Phong cảnh nơi đây thật hữu tình với bờ biển dài, đá núi muôn hình, rừng xanh bao quanh tạo cho Tà Cú thêm uy nghiêm, hùng vĩ.
Nếu như khách hành hương thường lên núi bằng hệ thống cáp treo, chúng tôi quyết định leo bằng đường bộ. Có lẽ rất ít người theo con đường này nên cây cỏ bắt đầu vươn ra che khuất lối mòn.
Để lên đến đỉnh núi nằm trong khu rừng cấm, chúng tôi phải vượt qua 2.250m đường dốc cheo leo, khúc khuỷu với những bậc đá chông chênh. Đi hơn 200m chúng tôi bắt gặp những dòng suối nhỏ vắt ngang lối mòn. Dòng nước trong vắt len qua những hòn đá cuội rồi tuôn chảy xuống sườn núi tạo nên một hình ảnh kỳ thú giữa cánh rừng bạt ngàn. Một bạn vừa vốc nước vừa kêu lên: "Mát quá anh em ơi!".
Thế là cả bọn tranh thủ rửa mặt, xua đi những giọt mồ hôi vừa mới rịn ra. Chúng tôi thận trọng bước lên những hòn đá trơn trượt, tiến dần về phía trước. Dọc ngang lối đi, vô số những thân, rễ cây bò ngược xuôi, chốc chốc lại có một cành tre vươn ra ngăn lối làm ai đi qua cũng phải thận trọng để khỏi vướng vào gai.
Được hơn 1.000m đã bước vào đoạn dốc cao nhất. Ai trong chúng tôi cũng nhễ nhại mồ hôi, bước chân như có đeo chì nặng trịch, nhưng bù lại có thể ngắm nhìn những thân bằng lăng cổ thụ cao vút, nghe tiếng chim ríu rít hót vang như điệu nhạc và dường như dễ thở hơn bởi không khí lành lạnh. Nhờ cây rừng che ánh nắng cùng làn gió lâu lâu thổi tới mát rượi, bao mỏi mệt như tan biến. Cách đỉnh 1.250m, đường đi đã dễ dàng. Lúc này, ai cũng có thể chiêm ngưỡng trời xanh thoắt ẩn, thoắt hiện qua những tán rừng và thung lũng mờ ảo bởi màn sương bên dưới. Khung cảnh thật hùng vĩ và nên thơ của núi rừng.
Vượt qua hàng trăm bậc tam cấp cao vời vợi, chúng tôi đến chùa Núi. Đây là cụm di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật văn hóa. Hiện chùa đang trùng tu nên còn khá bề bộn. Những tượng tiên Phật cùng hoa văn trang trí làm toát lên vẻ trang trọng, linh thiêng.
Đặc biệt, trên đỉnh núi cao nhất có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn (Phật nằm) được đúc bằng bêtông, quét vôi trắng dài 49m, cao gần 10m, là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á. Tượng Phật toát lên vẻ an lạc trong một cấu trúc tôn nghiêm nhưng giản dị.
Sử cũ có ghi lại: tác phẩm do ông Trương Đình Ý chủ trì được tạo tác từ năm 1958 đến 1962 do công sức lao động của con người, không có máy móc hay cần trục, cùng với sự hỗ trợ của đông đảo Phật tử khắp các tỉnh miền Nam. Đó là công việc thầm lặng, không phô trương, chỉ có niềm tin vượt lên trên mọi trở ngại của núi rừng. Xung quanh pho tượng là rừng cây xào xạc
khiến khách hành hương cảm thấy trầm lắng và thanh thản. Cách pho tượng khoảng 50m về phía dưới là nhóm tượng Di Đà Tam tôn xếp thành hàng ngang, đứng trên đài sen: Tượng A Di Đà ở giữa, bên trái là tượng Quan Thế Âm, bên phải tượng Đại Thế Chí. Cả ba tượng cao 6,5-7m với nét mặt hiền hòa đang nhìn bao quát thế gian như sẵn sàng cứu nhân độ thế.
Trời đã quá trưa, chúng tôi quyết định trở xuống bằng đường cáp treo để có dịp ngắm núi Tà Cú từ trên cao. Ngồi trong cabin lướt trên những ngọn cây xanh ngát, đây đó một vài cành phượng vĩ đỏ tươi, ai cũng cảm thấy thật khoan khoái, dễ chịu.
Nhìn về phía bên trái, chúng tôi nhận ra ngọn hải đăng Kê Gà có hơn 100 tuổi vẫn cần mẫn hướng dẫn tàu thuyền đi lại trên biển ban đêm an toàn. Những cánh rừng, đồng lúa và vườn thanh long thẳng hàng, xanh rì, dưới xa là những làng xóm mái ngói đỏ tươi cứ dần hiện ra. Nhìn toàn cảnh khu du lịch, chúng tôi chợt phát hiện ý tưởng độc đáo của các nhà kiến trúc khi xây dựng nơi đây như một tác phẩm nghệ thuật mang hình đàn nhị và đàn guitar khổng lồ nối nhau bằng một chiếc cầu xinh xắn.
Những năm gần đây, núi Tà Cú còn là nơi tổ chức hội thi leo núi thu hút đông đảo thanh niên từ các tỉnh miền Đông tham gia. Cụm di tích thắng cảnh trên núi Tà Cú đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993. Với không khí mát lạnh, trong lành, hơi nước toát ra từ núi đá, Tà Cú đang là điểm đến hấp dẫn của khách thập phương.
Tác giả: Lê Quang Huy
Nguồn tin: Áo Trắng
Ý kiến bạn đọc