Thạch Động là ngọn núi đá vôi dựng đứng có đường kính chân chừng 45m và cao 93m so với mặt nước biển. Từ dưới nhìn lên vách núi có nhiều thạch nhũ hình thù kỳ quái, trong đó có một thạch nhũ giống như bầu vú nước nhỏ giọt quanh năm như dòng sữa mẹ, người dân nơi đây gọi là bầu vú mẹ.
Bên trong động có chùa Tiên Sơn được làm bằng gỗ từ năm 1790 bởi dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 41, mái chùa cũng bằng những tấm gỗ ghép lại với nhau rất chắc chắn. Vào năm 2003 chánh điện được sửa lại, nền được lát đá hoa cương.
Phía nóc chánh điện có Đại Hồng Chung (chuông) đá tròn vành vạnh, đường kính chừng 4m. Vách chuông có hình cây dùi và nhiều khứa dọc tự nhiên tạo nên đường xoắn ốc, chính nhờ đường xoắn ốc này tiếng chuông sẽ cộng hưởng và ngân lên tận trời. "Lên Thạch Động nghe chuông ngân chùa vắng", nhạc sĩ Lê Vinh từng viết như thế năm 1966.
Hình đầu con đại bàng bắt công chúa -Ảnh: T.Q.A. |
Động có đường thông thiên, ánh sáng chiếu vào Thạch Động lung linh huyền ảo, có đường thông âm phủ nhưng đã bị lấp và tráng ximăng bằng phẳng. Hiện chỉ còn một đường thông biển sâu chừng 3km mà cửa nhỏ chỉ vừa lọt thân người. Du khách muốn đi đường này phải mang theo đèn pin, dây thừng và thúng để khi ra đến biển mới có thể sống sót được.
Thăm Thạch Động, du khách không chỉ ngắm nhìn cảnh đẹp mà còn được nghe truyền thuyết về Thạch Sanh - Lý Thông. Du khách men theo lối bậc thang nhỏ lên tầng trên nhìn ra bên ngoài hang động, thạch nhũ có hình đầu con đại bàng khổng lồ đang quặp một cô gái, theo truyền thuyết cô gái ấy là công chúa, Thạch Động là nơi đại bàng giam giữ công chúa.
Đường thông thiên kia là nơi Thạch Sanh xuống động cứu công chúa, mới đây thôi còn có một dây rừng lớn thòng xuống bây giờ đã bị đứt, tương truyền đây là sợi dây mà ngày xưa Thạch Sanh dùng leo xuống hang động đưa công chúa lên.
Đứng dưới chân đường thông thiên nhìn vào vách đá có những dấu như vết chân chim, là nơi Thạch Sanh đánh nhau với chằn tinh, có hình Thạch Sanh tay cầm búa, trên vai vác công chúa để đưa công chúa lên khỏi hang động. Sau khi công chúa bám dây lên khỏi hang, Lý Thông sai người lấp hang, đường xuống âm phủ bị lấp là vậy. Không có đường lên, Thạch Sanh lang thang trong hang động rồi cứu được con vua Thủy Tề, sau đó thái tử mời Thạch Sanh xuống thủy cung theo đường thông biển...
Du khách ra cửa hang động phía sau chánh điện Tiên Sơn, đứng trên vách đá cao cheo leo hóng gió từ biển thổi vào lồng lộng, sẽ nhìn thấy những cánh đồng lúa xã Mỹ Đức xanh ngắt như những ô chữ, những ngôi chùa Khmer mái ngói nhọn đỏ rực, bãi biển Mũi Nai và những hòn đảo ở vịnh Thái Lan tuyệt đẹp...
Tác giả: Trương Anh Quốc
Nguồn tin: Áo Trắng
Ý kiến bạn đọc