Huyền thoại đồi Tức Dụp

Thứ tư - 20/04/2011 04:52 7.599 0

Đường vào các hang trên đồi Tức Dụp

Đường vào các hang trên đồi Tức Dụp
Một ngọn đồi chỉ cao khoảng 300m, nhưng với kết cấu đặc biệt của mình, Tức Dụp không chỉ chứa đựng những truyền thuyết thú vị mà còn là nơi ghi dấu những năm tháng kháng chiến hào hùng của người dân vùng Bảy Núi...

Từ truyền thuyết đến chứng nhân lịch sử

Tức Dụp thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, là một ngọn đồi của dãy núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn). Chuyện kể rằng thuở ban sơ của trời đất, các tiên nữ thường dừng chân trên đỉnh Cô Tô dạo chơi, tắm giặt hay đùa nghịch. Một hôm các nàng bày trò ném đá xuống chân núi. Những viên đá nhỏ rơi chồng chất lên nhau tạo thành ngọn đồi con.

Qua nhiều thế kỷ, người ta tìm đến vùng này khẩn hoang mở đất. Với cái nóng cháy da của mùa hạn, những người đi khai hoang thiếp đi vì thiếu nước, trong cơn mơ họ nghe tiếng róc rách của suối và khi tỉnh giấc cũng là lúc bình minh rực sáng bên kia ngọn đồi. Theo tiếng nước chảy, họ lần mò và tìm ra dòng nước mát giữa ngọn đồi khô hạn, vì thế họ gọi là đồi Tức Dụp, theo tiếng Khmer nghĩa là Nước Đêm.

Những năm 1960, ngọn đồi bé nhỏ ấy được đánh một dấu chấm đỏ quan trọng trên bản đồ quân sự của Mỹ - ngụy. Được cấu tạo từ hàng ngàn viên đá lớn nhỏ, Tức Dụp như một tổ ong vĩ đại với hàng trăm ngõ ngách vô cùng bí hiểm với kẻ địch. Ở bên trong, Tức Dụp trở thành nơi hội họp, ăn nghỉ, kho vũ khí, đạn dược, lương thực, trạm quân y...

Tức Dụp là cơ quan làm việc của hàng trăm chiến sĩ cách mạng Tỉnh ủy An Giang, huyện Tri Tôn; nơi tránh bom rơi, đạn nổ; nơi trú ngụ của những người vợ theo chồng, những người con theo cha đi đánh giặc và cũng là nơi mà những chiến sĩ cách mạng đã nằm lại mãi mãi trong lòng đất mẹ...

Bên ngoài, Tức Dụp là chiếc cầu quan trọng cõng các đơn vị từ miền Bắc vào Nam bằng hành lang biên giới đất bạn Campuchia vào miền Tây Nam bộ để làm nên những chiến thắng lẫy lừng. Và cũng chính nơi đây đã nuôi dưỡng những nhân tố quan trọng, nhất là đào tạo, bồi dưỡng biết bao cán bộ nòng cốt trong thời kỳ đấu tranh nóng bỏng, trong cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

128 ngày đêm huyền thoại của "ngọn đồi 2 triệu đôla"

Quyết tâm xóa bỏ cái chấm đỏ này trên bản đồ, năm 1968, Mỹ - ngụy dồn dân vào ấp chiến lược để chiếm địa thế tấn công Tức Dụp. Trung tướng Mỹ Ét-ca đã tuyên bố: "Chiếm tam giác sắt Củ Chi mà chưa chiếm được Thất Sơn, trong đó có căn cứ quan trọng của cộng sản là Tuk Chup (Tức Dụp) thì coi như người Mỹ chỉ mới đứng một chân, đối phương sẽ hất người Mỹ ra khỏi đất nước Việt Nam lúc nào không biết".

Thể hiện quyết tâm "nuốt gọn" ngọn đồi kiên cường này, Mỹ - ngụy huy động 18.000 quân vây đánh Tức Dụp gồm hai sư đoàn bộ binh, quân cơ động thuộc căn cứ Ba Xoài, và quân trường Chi Lăng, biệt kích dù, biệt kích Mỹ, hai tiểu đoàn quân Nam Hàn, một thiết đoàn M.113 (36 chiếc), một lữ đoàn pháo binh với sáu trận địa pháo 105 ly đến 155 ly, 12 khẩu đại bác đặt ở các vùng lân cận ngày đêm bắn phá vào Tức Dụp. Trên không là sự yểm trợ từ hàng trăm phi vụ ném bom của B57, F4 và pháo đài bay B52.

Trước sự công phá khủng khiếp của kẻ địch, Tức Dụp gồng mình đội pháo, chịu bom với hàng ngàn tấn thuốc nổ. 2.000m2 đất của ngọn đồi đầy dấu vết của bom đạn, trên đồi không còn lấy một sợi dây leo hay một màn rêu mỏng. Trong lòng ngọn núi khoảng 40 chiến sĩ cách mạng kiên trì bám trụ trong hang động một lòng đội pháo chịu bom, quyết trụ lấy địa bàn chiến đấu.

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt với vô số chiến thuật hiểm độc của kẻ thù. Chiến thuật cho lính biệt kích bám đá lòn hang khiến chúng phải trả giá rất đắt bởi đòn du kích của quân ta. Từng tên lính địch ngơ ngác bỏ mạng vì không thông thuộc địa hình, còn chiến sĩ ta thoắt ẩn thoắt hiện, tấn công chớp nhoáng.

Biệt kích dù cũng chịu chung số phận khi chiến sĩ ta lòn lách theo các vách đá và lòng hang, dùng lựu đạn tự chế và súng trường bắn hạ chúng. Run sợ, chúng chuyển sang dùng bom xăng, bom Napan thả vào từng hang động với ý đồ thiêu rụi căn cứ ta từ bên trong, nhưng Tức Dụp với hàng trăm ngõ ngách giúp chiến sĩ ta dễ dàng lẩn tránh... 128 ngày đêm chiến đấu gian khổ, giành giật từng hang động, cuối cùng kết thúc với việc Mỹ - ngụy thừa nhận thất bại, còn chiến sĩ trong hang rút quân an toàn ra khỏi trận địa theo chỉ đạo của Tỉnh ủy An Giang.

Cũng từ đó Tức Dụp còn có tên gọi "ngọn đồi 2 triệu đôla" hay "ngọn đồi hamburger". 2 triệu đôla là tổng số tiền mà Mỹ - ngụy đã bỏ ra hòng chiếm được đồi Tức Dụp nhưng chỉ chuốc lấy thất bại, còn cái tên "ngọn đồi hamburger" (đồi thịt băm) là tên mà lính Mỹ đặt cho ngọn đồi này trong khiếp sợ khi chúng lần lượt chứng kiến từng tên trong đội ngũ ngã xuống...

Trở thành khu du lịch

Hòa bình, Tức Dụp phủ lại trên mình màu xanh của thiên nhiên, chứng kiến người dân Bảy Núi an cư lạc nghiệp. Ngày nay, du khách đến với Tức Dụp trên con đường lát đá phẳng đẹp, những chiếc cầu men theo vách đồi giúp mọi người dễ dàng đến cửa hang chính.

Xung quanh Tức Dụp du khách có thể tham quan bảo tàng, nơi lưu giữ những dấu tích của cuộc chiến hào hùng, xem những động vật quý hiếm hay thử làm chiến sĩ với khu tập bắn đạn thật.

Đến với Tức Dụp, bạn nhớ ăn mặc gọn nhẹ, đi giày thể thao, nhớ mang theo đèn pin để có thể khám phá nhiều cơ quan cách mạng ẩn mình trong lòng ngọn đồi. Với chút phiêu lưu, bạn có thể tự khám phá hàng chục lối đi riêng, vượt qua nhiều mỏm đá. Bạn sẽ tự thưởng cho mình cái thú len lỏi, tìm tòi và sau cùng đứng trên những tảng đá sừng sững như một viên tướng chỉ huy trận mạc đang quan sát toàn cảnh xung quanh.

Chinh phục những mỏm đá, chứng kiến những dấu vết bom đạn để lại trên từng tảng đá, xem những cờ hiệu - minh chứng cuộc chiến giành giật từng cửa hang, du khách như có thể cảm nhận được hơi thở nóng bỏng cuộc chiến năm xưa, qua đó thêm yêu mến quê hương kiên cường của mình.  

Tác giả: Mai Bửu Hoàng Hưng

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây