Văn học dịch: Đang "loạn" hay khởi sắc

Thứ sáu - 02/10/2009 11:13 2.033 0

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Liệu tình trạng văn học dịch hiện nay có bị loạn? Xu hướng ra đời các công ty văn hóa truyền thông phát hành sách có làm bộ mặt sách văn học dịch bị phiến diện? Đã đến lúc cần có Hội dịch thuật văn học để làm chuẩn hay chưa? Dịch giả trẻ có thể “sống” được với nghề?…Đây là những câu hỏi được đặt ra đối với văn học dịch giai đoạn gần đây.

Chúng tôi xin giới thiệu chùm bài viết nhận diện về văn học dịch hiện nay tại Việt Nam với phần chia sẻ của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, dịch giả Thúy Toàn, dịch giả trẻ Nguyễn Lệ Chi và đại diện một công ty văn hóa truyền thông trong lĩnh vực xuất bản sách văn học dịch để cùng làm rõ vấn đề này.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Cần có hội dịch thuật văn học Việt Nam

“Từ cách đây vài năm, người ta đã muốn thành lập hội dịch thuật Việt Nam, trước mắt là dịch thuật văn học Việt Nam. Đã đến lúc thời cơ chín muồi, anh em dịch thuật văn học cũng đã muốn có hội riêng, tương đương như hội nhà văn để hoạt động” – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khá lạc quan về văn học dịch những năm gần đây, và đặc biệt, ông đánh giá cao lớp dịch giả trẻ làm bộ mặt văn học thế giới tại Việt Nam đa dạng hơn.

- Gần đây, nhiều dịch giả cao niên có vẻ bi quan khi đội ngũ dịch giả trẻ chưa đủ sức kế cận. Là người lâu năm theo dõi văn học dịch, ông có nghĩ như vậy?

Tôi nghĩ là không bi quan lắm. Trong vài năm gần đây, đội ngũ dịch giả có nhiều gương mặt mới, dịch giả trẻ cả về tiếng Âu Mỹ, Trung, Nhật và một vài thứ tiếng chúng ta ít biến tới.

Họ là những người trẻ, có lòng đam mê, nhiệt tình và có chí hướng đi vào dịch văn học. Thật ra, thị trường dịch mấy năm nay rất khởi sắc, có tác phẩm chuyển ngữ tức thì, bản dịch chất lượng tốt, đưa món ăn tinh thần của văn học thế giới đến độc giả Việt Nam.

- Ông có vẻ lạc quan với văn học dịch trong giai đoạn bão hòa các loại sách nước ngoài xâm nhập vào văn học Việt Nam?

Văn học dịch hiện nay rất đa dạng, có văn học nghiêm túc, giải trí, văn học tuổi teen, văn học nhiều suy ngẫm…

Công việc dịch bây giờ của lớp trẻ, người già chỉ còn Dương Tường, Lớp trẻ như Lương Việt Dũng, Cao Việt Dũng, Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Lệ Chi, Trang Hạ, Trịnh Lữ… đang khá nổi tiếng trong giới dịch thuật bởi những cuốn sách hay và bản dịch chất lượng.

Thậm chí, văn học dịch gần đây xuất hiện nhiều tên tuổi lạ và mới nhưng đọc bản dịch của họ khá là chất lượng. Đó là điều đáng mừng.

- Nhưng xem ra, trước đây cũng như bây giờ, giới dịch thuật đa phần vì đam mê mà đến và phần lớn, dịch thuật chỉ là nghề tay trái của họ? Chẳng lẽ nghề dịch thuật văn học lại “bạc” với các dịch giả như vậy?

Gần như các dịch giả không được đào tạo về dịch nếu hiểu theo nghĩa học theo lớp dạy về biên dịch. Họ có đam mê, nhiệt tình và chí hướng. Họ nắm được ngôn ngữ, đặc biệt làgiỏi tiếng mẹ đẻ để đưa sắc thái tinh tế của tiếng Việt vào trong văn dịch. Mặc dù phải nói thật, đôi khi có những hao hụt và sai lạc nhưng nếu không có lòng đam mê thì người trẻ không làm được.

Nhiều người được đào tạo ngoại ngữ để kinh doanh, để đi du học, du lịch... chứ không phải ai cũng nặng lòng với văn học dịch. Vì dịch bản hợp đồng kinh tế nhanh, nhiều tiền. Dịch sách có khi loay hoay cả tuần với 1 chữ, 1 câu nhưng tiền thù lao không đáng kể. Tôi nghĩ, nghề dịch không quá “bạc” bởi nếu các dịch giả dịch sách vì tiền thì tôi nghĩ họ sẽ chọn nghề khác.

- Theo ông, điều thuận lợi với các dịch giả trẻ hiện nay nằm ở đâu khi tiếp cận các bản sách văn học nước ngoài?

Văn học dịch có khởi sắc khi có đội ngũ dịch mới, họ không chỉ biết tiếng mà do hoàn cảnh thời buổi lịch sử, họ có hiểu biết trực tiếp. Trước đây lớp dịch giả cao niên cũng giỏi nhưng không có hiểu biết trực tiếp như việc đi ra nước ngoài, tiếp xúc tác giả.

Lớp trẻ hiện nay họ có điều kiện đi lại, thậm chí có nhiều người đi du học cũng tham gia dịch thuật, nhờ đó họ làm cho văn học Việt Nam đồng thời với thế giới hơn. Nếu trước đây sách ra nguyên bản, sau 10 năm mới dịch ra tiếng Việt thì bây giờ chúng ta đã có những bản dịch gần như đồng hành với thế giới. Cuốn “Người trong bóng tối” là một ví dụ điển hình, bên ViệtNam đàm phán được cùng xuất bản đồng thời bản tiếng Anh tại Châu Âu và bản tiếng Việt tại Việt Nam.

- Xu hướng ra đời các công ty văn hóa truyền thông hoạt động xuất bản sách như các nhà xuất bản đang tạo ra bộ mặt văn học nước ngoài khá đa dạng. Nhưng đôi khi, vì mục đích lợi nhuận, họ không tránh được việc bỏ rơi nhiều tác phẩm văn học kinh điển mà chạy theo những sách bán chạy trên thế giới?

Cái này có tính hai mặt của nó. Nó có thuận lợi là khi có nhiều công ty văn hóa truyền thông tham gia vào một nửa quá trình ra sách thì cùng với uy tín về mặt thương hiệu cũng như mục đích kinh doanh, họ sẽ chọn lọc sách văn học để mua bản quyền rồi xuất bản. Ví dụ Nhã Namhọ có đội ngũ làm bản quyền tốt, cộng tác viên dịch chắc tay, in ấn, bìa sách đẹp…

NXB Tri thức hiện nay họ đang làm rất tốt về mảng sách khoa học, lịch sử, triết học… Mặc dù họ biết là khó dịch, khó bán nhưng họ làm được vì đó là mục tiêu kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, việc liên kết giữa các NXB với công ty văn hoá truyền thông chưa có kế hoạch thống nhất. Họ luôn chạy theo tác phẩm tức thì mà đôi khi làm phiến diện nền văn học thế giới tại Việt Nam. Đương nhiên, chúng ta phải hiểu vì mục đích lợi nhuận, nếu đầu tư cho sách mang tính kinh viện, văn học kinh điển khó mang lại lời bằng việc xuất bản sách best-seller hoặc sách tự truyện đời tư của người nổi tiếng.

Tôi nghĩ, nếu làm có hệ thống hơn thì sẽ được độc giả đón nhận. Có thể phát hành cả sách không ăn khách nhưng phải bổ sung chỗ thiếu để không phiến diện, bức tranh văn học nước ngoài ở Việt Nam cũng đầy đủ hơn.

- Đôi khi vì lợi nhuận họ dịch ẩu hoặc vì kinh nghiệm còn quá non nên dịch chưa tới, làm hỏng bản sách. Trong khi, việc hiệu đính lại không được làm chuẩn bởi các nhà văn?

Tôi nghĩ, vấn đề này trước hết phải đề cao trách nhiệm và lương tâm của người dịch. Nhưng sau đó phải có dư luận học thuật. Tốt hơn nữa là phải có sự liên kết, hợp tác giữa những người làm công tác xuất bản.

- Ông có nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên có một hội dịch thuật Việt Nam để làm chuẩn mực cho văn học dịch hiện nay?

Đã đến lúc thị trường sách dịch văn học có khởi sắc nhưng cần phải nhộn nhịp hơn nữa để bức tranh văn học thế giới đầy đặn hơn.

Từ cách đây vài năm, người ta đã muốn thành lập hội dịch thuật Việt Nam, trước mắt là dịch thuật văn học Việt Nam. Đã đến lúc thời cơ chín muồi, anh em dịch thuật văn học cũng đã muốn có hội riêng, tương đương như hội nhà văn để hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Thiên Lam

Nguồn tin: Vn Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây