'Tác phẩm của tôi không chỉ có bạo lực + sex'

Thứ ba - 03/11/2009 12:57 2.394 0

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.
Hơn 400 trang "Phiên bản" của Nguyễn Đình Tú đậm đặc những cảnh hành động, các pha chém giết và mãnh liệt, dữ dội những trường đoạn làm tình. Nhưng nhà văn khẳng định, đằng sau chuyện bạo lực và giường chiếu, anh gắng sức hướng người đọc đến những tình cảm nhân văn của con người.

Sau Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp, cuốn tiểu thuyết thứ tư của Nguyễn Đình Tú là một bức tranh về giới giang hồ, từ "mảnh đất nghịch" Ngã ba sông trải dài qua nhiều thành phố lớn. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Đình Tú và cuốn tiểu thuyết Phiên bảnmới ra mắt của anh.

'Tôi bị ám ảnh bởi 'đặc sản giang hồ Hải Phòng'

-“Phiên bản” là một khảo cứu về thế giới tội phạm, một bản tường thuật cuộc chiến tranh giành lãnh địa của các băng nhóm. Anh đã chuẩn bị, về mọi mặt, cho cuốn tiểu thuyết này như thế nào?

- Trước hết, về mặt ý tưởng, với tư cách là một người từng nghiên cứu luật học, tôi thường trăn trở điều này: Cái ác có phải là một đặc tính của loài người, luôn song hành cùng Cái thiện, không bao giờ mất đi, không bao giờ triệt tiêu, không bao giờ chế ngự được?

Tuy nhiên, thường thì nhà văn bắt đầu tác phẩm của mình từ những ám ảnh. Mảnh đất và con người quê tôi để lại trong tôi nhiều ám ảnh, trong đó có cái gọi là “đặc sản giang hồ Hải Phòng”. Tôi lại có thời gian công tác trong ngành kiểm sát, thường ra vào các trại giam làm việc với nhiều đối tượng phạm tội khác nhau. Những con người mặc áo sọc trắng bên trong các bức tường giam xám mốc và những ánh mắt chất chứa ngàn vạn tâm trạng sau song sắt nhà tù luôn trở đi trở lại trong tôi, như những cắt cứa suy tư, những đòi hỏi cắt nghĩa, và với tư cách một nhà văn thì đó chính là những thân phận có hấp lực ghê gớm.

Nhưng như thế thì vẫn chưa nói hết về cái sự “chuẩn bị về mọi mặt” cho cuốn tiểu thuyết thứ tư này của tôi. Tôi chỉ thực sự bắt đầu có ý định viết nó khi cùng nhà văn Trần Thanh Hà đi thực tế ở Cục Cảnh sát phòng chống ma túy năm 2006. Ý định ấy tiếp tục được “bồi đắp” trong đợt đi thực tế một loạt trại giam của Cục V26, Bộ Công an hồi tháng 3/2008. Khi những suy nghĩ về cuốn tiểu thuyết đã chín thì tôi viết rất nhanh và hoàn thành vào giữa năm 2009.

- Văn học Việt Nam không có nhiều những nhân vật nữ tướng cướp. Xưa nay, hầu như người ta chỉ nhắc đến Tám Bính của Nguyên Hồng. Cuốn sách của anh cũng nhắc đến nhân vật này. Vậy có thể nói gì về sự ảnh hưởng, về sự tiếp nối hay một so sánh nào đó giữa Tám Bính và Hương Ga? 

- Lịch sử văn học nước nhà đã có một nhà văn Nguyên Hồng từng viết về tội phạm với nhân vật nữ nổi tiếng là Tám Bính. Tuy nhiên chúng ta quen lý giải những số phận giang hồ như Tám Bính là do xã hội cũ xô đẩy. Tôi có một suy nghĩ thế này: Vậy những tội phạm nảy sinh trong xã hội mới thì do điều gì xô đẩy? Những Dung “hà”, Xuân “taliban”… khét tiếng giang hồ Hải Phòng vì đâu mà sinh ra? Tại sao giang hồ Hải Phòng luôn hung hãn khiến giới giang hồ cả nước phải vì nể, và vì sao giang hồ Hải Phòng lại xuất hiện nhiều nữ quái đến thế? Nếu cắt nghĩa được những kiểu nữ quái này, chắc chắn tôi sẽ có được một kiểu nhân vật văn học rất hay, đó là những nữ giang hồ thời đại mới. Mặt khác, nếu mổ xẻ được đúng “yếu huyệt” của giang hồ đất Cảng, những thân phận tội phạm được lý giải, soi chiếu dưới góc độ địa văn hóa thì vấn đề của tiểu thuyết không dừng lại ở đó nữa mà sẽ được nâng lên một chiều kích mới, đạt những giá trị phổ quát mới.

Trước khi bắt tay xây dựng nhân vật Diệu - Hương Ga, tôi có tìm đọc lại các tác phẩm của Nguyên Hồng cùng những tư liệu về ông. Trong một tư liệu, Nguyên Hồng có nói đại ý rằng, Hải Phòng còn rất nhiều Tám Bính, nếu có điều kiện ông sẽ tiếp tục viết về họ. Đây chính là gợi ý để tôi đặt nhân vật của mình vào đúng từ trường nghệ thuật của Bỉ vỏ để rồi từ đó phát triển nhân vật theo hướng của mình.

Đó là cái duyên giữa hai nhân vật Tám Bính và Hương Ga. Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là Hương Ga của tôi khác Tám Bính thế nào, có thoát ra khỏi cái bóng rợp của nhân vật bất tử kia của cố nhà văn Nguyên Hồng hay không, xin bạn đọc cứ đọc Phiên bản sẽ có được câu trả lời.  

'Sex trong Phiên bản là sex tâm trạng'

So với "Nháp", "Phiên bản" theo tôi là một thành công vượt bậc về nghệ thuật tả sex. Mật độ cảnh sex được sử dụng một cách tiết chế, có chọn lọc; hệ thống hình ảnh được dùng thống nhất; ý tưởng tả sex từ cảm nhận về những hình xăm; nhục cảm được cụ thể hóa bằng hình ảnh… Tất cả khiến các cảnh sex vừa mãnh liệt nhưng lại vừa không thô tục. Vậy, anh đã “chăm sóc” những cho những trang viết về cảnh sex như thế nào?

- Sau Nháp, bạn đọc có vẻ chờ đợi ở Nguyễn Đình Tú yếu tố sex sẽ được khai triển như thế nào trong Phiên bản, thú thực, đây vừa là áp lực vừa là niềm hưng phấn đối với tôi.

Cũng xin được nói lại đôi lời rằng: Nháp trình ra nhiều kiểu tính giao vì nhân vật có tâm bệnh về tình dục, dùng tình dục để khám phá bản thân và thỏa mãn những khát vọng ngoài tình dục. Vì thế sex trong Nháp là sex trực diện, nếu ai không đồng cảm được với những thân phận trongNháp thì không thích yếu tố tính dục trong tiểu thuyết đó.

Còn sex trong Phiên bản được “chăm sóc” theo cách khác.

Bản thân câu chuyện của Phiên bản đã rất dữ dội. Nhưng nếu chép lại nguyên xi những dữ dội của cuộc sống thì sẽ ra những trang văn gây phản cảm. Ví dụ như cảnh hiếp dâm chẳng hạn. Ngoài đời chúng ta vẫn gặp đầy rẫy những vụ hiếp dâm, nhà văn không làm cái công việc quay phim những vụ hiếp dâm ấy để trình ra cho độc giả. Vì thế tôi không chọn hiện thực sex để lấn sâu hơn vào sự dữ dội vốn có của câu chuyện, mà tôi chọn những tâm trạng sex để chuyển sự dữ dội sang những chiều kích khác. Và tôi đã làm mờ đi những cảnh huống sex để đạt hiệu quả thẩm mĩ cao hơn, thay vì miêu tả một cuộc hiếp dâm tập thể trên biển tôi đã ảo hóa bằng một cơn ác mộng khủng khiếp của nhân vật với đàn giao long trườn lên từ dưới biển.

Hay đời sống chăn chiếu của một cặp vợ chồng “cướp đêm” như Tùng “hê rô” và Hương Ga chẳng hạn. Tôi chọn cái phòng ngủ của họ với rất nhiều vết máu của đâm chém lẫn với giọt nước mắt ái ân và những tiếng tặc lưỡi gọi nhau đi giết người làm điểm nhấn nghệ thuật. Yếu tố sex ở đây sẽ làm bạn đọc thấy họ sống cái kiếp người buồn nản làm sao, đớn đau làm sao, bế tắc và cùng quẫn làm sao, nhưng cũng nhân bản và nồng nàn yêu đương làm sao…!

Tôi là người bảo thủ, luôn cho rằng văn chương giống như cuộc đời, phải có yếu tố sắc dục, vì thế tôi đặc biệt dụng công khi đưa yếu tố sex vào tác phẩm. Có người bảo tôi là nhà văn quân đội sao lại viết về tính dục “phiêu” thế? Có người còn nói một cách gọn lỏn rằng, tác phẩm của tôi đều theo một công thức chung, đó là: bạo lực + sex! Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, đằng sau những cái gọi là bạo lực và sex đó, bạn đọc của tôi có vài ba phút ngồi thẫn thờ rưng rưng nghĩ về kiếp người, thì đó là lúc tôi đã chạm tay đến được cái nghĩa đích thức của hai chữ: Nhà văn! 

'Tôi không đánh võng kỹ thuật với cuốn tiểu thuyết'

Cuốn tiểu thuyết có kết cấu vòng tròn, và trần thuật theo từng lát cắt bất tuân quy luật thời gian. Đây là một dụng công của tác giả. Anh đã đưa ra bao nhiêu phương án tổ chức tác phẩm trước khi chọn cách cuối cùng này?

- Tiểu thuyết của tôi thường có kết cấu vòng tròn. Tại sao tôi lại hay chọn kiểu kết cấu vòng tròn? Vì nó thách thức người viết. Đi từ quá khứ đến hiện tại bao giờ cũng đơn giản hơn là đi từ hiện tại đến hiện tại tiếp diễn mà vẫn lột hiện được quá khứ. Trình ra ngay từ đầu cái kết của nhân vật mà vẫn giữ độc giả đọc hết 400 trang sách để quay về với cái kết ấy rõ ràng nhà văn đã đặt ra cái khó cho chính mình.

Tuy nhiên kết cấu vòng tròn là cái khung chung cho các cuốn tiểu thuyết của tôi, còn cụ thể mỗi cuốn lại phải có cách tổ chức khác nhau. Tôi loại bỏ những cách thức mà ở những cuốn trước tôi đã làm, không chương hồi theo kiểu hiện tại - hồi cố như Hồ sơ một tử tù, không liền một mạch hòa quyện hai giọng kể vào nhau như Nháp, tôi chọn cho Phiên bảnnhiều cách kể khác nhau của cùng một “cái tôi nhân vật” chạy song song cho đến khi kết thúc tiểu thuyết.

Và tôi nghĩ là tôi đã chọn được cách thức tổ chức tác phẩm phù hợp ngay từ đầu, dù không phải không có những thay đổi, bổ sung trong quá trình viết.  

Nhà văn Nguyễn Đình Tú đi thực tế tại trại giam.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú đi thực tế tại trại giam.

- "Phiên bản" là một tác phẩm hành động tâm lý. Miêu tả tâm lý là yếu tố khiến độc giả dễ thông cảm cho nhân vật, dù đó là một nhân vật ác. Ở phương diện này anh đã rất và chỉ rất thành công với Hương Ga. Còn hai nhân vật, nếu được thể hiện tâm lý, cũng sẽ rất hay, là Hưng và Tân. Tại sao anh không khai thác thêm về nội tâm hai nhân vật này?

- Nếu ví cuốn tiểu thuyết như một bức tranh, thì nhân vật Hương Ga là hình ảnh trung tâm được họa sĩ gửi gắm qua đó những thông điệp cần thiết cho người xem tranh. Những hình ảnh khác, những mảng màu tối sáng khác chỉ làm nền cho hình ảnh trung tâm tỏa sáng theo ý đồ nghệ thuật của tác giả mà thôi. Nhân vật Hưng và Tân không được tôi “chăm chút” dưới góc độ nội tâm mà tập trung khai thác dưới góc độ hành động là bởi hai nhân vật này giữ vai trò như những mảng màu nền cho hình ảnh Hương Ga trong bức tranh tổng thể mang tên là Phiên bản

Tại sao anh không lý giải cái chết của Tân?

- Tôi không lý giải bất cứ một cái chết nào trong Phiên bản cả. Kết cục của mỗi nhân vật đều nằm trong sự phát triển logic nội tại của chính nhân vật đó. Và người đọc tự lý giải. Hay nói đúng hơn người đọc ngầm nhận ra sự lý giải của bản thân câu chuyện. Cái chết của Hưng mã trên giường ngủ của Hương Ga được bạn đọc lão làng Ma Văn Kháng hiểu là “một cuộc tự chối bỏ cái ác từ trong tiềm thức, cái ác tự hủy hoại cái ác”.

Còn cái chết của Tân thì sao? Có thể có nhiều cách hiểu về kết cục này của một nhân vật phức tạp như Tân. Chính vì tính cách Tân phức tạp nên cái chết của anh ta tưởng đơn giản nhưng lại gói ghém trong nó nhiều trường liên tưởng cho bạn đọc. Nhà văn tạo ra nhân vật nhưng cái chết của nhân vật lại không phụ thuộc vào nhà văn.

Truyện được kể từ ba điểm nhìn: Em, thị và ta - cũng là một cách trình bày những "phiên bản" của con người. Nhưng cách kể này cũng khiến người ta nghĩ đến "Linh Sơn" của Cao Hành Kiện. Anh đã đọc "Linh Sơn" chưa và có bị ảnh hưởng không?

- Cách kể này không chỉ làm người ta nghĩ đến Linh Sơn của Cao Hành Kiện mà còn nghĩ đến Đàn Hương hình của Mạc Ngôn, Thiếu nữ đánh cờ vây của Sơn Táp… Đó đều là những nhà văn sử dụng nhiều điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm của mình.

Thông thường thì “câu chuyện thế nào?” là điều mà bạn đọc quan tâm khi đọc tiểu thuyết, nhưng câu chuyện đó được “kể thế nào?” lại là điều mà các nhà văn phải suy nghĩ, tính toán, cân nhắc khi tổ chức tác phẩm của mình. Với Phiên bản, tôi hư cấu lên nhân vật, đặt nó trong mối tương quan với nhau và tính đến đường dây phát triển tâm lý của từng nhân vật, từ đó tạo lên một cốt truyện hấp dẫn với rất nhiều kịch tính. Tôi muốn chọn nữ làm nhân vật chính vì nó độc đáo và gửi gắm được nhiều điều hơn cả. Chọn nữ chính thì giọng kể chọn ngôi “em” sẽ mềm mại và tạo độ tin cậy nơi người đọc. Nhưng nói về thế giới giang hồ đầy rẫy bạo lực mà chỉ dùng một ngôi “em” sẽ không hiệu quả, nên tôi chọn một ngôi thứ ba số ít nữa tạo cho giọng kể khách quan hơn trong những trường đoạn “lạnh xương sống” nhất. Nhưng ngôi “thị” và ngôi “em” song hành được một phần ba cuốn sách thì tôi nhận ra câu chuyện “thật” quá, không tải được những kiểu nhận vật “mờ”, hơn nữa có nhiều đoạn kể với giọng “em” và giọng “thị” sẽ không chạm đến được nhiều vấn đề khác thuộc về tâm linh và những ẩn dụ nghệ thuật của nhà tiểu thuyết. Cần phải có thêm một giọng kể nữa, khoáng đạt và trung tính hơn, thế là đại từ nhân xưng “ta” được huy động vào truyện. Và cuốn tiểu thuyết của tôi đã về đích với ba điểm nhìn trần thuật này.

Tôi “hé lộ” những chuyện bếp núc trên để thấy rằng bản thân cách kể đến từ quá trình sáng tác chứ không đến từ những ảnh hưởng ngoài tác phẩm. Và tôi cũng không có tham vọng trình ra một nghệ thuật kể chuyện hoàn toàn mới lạ hay những lạm dụng theo kiểu “đánh võng kỹ thuật” nào đó cho cuốn tiểu thuyết của mình.

- "Phiên bản", theo tôi, vẫn còn một số tình tiết quá dễ dãi, ví dụ như việc ông Trùm bị khuất phục trước thế lực của Hương Ga quá dễ dàng; cái chết quá đơn giản của Hương Ga. Anh nghĩ sao về điều này?

- Cuốn tiểu thuyết kết thúc với cái chết của Hương Ga nhưng câu chuyện về một thế giới giang hồ vô cùng khốc liệt thì vẫn còn đang tiếp diễn. Cũng giống như một cái ác cụ thể đã bị loại trừ nhưng cuốn sách còn khiến người đọc tiếp tục ngẫm ngợi về những cái ác khác đang tồn tại ngoài xã hội.

Ở đây chị muốn bàn đến một phần hiện thực của tiểu thuyết, đó là sự thắng thua giữa các phe nhóm giang hồ. Thực ra thì phe ông Trùm không hề bị khuất phục trước thế lực của Hương Ga, chính con trai ông ta đã bắn chết Hương Ga đó thôi. Và như trong chiều tương lai của nhân vật “Ta” cho thấy thì phe của ông Trùm chỉ bị khuất phục trước chính quyền.

Cái chết của Hương Ga xét về mặt tình tiết cụ thể thì đơn giản nhưng đó là kết cục của cả một quá trình diễn biến phức tạp trong đời một nữ quái giang hồ. Tính phức tạp của cái chết đó không nằm ở sự kiện nhân vật bị hai phát đạn vào đầu mà nằm ở sự tuyên chiến mang tính đại diện của các phe nhóm, và những hệ lụy mà thế giới giang hồ phải hứng chịu ở giai đoạn “hậu Hương Ga”. Ngoài ra, tiểu thuyết không đi sâu khai thác phần hành động mang tính điện ảnh của nhân vật giang hồ mà chỉ chọn những điểm nhìn đặc biệt để bạn đọc có thể hình dung ra cả một bức tranh rộng lớn đằng sau đó.

Cũng xin nói thêm rằng cuốn tiểu thuyết của tôi trình ra rất nhiều kiểu giang hồ khác nhau nhưng chỉ đi sâu vào một vài kiểu giang hồ cụ thể. Vì thế nó cũng tạo nên nhiều chiều liên tưởng cho độc giả và còn là những gợi ý cho những cuốn tiểu thuyết tiếp theo khi tác giả có ý định quay trở lại với những kiểu nhân vật này. 

- "Phiên bản", theo tôi, sẽ là một bộ phim hành động hay nếu được chuyển thể. Anh có ý định "chào hàng" cuốn sách của mình tới các đạo diễn?

Xin bật mí thế này: Ngay khi sách ra được một tuần thì đã có một đạo diễn sân khấu muốn chuyển thể thành một vở kịch dưới dạng sân khấu thể nghiệm. Cũng có một nhà biên kịch điện ảnh muốn chuyển nó thành 30 tập phim truyền hình. Nhưng tôi đang tập trung công sức cho việc chuyển thể cuốn tiểu thuyết Nháp nên chưa quyết định chọn một hình thức nghệ thuật phái sinh nào từ Phiên bản.

Hơn nữa, tôi cũng muốn Phiên bản hãy đi cho hết đời sống văn học của mình.

Tác giả: Hà Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây