Tòa thánh Tây Ninh là nơi khai sáng của đạo Cao Đài, được khởi công xây dựng từ năm 1927, lấy tinh hoa kiến trúc của đạo Nho, Lão, Khổng. Đạo Cao Đài thờ một con mắt (mắt trái gọi là thiên nhãn) luôn nhìn thẳng rất nghiêm trang, với chủ ý dù ta đứng ở hướng nào, nếu nhìn thẳng vào mắt cũng thấy một đường thẳng rất ngay ngắn - như nhắn nhủ tâm ta luôn ngay thẳng.
Khuôn viên tòa thánh đầy những kỳ hoa dị thảo luôn tỏa mùi hương thoang thoảng. Trong chánh điện lúc nào cũng sực nức mùi trầm, quả càn khôn màu xanh với hàng ngàn vì tinh tú lấp lánh được đặt cao hơn những chiếc ngai sơn son thếp vàng là nơi "ngự đàn" của các vị giáo tông, hộ pháp khai đạo.
Hàng cột rồng to hơn một vòng tay người ôm uy nghi sừng sững, từng tấm gạch lót nền, từng ô cửa sổ hình chữ nhật mà song cửa là hình những cành sen đan xen trong hình thiên nhãn cùng những tia nắng tỏa ra bốn hướng, lúc nào cũng sạch bóng.
Tòa thánh Tây Ninh có 12 cửa, cửa chính chỉ mở lúc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Còn các cửa khác luôn luôn mở, chỉ đóng khoảng ba giờ hằng ngày, đó là từ 1g-4g sáng. Đạo Cao Đài cúng bốn thời mỗi ngày, mỗi thời 45 phút (không kể những thời đại, tiểu đàn) vào 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều và 12 giờ đêm (gọi là Mẹo, Ngọ, Dậu, Tý thời). Khuôn viên tòa thánh rộng, có bãi đậu xe miễn phí mà vẫn được trông nom cẩn thận. Những kỳ đại lễ như vía Đức Chí Tôn (Ngọc Hoàng Thượng đế) từ mồng 8 đến 16-1, vía Diêu Trì Kim Mẫu (Tây Vương Mẫu) từ 13 đến 16-8 âm lịch, khách thập phương đều không phải tốn chi phí vì tòa thánh có trai đường phụ trách việc ăn uống, có hội trường phục vụ việc nghỉ ngơi với mùng, chiếu rất đàng hoàng.
Sau khi viếng tòa thánh, các bạn lại lên xe đến núi Bà Đen cách đó 10km. Nhìn từ xa, núi Bà cứ như một chiếc bát úp tròn vành vạnh, nơi đây đã khai sinh truyền thuyết về người con gái trung trinh tiết liệt Lý Thị Thiên Hương. Bà đã được vua Gia Long phong là Thánh mẫu. Núi Bà có vùng Ma Thiên Lãnh rất đẹp, là một vùng thung lũng trong dãy núi Bà, núi Phụng, núi Heo. Ma Thiên Lãnh không những mang lại nguồn nguyên liệu đá xây dựng rất dồi dào (nay đã đình chỉ mọi công việc khai thác) mà còn là nơi du lịch và nghỉ dưỡng rất lý tưởng bởi độ cao gần 500m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, ngát mùi hương lá, hương hoa của những vườn mãng cầu, chuối bạt ngàn quanh chân núi. Nhưng khu du lịch và nghỉ dưỡng ấy còn đang xây dựng.
Sẽ thiếu sót nếu trong chuỗi du lịch này không nói đến hồ Dầu Tiếng. Đây là hồ nước lớn nhất Việt Nam, cung cấp nước tưới cho gần hết các tỉnh miền Đông Nam bộ. Bên bờ hồ có một khoảng đất gần 2ha, với những tàn cây nguyên sinh cùng những tảng đá to được những công nhân trong thời gian xây dựng lòng hồ khắc lên đấy thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh...
Người ta gọi đó là Đồi thơ. Đồi thơ quay mặt ra hồ để nhìn màu xanh của nước, của trời, để nghe sóng vỗ bờ suốt ngày đêm, quay lưng về phía núi (núi Cậu, Bình Dương) để được che chắn vững vàng. Nhưng đồi thơ nay hoang tàn lắm, nghe đâu Hội VHNT Tây Ninh đã có dự định xin Tỉnh ủy khu đất ấy để xây dựng một nhà sáng tác với tiêu chí tạo nơi nghỉ ngơi, sáng tác cho anh chị cầm bút.
Đến Tây Ninh một lần để cảm nhận thế nào là cái nắng vùng biên. Có rát da một chút nhưng sẽ rất nồng nàn bởi tình người, tình đất. Trên đường trở về, ghé lại Trảng Bàng ăn một tô bánh canh với hương vị rất riêng sẽ thấy bao mệt nhọc đều tiêu tan hết.
Tác giả: Đào Phạm Thùy Trang
Nguồn tin: Áo Trắng
Ý kiến bạn đọc