Kỳ bí Bopla

Thứ tư - 30/03/2011 03:08 3.390 0

Thác Bopla

Thác Bopla
Được mệnh danh là “tuyệt tác huyền bí” của cao nguyên Lâm Viên là thác Bopla, nằm cách thành phố Đà Lạt hơn 85km và cách thành phố Bảo Lộc gần 30km (theo hướng Đà Lạt đi TP.HCM).

Theo tiếng K’Ho, thác Bopla từ lúc sơ khai được gọi là Pố Pla, người dân bản xứ còn nôm na gọi là thác Ngà Voi. Thác Bopla thuộc địa phận xã Liên Đầm (Di Linh, Lâm Đồng), thác ẩn giữa một khu rừng tự nhiên, cách quốc lộ 20 chưa đầy 400m

Từ Pố Pla và huyền thoại Liang Dăm

K’Phinh, một trong những già làng còn lưu giữ trong trí nhớ nhiều chuyện xa xưa của xứ Di Linh, kể lại với chúng tôi rằng: “Lâu lắm rồi, không nhớ nữa, hồi đó Di Linh có tên là Liang Jrăk Mur, sinh sống trong làng chủ yếu là người dân tộc Srê. Bỗng nhiên trong một ngày mưa tầm tã, khi người dân  buôn Liang Jrăk Mur đang quây quần bên lò than thì có một đội quân người Chăm khoảng 300 người kéo đến đánh chiếm và cai trị buôn làng. Sau khi nắm quyền cai trị, họ bắt người dân bản xứ phải đóng thuế bằng những sản vật của núi rừng như da thú, sừng tê giác, hươu nai và đặc biệt là ngà voi...”.

Theo một số người già khác ở Di Linh, hồi đó những sản vật quý cống nạp cho người Chăm như ngà voi thì phải chọn cái to, sừng tê giác phải loại nhọn như mũi tên, da báo phải loại mịn và êm. Lúc đó, ngay cạnh một con thác hùng vĩ và đầy kỳ bí, tù trưởng của buôn Liang Jrăk Mur đã tìm được một cặp ngà voi cao quá đầu người, ngựa phi qua cũng không được, mặc dù rất thích nhưng vẫn phải cống nạp cho vua Chăm.

Vua Chăm thấy cặp ngà voi thích quá nên đặt cho nơi này là Pố Pla và dòng thác cũng mang tên là Pố Pla (tiếng Chăm nghĩa là ngà voi). Sau khi có được những sản vật quý, người Chăm còn bắt dân trong buôn phải hầu hạ họ. Đặc biệt, vua Chăm còn bắt một số sơn nữ trong buôn ra làm trò vui chơi nên dân làng rất căm tức. Giữa lúc đó, trong làng có một chàng thanh niên tên Liang Dăm, vóc người to khỏe, hình dạng khác thường, chạy nhanh như ngựa phi, bắn cung trăm cái trúng đích cả trăm. Quyết không phục quân Chăm, Liang Dăm nuôi chí đánh trả để cứu dân làng.

Và trong một lần quân Chăm tổ chức đàn áp buôn làng, cả làng đều sợ hãi, duy nhất chỉ có Liang Dăm là không khuất phục. Một tay cầm giáo, một tay bẻ cây châm dọc suối Bopla (loại cây thân dẹp như cây nứa) nhằm thẳng quân Chăm tiến đánh. Liang Dăm tiến đến đâu, quân giặc tan rã đến đó. Sau khi dẹp yên quân Chăm, Liang Dăm lặng lẽ đi về phía đông dòng thác Bopla rồi biến mất.

Từ đó để ghi nhớ công ơn anh, dân làng đã đặt tên buôn là Liang Dăm và sau này đã bị đọc chệch, phiên âm theo tiếng Kinh là Liên Đầm.  

Đến Bopla cuốn hút, hoang sơ

Nằm giữa một khu rừng còn giữ được nhiều nét hoang sơ chưa bị bàn tay con người can thiệp nhiều, ở độ cao mấy chục mét, Bopla đổ xuống như một dải lụa trắng trải giữa những thảm xanh. Khi chỉ còn cách thác chừng 50m đã nghe tiếng thác réo rắt như những bản nhạc trữ tình êm ái. Càng tiến lại gần càng cảm nhận được vẻ hoang sơ của nó. Như một kỳ tích lưu truyền, đồng bào các dân tộc bản địa sinh sống trên vùng đất này từ lâu xem thác Bopla là biểu tượng của sự bất khuất, là sức mạnh của cư dân miền sơn cước.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, một khách du lịch đến từ TP.HCM, thú nhận: anh đã bị chôn chân bên thác gần ngày trời chỉ để nghe âm thanh của thác cùng những tiếng chim rừng. Bao bọc lấy thác Bopla ngoài rừng tự nhiên còn có một quần thể thực vật rất phong phú, kèm theo đó là rất nhiều loại hoa rừng. Tất cả đẹp và cuốn hút như tranh vẽ.

Đến thăm Bopla không chỉ là chiêm ngưỡng sự tuyệt tác của dòng thác mà người ta còn có thể bổ sung kiến thức của mình về những loại cây cổ thụ trên trăm năm tuổi và tận tay chạm vào nó. Có người từng ví von nếu xem dòng thác là một dải lụa trắng khổng lồ thì những lớp trầm tích rong rêu và các loại rễ cây cổ thụ xõa xuống hai bên thác chính là những đường diềm tô điểm cho dải lụa quyến rũ hơn.                                                                                                                               

Sau khi ngước mắt ngắm độ cao của thác, du khách có thể hạ tầm nhìn của mình xuống phía chân thác. Dưới chân  thác là một cái hồ nhỏ do nước chảy lâu ngày tạo thành, cạnh hồ có những tảng đá lớn trông như những tấm phản. Qua sự bào mòn của thời gian và những kiến tạo của tự nhiên đã làm bề mặt những tảng đá bằng phẳng như một bàn cờ khổng lồ. Du khách có thể vừa ngồi nghỉ chân trên những tảng đá này vừa ngắm thác.

Vài năm trở lại đây, thác Bopla được quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp nên trong những tour du lịch từ TP.HCM lên Đà Lạt hoặc các tuyến du lịch khác, người ta đều xem Bopla là một điểm dừng chân lý tưởng.

Món ăn và quà lưu niệm khi đến Di Linh thăm Bopla

Đến thăm Bopla sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác, du khách có thể ra các quầy hàng bán hàng lưu niệm làm theo phong cách của người Srê, ngay ở cổng vào thác. Các đồ lưu niệm ở đây rất đa dạng từ túi thổ cẩm, nhẫn giả cổ, vòng ngọc... Mua sắm quà lưu niệm xong, du khách có thể ngược về thị trấn Di Linh thưởng thức món rau bép với nhiều kiểu chế biến như: gỏi, xào...

Đặc biệt, chiều tối và sáng mai ở thị trấn Di Linh có thể thưởng thức món bún bò do những người gốc Huế nấu. Ngoài ra, “bụi” một chút có thể thưởng thức món cháo lòng vỉa hè với nước cháo có màu thẫm của tiết heo ngon lành, vị ngọt do xương hầm, mà giá chỉ 10.000-12.000 đồng/tô.

Tác giả: Hà Văn Đạo

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây