Văn học trẻ: Những tia nước tinh nghịch

Thứ sáu - 25/09/2009 21:43 2.156 0

Văn học trẻ: Những tia nước tinh nghịch

Trong bức tranh chung văn học nước nhà, văn học trẻ gần đây đã có những nét chấm phá rất đáng chú ý. Một sự kế thừa, tiếp tục của truyền thống hay sự vận động tạo nên những cái mới...! Chúng tôi đã trao đổi cùng nhà văn Võ Thị Xuân Hà (ảnh), Phó trưởng Ban công tác nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Đời sống văn học nước nhà hiện nay khá bình lặng. Nhưng tôi nghĩ, đời sống xã hội đang rất sôi động, mà văn học nói riêng và văn nghệ nói chung là tấm gương phản chiếu xã hội! Nhà văn lý giải hiện tượng này thế nào?

* Đúng vậy! Văn học nói riêng, văn nghệ nói chung là tấm gương phản chiếu xã hội! Nhưng tôi không hoàn toàn nghĩ đời sống văn học nước nhà hiện nay bình lặng. Thậm chí nó giống như mặt nước hồ dường như phẳng lặng, nhưng trong lòng nó là những mạch nước ngầm. Nếu lặn xuống đáy sâu, có thể tìm được ngọc quý. Nếu nghĩ rằng mặt nước hồ kia quá buồn tẻ, e rằng ta sẽ bị hút xuống đáy sâu khôn cùng của sự thiếu trách nhiệm…

Hãy thử mở bất cứ một địa chỉ trang web nào đó liên quan đến sách, bạn đọc hẳn sẽ rất nóng ruột vì không thể sở hữu được hết chúng. Sao mà nhiều sách đến vậy cùng được xuất bản trong cùng một thời điểm.

Các nhà sách của Savina, Fahasa, Phương Nam, Thành Nghĩa, Vinabook… liên tục cập nhật sách bán chạy. Những cái tên trẻ trung lạ lẫm được bạn đọc đón đọc sách mới ra như Keng, Gào, Trần Thu Trang, Trang Hạ, Nguyễn Quỳnh Trang, Hồng Sakura… khiến tôi luôn tin rằng văn học vẫn đang chảy mãnh liệt, dù dòng chảy trẻ trung này không giống như chúng ta hằng mong ước, rằng phải đồ sộ và lớn lao. Dòng chảy này như những tia nước tinh nghịch, không tuân theo ý muốn của độc giả. Họ bắt độc giả phải chấp nhận mình, dù tại một thời điểm nhất định, họ khiến đa phần không chấp nhận nổi sự phá cách có vẻ ngốc nghếch và vỡ vụn này.

Trong mấy năm qua, có những lúc văn học trẻ với những cây bút trẻ đã tạo sự không bình lặng trên diễn đàn văn học. Sự xuất hiện gần đây nhất của tác giả Di Li với khuynh hướng tiểu thuyết trinh thám kinh dị, cùng một số tác giả trẻ khác với nhiều khuynh hướng khác nhau... Ở tầm bao quát của Phó trưởng Ban công tác nhà văn trẻ, nhà văn có thể giúp bạn đọc hiểu được toàn cảnh bức tranh văn học trẻ?

* Nhiều người hình dung sau dòng chảy văn học hậu chiến, mang đậm sự đổi mới và còn vương vấn nặng nề nỗi đau của vết thương chiến tranh để lại, thì dòng chảy văn học thời đại mới - chúng ta hay gọi chung là thời @ - sẽ phải mang tính hiện đại cả về nội dung tư tưởng và hình thức trình bày. Nhưng hầu như các bậc tiền bối đều thất vọng, vì hình như các cây bút trẻ chẳng mang lại được điều đó. Họ, mỗi người mỗi cách, dường như chẳng cố gắng mang lại điều gì cho rõ rệt, họ thích sao nói vậy, ngổn ngang, lộn xộn, thậm chí hú hét, tước bỏ mọi định lượng…

Trước đây, nghĩa là thời kỳ bao cấp, may cái áo cái quần phải cùng hình dáng, lai quần phải phẳng phiu, áo phải có quy ước chung là gấu áo gập lên hai phân v.v… Thấy ai mặc khác đi thì thiên hạ đều bảo dở hơi. Nhưng bây giờ cánh trẻ chẳng ai theo ai, có khi mặc áo trong dài hơn áo ngoài, mặc váy ngắn rồi xỏ thêm cái quần lửng. Các cụ bảo ăn mặc loạn xị, nhưng cánh trẻ bảo ăn mặc tự do muôn năm.

Vì vậy có thể tạm coi thời kỳ này của văn học như là thời kỳ tiềm ẩn những tác phẩm lớn. Những cây bút trẻ tự tìm đường cho mình, ban đầu là sự phá cách về tên tác giả. Hẳn bạn đọc còn nhớ khi những tác phẩm của THUẬN ra đời, người ta chưa đọc tác phẩm, đã thấy bắt mắt với cái tên tác giả chỉ độc hành một từ. Sau đó là phá cách lối viết: hàng loạt kiểu viết tự do, chẳng theo luật lệ truyền thống ra đời, hàng loạt lối viết văn chương mạng. Chấm phẩy, biểu cảm, xuống dòng, ngắt câu, cảm thán, xếp chữ… rất tùy hứng.

Nhưng đặc biệt nhất là rất ít tác giả trẻ muốn viết trường thiên tiểu thuyết, đi sâu khai thác đề tài lịch sử, vấn đề xã hội lớn; mà thường viết theo lối cảm, với những mảnh vụn vỡ, ghép mảnh, đa chiều của cuộc sống đang diễn ra cụ thể hàng ngày. Chính vì điều này mà họ bị coi là không có chiều sâu, nông cạn, thiếu hụt...

Tôi thì cho rằng, văn học Việt Nam hiện nay nếu không có những thế hệ 8X, 9X, sẽ không thể có sự kết nối quá khứ và tương lai.

Văn chương khó có thể nói trước được điều gì. Tuy nhiên, văn học trẻ hiện nay cũng cho thấy chỗ mạnh, yếu khác nhau và có thể có hy vọng trong tương lai gần, thưa nhà văn?

* Tôi luôn cho rằng một tia nước cũng có thể tạo nên dòng chảy. Tuy nhiên không thể chủ quan khi cho rằng cứ tùy hứng, không cần “lao động khổ sai” với văn chương, không cần tuân thủ theo quá khứ, không quan tâm đến tương lai, thậm chí vô trách nhiệm với hiện tại, vẫn có thể sinh ra được kiệt tác. Kiệt tác không được sinh ra ngẫu hứng như thế. Làm gì có loại thiên tài bất chợt, như kiểu thần thánh hiện lên ban bố cho loài người đôi ba kiệt tác văn chương, rồi sống kiếp sống hưởng thụ sự tôn vinh của mọi người.

Tài năng là sự trau dồi kỹ năng lao động, trau dồi nhân cách. Nhưng sự trau dồi này đến với mỗi tài năng, và diễn ra như thế nào thì tôi nghĩ, đó là sự may mắn của nền văn học nước nhà. Và hãy cứ tin, ngay cả những nhà văn thế hệ chúng tôi, cùng với các tác giả trẻ ngày nay, đều là những con người mang sứ mệnh nối dòng chảy văn học nước nhà chảy ra hòa cùng biển rộng.

Tác giả: Mỹ Hoa

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây