nay là đáng mừng cho nền thơ ca?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Người làm thơ bây giờ rất đông. Thường là người đến tuổi về hưu quay ra làm văn chương, đặc biệt là làm thơ. Như ở các CLB Thơ chẳng hạn, tiêu chuẩn là yêu thơ chứ chưa cần phải viết được những bài thơ hay, cho nên có rất nhiều thành phần có thể tham gia và đóng góp cho các CLB này hoạt động.
Các CLB như thế cũng góp phần kích thích sự phát triển của Thơ. Thú chơi thơ cũng tao nhã và khiến cho người ta sống kỹ hơn. Tuy nhiên, nhiều đến như hiện tại thì tôi thấy là một hiện tượng bất thường. Tôi thấy lo nhiều hơn mừng. Làm thơ nghiệp dư mà mỗi năm có thể in vài cuốn, tổ chức hội thảo thơ cá nhân mình tại Văn Miếu và nhiều hoạt động quảng bá khác. Tôi e có gì hơi quá.
Mỗi năm, có tới cả ngàn tập thơ. Đọc được cuốn nào, tôi phải lấy sổ ghi. Khi người ta hỏi còn biết giở sổ ra mà thưa. Đọc nhiều những tác phẩm chất lượng kém, cá nhân tôi thì không vấn đề gì, nhưng đối với xã hội thì tôi nghĩ tình trạng này sẽ làm người đọc phiền lòng, nhiễu loạn các hệ thống giá trị và làm thẩm mỹ về thơ bị biến dạng.
Ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư ngày càng không rõ nét. Nhiều người nghiệp dư nhưng cũng dùng những thao tác chuyên nghiệp để xuất bản và phát hành: trình bày ấn tượng, in sang trọng, quảng cáo giới thiệu rầm rộ… nên độc giả rất khó phân biệt. Chọn sách thì không thể căn cứ vào nhà xuất bản nữa rồi vì đã lâu rồi không hề có sự phân chia lĩnh vực nào. Nghe theo nhà phê bình thì người phê bình thật sự rất ít viết, bạn bè viết giúp thì lại không chuẩn mực. Tập dở nhiều lấn át và che khuất tập hay. Hậu quả là bạn đọc ngại đụng đến thơ. Hơn nữa, những người ban đầu chỉ định chơi thơ thôi thì bây giờ nhất định xin gia nhập Hội Nhà văn.
Đơn xin “ra nhập” Hội
- Hội đồng Thơ năm nay có phải vất vả lắm trong chuyện cân nhắc và xét duyệt giữa các lá đơn, thưa ông?
- Cho tới giờ, có tới 606 lá đơn xin vào Hội, trong đó có tới 248 đơn gửi tới hội đồng thơ. Sự hăng hái đến mức kinh hãi đó đã trở thành một áp lực rất lớn. Mà trong số đó, nhiều người rất ít hy vọng có thể làm được thơ. Có cái đơn cũng viết thành “Đơn xin ra nhập hội”.
Tôi nghĩ, có hai cách giải quyết: Một là cứ xét theo tiêu chuẩn nghề nghiệp, viết ra thơ ra văn thì có thể vào Hội. Những người làm nghề lâu năm đều có thể đọc ra điều này. Nhưng như thế thì mỗi năm chỉ có thể kết nạp được chừng vài chục người. Như năm 2008 là 19 người; 2007 là 24 người.
Hai là mở rộng Hội ra. Như một phó chủ tịch Hội đồng Thơ đề nghị là phấn đấu kết nạp tới 1 vạn hội viên. Tôi nghĩ, ý kiến này là không tưởng. Bởi vì một vạn người đó hoàn toàn có thể kéo thêm hai vạn khác nữa. Kết nạp nhiều như thế thì cả nước đi làm thơ à?
Quy trình kết nạp hội viên: - Vòng một: Các hội đồng chuyên môn sẽ xét (Thơ, Văn, Phê bình và Dịch thuật, cộng với đề nghị từ các ban: Ban Văn học nữ, Ban công tác Nhà văn trẻ, Ban thiếu nhi, Ban Văn học an ninh quốc phòng…) - Vòng hai: BCH bỏ phiếu, có sự tham gia của các chủ tịch hội đồng, để vừa giải thích vừa bổ sung thêm nếu có những thắc mắc. Nhiều đầu mối như thế nên tiêu chí của các hội đồng cũng khác nhau. Chính vì thế, vẫn có tình trạng đơn chạy từ ban nọ sang ban kia để dễ vào Hội hơn. |
- Mình sống ở môi trường nào cũng có người quen thuộc, và ngay cả những người không quen, họ cũng cứ nhờ vả, gửi gắm. Tôi trân trọng sự gửi gắm này nhưng cho rằng càng yêu quý và càng thân thì càng nên đọc kỹ tác phẩm của họ và cũng khuyên các thành viên khác của hội đồng nên đọc kỹ.
Muốn ủng hộ ai, tốt nhất là phân tích được cái hay của thơ anh ta. Chứ không nên vận động. Mà vận động cũng chả được, người ta có nể mà ừ ào thì đến lúc bỏ phiếu kín người ta vẫn không bỏ. Điều có thể thuyết phục “lọt tai” nhau chính là chất lượng thơ chứ không phải những lời nhờ vả.
- Nhưng vẫn có những trường hợp “đi đêm”, “quà cáp” trước, cho nên kết quả cuối cùng vẫn thay đổi. Có khi nào ông đã bỏ phiếu nhưng kết quả cuối cùng lại khác đi không?
- Nếu kết quả cuối cùng có khác đi thì cũng phải chấp nhận. Bởi vì sự khác nhau về thẩm mỹ văn chương không khác gì đứng trước sắc đẹp của phụ nữ, mỗi người một quan điểm.
Tôi cũng nhiều lần thấy kết quả cuối cùng bị khác đi. Nhưng nếu với quan điểm của cá nhân tôi, thấy những người chưa đáng mà vẫn được vào thì tôi im lặng, và nghi ngờ sự nhìn nhận của mình có khắt khe quá chăng? Liệu có phải mình chưa nhìn ra cái hay của người viết đó chăng? Còn nếu những người xứng đáng mà không được kết nạp thì tôi nói cho ra nhẽ. Đã nhiều trường hợp được bỏ phiếu lại và kết quả có khác đi. Còn nếu lần thứ hai mà vẫn không thuyết phục được hội đồng thì đành chịu.
Hội viên kiểu mua danh
- Việc một hội đồng bỏ phiếu bầu chọn như thế dù sao vẫn bị cảm tính, phụ thuộc rất lớn vào tình cảm cá nhân của người cầm phiếu? Có bao giờ ông bỏ phiếu mà vẫn thấy gờn gợn băn khoăn về chất lượng thơ?
- Chuyện cảm tính, tôi chắc là thế nào cũng có. Thậm chí người ta có thể không nghĩ là mình cảm tình cá nhân, bị cá nhân chi phối mà không tự biết. Cho nên, một trong những quy luật tiếp nhận tác phẩm của những người làm phê bình hoặc đánh giá tác phẩm là nên đọc nó ở nhiều tâm trạng khác nhau.
- Nhưng, tất cả những nể nang, dễ dãi, nuông chiều nhau sẽ làm cho Hội Nhà văn đông mà không tinh, tự hạ giá Hội. Hội có nên duy trì tình trạng có những hội viên chẳng bao giờ viết nổi một tác phẩm tử tế không?
- Theo tôi, chúng ta đành phải chấp nhận độ dung sai hợp lý. Như kiểu đề bạt mà cho nợ bằng cấp hoặc xây dựng sai phép thì lại phạt cho tồn tại. Hội Nhà văn chúng tôi mới nói vui với nhau rằng hay là Hội cứ kết nạp các tác giả đi rồi cho “nợ tác phẩm”. Chả phải xét ai nữa cả, cho vào tất. Những sự ngụy biện của xã hội đầy rẫy ra như thế, mà chúng ta cứ đòi rành mạch ra thì tôi e là không được.
Nhà thơ Vũ Quần Phương trong một chuyến đến Ý. |
Phải biết bằng lòng rồi cố gắng làm tốt hơn. Phát hiện ra những ai xứng đáng mà chưa được vào thì đưa họ vào. Chứ cứ tị nạnh vì những người chưa xứng đáng mà đã được vào thì… chết tất.
Tôi đã nghe nhà văn Nguyễn Khải kể chuyện chính ông “gà” cho con trai mình làm bài văn phân tích truyện “Mùa lạc”, mà còn bị cô giáo phê là “Không hiểu ý tác giả”, thì ông cũng phải chịu. Phán xét văn chương vốn không dễ. Chính anh Nguyễn Khải, sau một nhiệm kỳ, khoảng 5 năm, anh ấy cũng nhìn lại và công bằng xét đoán về những trường hợp đã hy vọng nhầm về khả năng sáng tạo của người mình giới thiệu vào Hội.
Thực tế cuộc sống và người đọc sẽ là ban thẩm định khắt khe nhất đối với tác phẩm văn chương. Theo tôi thì những người làm văn thực sự chỉ lo làm sao cuốn sau hay hơn cuốn trước, và kiên trì đi theo con đường của mình, khẳng định bản lĩnh của mình, chứ vào Hội không phải là tất cả. Trước những việc này, tôi thấy mình bình tĩnh lắm. Hay là mình già rồi nhỉ?
- Ông có bao giờ nghĩ tới chuyện cần thay đổi cách thức hoạt động của hội đồng chuyên môn?
- Tôi nghĩ nếu để hội đồng đọc tác phẩm xong rồi thông báo với Ban chấp hành, BCH gửi thư mời các tác giả có triển vọng làm đơn vào Hội thì tốt hơn. Như chúng tôi ngày xưa vào Hội, là theo cách thức như thế, rất âm thầm, chẳng ai biết cả. Vào Hội vì mình làm nghề, thế thôi, có gì đâu mà cứ làm rầm rĩ lên. Hội cũng chẳng cần đăng báo tên những hội viên mới. Việc vào Hội nên âm thầm. Việc in danh sách hội viên với tiểu sử văn học vào một cuốn sách dày cũng chả nên. Chả có ích gì. Lại đặt tên sách đó là “Những nhà văn Việt Nam” thì càng không đúng. Vì còn có những nhà văn Việt Nam họ không vào Hội.
Trong khi đó, lại tồn tại những nhà văn nhà thơ kiểu mua danh. Có những người đã đầy đủ cả tiền bạc, vị thế, và mọi thứ khác, chỉ cần thêm cái danh. Thế nên, họ "tấn công" ghê lắm. Họ mời mọc nhiều nơi làm hội thảo thơ họ, thuê khách sạn hạng sang, thuê người đến dự, thuê viết tham luận phát biểu… Dù là hội đồng hoạt động theo cách thức nào thì vẫn tiếp tục bị những kẻ háo danh này tấn công.
Ý kiến bạn đọc